Home Chuyên Đề TBQ News Light Novel 【REVIEW】[Mộ Đom Đóm] – Khúc bi tráng ca của nỗi đau, nỗi sợ hãi và kinh hoàng của chiến tranh (Phần 4)

【REVIEW】[Mộ Đom Đóm] – Khúc bi tráng ca của nỗi đau, nỗi sợ hãi và kinh hoàng của chiến tranh (Phần 4)

71 views

Đến tận (Phần 4) hiện tại của [Mộ Đom Đóm], để mà nói, NOSAKA Akiyuki-sensei đã đưa cá nhân tôi qua vô vàn khung bậc cảm xúc của chiến tranh.


Đó là những thứ đáng lẽ không nên khơi dậy, mãi chìm sâu với tội ác chiến tranh. Đọc qua ba mẩu truyện đầu, dường như đã quá đủ để cho cá nhân tôi thấy được cái nặng nề ám ảnh của chiến tranh. Thế nhưng, mẩu truyện tiếp theo “Nuôi dưỡng những đứa trẻ đã chết” đã đưa tôi đến một không gian mới của chiến tranh. Một sa mạc khô cằn. Đúng bản chất của nó, câu chuyện thứ tư là sự lột tả, tái hiện trần trụi nhất của ảo ảnh kinh hoàng, của sự khô cằn tình cảm lấn át đi lý trí, nuốt trọn phần “người” của chúng ta.

(C) IPM phát hành

Danh tính của mỗi con người là điều gì đó rất quan trọng. Quá khứ, việc ta đã làm định nghĩa con người ta của hiện tại. Nỗi sợ hãi, tham vọng cũng là thứ làm nên con người chúng ta. Vậy nếu con người mất đi “danh tính” đáng quý của mình – hay nói đúng hơn làm giả nó, thì sẽ ra sao?

Hisako đã sống cuộc đời như vậy. Cô có một danh tính rất đáng ghen tỵ. Một người chồng điển trai, tháo vát, biết sửa đổi, một ngôi nhà hạnh phúc với người con đáng yêu của họ. Cô cũng có một công việc đáng mơ ước phù hợp với ưu điểm của mình và mức lương không hề thấp. 

Nhưng đây không phải mẩu chuyện gia đình hạnh phúc, mà là về chiến tranh! Không hoa mỹ, dông dài, NOSAKA đập tan ngay không khí hạnh phúc đó. Chính bàn tay của Hisako đã bóp chết Nobuko, đứa con của mình – minh chứng cho không chỉ tình yêu mà còn là thành công, sự “bình thường” cần có của bao người phụ nữ độ tuổi của cô. Đây là một điểm khác biệt so với những mẩu truyện khác mà cá nhân tôi cho rằng tác giả NOSAKA đã rất thông minh khi tận dụng nó. 

Một bức tranh vô cùng bình thường đến đáng sợ, với chủ đề của nó cần có điều gì tác động vào để khiến bức tranh hòa hợp hơn. Và không chút chần chừ, ngay từ những “phân cảnh đầu tiên”, ông tô lên màu xám hôi hám của loài chuột. Sự khó hiểu mà ông tạo ra ngay từ những dòng hồi tưởng đầu của Hisako với hình ảnh biến thành loài chuột “dơ bẩn”, trái ngược với niềm hạnh phúc “ngọt ngào” cô tận hưởng. Khi ta vẫn chưa kịp nuốt trôi được sự khó hiểu đó, NOSAKA không chút chần chừ đưa ta tới một bất ngờ khác. Hisako giết chết đứa con của mình. Như vậy, với màn bẻ cong nhận thức khác so với những mẩu truyện khác ông đem lại, đây thực sự là một chất xúc tác cực lớn. Bí ẩn lớn dần và người đọc như chờ đợi ngài thám tử vén màn nó. Đó còn là báo hiệu cho sự liên kết giữa danh tính của Hisako với hình ảnh loài chuột. Vì sao cô lại gắn cuộc đời danh tính của mình với loài vật ấy? Điểm chung của cuộc đời “họ” là gì? Điều gì khiến cô cho rằng mình hạ đẳng như loài chuột? Tuy đơn giản nhưng hiệu quả tâm lý mà tác giả mang lại là rất lớn. Ta tìm được vai trò của một người theo dõi – trách nhiệm phải chứng kiến tội ác này. Sự nâng tầm câu chuyện và mục đích của nó là điều ít ai làm được chỉ với những câu đầu tiên.

NOSAKA-sensei mở đầu bức tranh trong “Nuôi dưỡng những đứa trẻ đã chết” bằng thứ màu xám hôi hám của loài chuột, trái ngược với màu sắc của “Mộ Đom Đóm”
(C) Studio Ghibli

NOSAKA Akiyuki-sensei không những là bậc thầy chi phối tâm lý mà còn là chiến lược gia đại tài. Lí do là vì cách ông sử dụng những cuộc đối thoại bình thường luôn lái ta tới những suy nghĩ ta sẽ có về hành động của Hisako. Thế nhưng, ông khôn khéo gạt phăng những suy nghĩ đơn giản đó và đưa ta tới hồi ức của Hisako một cách trơn tru không ngờ. Hồi ức đó không chỉ là gia đình cô sau này mà còn là “gia đình cô” của quá khứ. Và cô ý thức được mình đã hủy hoại nó. 

Con người hình thành những thói quen xấu từ lúc nhỏ rất khó để bỏ đi. Những mầm mống đó nếu không có người hướng đạo sẽ khiến ta dễ lạc lối. Cô bé đã mất đi người đó. Chiến tranh hình thành nơi cô bé sự ích kỷ. Hisako từ nhỏ phải tháo vát nhiều việc và hiểu được tầm quan trọng của những người nâng đỡ mình. Thế nên cô hiểu rõ được nỗi đau khổ của những mất mát. Vậy nên, cô bù đắp sự thiếu thốn của bản thân bằng những việc làm ích kỷ với chính người thân của mình. Nhưng cái hay của ông NOSAKA là đã nâng nó lên tầm cao mới. Ta đau khổ, có lỗi chỉ khi ta làm điều đó một cách có ý thức. Hisako cũng như thế. Cô ý thức được tình cảm của mình với mọi người, nhưng sự thiếu thốn một đứa trẻ không nên có trong chiến tranh thay đổi bản chất con người cô. Không phải đứa trẻ ngây thơ, mà là con người của vật chất. Cô đã tự huyễn hoặc chính mình và giờ đây khát vọng của cô lu mờ bởi những ảo ảnh vật chất. Tình cảm, hành động của cô cũng bị chi phối bởi chúng.

Trớ trêu thay, cô mất đi mẹ – người giúp cô nhận ra rằng thứ vật chất đó thực tế cũng chỉ để bù đắp cho ảo ảnh mà cô tự tạo ra. Những thứ tạo nên con người Hisako không quyết định ở những thứ còn thiếu sót mà là những gì cô đang có. Và Hisako đã quên mất điều đó! Qua hàng loạt chuỗi sự việc đan xen quá khứ thực tại và sự linh hoạt trong việc chuyển tiếp không gian thời gian, tác giả càng làm nổi bật hơn sự mâu thuẫn trong con người Hisako. Một đứa trẻ muốn được yêu thương lại làm tổn thương người khác; một đứa trẻ quý trọng tình cảm giờ chạy theo vật chất tầm thường đặt nặng nó trên cả tình nghĩa. Sự tương phản càng mạnh mẽ hơn khi ông liên tục nhấn mạnh những thói quen xấu lái cô xa khỏi mong muốn, tâm tư của mình. Những thứ chiến tranh đã tước đi của cô, cô dẫm đạp lên người thân mình để lấy lại chúng. Phải chăng vì thế, khi hồi tưởng lại quá khứ của mình Hisako không ngừng liên tưởng mình đến loài chuột? Không ngạc nhiên gì, chính cô đã tự xóa đi danh tính của mình và tạo nên thứ “định nghĩa” giả tạo cho bản thân bởi sự tha hóa, chi phối của vật chất.

(Nguồn hình: Internet)

Tác giả của chúng ta cứ như đang chơi đùa với Hisako vậy. Cá nhân tôi cũng phải rợn người với sự nhẫn tâm đó. Hisako mất đi sự tự do của một đứa trẻ, sự tự do khám phá bản thân. Thay vào đó, chiến tranh đã chơi đùa cảm xúc cô bé, gieo cho cô mầm mống tai họa. Cuộc đời Hisako không còn là của chính cô nữa. Giây phút bỏ rơi người em gái của mình đi tìm “sự sống” riêng, hay ngừng khóc thương cho người mẹ chết trước mắt mình – người khi xưa khiến Hisako khóc mỗi ngày vì sợ bà sẽ chết, thì danh tính thật của cô đã mất. Những nhân chứng cho con người thật của cô, dẫn dắt cô đi theo con đường của mình đã không còn. Cô vẫn sống, nhưng không ai biết được con người thật của “cô”. Cô như đứa trẻ đã chết. Hisako lớn lên chỉ như một đứa trẻ với tâm hồn bị phá hủy bởi mầm bệnh chiến tranh. Những hình ảnh đầy ám ảnh về cái chết của mẹ và Ayako – em của Hisako được NOSAKA-sensei tái hiện lại không chút che dấu, đầy chân thực. Việc đan xen được lối kể chuyện phức tạp trong dòng cảm xúc cũng như miêu tả thứ tâm hồn đó thật sự khiến mẩu truyện thứ tư được gọi là “độc bản”.

Kết thúc là thứ cần có, là chân lý cho mọi câu chuyện: “Gieo nhân nào gặt quả ấy”. Hisako mất đi tất cả. Cô đã mất đứa con của mình, danh tính duy nhất cô tự xây nên và cả người chồng, người cha tin tưởng cô. Tuy nhiên, tính nhân văn NOSAKA Akiyuki-sensei gửi gắm qua câu chuyện thực sự khiến ta không khỏi xúc động. Cô kết thúc cuộc đời đó với tư cách là con người – của sự thức tỉnh. Nobuki chính là hình tượng cho bản ngã của cô. Cô vẫn còn dằn vặt, còn hối hận, còn thức tỉnh thì cô vẫn còn là con người. Cô kết thúc “danh tính” ác nghiệt của chính mình qua việc tự bóp chết đứa con ấy, thoát khỏi những ảo ảnh ràng buộc cô. Có lẽ đó là sự mất mát lớn, hành động vô nhân tính nhưng đồng thời, nghịch lý làm sao lại là cách cô hiểu được mình là ai, mình xứng đáng phải nhận được gì hơn là chịu đựng những xáo trộn đó để rồi gây ra hậu quả thảm khốc hơn. Kết thúc cuộc đời của một con chuột, cô ngừng trốn chui trốn lủi. Cô mãn nguyện vì cuối cùng phần “con” đáng khinh miệt mà chiến tranh hình thành nơi cô đã biến mất. Cuối cùng, cô cầu xin được nhận lấy cái chết khi lạc vào thứ sa mạc đó và không còn ai bên cạnh để đưa cô trở về.

Nặng nề, chua xót, nhẫn tâm là vậy nhưng việc NOSAKA-sensei đã khoáy sâu được khía cạnh ít được nhắc tới của chiến tranh một cách sâu sắc, ám ảnh quả thật vô cùng ấn tượng. Chính vì như thế, ta mới thấu hiểu được sự tàn độc của chiến tranh khi tước đi quyền được sống cuộc đời của một con người, hay đơn giản thôi, của một đứa trẻ!


KẾT

Khép lại phần cuối của series bài viết này, cũng là lúc tôi đóng lại tác phẩm [Mộ Đom Đóm], sau bao lần nghiền ngẫm tác phẩm, tìm ra những ý hay để hoàn thiện 4 phần của bài viết. Quả thật đến tận giờ phút này, tôi vẫn thấy cái tên bài viết “[Mộ Đom Đóm] – Khúc bi tráng ca của nỗi đau, nỗi sợ hãi và kinh hoàng của chiến tranh” là phù hợp nhất để nói ngắn gọn về tác phẩm này của NOSAKA Akiyuki-sensei. 

Với những ai chỉ biết đến [Mộ Đom Đóm] qua bộ phim của Studio Ghibli, tôi nghĩ trải nghiệm đó vẫn chưa là gì so với việc bạn đọc từng câu chuyện, ngẫm từng con chữ trong quyển sách này. Nên tôi hi vọng sẽ có nhiều người biết đến một [Mộ Đom Đóm] của tác giả NOSAKA Akiyuki!

Nếu bạn đã đọc tác phẩm, hãy để lại bình luận góp ý để tôi tiếp tục cải thiện ở các bài review tiếp theo nhé!

RSS
Pinterest
fb-share-icon
FbMessenger
error: Chú ý: Vui lòng không sao chép!!