Home Chuyên Đề TBQ 【NGẪM】Giá trị của việc sưu tầm, liệu fan Việt có đang hiểu sai?

【NGẪM】Giá trị của việc sưu tầm, liệu fan Việt có đang hiểu sai?

1,888 views

Lợi dụng tâm lý “thích sưu tầm” của fan, nhiều sản phẩm dù không bản quyền vẫn được bày bán rộng rãi tại Việt Nam. Thế nhưng, nếu hiểu được giá trị của việc sưu tầm, liệu bao nhiêu fan Việt sẽ bỏ tiền để mua những “phế phẩm” như vậy? 


Đầu tiên bạn cần biết người sưu tầm có rất nhiều dạng. Có những người chỉ thích sưu tầm tất cả truyện (ví dụ như ad đây, chỉ thích mua Manga và mua rất nhiều Manga dù thích hay không, nhưng chỉ cần là Manga phát hành có bản quyền ở Việt Nam thì sẽ mua), có người chỉ thích sưu tầm một tựa truyện nhất định và những sản phẩm kèm theo,… Tùy theo sở thích của mình, người sưu tầm sẽ chọn ra những tiêu chí nhất định cho bộ sưu tập của mình.

Tuy nhiên, với một “nhà sưu tầm” chân chính, họ có những nguyên tắc riêng mà mình muốn chia sẻ cùng các bạn.


#1. GIÁ TRỊ VẬT CHẤT (GIÁ THÀNH CỦA SẢN PHẨM) 

Thành thật mà nói, bất kì “nhà sưu tầm” nào cũng sẽ quan tâm đến giá trị vật chất của sản phẩm mà họ dự định mua. Giá trị vật chất phần nào nói lên sự “sang chảnh” của bạn khi được sở hữu món đồ đó, bởi nó sẽ liên quan đến chất lượng, mức độ hiếm mà nhà sản xuất quy định.

No photo description available.©Duy Thanh / NXB Kim Đồng – Cuộc thi KHO BÁU CỦA TÔI – MY TREASURE 2019

Tại Việt Nam, đa phần sản phẩm sưu tầm đều có giá trị vật chất (ban đầu) ở mức trung bình, rất ít sản phẩm có gì trị cao vì vậy, các “nhà sưu tầm” sẽ nhắm đến những vật phẩm đến từ cái nôi của Manga – Anime – Light Novel, Nhật Bản. Đặc biệt, nếu bạn là một “nhà sưu tầm” figure thì hẳn giá trị vật chất của những món bạn mua sẽ không ở mức dưới con số 1.000.000 vnđ đâu nhỉ.

Nếu bạn cho rằng, các “nhà sưu tầm” sẽ không quan tâm đến giá trị vật chất (vì liên quan đến tiền bạc, mất bản chất của việc sưu tầm), thì sai lầm to! Bởi dẫu sao chăng nữa, giá trị vật chất cũng là một phần quan trọng, chứng tỏ độ “khủng” của bộ sưu tập của bạn.


#2. GIÁ TRỊ TINH THẦN 

Trên thực tế, chúng ta sẽ không chi quá nhiều cho giá trị vật chất của những món đồ sưu tầm mà lại chi rất (rất rất) nhiều cho giá trị tinh thần của món đồ đó. Giá trị tinh thần không bị ảnh hưởng bởi giá thành ban đầu của sản phẩm, vì có những món đồ giá trị ban đầu thấp, nhưng qua thời gian, khi giá trị tinh thần cao hơn (mức độ hiếm nhiều hơn), giá trị vật chất sẽ thay đổi.

Nếu bạn lắc đầu cho rằng mình sẽ chẳng bao giờ sa chân vào những thứ giá trị tinh thần đó thì xin hỏi trong bộ sưu tập của bạn có những “bìa đặc biệt”, “obi phiên bản đầu”,… hay không? Khi bạn trả lời CÓ! Bạn đã vô tình lọt hố “giá trị tinh thần” mà không biết rồi đó 😀

Giá trị tinh thần cũng khá quan trọng trong việc “nâng giá” sản phẩm vì nó thường đi kèm với độ hiếm. Nhiều người sưu tầm mới cho rằng giá trị tinh thần khá vô hình chứ không như giá trị vật chất (được đong đếm bởi số tiền bạn chi). Nhưng hãy nhớ lại xem, cảm giác khi bạn là một trong 1000 người sở hữu bản đặc biệt đi, sự sung sướng ấy chính là thứ mà giá trị vật chất khó đem lại cho chúng ta.

No photo description available.©Nobita / NXB Kim Đồng – Cuộc thi KHO BÁU CỦA TÔI – MY TREASURE 2019


#3. ĐỘ HIẾM 

Độ hiếm và Giá trị tinh thần có liên quan với nhau khiến ban đầu khi viết bài, mình đã muốn xếp chung vào một nhóm, nhưng cuối cùng vẫn quyết định tách riêng ra để viết vì theo mình, khá nhiều người sưu tầm Việt dễ bị con buôn lừa.

Nhiều người thường nghĩ rằng Độ hiếm chỉ đơn giản là một món đồ sưu tầm mà bạn có và rất ít người có. Chính vì lẽ đó, con buôn thường rao bán một số món hàng cao hơn giá trị thực tế của nó cho những người sưu tầm mới. Nhưng một món hàng hiếm hay không, còn phụ thuộc rất nhiều vào GIÁ TRỊ của món hàng đó.

Nếu món hàng bạn cho là hiếm lại là một món hàng ăn cắp hoặc là món hàng không có bản quyền, thì thế nào?

Tại Nhật từng có một vụ việc khá hi hữu nhưng có phần nghiêm trọng khiến cộng đồng Otaku Nhật dậy sóng một thời khi những bức tranh gốc của Mangaka NAGAYASU Takumi bị rao bán trái phép trên mạng.

>>> Bức tranh gốc của họa sĩ Takumi NAGAYASU được đấu giá lên đến 800 triệu VNĐ trước khi bị phát hiện là tác phẩm ăn cắp

Rõ ràng bên cạnh những người sưu tầm không quan tâm gì đến nguồn gốc sản phẩm, nhiều “nhà sưu tầm” lại rất để ý đến vấn đề bản quyền khi sở hữu món đồ sưu tầm của mình.

No photo description available.©Thuan Dinh/ NXB Kim Đồng – Cuộc thi KHO BÁU CỦA TÔI – MY TREASURE 2019


Vậy tại Việt Nam thì sao? Đây cũng chính là nguyên do vì sao mình viết bài viết này cũng như tựa đề bài viết “Giá trị của việc sưu tầm, liệu fan Việt có đang hiểu sai?”.

Khác với những “nhà sưu tầm” Nhật (đã sưu tầm từ lâu hoặc có những hội sưu tầm cùng nhau), fan Việt thường là người sưu tầm lẻ và thường rất dễ dãi với tâm lý “Chỉ cần có cái mình muốn là được!”. Hiểu rõ tâm lí đó, nhiều con buôn đã đánh vào để chuộc lợi bất chấp hành vi vi phạm bản quyền. Trong đó có hành vi kêu gọi tự in ấn truyện không bản quyền các ấn phẩm những năm 80s, 90s hay tự ý vẽ lại, tô màu thêm cho một tác phẩm nào đó để làm “phiên bản tiếng Việt” của những series nổi tiếng.

>>> 【NGẪM】”Otaku Xấu Xí” (2) – Hàng tự in rồi bán, dẫu đẹp cũng là KHÔNG BẢN QUYỀN!

Bằng những lời ngon ngọt của mình như “tìm lại tuổi thơ” hay “sở hữu ấn phẩm không ai có”,… con buôn dưới danh nghĩa đam mê và giúp độc giả sưu tầm lại truyện đã cố tình buôn và đẩy giá những “phế phẩm” đó lên cao.

Về căn bản, khi một ấn phẩm hoặc sản phẩm có nguồn gốc không trong sạch thì “nhà sưu tầm” chắc sẽ chẳng thèm nhìn tới chứ đừng nói là bỏ tiền mua. Nhiều người sưu tầm ngây ngô vẫn nghĩ mình bỏ tiền để mua một món hời, nhưng việc mua hàng tự in không bản quyền giống như bạn cầm vài triệu đi mua phải món hàng nhái chẳng ai cần. Cuối cùng, chỉ có bạn lầm, bạn tưởng hay ho, bạn nghĩ nó có giá trị. Đơn giản như trong giới sưu tầm figure người ta né hàng giả thì giới sưu tầm truyện tranh cũng né hàng không bản quyền vậy thôi!


No photo description available.©Lam Khanh/ NXB Kim Đồng – Cuộc thi KHO BÁU CỦA TÔI – MY TREASURE 2019

Nói khá dong dài nhưng mình chỉ có vài điều tóm gọn “Giá trị của việc sưu tầm” cốt lõi vẫn nằm trong cái chất của vật mình sưu tầm. Những thứ ngay từ đầu đã biến chất thì chẳng có giá trị gì để bạn quan tâm chứ đừng nói là mua về trưng trên kệ tủ và tự hào về nó. Nếu bạn đã xem truyện tranh/ sách/ figure/… là một món ăn tinh thần và sưu tập chúng là khó báu riêng của mình, đừng để những “phế phẩm” mất chất đó biến kho báu của bạn trở nên mất giá trong mắt người khác.

2020 sắp đến rồi, bạn chắc cũng hiểu mình nên và không nên để gì vào “kho báu” của mình nhỉ? 

[Người viết: Duy Trung] 

Truyen Ban Quyen
RSS
Pinterest
fb-share-icon
FbMessenger