Home Chuyên Đề TBQ News Manga 【REVIEW】[Hoán Đổi Vận Mệnh] (Tập 1): Những điềm báo về tai họa

【REVIEW】[Hoán Đổi Vận Mệnh] (Tập 1): Những điềm báo về tai họa

350 views

Sau một tuần nghiền ngẫm [Hoán Đổi Vận Mệnh] chắc hẳn bạn đọc cũng nhận ra nhiều điều thú vị của truyện. So với những bộ khác chỉ thường dừng lại khoảng 5, 6 tập, đây có thể xem như một tựa khá dài hơi từ SAITO Chiho. Với cốt truyện có nền móng vững chắc, mở truyện đầy sức quyến rũ, hãy cùng TBQ điểm qua một số chi tiết đắt giá, tạo đà cho toàn bộ những drama dài kỳ sắp tới trong chặng đường hơn chục tập của tác phẩm này. 


TBQ WIKI TÁC PHẨM

ĐÔI NÉT VỀ TẬP 1 

<Phần có spoil, cân nhắc trước khi đọc> 

Trong Tập 1, độc giả được đưa về thời điểm khi hai người phụ nữ của gia tộc FUJIWARA cùng hạ sinh 2 đứa trẻ – một nam, một nữ. Dù không phải song sinh nhưng chúng lại giống nhau vô cùng. Theo chân 2 đứa trẻ, người đọc được chứng kiến một sự “đảo ngược” của tạo hóa, SARA tuy nữ nhưng lại nam tính và khí chất, SUIREN dù là nam nhi nhưng lại e thẹn và nhút nhát.

Để xua đi “ác duyên” và nhằm giúp 2 đứa trẻ trở lại đúng vị trí của mình, gia tộc FUJIWARA đã quyết định đưa chúng lên chùa Kurama. Cũng chính từ chuyến đi này, SARA và SUIREN nhận ra rằng, chỉ khi họ hoàn đổi thân phận cho nhau, họ mới có thể sống sót.

Xuyên suốt Tập 1 của truyện, chủ đề được nhắc đến nhiều nhất là điềm báo vận mệnh, hay nói chính xác chính là những điềm báo hiệu cực kỳ xui xẻo dựa trên niềm tin của người xưa.


HAI NGƯỜI GIỐNG NHAU NHƯ SONG SINH

(C) Hình do Nam Kha chụp 

Tương truyền rằng theo quan niệm của người xưa cặp song sinh khác nhau về giới tính chính là tình nhân kiếp trước không được yêu đương trọn kiếp vì thế mà tự sát vì tình. Kiếp này đầu thai cùng một mẹ để tái tục tiền duyên. Hai người sinh cùng giới tính tất khắc anh khắc em, mưu đồ phản nghịch. Sinh khác giới tính thì dẫn đến những việc trái với đạo lý luân thường. Cho nên cặp song sinh dường như luôn là điềm báo suy tàn cho dòng họ.

Gia tộc FUJIWARA là một gia tộc cực kỳ hùng mạnh, sức ảnh hưởng và quyền lực của họ trong triều chính có thể tác động rất lớn đến đất nước, nói không ngoa là “Một tay che trời”. Vì thế, những mầm móng gây tai họa đối với gia tộc phải được diệt từ trong trứng nước. Thật may mắn là hai người chỉ sinh cùng một giờ. Dù khuôn mặt giống nhau như soi gương, nhưng do hai người phụ nữ khác nhau sinh ra, nên chỉ tính là chị em, không phải song sinh. Theo năm tháng, sự trưởng thành của cả hai người càng cho thấy trêu đùa của tạo hóa, người chị thì mạnh mẽ như nam nhi, còn người em thì mảnh mai như một cô gái. Điều này chính là khởi nguồn của tất cả tai họa sau này. Giới tính và tính cách mâu thuẫn nhau, luôn là nguyên nhân gây nên đau khổ, không chỉ có bản thân người trong cuộc mà những người trong cùng một gia đình cũng chịu ảnh hưởng không ít.


THIÊN CẨU ĂN MẶT TRỜI

(C) Hình do Nam Kha chụp 

Không như chúng ta ngày nay, mọi người đều biết rằng Nhật Thực hay Nguyệt Thực, dù hiếm có trăm năm mới gặp một lần, vẫn chỉ là những hiện tượng thiên văn. Và nếu như hiện tượng đó xảy ra, việc cần làm chỉ là tận hưởng nó, check in vài tấm ảnh đăng Facebook. Nhưng hầu như các nước cổ đại kể cả phương Đông luôn tin rằng hiện tượng Thiên cẩu ăn Mặt trời là một điềm báo tai họa diệt vong, đặc biệt là đối với giai cấp cầm quyền, họ càng sợ hãi hiện tượng này hơn bao giờ hết.

Trong [Hoán Đổi Vận Mệnh] những giải pháp được đưa ra nhằm bảo vệ Thiên Hoàng: cầu nguyện, đóng tất cả cửa của cung điện, dùng rơm chặng kín những nơi ánh sáng mặt trời có thể chạm vào, Thiên Hoàng thì ở trong tấm mạng che dày… Thiên họa là chuyện của Trời đất làm sao con người có thể xoay vần? Điều con người có thể làm được chính là nhân tâm vững như bàn thạch, lòng tịnh như mặt nước đầm. Tuy nhiên ngay cả điều này Thiên Hoàng cũng không làm được lòng ông dao động, sinh ra bệnh tật, tâm trí bất an. Thiên cẩu ăn mặt trời chính là điềm báo suy tàn của cả triều đại.


HỒNG NHẠN BẠC PHẬN

(C) Hình do Nam Kha chụp 

Từ xưa đến nay cái đẹp thì thường gắn liền với tai họa, “chữ tài liền với chữ tai một vần([Truyện Kiều], Nguyễn Du). Người con gái SARA Souji vừa có tài vừa có sắc đó là điềm báo tai họa gắn trọn một kiếp người. Cả triều đình đều công nhận vị đại nhân này có một sắc đẹp làm người ta phải yêu mến, ngay cả Thiên Hoàng cũng bị thu hút bởi thị tòng trẻ tuổi này. Đó cũng là nguyên nhân vừa mới vào triều đình, SARA đã hấp dẫn sự chú ý của Trung tướng Tsuwabuki, người đàn ông đào hoa, luôn lấy hoa tô điểm lên tóc, tán tỉnh những thiếu nữa xinh đẹp nhiều như uống nước và chưa có mối tình nào thành công. Thêm một Hoàng đệ tài năng cũng cảm thấy vị quan xinh đẹp trước mắt có một cách nghĩ thú vị. Vẻ đẹp của SARA cũng thu hút sự đố kỵ của Lệ cảnh nương nương. Từ xưa đến nay, đố kỵ của phụ nữ luôn được cho là sẽ dẫn đến bao tai nạn, thậm chí có thể làm sụp đỗ cả một vương triều huy hoàng. Lệ cảnh nương nương chính là một trong những mầm mống gây tai họa được gieo xuống đầu tiên, những rắc rối bà có thể gây ra là gì? Cùng chờ xem những tính tiết mới của câu chuyện nhé!

(C) Hình do Nam Kha chụp 

Đứng trước những điềm báo vận mệnh đen tối từ quá khứ, hiện tại đến cả tương lai. SARA đã nhiều lần hoài nghi tự hỏi: Nếu vậy, một con người vừa âm vừa dương lại cũng không phải âm không phải sẽ không có chốn dung thân? (Tập 1, trang 134). Điều mà cô gái trẻ 14 tuổi đang phải đấu tranh chính là tìm cho mình một chốn dung thân, trong một thế giới đầy khắc nghiệt này. SARA dường như có tất cả mọi thứ mà người nào cũng khao khát, gia thế hiểm hách, tuổi trẻ, tài năng, sắc đẹp. Nhưng cô lại phải đứng lên chống chọi lấy việc sống thật với tính cách của mình hay sống đúng với giới tính của mình.

Lựa chọn nào là đúng? Có lẽ đó không phải chỉ là một câu hỏi dành cho nhân vật mà còn cho chính chúng ta những con người ngoài cuộc.


VĂN HÓA HEIAN (BÌNH AN) TRÀN NGẬP TRONG TẠO HÌNH NHÂN VẬT

Heian (BÌNH AN) là thời kỳ Nhật Bản bước vào giai đoạn cực thịnh trong sự phát triển văn hóa, tôn giáo, kinh tế… Tất cả những điều đó được thể hiện đầy đặn trong từng nét vẽ của SAITO Chiho.

Trang phục của nhân vật, họa tiết cực kỳ cầu kỳ, mỗi lần xuất hiện là một bộ cánh mới. Hoa văn trên áo của nhân vật chính. Như: phượng, hạc, hoa, sông núi, những điềm báo cát tường may mắn… đều được thể hiện cầu kỳ, phô trương. Những chi tiết văn hóa, như việc các các nhân vật nữ thường ngồi sau tấm mạng che, hay dùng quạt khi nói chuyện… Lối trang điểm đặc trưng (thể hiện rõ ở nữ quan) mày được vẽ cao, gương mặt trắng bệch, kiểu tóc cầu kỳ… Tất cả gợi nên một bầu không khí xa hoa của đất nước trù phú. Sự xuất hiện của nhiều niềm tin tôn giáo, như Phật giáo, Âm dương sư cũng làm cho câu chuyện dược phủ thêm màu sắc huyền bí, nhiều phục bút được đan cài chờ ngày khám phá.

Các chàng trai có dung mạo như hoa, điểm này có thể vừa là đặc trưng sáng tác của SAITO sensei nhưng cũng thể hiện một phần nào đó văn hóa thời đại lúc bấy giờ. Các thiếu niên thường có dung mạo rất đẹp, khung xương mảnh dẽ, đôi mắt to tròn, tính cách yếu đuối của SUIREN chính là một trong những nhân vật tiêu biểu.


VẤN ĐỀ TRONG TẬP 1

Về dịch thuật

Các chức vị trong truyện điều được dịch Hán Việt cũng là một sự cố gắng của đội ngũ dịch thuật của Nhà xuất bản trong việc mang đến cho bạn đọc một bản dịch gần gũi. Nhưng đôi khi, cách này cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định. Ví dụ như ở trang 72 của Tập 1, Thiên Hoàng gọi Thái tử, và Thái tử gọi lại Hoàng Huynh. Nếu không đi theo mạch truyện chắc hẳn nhiều đọc giả cảm thấy khá khó hiểu.

Theo suy nghĩ cá nhân của tôi thì nên chăng để phiên âm Tiếng Nhật, sau đó chú thích có thể thêm Hán tự và giải thích Hán Việt.


CUỘC HÀNH TRÌNH ĐÃ MỞ RA

Với nhiều chi tiết được đan cài như vừa trình bày, hứa hẹn một câu chuyện nhiều sóng gió đối với tất cả nhân vật. Bắt nguồn từ việc người con gái nhưng có tính cách của con trai và người con trai lại có tính cách của con gái, giá mà hoán đổi được vận mệnh nhỉ? Nhưng mà nếu mọi chuyện chỉ bình thường thì đã không phải là SAITO Chiho rồi! Cùng chờ đón tập 2, xem những điều gì sẽ xảy ra với nhân vật của chúng ta nhé!

[Người viết: Nam Kha] 

Nam Kha Tử
RSS
Pinterest
fb-share-icon
FbMessenger
error: Chú ý: Vui lòng không sao chép!!