Home Chuyên Đề TBQ News Light Novel 【REVIEW】[Mộ Đom Đóm] – Khúc bi tráng ca của nỗi đau, nỗi sợ hãi và kinh hoàng của chiến tranh (Phần 3)

【REVIEW】[Mộ Đom Đóm] – Khúc bi tráng ca của nỗi đau, nỗi sợ hãi và kinh hoàng của chiến tranh (Phần 3)

Nếu như phần hai là sự bộc lộ trần trụi nhất của con người “kí sinh”, của “những thói quen” đốn mạc thì phần ba này sẽ là một “nốt trầm” trong bức tranh đau thương của chiến tranh. Tuy không còn sục sôi những ám ảnh của chiến tranh như những phần trước, sự đau thương, nghiệt ngã của tình mẫu tử hòa quyện với sự thức tỉnh muộn màng cùng tình yêu chân chất nhất trong mẩu truyện thứ ba quả là góc nhìn mới về chủ đề tình cảm gia đình trong chiến tranh.


TBQ WIKI TÁC PHẨM

[Lớp đất cháy] gợi lại kỉ niệm giữa cậu bé Yoshie với người mẹ nuôi của mình – bà Shariman Kinu. Đó là năm tháng sống dưới cảnh nghèo đói khi hứng chịu trận hỏa hoạn đẩy mẹ con cậu tới cảnh tha hương cầu thực. Chiến tranh cướp đi của hai mẹ con tất cả, thậm chí người cha nuôi của cậu. Tuy nhiên, tình mẫu tử ấy vẫn thật thắm thiết và sâu đậm. 

Mọi thứ chỉ thật sự đau đớn khi họ phải chia xa. Yoshie đã may mắn tìm được gia đình cũ của mình và họ cuối cùng phải nói lời chia ly. Nhưng liệu có phải là chia ly nếu tình mẫu tử luôn vững chắc? Với tôi thì không! Phải so những đau khổ cậu đã phải gánh chịu như hình ảnh [Lớp đất cháy] đó với sự đầy đủ, vô âu cậu nhận được từ gia đình mới sau chiến tranh thì quả thực… họ đã chia ly rồi. Chia ly bởi tình cảm cậu cho “người mẹ” của mình giờ chỉ còn trơ trọi, và chính cậu đã tự mình cắt đứt nó vì sự mù quáng, chìm đắm trong sung sướng vật chất, thực dụng. Có lẽ nỗi đau đớn đó bây giờ chỉ còn với Kinu. 

Nhưng chớ hiểu lầm! Kinu vẫn luôn cầu phúc cho Yoshie, hạnh phúc biết bao vì cậu cuối cùng cũng được hưởng hạnh phúc. Bà đau đớn vì giờ đây không còn có thể chăm sóc cậu như bà đã từng. Bà vẫn viết thư, hỏi thăm cậu. Hồi tưởng lại, trong suốt quãng thời gian ở bên bà, thứ cậu nhận được là sự hy sinh vô bờ của một người mẹ. Những lúc bà bị lừa, bà đau ốm, bà mất đi ngôi nhà của mình, bà vẫn kiếm kế mưu sinh vì cậu. Những hình ảnh, hành động đó được Nosaka làm bật lên mạnh mẽ qua các chi tiết dồn dập theo mạch liên tưởng của Yoshie. Tất cả, là vì tương lai đứa con của mình. Và khi biết rằng, mình là gánh nặng của Yoshie, bà xin lỗi cậu thật nhiều. Những hành động hiện lên đầy chân thực trong cảnh trái ngang; tình cảm trong sự cùng cực của Nosaka đã khiến ta nể phục bà Kinu. Có lẽ vì vậy mà chính cha mẹ ruột của cậu luôn cảm phục bà và giúp đỡ bà khi có thể. 

© IPM phát hành

Đau đớn nhất chính là sự phát triển của nhân vật Yoshie – theo chiều hướng đi xuống. Có lẽ, đó là điều tự nhiên khi một đứa trẻ được hưởng cái giàu sang, phú quý sau những đau khổ triền miên. Thế nhưng, Nosaka đã khôn khéo khiến ta dần cảm nhận được Yoshie đáng trách thế nào, cũng như hiểu rõ nỗi đau ngay cả sau chiến tranh. Dù tình yêu có sâu đậm tới mức nào, tình mẫu tử vẫn có thể dễ dàng bị xóa bỏ; vật chất khiến con người ta quy phục; chiến tranh khiến nhân cách, tình cảm ruột thịt bị bào mòn. Yoshie vẫn khóc vào những đêm đầu tiên xa Kinu. Nhưng dần dần, sự ấm no từ gia đình mới đã khiến cậu quên đi người mẹ của mình. Nosaka còn nhấn mạnh điều đó qua việc Yoshie so sánh Kinu một cách tàn nhẫn với gia đình mới. Điều ông đã xử lý thông minh nhất chính là làm rõ nên được, tất cả những gì Yoshie nhận thấy ở gia đình mới tốt hơn đến nỗi có thể khiến Yoshie quên đi người mẹ của mình; làm bật lên được nỗi xấu hổ tủi thẹn với Kinu của cậu chỉ xuất phát từ vật chất tầm thường – thứ không bao giờ sánh ngang được với tình yêu của bà cho Yoshie . Bao nhiêu tình yêu thương của bà chỉ như cơn gió ngang qua với Yoshie. Lớn khôn nhờ Kinu, sống sót nhờ Kinu, được nuôi dạy bởi bà nhưng tiếc thay, cậu đã che mờ đi giá trị của bà và tình cảm của mình với hạnh phúc cậu có. Phải chăng vì thế thật đớn đau, khi cậu thấy bà phiền phức, dơ bẩn… Những từ ngữ mạnh được sử dụng có chủ ý, tài tình bởi tác giả càng nhen nhóm thêm trong độc giả sự tức giận với nhân vật Yoshie. Những chuyến ghé thăm được ân cần chuẩn bị bởi cha mẹ ruột, bữa ăn hiếm có với Kinu hay cả trong tang lễ của bà, cậu đều làm cho qua, không một chút cảm xúc. Cách Nosaka đưa từng sự việc hợp lý vào nhằm khơi thêm sự kiện mới, cảm xúc mới và sự tương phản mới càng làm nổi bật hơn sự tàn bạo của chiến tranh, sự tha hóa của nhân cách con người… 

【REVIEW】[Mộ Đom Đóm] - Khúc bi tráng ca của nỗi đau, nỗi sợ hãi và kinh hoàng của chiến tranh (Phần 3)© IPM phát hành

Có lẽ, sự tức giận của Yoshie chỉ đến ngang tang lễ của bà mà thôi. Khi sự bất hiếu, vô ơn của cậu được thể hiện ngay cả trong việc tổ chức tang lễ cho bà, những câu hỏi mới dần được đặt ra. Bà đã làm gì với khoản trợ cấp? Làm sao bà vẫn có thể sống cuộc đời đói khổ như vậy? Câu trả lời đáng ra dễ hiểu biết bao nhưng được Nosaka che mờ đi đầy khôn khéo. Chính bởi tâm hồn lấp đầy bởi vật chất của cậu đã khiến đáp án càng xa rời. Cậu chỉ nghĩ đến vật chất mà không chút cân nhắc gì tới giá trị đặt trong đó. Những đồng tiền cậu gửi cho bà là minh chứng cho điều gì lớn lao? Rất lớn lao là đằng khác. Với Kinu, những món quà cậu gửi cho bà – món quà gửi cho qua trách nhiệm – là thứ giúp bà nuôi niềm tin rằng cậu vẫn yêu thương mình, nhớ đến người mẹ đã nuôi nấng cậu. Chỉ khi những kỉ niệm, những lời bà nói với cậu và qua lời kể của hàng xóm, cậu mới nhận ra rằng: Kinu đã sống hết cuộc đời của một người mẹ theo cách trọn vẹn nhất. Không cầu vinh hoa phú quý, không chút xa xỉ, thay vào đó là cả con tim dành cho cậu và sống vì cậu mà thôi. Còn chấm dứt cho chuỗi “bất hạnh” của Yoshie – tôi cho là vậy – chính là việc cậu đã không dành được cho Kinu tình cảm cần có của một đứa con, nhận ra được tình yêu của người mẹ và chỉ nghĩ về tình cảm với giá trị đong đếm được. Chỉ đến khi câu chuyện khép lại, cậu ngồi một mình bật khóc, cậu thực sự tội nghiệp và đáng trách đến mức nào. Tội nghiệp vì giờ cậu phải sống trong đau khổ khi nhận ra tình cảm của bà nhưng chẳng còn có thể bù đắp được nữa;  tội nghiệp vì những tội lỗi cậu phải gánh chịu đến cuối đời khi đã đối xử với bà bằng con tim máu lạnh. Đáng trách thì chỉ có thể trách, rằng trái tim và tâm trí cậu đã không đủ vững vàng và sáng suốt để kịp nhận ra tình cảm của bà.

Tuy vậy, kết thúc bi kịch một cách nhẹ nhàng mà khó chịu vô cùng này có lẽ đã được bù đắp bởi sự hồi sinh nhân cách của Yoshie. Đến cuối cùng, điều Nosaka muốn nhắn nhủ là dù sớm hay muộn, tình cảm ruột thịt vào một lúc nào đó sẽ cứu lấy con người khỏi nghịch cảnh và nâng bước ta trong đường đời. Có lẽ chính vì điều đó, xuyên suốt câu chuyện ta thấy bức tranh của Yoshie vô cảm thì đến cuối cùng, cậu đã bật khóc, đau đớn tận xương tủy khi nhận ra sự sai trái của mình. Quá rõ ràng, cậu đã thay đổi rồi. Chiến tranh quả thật tàn khốc, chỉ khi trân trọng những tình cảm đó, không ngừng bồi đắp nó thì có lẽ, ta sẽ không thấy “Yoshie” bên trong ta.

[Người viết: Zenitsu]

RSS
Pinterest
fb-share-icon
FbMessenger
error: Chú ý: Vui lòng không sao chép!!