【NGẪM】Từ phốt dịch thuật gần đây của [Danmachi], bàn chuyện thái độ đối với lỗi dịch thuật!
Thời gian gần đây, trong cộng đồng M-A-L nổi lên vụ việc [Liệu Có Sai Lầm Khi Tìm Kiếm Cuộc Gặp Gỡ Định Mệnh Trong Dungeon] bị phản hồi tệ về mặt dịch thuật, kéo theo đó là những lời qua tiếng lại không đáng có giữa dịch giả và người đọc.
KHÔNG LÀM HÀI LÒNG ĐỘC GIẢ – DỊCH GIẢ CÓ CẦN XEM LẠI?
Không bàn đến những lỗi sai trong [Liệu Có Sai Lầm Khi Tìm Kiếm Cuộc Gặp Gỡ Định Mệnh Trong Dungeon] là gì, tuy nhiên, nếu bị phản hồi về việc dịch sai, điều đầu tiên dịch giả nên làm đó là đối chiếu lại. Bởi lẽ không phải bản dịch chuyển ngữ nào cũng đều có thể làm hài lòng tất cả độc giả, nên chuyện dịch giả nhận được những phản hồi như vậy là lẽ dĩ nhiên thôi. Nó giống chuyện bạn đưa một thiết kế ra thế giới, thì phải chấp nhận cả lời khen lẫn lời chê.
Thêm nữa khi làm sản phẩm phục vụ cho ngành M-A-L, việc xem độc giả như “thượng đế” là tất yếu, bởi cái họ bỏ tiền ra mua không phải chỉ là cuốn sách, cuốn truyện mà là đam mê, sở thích. Đừng tự coi thường công việc của một dịch giả bằng những tư tưởng “Tôi dịch sao cũng được” hay “Các bạn toàn tiểu tiết mới bắt những lỗi này”,… hay tệ hơn nữa là “lương dịch bèo bọt, ba cọc ba đồng, đừng đòi hỏi”, trong khi sản phẩm của bạn được hàng ngàn người tìm đọc và mua về lưu giữ.
Hình ảnh chỉ mang tính minh họa
(C) Hình do Nguyễn Chi Linh chụp
Trong tình huống của Vinky – dịch giả [Liệu Có Sai Lầm Khi Tìm Kiếm Cuộc Gặp Gỡ Định Mệnh Trong Dungeon] đang bị phốt, bạn ấy đã làm được điều mà hiếm dịch giả nào dám làm đó là đối chiếu và giải thích về những lỗi đã được độc giả tìm ra. Trong những Light Novel đang phát hành ở Việt Nam, không phải bộ nào cũng dịch hay dịch tốt, rất nhiều bộ đã được độc giả chỉ ra lỗi sai, dịch không hay,… nhưng đều bị “ngó lơ”. Vậy nên tôi đánh giá cao hành động của Vinky!
Nhưng đó là trước khi Vinky tiếp tục cuộc tranh cãi vào 2 ngày sau đó bằng bài post hôm 14/03. Trong bài post mới, Vinky đã nói như sau “dịch giả nằm đầu dây chuyền” – đồng nghĩa sau khi đưa bản dịch cho biên tập, dịch giả hết nhiệm vụ, không hề biết chuyện “đứa con tinh thần” của mình sẽ được nhào nắn ra sao (!?).
Việc đó cho tôi nhiều suy ngẫm về phần số phận hẩm hiu của những dịch giả Việt khi họ cũng không làm chủ được bản dịch của mình, không biết gì về nó và chẳng lẽ đến khi cầm được quyển truyện xuất bản, họ mới biết sản phẩm mình làm được thế nào. Liệu phải chăng khâu sản xuất của các đơn vị đã có một lỗ hỏng lớn trong việc kết nối giữa dịch giả và biên tập để có thể tạo nên “sản phẩm của một nhóm” trong khi dịch giả bị bỏ ra ngoài từ khâu đầu tiên?
Quay lại câu chuyện về dịch giả nên phản ứng sao với việc người đọc phốt lỗi. Tôi nghĩ nếu đã nói “Light Novel là sản phẩm của một team” thì dịch giả cũng có phần nhiều trách nhiệm với những lỗi phốt đó. Dù là lỗi do bạn dịch chưa hay, là lỗi do biên soát chưa kỹ,… hay thậm chí cả những lỗi nhỏ nhặt mà bạn không nghĩ là lỗi thì việc đầu tiên vẫn là tiếp nhận xem xét! Với những độc giả đã bỏ thời gian đọc, thời gian ghi chú lỗi cùng nghiền ngẫm tác phẩm đó, dịch giả nên phản hồi họ bằng một thái độ chân thành hơn. Dịch giả có thể giải thích, có thể tiếp thu,… chứ đừng ứng phó như kiểu trò bốc phốt của người đọc. Bởi lẽ họ có yêu thích, có dành thời gian cho tác phẩm đó, có muốn tác phẩm tốt hơn,… họ mới góp ý. (Còn nếu không, họ chả buồn mua, chả buồn lên tiếng làm chi!)
ĐƠN VỊ PHÁT HÀNH THƯỜNG NGOÀI CUỘC
Tôi thấy điều đáng buồn nhất ở thị trường sách Việt Nam đó là các đơn vị phát hành thường xuyên xem chuyện góp ý dịch thuật, sửa lỗi chính tả từ độc giả là “trò nhàn rỗi của người đọc” và luôn phản ứng bằng thái độ phớt lờ.
Nhiều bạn bè cũng từng nói với tôi, “giờ đọc truyện thấy lỗi là bình thường, muốn góp ý cũng chẳng biết báo đâu, lên inbox thì chẳng thèm seen!”, đó là thái độ của không chỉ 1, 2 nhà, bởi đơn vị nào cũng chung suy nghĩ “dăm ba lỗi trong cả ngàn chữ là chuyện bình thường”. Đó là cách các đơn vị Việt Nam đối xử với sách của họ, khác hoàn toàn với một thị trường Nhật coi sách là tình yêu.
Tôi từng rất ngạc nhiên khi một nhà xuất bản truyện tranh có tiếng như Hakusensha đã đăng một thông báo trên Website chính thức của [Sư Tử Tháng Ba] về việc phát sinh một, hai lỗi chính tả trong truyện kèm chú thích chi tiết lỗi ở trang mấy, được sửa thành thế nào và kèm theo đó là “lỗi sẽ được sửa ở những lần in sau”. Và dĩ nhiên, chắc chắn đầu tiêu đề cũng như cuối bài thông báo đó đều là lời xin lỗi mà nhà xuất bản gửi đến độc giả. Hóa ra lỗi đó đã được một độc giả phát hiện và gửi thư đến cho tác giả. Đây chỉ là một trong số những trường hợp độc giả lên tiếng vì lỗi trong truyện, nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy trong phần tâm sự của tác giả, họ thường nhắc về những lỗi đã mắc phải khi sáng tác và được độc giả gửi thư đóng góp.
Vậy đó, ở Nhật, việc lên tiếng về lỗi trong tác phẩm giữa độc giả và đơn vị phát hành được nối nhau bằng sự chân thành – tiếp thu – sửa chữa, thì ở nước mình lại bị xem như bốc phốt – dìm hàng – chơi xấu,…
Hình ảnh chỉ mang tính minh họa
(C) Hình do Natsuki Amasawa chụp
ĐỘC GIẢ ỦNG HỘ BẢN QUYỀN THÌ KHÔNG NÊN LÊN TIẾNG
Tôi nghĩ suy nghĩ trên là khá sai của một số người ủng hộ bản quyền. Vì ủng hộ bản quyền nên nhiều độc giả không muốn lên tiếng khi bản dịch bị sai hay nảy sinh lỗi chính tả, bởi họ nghĩ nếu làm vậy ấn phẩm sẽ không bản được nữa, trái với việc ủng hộ bản quyền mà họ muốn. Nhưng tôi nghĩ, việc độc giả lên tiếng để tác phẩm hoàn thiện hơn là điều nên làm!
Không phải vì bạn bỏ tiền mua nên muốn ấn phẩm đó phải hoàn hảo, mà vì ấn phẩm đó còn sẽ được in nối, tái bản nhiều lần,… không chỉ được bạn đọc mà có thể là còn để nhiều độc giả khác đọc. Ví dụ như [Thám Tử Lừng Danh Conan] bản phát hành đầu tiên (vì để chạy kịp tiến độ với phía Nhật), thỉnh thoảng vẫn có lỗi phát sinh, nhưng luôn được NXB Kim Đồng chỉnh lại cho những lần in nối sau. Hay như NXB Trẻ thường sử dụng lại bản dịch cũ mỗi khi tái bản chẳng hạn thì việc góp ý để lần tái bản sau tốt hơn là rất nên làm đó sao.
Tôi tin không độc giả nào muốn đóng góp lỗi với thái độ khó chịu, bực dọc,… tuy nhiên, cách tiếp thu của đơn vị phát hành cho những lỗi đó đã khiến tâm trạng của độc giả tệ hơn khi tác phẩm bị lỗi. “Cách cho hơn của đem cho” – thái độ ứng xử của các đơn vị phát hành sẽ quyết định thái độ của độc giả đối với sản phẩm của họ.
Độc giả sẽ yêu thương, góp ý chân thành với những đơn vị chấp nhận lắng nghe nhưng đối với những đơn vị ngó lơ, không quan tâm sản phẩm của mình thì khó để độc giả kiên nhẫn với họ mãi được.
BỐC PHỐT MỘT CÁCH VĂN MINH
Bàn nhiều đến thái độ của 3 bên khi nhận phốt rồi nhưng nhân bài này tôi xin nói một chút về cách mọi người đóng góp lỗi cho các đơn vị phát hành. Tôi khá không thích chuyện độc giả góp ý một bản dịch nào đó là “dịch dở” nhưng chẳng thể đưa ra nổi một minh chứng cụ thể chỗ nào bạn thấy dở. Bởi có rất nhiều điểm khiến người đọc cảm thấy dở: câu văn lủng củng, dịch giả hiểu sai ý tác giả, sai nhiều lỗi chính tả,… Một đóng góp kiểu chung chung như vậy sẽ rất khó để đơn vị phát hành xem xét và thay đổi, cũng như không giúp được dịch giả mấy (nếu dịch giả đó thật tâm muốn tham khảo ý kiến độc giả về bản dịch của mình).
Vậy nên nếu bạn cảm thấy một Light Novel nào đó “dịch dở”, hãy chỉ ra điểm khiến bạn không hài lòng. Như vậy sẽ giúp đôi bên dễ cải thiện!
Điều thứ hai, hãy bắt lỗi với vai trò của một người đóng góp, chứ đừng với vai trò một người giáo huấn. Khi đọc những lỗi chính tả mà độc giả chỉ ra, người dịch dĩ nhiên cảm thấy sốc, bực mình và đôi khi còn buồn! Thế nên, hãy dùng lời lẽ dễ nghe. Có thể dùng những cụm từ mang đầy tính góp ý như “tôi nghĩ chỗ này nên như vậy sẽ tốt hơn…” dành cho những chỗ bạn đọc muốn góp ý về cách dịch hoặc với lỗi chính tả thì chỉ thẳng từ sai kèm gợi ý từ nên sửa lại cho đúng (nếu có). Đặc biệt với những chỗ dịch giả đã dịch sai so với ý tác giả như dùng từ sai, sai tên nhân vật,… có dẫn chứng bản gốc sẽ giúp góp ý của bạn “nặng kí” hơn.
Hình ảnh chỉ mang tính minh họa
(C) Hình do Lê Minh Đức chụp
Và điều tất nhiên sau mỗi lần góp ý cho bản dịch hãy để dịch giả – nhà phát hành thời gian xem xét lại. Vì với những lỗi sai như vậy, phía biên tập và dịch giả đều phải tra, đối chiếu với bản dịch gốc, sẽ tốn chút thời gian trước khi có thể phản hồi cho bạn!
Nếu sau những điều bạn đã làm (với thái độ chân thành, hòa nhã), mà phía đơn vị phát hành vẫn có thái độ ngó lơ, hãy nhờ đến những trang cộng đồng có ưu tín nhằm giúp các độc giả khác cũng được biết về tình trạng dịch thuật của tác phẩm đó để quyết định mua hay không.
KẾT
Hi vọng qua bài viết này, dịch giả – đơn vị phát hành – độc giả sẽ tìm được tiếng nói chung về cách phản ứng với lỗi dịch thuật. Đặc biệt mong những đơn vị phát hành có thể dành thời gian hơn trong việc lắng nghe ý kiến của độc giả để tác phẩm sẽ ngày càng hoàn thiện, càng hạn chế hơn những lỗi sai không đáng có.
[Người viết: Duy Trung]