Home Chuyên Đề TBQ Khác Chuyện Bên Lề 【CHUYÊN ĐỀ TBQ】[IPM] – Ông Hoàng Tắc Trách

【CHUYÊN ĐỀ TBQ】[IPM] – Ông Hoàng Tắc Trách

Trước tiên, xin lưu ý rằng người viết bị mắc GPS (Grammar Pedantry Syndrome – Hội chứng quá để tâm đến lỗi ngữ pháp) nên bài viết này khá là toxic. Những bạn nào chấp nhận được điều đó thì xin mời đọc tiếp, để tránh trường hợp đọc xong bài lại chỉ trích người viết là kỹ tính, dở hơi.


Mảng văn học Light Novel đã và đang phát triển nhanh chóng trên thị trường sách Việt Nam. Tôi sẽ không đào sâu về quá khứ để xem xét nhưng, với cá nhân tôi, IPM chính là ông hoàng, là nhà tiên phong trong việc đưa thể loại Light Novel về với bạn đọc Việt. Đơn giản thôi, bộ Light Novel bản quyền đầu tiên mà tôi cầm trên tay chính là [Suzumiya Haruhi] của IPM.

Tuyệt vời!

(Nguồn: Internet)

Bộ truyện được làm theo khổ bunko gọn nhẹ, bìa rời đẹp đẽ, dịch tốt. Thực sự mà nói thì series [Suzumiya Haruhi] (hiện giờ có thể xem là hàng hiếm) là bộ mà tôi ưng ý nhất (về mọi mặt) trên tủ sách của mình.

Năm 2015, IPM nổi bần bật nhờ việc xuất bản [Sword Art Online], bộ Light Novel cực kỳ nổi tiếng trong cộng đồng fan. Trước đó, bản anime thành công cộng thêm bản dịch trên mạng đã góp phần xây dựng SAO fandom thành một trong những fandom lớn nhất tại Việt Nam. Nhờ đó, [Sword Art Online] của IPM bán chạy như tôm tươi.

© IPM phát hành

Nối tiếp là một loạt series nổi tiếng như [Lũ Ngốc, Bài Thi Và Linh Thú Triệu Hồi], [Cấm Thư Ma Thuật Index], [Re:Zero – Bắt Đầu Lại Ở Thế Giới Khác], truyện của SHINKAI Makoto… và gần đây nhất là [Death Note] (Manga + Light Novel). Danh hiệu Ông hoàng quả không thể dành cho ai ngoài IPM.

Nhưng giờ, ông hoàng ấy đã xuống dốc đầy đau đớn!

Xin nói thẳng, theo cảm nhận của tôi, quảng bá chưa bao giờ là thế mạnh của IPM. Hồi mới ra [Sword Art Online], IPM hầu như chỉ giới thiệu rằng bản Anime của bộ này rất nổi tại Nhật, bla bla… chứ không mấy đả động gì đến việc truyền tải nội dung truyện, các nhân vật trong truyện… Nói cách khác, dường như đơn vị này chỉ dựa hơi Anime để bán truyện. Ta có thể thấy rõ điều đó qua sự giãy chết của [Cấm Thư Ma Thuật Index].

© IPM phát hành

Mấy mùa đầu của bản Anime [Cấm Thư Ma Thuật Index] khá nổi, tôi đoán đó là lý do IPM mua bản quyền bộ này. Nhưng chẳng được may mắn như [Sword Art Online], art hồi đầu của [Cấm Thư Ma Thuật Index] không bắt mắt cho lắm, cộng thêm phần nội dung hơi lan man (phải mấy tập về sau [Cấm Thư Ma Thuật Index] mới bắt đầu vào guồng cuốn hút) nên tác phẩm chỉ có thể nằm thoi thóp. Việc truyện được giảm giá mạnh trên các trang bán hàng online (Fahasa, Tiki…) là điều khiến fan cực kỳ hào hứng, nhưng đến mức như [Cấm Thư Ma Thuật Index], luôn tồn kho, giá rẻ bèo như cho cũng chả ai thèm ngó, thì fan của bộ này chỉ còn biết khóc ròng mà thôi.

Dù doanh số bán ra của [Cấm Thư Ma Thuật Index] thấp đến thảm hại, IPM cũng chả bận tâm. Họ không đăng những bài giới thiệu về bộ truyện để thu hút người đọc (à hình như có bài giới thiệu về tác giả Kamachi), không tặng phụ kiện để lôi kéo người mua (cá nhân tôi không xem mấy cái bookmark hình nhân vật đó là phụ kiện), cứ để vậy cho [Cấm Thư Ma Thuật Index] sống dở chết dở. Và càng không được như [Sword Art Online], có fandom hùng hậu, góp ý thẳng tay cho IPM khi thấy bản dịch không hợp. Ví dụ bản dịch Bông hồng xanh không được fan ủng hộ, sau đã sửa về tên gốc Aobara.

Index fandom Việt chỉ đang trong đà phát triển, không có chút tiếng nói nào.

Quả thực trong những đứa con của IPM, [Cấm Thư Ma Thuật Index] là “con ghẻ” nhất. [Lũ Ngốc, Bài Thi Và Linh Thú Triệu Hồi] [Re:Zero – Bắt Đầu Lại Ở Thế Giới Khác] tuy cũng không được quảng bá rầm rộ nhưng doanh số bán ra vẫn ở mức khả quan. Gần đây [Sword Art Online] [Re:Zero – Bắt Đầu Lại Ở Thế Giới Khác] còn được nhà I tổ chức nhiều event, tặng quà các kiểu, chứ [Cấm Thư Ma Thuật Index] thì *3 chấm*

Đau đớn thay, đâu chỉ các độc giả nói chung, ngay đến chính fan ruột của Index còn chả thèm mua sách ấy chứ. Các bạn nghĩ là do đâu?


Hãy cho tôi biết, cho tôi biết, bạn nghĩ thế nào về vấn đề sai chính tả?

Như đã nói lúc đầu, tôi bị mắc GPS. Vậy nên trước khi đi tiếp chuyện vừa rồi, tôi xin lan man một chút quan điểm của bản thân về vấn đề sai chính tả.

Việc viết sai chính tả đa số chỉ là sai một con dấu, vài chữ cái thôi, chẳng hạn dấu hỏi hay ngã, x hay s, tr hay ch… Có gì ghê gớm đâu khi mà ai đọc rồi khắc cũng sẽ hiểu…!? Với lại ngôn ngữ “hiện đại” bây giờ là theo “chủ nghĩa tối giản”, đã “văn minh” thì không cần rườm rà, văn hoa bóng bẩy, như trên mạng xã hội hay smartphone. Viết sao cũng được, thậm chí cứ như những mật mã mà chỉ trong nhóm hiểu thôi là được rồi. Suy nghĩ này có nảy ra trong đầu các bạn không?

Tôi thắc mắc rằng, thời nay có điều kiện học tập hơn, lại được 5 năm mài đũng quần trên ghế tiểu học để rèn chính tả, nhưng tại sao vẫn viết sai chính tả, ngày càng nhiều?

Vì cái này vì cái kia, nhưng chính yếu nhất có thể là do thế hệ sau này ít đọc hơn thế hệ trước. Việc viết sai chính tả chính là một dấu hiệu không thể chối cãi cho việc ít đọc, ít viết. Ai từng là người đọc sách nhiều hẳn những con chữ sẽ nhập tâm vào người, chỉ cần có một chữ sai chính tả thì hẳn đã thấy ngờ ngợ, có gì đó sai sai, cực kỳ khó chịu như hóc xương cá trong bát cháo gà vậy. Con người ngày nay đã đọc ít lại còn viết ít. Đa số không viết tay nữa mà dùng máy tính, còn có phần mềm sửa lỗi chính tả hỗ trợ.

Có ai đã từng thắc mắc là vì sao các chương trình giáo dục đều bắt trẻ em phải học chính tả trong suốt 5 năm trời và nhiều hơn thế nữa không? Vì sao mà các thế hệ trước cứ ra sức kêu gào là “Hãy giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”?

Đơn giản vì ngôn ngữ không đơn thuần là mật mã cốt chỉ để truyền thông, mà còn là văn hoá, niềm tự hào của cả một dân tộc. Thời đại nào, chính tả vẫn là một trong những thước đo trình độ, nhận thức của người viết ra nó. Không nhà tuyển dụng nào lại đi chấp nhận nhân viên mới viết đơn xin việc nhiều sai sót. Nội dung viết sai, viết thiếu còn có thể châm chước, nhưng nếu sai nhiều lỗi chính tả thì đã nói đủ về con người bạn: thiếu cẩn trọng, thiếu chuẩn xác và nền tảng có vấn đề. (tôi có tham khảo cách hành văn từ nhiều nguồn)

Sách từ xưa đến nay luôn là thứ truyền tải tri thức, không mảng này thì mảng kia. Vậy thử hỏi chúng sẽ truyền tải được cái gì khi mà nội dung bên trong (chữ cái) sai lên sai xuống. Vậy thôi chắc độc giả còn luận được, chứ nếu cả dịch sai nữa thì xin phép, đây đúng là lý do hoàn hảo để tôi học tiếng nước ngoài rồi.


Giờ quay lại câu chuyện của nhà IPM. Mời các bạn đọc [Sword Art Online] tập 12 là hiểu. Khắp cuốn truyện chỉ toàn những lỗi thiếu, thừa chữ, sai chính tả, thậm chí lỗi dịch.

© Người chụp: Katsuki

Các bạn để ý chút sẽ nhận ra ở đoạn này Kirito mới là người thọc tay vào túi, và Eugeo bắt lấy cái bánh. Nhân tiện, Nhã Nam cũng mắc lỗi tương tự trong [Kẻ Dị Biệt Tại Trường Học Phép Thuật] Tập 6 trang 119 (“Kei sẽ bảo vệ cho em” mà thực chất phải là “Em sẽ bảo vệ cho Kei”) nhưng tôi xin phép không kể ra ở đây. Thêm nữa, theo những kiến thức tôi thường đọc, nữ tu được gọi là sơ chứ không phải xơ. Mời các bạn tìm hiểu qua bài viết này.

Xin đừng nói chúng chỉ là lỗi nhỏ nhặt. Thử tưởng tượng người khác viết sai chính tả cái tên mà bố mẹ đặt cho bạn xem, ồ nhỏ thật đấy nhỉ!? Nhưng có vẻ nhà IPM lại nghĩ như vậy.

Bị delay cả tỉ năm (vụ này thậm chí còn trở thành meme bên fanpage Toaru), chúng tôi những tưởng chất lượng cuốn truyện qua quãng thời gian dằng dặc (như chờ tin nhắn của gấu) ấy là khỏi phải chê trách. Nhưng không! Đập ngay vào mặt độc giả là cái tiêu đề chương 1 của [Cấm Thư Ma Thuật Index] Tập 3 “Image Breaker” (tiêu đề đúng là Imagine Breaker). Chưa dừng ở đó, bản dịch của Tập 3 chán (thực ra 2 tập đầu dịch cũng chán vậy thôi) đến mức Thần Bài, một trong những người có công rất lớn trong việc xây dựng Toaru VN fandom, phải lên tiếng qua bài review tập 3.

Theo tôi tìm hiểu được, các công đoạn trước khi đem truyện đi in gồm có: dịch giả gửi bản dịch cho ban biên tập, ban biên tập soát lại bản dịch rồi gửi cho nhà xuất bản, nhà xuất bản soát tiếp rồi in hoặc gửi feedback lại cho phía biên tập để soát lại (tôi chỉ tóm lược những công đoạn liên quan đến dịch truyện). Các bạn hiểu rồi chứ, truyện sau khi được dịch xong sẽ trải qua ít nhất 2 lần soát lại trước khi mang in. Thế nên tôi chẳng rõ tại sao truyện vẫn còn một biển lỗi, đến mức những độc giả như tôi mới lướt qua đã phát hiện ra, mà phía bản quyền sách thì không.

Nếu chất lượng dịch như vậy, tôi cầu trời nhà IPM đừng xuất bản Series [Monogatari] và [Overlord]. Chỉ tổ thất vọng. À đấy, nói mới nhớ, IPM công bố bản quyền [Monogatari] tít từ 2017, nhưng đến nay vẫn chả có dù chỉ một chút tin tức. Nếu mua bản quyền xong giữ rịt vậy thì mua làm gì chứ. Thà thả ra cho nhà khác thầu còn hơn. Nhã Nam vừa công bố bản quyền người anh em của [Monogatari] là [Zaregoto] mà đã xuất bản Tập 1 luôn rồi đấy. Nếu xuất bản muộn hay không được xuất bản nữa cũng mong họ báo một tiếng, chứ cứ nín thin thít thế thì độc giả chúng tôi phát nản.

>>> 【CHUYÊN ĐỀ TBQ】”Những kẻ chết chìm” (Phần 1) – Danh sách Light Novel đã mua bản quyền nhưng chưa phát hành

Chuyện thống nhất cách xưng hô giữa các nhân vật!

Tiện nói đến việc dịch truyện, đề nghị IPM nói riêng cùng các nhà nói chung để ý giúp một chút, vấn đề thống nhất cách xưng hô giữa các nhân vật. Gì mà vừa tập trước “anh Subaru” sang tập sau còn mỗi “Subaru”, rồi thì yandere là kiểu người yếu đuối, nhút nhát (???) – [Re:Zero – Bắt Đầu Lại Ở Thế Giới Khác] Tập 5 trang 70.

Và tôi đặc biệt khó chịu bản dịch của [Chuyện Tình Thanh Xuân Bi Hài Của Tôi Quả Nhiên Là Sai Lầm]. Trong truyện này, mối quan hệ giữa các nhân vật là thứ chính yếu, vì thế cách họ xưng hô với nhau cũng rất quan trọng. Hachiman và Yukinoshita được Hikari cho xưng “tôi – cậu” là rất hợp, nhưng đôi khi lại chuyển thành “tớ – cậu” (quan hệ giữa 2 nhân vật này chắc chắn chưa thân thiết đến mức có thể xưng “tớ – cậu”); rồi còn Hikkikomoru(???) – [Chuyện Tình Thanh Xuân Bi Hài Của Tôi Quả Nhiên Là Sai Lầm] Tập 7.5 trang 136, cà phê au lait (cái thể loại nửa ta nửa tây này là sao), vân vân và vân vân… Tôi thấy mình bị quay như chong chóng vì kiểu dịch ẩu tả này. Chúng tôi bỏ tiền ra mua, thì đáng lẽ phải nhận được cuốn sách có giá trị tương xứng với đồng tiền của mình chứ!

Ai quen tiếng Nhật hẳn đều biết, hệ thống xưng hô của người Nhật rất đa dạng, phong phú và hơn hết, cách xưng hô của họ cũng giống ta, thể hiện thái độ của người này đối với người khác. Thế nên tôi đặc biệt thích bản dịch [Kem Đá] của Nhã Nam trong việc giữ nguyên cách xưng hô của Ibara (Chi-chan, Fuku-chan), nhưng sang đến [Kẻ Dị Biệt Tại Trường Học Phép Thuật] thì chịu thua. Trong [Kẻ Dị Biệt Tại Trường Học Phép Thuật] bản gốc Nhật, Miyuki gọi Tatsuya là Onii-sama, tức là anh trai với thái độ yêu quý, kính trọng. Thế rồi *bùm*, Nhã Nam dịch thẳng thừng ra là “Anh hai”, mất sạch thái độ của nhân vật qua việc xưng hô. Hơn nữa, chỉ người miền Trung và miền Nam mới gọi con trai đầu là anh hai chứ người miền Bắc đâu có. Nói vậy không phải tôi phân biệt vùng miền, mà đó là sự thật hiển nhiên. Thế nên cách dịch “Anh hai” vừa không phù hợp với thái độ nhân vật vừa không thích hợp với độc giả cả nước.

Uranix đã làm được điều này trong [Kỵ Sĩ Rồng Bất Bại], cơ mà nếu tiến độ của họ khả quan hơn là tốt rồi. IPM thì… thôi, như Thần Bài đã nói trong bài review trên, cách dịch Onee-sama thành “chị” của họ vừa không hợp vừa khiến vài chi tiết khác trở nên khó hiểu.

Tuy biết rằng các nhà muốn dịch sao cho thân quen với độc giả Việt nhưng có nhiều thứ chúng ta không tương đồng với Nhật Bản. Cá nhân tôi vẫn mong các đơn vị bản quyền giữ nguyên cách xưng hô trong Light Novel gốc, nếu cần thì có thể thêm giải thích xuống dưới, chả sao cả. Chúng ta dịch truyện Nhật thì nên dịch theo văn phong Nhật chứ không nên chuyển ngữ hoàn toàn về tiếng Việt.


Đơn vị nào làm tốt nhất!?

Cuối cùng, theo chủ đề bài viết này là vấn đề dịch truyện, tôi xin đưa ra bảng xếp hạng “dịch tốt” của cá nhân tôi. (Lưu ý là của riêng tôi thôi, không các bạn lại phản đối)

1. SkyNovel

Tuy không được nổi như các ông lớn khác trong làng Light Novel nhưng mảng dịch thuật của Sky, theo tôi, lại tốt hơn hết thảy.

2. Tsuki LightNovel và Sakura Light Novel

Tsuki dịch thuật ổn nhưng không có hồn. Ví như [Hẹn Ước Mùa Hè] và [Thần Chết Làm Thêm 300 Yên/Gi] tuy là hai bộ rất đậm cảm xúc, nhưng đọc bản dịch của Tsuki, tôi lại không thấy rung động mấy.

Sakura sở hữu nhiều loạt truyện thành công, đặc biệt là [Cuộc Chiến Siêu Nhiên Giữa Đời Thường]. Nhưng trong Tập 10 của bộ này có rất nhiều từ “lẽ” ở những vị trí không phù hợp. Theo lời họ giải thích thì đó là do lỗi biên tập, trong lúc in đã bất cẩn thay thế toàn bộ “nhé” thành “lẽ”, và không soát lại bản dịch lần cuối. Tôi không rõ lời giải thích này có hợp lý hay không vì bạn nào dùng nhiều cũng biết, muốn replace all cần qua nhiều bước (nhập từ cần thay thế, nhập từ mới, chọn rồi xác nhận) nên việc bất cẩn nghe khá vô lý.

3. Nhã Nam và Uranix

Nhã Nam đôi chỗ có lỗi sai về dịch thuật (chính xác là bộ [Kẻ Dị Biệt Tại Trường Học Phép Thuật]) cộng thêm cách xưng hô như tôi vừa nói ở trên.

Uranix giữ được văn phong Nhật, những đoạn chiến đấu trong [Khúc Nguyền Ca Của Thánh Kiếm Sĩ] được dịch khá cuốn hút, cơ mà cứ “anh trai”, “đàn chị Momo”, “đàn anh Tatsuki” nghe gượng quá.

4. Hikari LightNovel

Ngoài lý do đã nói trên thì tôi thấy cách dịch “Anh hai Koremitsu” đọc khá sượng.

5. IPM và Amak

IPM đã giải thích phía trên.

Amak khá mạo hiểm khi toàn mua bản quyền mấy bộ nặng đô, để rồi bị Thuần Phong Mỹ Tục (hay ban kiểm duyệt) cắn xén mất, chả biết nên khen hay chê nữa. Tập 1 của [Đến Thế Giới Mới Với Smartphone] dịch khá chán, y như google dịch vậy, [World Teacher] mới ra đầy những lỗi (tôi vẫn thắc mắc tại sao trong minh hoạ, tóc Erina màu xanh mà truyện lại tả màu trắng). Chẳng rõ bây giờ thế nào vì tôi bỏ mấy bộ đó rồi. [Date A Live] thì… lúc Shido, lúc lại Shidou loạn cào cào.


KẾT

Tôi xin phép không đưa Owlbooks (vì quá chìm) và Wings Books – Kim Đồng (vì chưa đọc bộ Light Novel nào của nhà này) vào bảng xếp hạng. Sắp tới nếu đọc Liệu có sai lầm…, dài dòng quá, rút gọn thành Đôn (don’t) Sai Lầm đi, chắc tôi sẽ nhận xét được.

Mong rằng bài viết sẽ không gây khó chịu và giúp bạn có thêm góc nhìn khác về các đơn vị bản quyền.

[Người viết: Katsuki]

error: Chú ý: Vui lòng không sao chép!!