【Chuyên Đề TBQ】[Thanh Gươm Diệt Quỷ] và những bật mí về thời Taisho
Bằng những gài gắm tinh tế về văn hóa Nhật xuyên suốt chiều dài bộ truyện, [Thanh Gươm Diệt Quỷ] không chỉ thu hút độc giả trong nước mà còn khiến cộng đồng yêu thích Manga nước ngoài có những tò mò nhất định với tác phẩm này.
Vậy nay, hãy cùng TBQ tìm hiểu những chi tiết liên quan đến lịch sử – văn hóa Nhật xuất hiện trong series nổi tiếng này nhé!
Ngay trong Tập 1 của truyện, tác giả GOTOUGE Koyoharu đã cố tình tiết lộ bối cảnh của truyện là từ thời Taisho (Đại Chính). Vậy vì sao sensei lại chọn thời Taisho làm mốc thời gian cho [Thanh Gươm Diệt Quỷ]?
(C) Anime [Thanh Gươm Diệt Quỷ]
Thời kì của bình yên và chiến tranh
Đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu chút về thời Taisho này. Thời Taisho (大正 | Đại Chính) bắt đầu từ năm 1912 – 1926, được xem là một trong những thời kì ngắn ngủi của Nhật Bản khi Nhật hoàng Đại Chính chỉ trị vì được 14 năm. Dù chỉ kéo dài chưa đầy 2 thập kỷ nhưng đây cũng là thời kì biến đổi lớn của xứ sở này khi từ một nước vốn có phần truyền thống cổ hủ, Nhật bắt đầu hướng đến chủ nghĩa dân chủ với hàng loạt phong trào tự do.
Taisho có thể xem là bước đệm giữa của thời Meiji (Minh Trị) hỗn loạn và thời Showa (Chiêu Hòa) chuyên chế. Nằm giữa 2 thời đại nhiều xáo động, Taisho ngắn ngủi có phần “êm ấm” hơn tuy nhiên đừng quên vào ít sau đó, sự kiện Chiến Tranh Thế Giới Thứ Nhất đã xảy ra chính trong thời đại này.
Có lẽ việc “Quỷ” xuất hiện khiến cuộc sống của hai anh em KAMADO và đất Nhật chao đảo, cũng giống như một cuộc chiến đang xảy ra tại thời Taisho, mà dù muốn hay không, loài người chắc chắn vẫn có nhiều mất mát.
Thời kì của truyền thống và đổi mới
Thời Taisho còn là lúc nước Nhật thay đổi đến chóng mặt khi văn hóa phương Tây ùa vào. Ta có thể thấy những được điều này thông qua những tình tiết như Tanjiro đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi đặt chân đến Tokyo. Cậu thậm chí còn phải thốt lên rằng “Thành phố là vậy ư?” (trích Tập 2 của tác phẩm).
(C) Anime [Thanh Gươm Diệt Quỷ]
Vào thời đó, những khu vực vùng quê của Nhật vẫn mang nếp sống của thời Meiji hay Edo, và Tanjiro vẫn chỉ là một cậu “trai quê” sống trong rừng núi, nơi tư tưởng tự do mới của chính phủ chưa kịp tiếp cận đến.
Dù chỉ là một tiểu tiết nhưng qua đó đã phần nào phản ánh được xã hội Nhật lúc đó cùng sự chăm chút của tác giả trong việc miêu tả về thời đại Taisho mà sensei đã chọn cho câu chuyện của mình.
Thời kì của thời trang
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến chủ đề thời trang trong thời Taisho, bởi như trong truyện bạn cũng có thể thấy phần trang phục của các nhân vật đều khá lạ mắt so với dòng những Manga lấy bối cảnh lịch sử khác.
Vào thời Taisho, trang phục của người Nhật có sự cách tân rõ rệt khi pha trộn văn hóa phương Tây kết hợp cùng trang phục truyền thống.
Đặc biệt nếu bạn để ý, sensei đã cố tình cho nhân vật phản diện chính KIBUTSUJI Muzan diện tây phục với áo com lê, mũ fedora trắng trong khi các nhân vật khác thường diện trang phục truyền thống (ông UROKODAI Sakonji vẫn mặc trang phục tương tự đồ của samurai thời Edo) và Đội Diệt Quỷ thì mặc trang phục cách điệu từ quân phục thời kì đó.
(C) GOTOUGE Koyoharu / [Thanh Gươm Diệt Quỷ]
Thông qua trang phục, đây cũng có thể được xem như sự phân chia của 3 kiểu người vào thời Taisho: 1 – những người vẫn trung thành với truyền thống, 2 – những người trung hòa giữa cái mới và cái cũ. 3 – những người theo tư tưởng đổi mới.
Thời kì của sự thú vị đến từ những đối lập trong đời sống
Như đã nói ở trên, thời Taisho với việc giao thoa văn hóa mạnh mẽ có thể xem là thời kì thú vị nhất của Nhật.
Bạn hẳn sẽ ngạc nhiên khi giữa những người đang mặc trang phục kimono truyền thống trong bối cảnh cổ xưa lại có một chiếc xe điện, một chiếc ô tô xuất hiện. Hay như khi Tanjiro vẫn còn phải bán than để dân làng có cái sưởi ấm trong mùa lạnh thì dân thành phố đã xài điện.
Ở thời đại này việc bắt gặp một tòa nhà kiểu Tây mọc giữa những căn nhà gỗ truyền thống là chuyện không quá kỳ lạ, nhưng với những độc giả như chúng ta, chính những đối lập này đã tạo nên một không gian khác biệt cho [Thanh Gươm Diệt Quỷ]. Khiến người xem có cảm giác vừa thực lại vừa hư ảo và giúp câu chuyện diệt quỷ mang một bầu không khí mới mẻ.
(C) Anime [Thanh Gươm Diệt Quỷ]
KẾT
Thành thật mà nói, ban đầu khi viết bài này, mình đã nghĩ lý do sensei chọn bối cảnh thời Taisho vì muốn tạo khác biệt cho tác phẩm, không bị trùng với nhiều tác phẩm khác, kiểu như thay vì quảng bá “một manga về thời edo” – vốn đã quá quen với độc giả, thì giờ có thể nói “một manga về thời taisho” để độc giả tò mò mà tìm đọc. Nhưng sau khi tìm hiểu kỹ thì có thể thấy việc sensei chọn thời kì Taisho chính là một sự tính toán đầy khôn khéo.
Bằng việc chọn một thời đại hiếm được nhắc đến trong Manga, GOTOUGE đã mở lối đi mới cho Manga của mình và giúp văn hóa Nhật được truyền bá rộng hơn đến thế giới.
Chỉ với phần đầu của series bài viết về [Thanh Gươm Diệt Quỷ] này, mình đã phần nào hiểu được lý do vì sao bộ truyện này lại thu hút được lượng độc giả Nhật nhiều như vậy (để liên tục đứng Top ở BXH bán chạy hàng tuần). Hi vọng qua những bài viết tiếp theo, ta có thể tìm thêm được nhiều điểm hay ho của tác phẩm!
[Lưu ý: Bài này được viết khi mình – Xíu Xíu – đọc tới Tập 3 của bản Manga được phát hành tại Việt Nam, vì vậy nhiều chi tiết xuất hiện trong bản Anime hoặc Manga mới nhất sẽ không được đề cập. Nếu bạn có những điểm bổ sung hay trao đổi cùng mình hãy comment bên dưới nhé!]
[Người viết: Xíu Xíu]
- 99+ điều về Power – Quỷ máu waifu của [Chainsaw Man] - 01/04/2023
- MUNAKATA Souta – Chàng trai “Định mệnh” - 16/03/2023
- Danh sách Manga có kế hoạch tái bản trong năm 2023 - 12/03/2023