Home Chuyên Đề TBQ News Manga 【REVIEW】[Barakamon] – Tập 1: Khi trai thành phố ra đảo luyện thư pháp

【REVIEW】[Barakamon] – Tập 1: Khi trai thành phố ra đảo luyện thư pháp

296 views

Tôi từng xem vài một đoạn ngắn Anime của tác phẩm cách đây vài năm trước và đến giờ, mới có cơ hội xem Manga bản quyền. Bản thân tôi không thích thư pháp, càng không thích xem chuyện về vườn của một chàng trai trẻ, nhưng sau vài năm trải qua cuộc sống ở thành phố tất bật rồi lại có cơ hội về quê, với những ngày không âm thanh, không internet. Tôi phần nào hiểu ra được điều [Barakamon] muốn truyền tải đến một thế hệ quá nhiều mệt mỏi và áp lực của cuộc sống như chúng tôi.


TBQ WIKI TÁC PHẨM

ĐÔI NÉT VỀ TẬP 1

[Barakamon] kể về nhà thư pháp gia trẻ tuổi, HANDA Seishu hội tụ đầy đủ phẩm chất của một nam nhân vật chính ngôn tình mà nhiều thiếu nữ yêu thích. Nhà con ông cháu cha, người đẹp trai sáng láng và quan trọng là tài năng của cậu được công nhận từ rất sớm. Khi mới 23 tuổi, tranh thư pháp của cậu đã được trưng bày tại phòng triển lãm, đạt được giải thưởng cao quý.

Những điều đó tạo nên một cậu trai kiêu ngạo, coi thường người khác. Cậu xem thư pháp của mình là hoàn hảo, không ai có thể vượt qua được. Vì vậy, khi một “lão già” dám góp ý với cậu: tranh thư pháp của cậu là khuôn mẫu, vẫn chưa vượt qua được bức tường của sự tầm thường. Không để ông già nói hết câu, Handa đã đấm ông cụ một pháp hộc cả máu mồm.

Tôi dám cá là nhiều người trẻ như chúng ta thấy cú đấm này đã chết đi được. Bởi trong cuộc sống thường ngày, chúng ta luôn thấy các bậc: ông, trưởng trong các văn phòng, chỉ là sống lâu lên lão làng, già kiết hủ lậu không biết gì về nghệ thuật… và hàng ngàn những lý do khác mà họ không thấy hiểu được tài năng của chúng ta. Trong một vài tình huống ta chỉ muốn đấm một phát cho họ răng rơi đầy đất.

Nhưng đương nhiên suy nghĩ đó chỉ là một ảo tưởng giúp bản thân cảm thấy dễ thở hơn thôi. Còn sự thật thì chúng ta chỉ khom lưng cúi đầu rồi làm theo ý họ. Vì chúng ta hiểu rất rõ rất ít có cơ hội để khắc phục hậu quả sau giây phút bồng bột ấy. Còn HANDA thì nhanh chóng bị bố đày ra đảo, để làm nguội cái đầu, mở mang suy nghĩ của bản thân.

barakamon-tap-1(C) IPM phát hành


NHỮNG ĐIỂM CHÍNH

Chạy trốn như một kẻ thất bại, nhưng tâm tính kiêu ngạo của vị nghệ thuật gia trẻ tuổi không giảm. Cậu chàng lúc nào cũng ôm một cái tâm trạng là mình không làm sai gì hết, thư pháp của cậu là tuyệt đỉnh. Sau khi cùng cô bé Naru và những người dân nhiệt tình thái quá trong đảo sinh sống chung với nhau, HANDA đã nhận ra bản thân chưa vượt qua bức tường của sự khuôn mẫu.

Những thứ trước nay mình tôn sùng, xem như thần thánh chẳng khác nào một bản chữ mẫu vô hồn. Nghệ thuật trước nay HANDA theo đuổi là một điều gì đó rất quy phạm, khô cứng. Những điều trước nay cậu tin tưởng, xem nó là đúng một ngày kia đột ngột tất cả điều thay đổi. Điều này sẽ mang đến cho người trải qua nó, những cảm giác tuyệt vọng và đau đớn.

Nhưng HANDA chưa kịp gặm nhấm trong vũng bùn của nỗi đau được mấy chốc thì cả cái làng kéo cậu tham gia vào một trò vui bất tận. Và những bài học không cần trường lớp vẫn ngấm tới tận xương.


VỀ NÉT VẼ

Nét vẽ của truyện trong sáng, dễ dàng lấy được cảm tình của người xem (nếu bạn chưa từng xem qua Anime, hẳn sẽ không phàn nàn gì về nét vẽ này). Các nhân vật xuất hiện không quá ảo (như mái tóc dài suôn mềm lấp lánh bất chấp mọi định luật vật lý), cũng không quá “đời thường”. Điều đó làm cho, những người yêu thích truyện tranh thiếu nữ (Shojo) hoặc ngược lại, truyện Shonen đều có thể dễ dàng bị lôi cuốn bởi nét vẽ này.

Background được xử lý khá là thoáng, chỉ có một số phân cảnh nhằm thể hiện cái thần thái bi kịch của nhà thư pháp trẻ, các chi tiết mới được vẽ chằng chịt. Tôi nghĩ rằng việc xử lý hết đống chữ nghĩa trong Background cũng khiến cho người vẽ chịu không ít áp lực.

Cảnh biển chiều hoàng hôn trong tranh nữa, mặc dù chỉ là cảnh đen trắng thôi, nhưng vẫn khiến tôi cảm thấy có một điều gì đó rất đẹp và chân thật trong cảnh tranh đó.


VỀ HÌNH THỨC

Hình bìa Việt Nam là một bất ngờ từ IPM khi họ đã mời một nhà thư pháp Việt để chấp bút cho tựa đề. Chính nhờ vậy, quả bìa này có hồn thật sự. Giấy nền của Tập 1 là nền trắng, nổi bật nhân vật và tên truyện. Quả là một sự kết hợp tuyệt về về hình thức và nội dung của tác phẩm.

(C) IPM phát hành


VỀ CHẤT LƯỢNG DỊCH

Do không biết gì về Tiếng Nhật nên tôi xin không so sánh giữa bản gốc và bản Tiếng Việt mà chỉ nhận xét dựa trên cảm tính bản thân. Cá nhân tôi thấy phần người dịch đã làm tốt vai trò của mình. Ngôn ngữ trau chuốt, dịch dễ hiểu.

Có một vài phản hồi về việc sử dụng tiếng địa phương trong truyện, nhưng với tôi, đây lại là một pha xử lý tốt từ dịch giả và biên tập bởi họ đã tinh ý để cho những nhân vật lớn tuổi sử dụng từ ngữ địa phương. Những từ này cũng không mấy khó hiểu, nếu kết hợp với văn cảnh, hình ảnh. Đối với một số câu thoại hơi năng nề tính bản ngữ quá thì dịch giả đã để hẳn phần dịch toàn dân.

Đây là một điểm đáng khen của bản dịch tập này. Hi vọng các bạn cũng đồng ý với tôi nhỉ!


VỀ QUÀ TẶNG

Gồm: một bookmark cho bản thường và một bookmark màu cho bản đặc biệt. Giá thành của hai bản bằng nhau nên theo tâm lý thông thường, fan sẽ thích những điều gì mang tính chất đặc biệt và không ngần ngại chọn ngay vào bản này. Bookmark đặc biệt là hình vẽ được thiết kế độc quyền cho thị trường Việt Nam, màu in sắc nét, cắt tỉa khéo léo.

Tuy nhiên, sau khi IPM thông báo tạo hình của Bookmark thường sẽ là một bức tranh liên hoàn các nhân vật trong truyện thì tôi bắt đầu dao động giữa bản thường và bản đặc biệt rồi đây. Quả là một chiêu móc ví đầy tinh tế chỉ vì một cái bookmark đính kèm mà có khi phải mua cả hai bản mất.


ĐIỂM TRỪ TRONG TẬP 1

Khen nhiều quá thì thành ra mọi người bảo bốc phét. Thôi thì tôi cũng phàn nàn vài điều không tốt ở tập này. Nếu như phần bìa truyện xử lý rất tốt thì phần chữ trên tai gập lại không được đẹp. Cái này do mắt thẩm mỹ của từng người, bản thân tôi cũng không viết được như thế, nhưng vẫn thấy chữ ở đây nó hơi “chuối”.

Bìa truyện rời, màu trắng. Bìa trong là hình các nhân vật đang mỉm cười tới tận mang tai cũng màu trắng nốt. Nên khi đọc tay bẩn là không được nhé! Cuốn truyện chống chỉ định với thành phần vừa ăn vừa đọc truyện.

Cuối cùng cay nhất chính là quả giấy xuyên thấu. Haizz! Tôi cũng phần nào thông cảm chất lượng giấy trong giá thành nhiêu đó, nguồn giấy hiện có thì không trong mong gì thêm vào việc chất lượng khá hơn. IPM đã xử lý chất lượng giấy khá tốt ở [Cô Dâu Pháp Sư], tôi cũng có đôi phần mong chờ ở chất lượng của kỳ này nhưng quả thật hơi thất vọng một tẹo.


KẾT

Với nội dung cốt truyện lôi cuốn, đánh đúng vào tâm lý của những con người đang phải vật lộn với cuộc sống hay chính xác là những người trẻ chuyên làm về các ngành nghệ thuật. Bộ truyện phơi bày một thực tế rằng bản năng của một người làm nghệ thuật khiến chúng ta luôn xem tác phẩm mình làm là tuyệt đỉnh nhất, nhưng khách hàng, sếp, và cả những người khác, hoàn toàn không hề nhìn nhận được cái đỉnh mà người nghệ sĩ đang muốn truyền tải.

Một mặt tâm trí thôi thúc chúng ta đứng lên bảo vệ đứa con tinh thần, mặt khác, lý trí ép phải bỏ qua, để hướng tới những giá trị vật chất (chẳng hạn như tiền lương và tiền thưởng). Sự giằng co đó, tôi tin chắc rằng ai cũng từng trải qua và có thể dễ dàng thông cảm với cậu chàng HANDA.

Với những gì tác giả đã thể hiện trong Tập 1 của [Barakamon], ta có thể mong chờ câu chuyện sẽ mang đến những chiêm nghiệm thú vị trong thời gian chàng HANDA ở đảo!

Nam Kha Tử
RSS
Pinterest
fb-share-icon
FbMessenger