Home Chuyên Đề TBQ 【CHUYÊN ĐỀ TBQ】Một thập niên của Cộng đồng M-A-L (Phần 1): Tam Đại Manga – kẻ còn, người mất!

【CHUYÊN ĐỀ TBQ】Một thập niên của Cộng đồng M-A-L (Phần 1): Tam Đại Manga – kẻ còn, người mất!

1,200 views

10 năm không phải là một con số quá dài nhưng cũng không hề ít với một thị trường – một cộng đồng biến động như Giới M-A-L.

Suốt thời gian qua, Cộng đồng chúng ta đã trải qua không ít niềm vui, nỗi buồn. Có điều chúng ta đã làm được, có chuyện vẫn còn dang dở. 


Để bắt đầu cho chuyên đề lần này của mình, tôi đã chọn các đơn vị phát hành Manga, những đại diện tiêu biểu nhất cho sự thay đổi suốt 10 năm qua của Cộng đồng M-A-L Việt.

Phần 1: TAM ĐẠI MANGA – KẺ MẤT, NGƯỜI CÒN

Khi nhắc về những đơn vị làm truyện tranh / Manga, người ta dễ dàng nghĩ đến NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, IPM. Thế nhưng, trước khi trở thành những cái tên lão làng như hiện tại, các đơn vị đó cũng từng trải qua biết bao sóng gió và cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Qua mỗi thời kì, “Tam Đại Manga” – 3 chân trụ lớn trong ngành liên tục thay đổi mà nếu không từng kinh qua 10 năm đó, độc giả khó mà biết đến được, bởi giờ đây, có nhà vẫn trụ vững, có nhà đã mãi mãi là dĩ vãng.

Tại thời điểm năm 2010, sau một thời gian “chơi trội” của mình, TVM Comics đã vướng vào vài sự kiện và phải im hơi lặng tiếng thì thị trường truyện tranh chào đón một thành viên “mới” là Vàng Anh Comics.

Với hậu phương vững chắc đến từ những người tham gia các lễ hội festival trước 2010 cùng một quá khứ xuất bản nhiều đầu sách trên thị trường, Công Ty Vàng Anh đã quyết định “tẩy sạch bản thân” bằng Vàng Anh Comics, một thương hiệu làm truyện tranh có bản quyền và điều đó giúp đơn vị này nhanh chóng lọt vào “Tam Đại Manga” để lấp chỗ trống mà TVM Comics để lại.

Ở thời điểm 2010, khi nhắc đến “Tam Đại Manga” người ta sẽ nghĩ ngay đến NXB Kim Đồng – chuyên dòng truyện thiếu nhi, NXB Trẻ – chuyên dòng truyện tình cảm shojo và Vàng Anh Comcis – chuyên dòng manhwa (đồng thời vẫn làm không bản quyền vô số đầu truyện).


Tuy nhiên, TVM Comics đã nhanh chóng quay lại với “Tam Đại Manga” chỉ bằng một cú hit với [Giả Kim Thuật Sư] phiên bản bìa rời, giấy xốp.

(C) TVM Comics

Chỉ một tựa truyện đã có thể lấy lại danh tiếng và trở thành một trong ba đơn vị phát hành nổi nhất trên thị trường, liệu có thể? Vâng! Đó là điều mà TVM Comics đã làm được (và tôi tin là khó nhà nào làm được cho tới giờ!).

Với màn trở lại đầy ấn tượng, từ năm 2012 đến tận khi đơn vị phát hành này nói lời chào với độc giả vào cuối 2018, TVM Comics đã trụ vững tại “Tam Đại Manga” như một chân trụ không thể thay thế. Nhắc đến chân trụ này, ta có thể nhớ tới những bước tiến như “Bìa rời, giấy xốp”, “Manga phát hành cùng thời điểm toàn thế giới” và đặc biệt là những Event vô cùng gần gũi với các bạn độc giả như “đóng mộc” cỏ 4 lá cho độc giả mua [Yotsuba&!], những buổi offline ấm cúng,…


Quay trở lại với 2 chân trụ còn lại suốt từ 2010 – 2019 là NXB Kim Đồng và NXB Trẻ. Dù luôn cùng được gọi tên trong “Tam Đại Manga” nhưng qua thời gian, NXB Trẻ đang bị chững lại và bị NXB Kim Đồng bỏ khá xa.

NXB Trẻ có vô số lần “hụt chân” và lung lay địa vị của mình. Sau sự thành công của TVM Comics và sự thay đổi quan niệm của NXB Kim Đồng đối với bìa rời, NXB Trẻ cũng lần đầu ra mắt tác phẩm có bìa rời của mình là [Oh! My Family] và [Kaze Hikaru] nhưng không mấy thành công. [Kaze Hikaru] còn nhanh chóng bị tẩy chay khi chất lượng không đồng đều giữa các tập và đỉnh điểm là tập 11 mỏng hơn hẳn 10 tập trước đó. Đây cũng là dấu hiệu mở ra thời kì đen tối nhất với NXB Trẻ.

Bên cạnh việc chất lượng in ấn tệ, thiết kế bìa của NXB này cũng bị lên án một thời gian dài. Và đỉnh điểm câu chuyện là khi admin của NXB Trẻ phớt lờ những ý kiến đóng góp của người hâm mộ và thực thi chính sách “không thấy-không có lỗi” để xóa hoặc ban những độc giả góp ý tại Fanpage. Không thể giải quyết sự việc êm đềm với NXB Trẻ, fan Việt đã làm một điều chưa từng có tiền lệ trước đây – Gửi thư cho chính NXB Nhật (Shogakukan) để lên tiếng về chất lượng truyện. 

NXB Trẻ sau khủng hoảng đã cố gắng trở lại với loạt Event để níu chân người hâm mộ như Event Fanart các bộ truyện, Event Thiết kế bìa, Event sáng tạo linh vật (Mascot),… nhưng sóng cũ chưa qua, sóng mới tới, Trẻ một lần nữa khiến độc giả mất niềm tin khi bỏ ngang việc phát hành bộ truyện [Hỏa Phụng Liêu Nguyên] dù trước đó từng hứa hẹn rất nhiều.

Sau gần 2 năm đen tối nhất 2013 – 2014, đến giữa năm 2015, NXB Trẻ mới có thể vực dậy khi chính thức đưa bản quyền tác phẩm [Thám Tử Kindaichi] về Việt Nam. Chính nhờ tác phẩm này cùng dàn truyện có bìa được thiết kế long lanh, NXB Trẻ đã thực sự ghi điểm lại với độc giả.

Ở thời điểm 2019, NXB Trẻ sau nhiều năm vật lộn đã tìm ra được hướng đi riêng cho mình, tập trung vào dòng Seinen / Josei (Nam/Nữ trưởng thành) với nhiều tựa truyện mà đúng như lời độc giả nói, “chỉ có NXB Trẻ mới có thể phát hành, chỉ có NXB trẻ mới dám giữ nguyên hình ảnh”. Hi vọng những sóng to gió lớn mà đơn vị này đã trải qua suốt một thập kỉ, 2020 sẽ là thời điểm mà chân trụ này có thể hưởng trái ngọt.


Chân trụ lớn mạnh nhất trong “Tam Đại Manga” không ai khác chính là NXB Kim Đồng. Nếu nói rằng NXB Kim Đồng ngay từ đầu đã lớn mạnh thì hẳn là không đúng, vì trong những năm đầu thập kỉ, đơn vị này cũng từng khá chật vật trong việc đổi mới.

Nếu TVM Comics là cái tên đi đầu trong vấn đề đổi mới truyện tranh với bìa rời, thì Kim Đồng lại chung thủy với bìa gập (đến mức mà giờ đa phần truyện của NXB này vẫn dùng bìa gập). Vì vậy, việc chuyển mình của Kim, tôi ví như cá chép lội ngược dòng, cá muốn tiến lên, dòng nước lại chảy ngược, khó khăn nhưng chảng mấy người hiểu.

An nhàn với những lời có cánh khen tặng từ fan (tin tôi đi, hiếm có ai chê truyện Kim cho được vì vừa rẻ vừa đẹp), nên mãi đến 2014, NXB Kim Đồng mới dám thay đổi nhẹ bằng 2 tựa đỉnh nhất của nhà này [One Piece] và [Dragon Ball]

Và chính từ đó, NXB Kim Đồng mới thực sự bước qua một trang mới với những tựa truyện đẹp hơn, chất lượng hơn được đầu tư rất nhiều về hình thức.

Thành công quá lớn của bộ đôi này đã giúp những tác phẩm ăn theo series [One Piece] lần lượt về Việt Nam, đưa NXB Kim Đồng trở thành đơn vị đầu tiên phát hành Artbook / Fanbook / . . . trong suốt 10 năm qua. Với phong độ ổn định, nhiều người cho rằng NXB Kim Đồng thực sự là đơn vị có thể đại diện cho thị trường xuất bản Việt Nam.

(Bạn nghĩ sao về nhận định này!?)


Nói ngắn gon, “Tam Đại Manga” ở Việt Nam từ năm 2010 – 2018 sẽ được chia như sau:

  • 2010: KIM ĐỒNG – TRẺ – VÀNG ANH COMICS
  • 2011-2012: KIM ĐỒNG –  TRẺ – TVM COMICS 
  • 2013-2014: KIM ĐỒNG – TVM COMICS – (…) 
    Trẻ gần như không thể được xem là chân trụ thời điểm này bởi những khuyết điểm trong việc sản xuất sách.
    Vàng Anh Comics rời khỏi thị trường.
  • 2015-2016: KIM ĐỒNG – TVM COMICS – TRẺ 
    Thời gian ổn định nhất của thị trường truyện tranh Việt, các chân trụ lần lượt ra mắt nhiều ấn phẩm chất lượng
  • 2017-2018: KIM ĐỒNG – TRẺ – (…) 
    TVM Comics bắt đầu rơi vào khủng hoảng trước khi chính thức đóng cửa vào đầu 2019. Thị trường Việt lần nữa mất chân trụ trong “Tam Đại Manga”
  • 2019: KIM ĐỒNG – TRẺ – Và . . . 

Sau khi TVM Comics thoái lui khỏi thị trường, hàng loạt cái tên mới bắt đầu tấn công vào thị trường truyện tranh như IPM, Skycomics, AMAK, Uranix,… Và với Cộng đồng M-A-L hiện tại, IPM có thể sẽ là chân trụ chính thức nếu giữ vững được phong độ hiện tại trong 2020.


Dù chỉ mới nhìn qua một lượt các đơn vị phát hành, chúng ta có thể thấy thị trường M-A-L ở Việt Nam 10 năm qua thật sự thăng trầm thế nào.

Dẫu cho những chân trụ trong “Tam Đại Manga” giờ có nhà còn trụ, có nhà lung lay hay có nhà đã mất tích hoàn toàn trên thị trường, thì những gì các nhà làm được cho Cộng đồng M-A-L thực sự rất lớn và họ đều góp phần để phát triển nên một thị trường truyện tranh Việt nam như hiện nay.


[Người viết: Xíu Xíu]

Truyen Ban Quyen
RSS
Pinterest
fb-share-icon
FbMessenger
error: Chú ý: Vui lòng không sao chép!!