【CHUYÊN ĐỀ TBQ】Nhắn nhỏ đến Kim về [Dragon Ball] Full Color (2)
Như đã nói ở【REVIEW】Tập 1 của [Dragon Ball] Full Color rằng tôi mong đội ngũ thực hiện series này vẫn đang chăm chút kỹ cho tác phẩm, nhưng vì phần nào trong tôi vẫn thấy lo lắng, nên tôi muốn viết một bài nhắn nhỏ đến các bạn ở đội ngũ thực hiện bộ truyện.
- 【REVIEW】Đằng sau loạt lỗi trong Tập 1 của [Dragon Ball] Full Color, đội ngũ thực hiện có đáng trách?
- 【PREVIEW】[Dragon Ball] Full Color – Lớp áo mới của một huyền thoại
Đầu tiên, tôi viết bài này với một mục đích duy nhất, là trình bày những lỗi mình phát hiện được hoặc những góp ý bản dịch ở phiên bản cũ phát hành vào năm 2013. Một số lỗi đã được hiệu đính lại trong các bản in sau, một số lỗi thì chưa, nên để tránh trường hợp đáng tiếc của [Dragon Ball] Full Color (1), tôi xin nêu ở đây hết.
Do không rõ Tập 2 của [Dragon Ball] Full Color từ chương mấy với chương mấy, nên tôi xin dựa theo số lượng chương của Tập 1 mà tính, tức là chương 17 đến chương 36.
(C) TORIYAMA Akira
1. Phần dùng từ ngữ
Đây không phải là lỗi vì tùy vào văn phong dịch giả – biên tập viên, nhưng tôi xin góp ý một số chỗ mà hồi xưa đọc tôi không hiểu lắm.
- “Bọn Goku”/ “Bọn Bulma”: dịch giả khi thì dùng từ “bọn” (!?), lúc lại “nhóm” khi chỉ về hội Goku, Bulma và Oolong. Vì dịch giả cũng dùng từ “bọn” có các nhân vật xấu, nên tôi nghĩ dùng từ “nhóm Goku” hoặc “hội Goku” nghe sẽ dễ thương và thân thiện hơn.
- Ở Trang 104, TORIYAMA sensei cố tình có màn cameo giấu mặt của Arale, thông qua “cục kít” hồng và câu nói quen thuộc “Ki-n” của nhân vật. Không rõ NXB Kim Đồng sẽ xử lý thế nào, vì bản cũ lại được dịch thành SFX “Kííít!”.
- Trong chương 21, Oolong có một đoạn thoại dùng từ “phỉ phui“, từ này khá lạ với những độc giả ở miền Trung và miền Nam. Từ này có nghĩa giống “Đừng có nói nhảm/ nói gở”.
- Trong chương 23, phần mở đầu, dịch giả dùng từ “nhược điểm yếu”, tôi nghĩ chắc do biên đã đọc lướt giữa “nhược điểm” và “điểm yếu” mà tạo ra từ này chăng?
- Ở chương 25, Quy lão tiên sinh đã dùng từ “Giàng ơi”, đây là một từ chỉ thần tối cao, trời theo cách gọi của một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Xem ra Quy lão tiên sinh nhà ta không phải ở “dưới nước” mà thật ra là ở “núi cao” cơ!
- Ở chương 26, trang 26, nhân vật Lan Chi đã được NXB Kim Đồng chế thoại cực ngầu “Vĩnh biệt lũ cớm”, trong khi ở bản gốc, cô nàng thật chất chỉ cười mà thôi! (Khung thoại đó thật ra là SFX chỉ tiếng cười của nhân vật)
Nhưng chỉ ngay sau đó, ở trang 27, dịch giả lại dịch một SFX thành thoại bình thường. むずむず là SFX chỉ “ngứa / nhột” lại được dịch thành “Hơ Hơ”.
Lan Chi được chế thoại cực ngầu
- Ở chương 27, có một câu thoại của quy lão tiên sinh “Ta hỏi khí không phải…”, cụm từ này khá hiếm sử dụng trong đời sống của người miền Nam mà thay vào đó, trong Nam sẽ sử dụng “Ta hỏi thì không phải…” hoặc “Ta hỏi nếu không phải thì thôi…”
- Ở chương 30, có một đoạn thoại dịch giả lại chế bởi khung thoại của vị hòa thượng thật ra chỉ là tiếng ông cười, nhưng lại được dịch là “Đáng đời”. Liệu một vị hòa thượng có nói như vậy khi thấy Son Goku bị Quy lão tiên sinh khõ đầu không?
2. Sót SFX
Dưới đây là danh sách những chỗ bị sót SFX mà tôi dò được trong 19 chương, hi vọng những lỗi này đều được chỉnh lại trước khi phát hành. (Tôi sẽ ghi số trang + số tập ở bản 2013, những ai quan tâm chuyện sót SFX có thể dò xem lại nhé!)
- T2 – Chương 17 – Trang 74
- T2 – Chương 17 – Trang 82
- T2 – Chương 21 – Trang 140
- T2 – Chương 22 – Trang 155
- T2 – Chương 23 – Trang 171
- T3 – Chương 25 – Trang 10
- T3 – Chương 26 – Trang 29
- T3 – Chương 29 – Trang 75
- T3 – Chương 32 – Trang 105 – bị sót thoại
- T3 – Chương 35 – Trang 154 – bị sót thoại
- T3 – Chương 36 – Trang 175
Trên đây là những lỗi tôi dò được trong gần 20 chương truyện, nếu các bạn còn phát hiện thêm lỗi nào, hãy gửi ngay cho TBQ để chúng tôi bổ sung vào bài viết.
Đừng để những lỗi SFX tiếp tục xuất hiện trong các tập sau
Những góp ý khác
- Bổ sung thêm phần chú thích những chữ Hán
Có khá nhiều chữ Hán xuất hiện trên áo nhân vật, các vật dụng nhân vật sử dụng,… vì chi tiết này liên quan ít nhiều đến các nhân vật trong truyện. (Như trên áo Ma nhân thỏ trắng có chữ “Thố” – Thỏ, chẳng hạn).
– – – – –
- Xưng hô của các nhân vật không thống nhất.
Như Yamcha ở những chương trước đã từ xưng hô “tụi anh” / “anh” khi nói chuyện cùng nhóm Goku, nhưng trong một vài đoạn thoại, trước khi Yamcha trở nên thân thiết hơn với Bulma, nhân vật này lại xưng “cậu” – “tớ”. Và cả nhân vật Oolong cũng có phần xưng hô bị kỳ, khi trước đó đều “cậu” – “tớ” ngọt xớt với Bulma thì đến khi mọi người thân thiết với nhau hơn, nhân vật này lại xưng “tôi”.
Trong Chương 23, Bulma lại gọi Goku là “nó”, nguyên văn câu nói là “Có lẽ không nên cho Goku biết sự thật rằng chính nó đã đè chết ông mình…”
Xong mới trang truyện trước, Yamcha và Bulma xưng “tụi tớ” thì qua trang kế bên liền xưng “chúng tôi”. Tôi nghĩ có thể biên tập viên muốn đa dạng trong cách xưng hô của các nhân vật với nhau, nhưng đa dạng cũng phải hợp lý và phù hợp ngữ cảnh. Chứ chỉ với vài chương đã thấy nhân vật xưng hô đầy ngẫu hứng rồi.
Son Goku ở chương 24 xưng “ông” – cháu” với quy lão tiên sinh thì qua chương 25 đã xưng “sư phụ” / “ông” – “con”, dù cả hai nhân vật đều không có sự tiến triển nhiều trong mối quan hệ để đổi xưng hô như vậy. Họa chăng là do biên Tập 2 và biên Tập 3 không thống nhất, để Son Goku phải từ “cháu” đổi sang “con” trong một nốt nhạc. Đáng lẽ ngay từ lúc quyết quyết tâm bái sư, Son Goku nên đổi xưng hô thì hợp lý hơn là quay ngoắt sau 1 tập truyện.
Đến chương 34, sau bao lâu cũng được gặp lại, Son Goku lại đổi xưng hô với Yamcha thành “cậu” – “tớ” dù trước đó, Goku thường gọi Yamcha là “ông anh” / “anh”.
– – – – –
- Phần khung giới thiệu đôi chỗ ngắt câu khá kì và đọc thiếu hấp dẫn.
Như cuối chương 17, giới thiệu chương 18 như sau “Ở chương tiếp theo, khả năng ngọc rồng sẽ bị cướp!…”, tôi thấy đọc ngang ngang thế nào.
(C) TORIYAMA Akira
KẾT
Có lẽ nếu [Dragon Ball] Full Color không được phát hành và tôi không đòi hỏi cao hơn 7 năm trước, thì hẳn tôi vẫn không ngờ rằng hóa ra với bất kỳ đơn vị nào, bất kỳ bộ truyện nào, sai sót vẫn là điều thường xuyên xuất hiện. Đọc lại [Dragon Ball] (2013) với những lỗi như trên cũng không làm tôi thấy tức giận cho lắm, bởi vốn dĩ, nó đã là câu chuyện thuộc về 7 năm trước. Nhưng ngày nay, với [Dragon Ball] Full Color, NXB Kim Đồng cần phải khẳng định lại giá trị của tác phẩm này đặc biệt là ở phần chất lượng dịch thuật – biên tập. Bởi lẽ đây không chỉ đơn giản là một ấn phẩm để đọc bởi [Dragon Ball] Full Color chính là đại diện cho một giá trị sưu tầm mới của những ai yêu quý [Dragon Ball] nói riêng và yêu manga nói chung.
- Top 10 Tin manga anime Tháng 11/2023 - 13/11/2023
- Xếp hạng Manga mới trong Tháng 11/2023 - 02/11/2023
- 【TIN BẢN QUYỀN】[ Skip And Loafer ] dành cho những ai muốn vui vẻ không quạu - 21/10/2023