Home Chuyên Đề TBQ News Manga 【REVIEW】Tổng hợp tất cả những lỗi trong [Yu-Gi-Oh! R] Tập 1 – Chỉ có phần xác mà thiếu đi phần hồn

【REVIEW】Tổng hợp tất cả những lỗi trong [Yu-Gi-Oh! R] Tập 1 – Chỉ có phần xác mà thiếu đi phần hồn

2,279 views

Dù được phát hành dưới hình thức Boxset giới hạn cực “xịn xò” dành riêng cho fans Việt ở bản in đầu, bìa được sử dụng trong lần tái xuất này của “Vua Bài Yugi” cũng giống hệt bìa gốc, nhưng bạn có biết rằng bên trong chiếc hộp [Yu-Gi-Oh! R] đầy ma mị này chứa những lỗi chính tả và lỗi biên tập ngoài sức tưởng tượng!? Cùng TBQ mở chiếc hộp pandora ra và khám phá tựa truyện được tôi cho là có số lỗi nhiều nhất năm 2020 đến từ NXB Kim Đồng.


CÁCH ĐỌC BÀI VIẾT

Nếu bạn là một người đang sở bản in đầu đầy lỗi này, đừng lo lắng vì tôi sẽ liệt kê tất cả các lỗi xuất hiện trong truyện thông qua loạt bài viết sau đây! Vì 5 tập [Yu-Gi-Oh! R] bản in đầu có rất nhiều lỗi, tôi quyết định phân tích mỗi bài viết một tập để độc giả có thể dễ dàng theo dõi. Mỗi bài viết sẽ liệt kê từng chương truyện kèm theo những lỗi xuất hiện trong chương đó. Bạn có thể lướt nhanh đến từng mục và chương trong bài viết này để xem lỗi của chương bạn muốn.

Trong mỗi tập, tôi sẽ phân làm 4 loại lỗi chính xuất hiện trong tập đó, gồm Lỗi chính tả, Lỗi dịch thuật, Lỗi ngữ pháp, Lỗi nhất quán,  Đề xuất cải thiện (dành cho những chỗ không phải lỗi nhưng có thể sửa để bản dịch tốt hơn). Kế bên từng lỗi, tôi sẽ thêm vào sau một con số, để cuối cùng chúng ta có thể thấy được tập truyện có bao nhiêu lỗi tất cả. Để đọc những lỗi mà bạn quan tâm, bạn nhấn tổ hợp “Ctr + F” và gõ cụm từ tương ứng để xem. (Ví dụ bạn chỉ muốn đọc về Lỗi chính tả, bạn nhấn “Ctr + F” và nhập “Lỗi chính tả”, trình duyệt sẽ làm nổi những phần bạn muốn đọc).

Lưu ý: Danh sách dưới đây chưa hoàn thiện, và một số lỗi trong bài viết được chỉ ra dựa theo quan điểm chủ quan của người viết. Vậy nên khi đọc, nếu các bạn thấy chỗ nào đó không phải lỗi, muốn bài viết được bổ sung thêm lỗi mới hoặc muốn bàn sâu về một lỗi cụ thể xuất hiện trong truyện, bạn cứ tự nhiên bình luận hoặc gửi inbox đến page để chúng ta cùng hoàn thiện bài viết này.


MỤC LỤC – BẤM NHANH ĐỂ ĐẾN LỖI TỪNG CHƯƠNG


CHƯƠNG 1

Mục lục bản Việt (trái) và bản Nhật (Phải). Ảnh: Bookwalker.jp
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

  • Đề xuất cải thiện (1): Thêm dấu !! sau tựa đề Chương 4, 7, 8, 9.

NXB Shueisha và tác giả thêm dấu !! sau tên của hầu hết tất cả các chương, mục đích có lẽ để tăng sự kịch tính khi đọc tiêu đề. NXB Kim Đồng có vẻ cũng muốn trung thành với cách đặt tiêu đề của bản gốc, giữ dấu !? và !! sau tiêu đề của chương 1, 2, 3, 6. Dù vậy, tựa chương 4, 7, 8, 9 bản Việt bị thiếu dấu !! so với bản gốc, tôi nghĩ thêm vào sẽ hoàn chỉnh hơn.

  • Đề xuất cải thiện (2): Sửa tựa đề Chương 8: “Cư dân của rừng rậm” -> “Cư dân của rừng thẳm”

Chương 8 có tựa gốc là “深き闇の住人!!”, dịch thô có nghĩa là “Cư dân của bóng tối sâu thẳm”. NXB Kim Đồng (NXB KĐ) đã dịch thoáng ra là “Cư dân của rừng rậm” (Có lẽ vì giáo sư bài trong chương này xài bộ bài có khỉ và rừng). Tôi nghĩ để sát với nguyên tác nhất, có thể thay cụm “rừng rậm” thành “rừng thẳm” sẽ sát với nghĩa bóng tối sâu thẳm của tựa gốc.

  • Lỗi dịch thuật (1): Trang 17 – “Chơi bài”, “Duel” hay “Quyết đấu”

Chương 1 Trang 17
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

Duel (デュエル) là một khái niệm mang tính chất thương hiệu của toàn bộ series [Yu-Gi-Oh!], đây là câu hiệu để mở màn cho những trận đấu bài kịch tính. Từ này vừa là động từ chỉ hành động đấu bài, vừa là danh từ chỉ một trận đấu bài. Trong bản gốc Nhật, ta sẽ thấy cụm từ “決闘“, bên cạnh ghi phiên âm nhỏ katakana “デュエル“. Đối với những cụm từ thế này, cách đọc phiên âm katakana mới là chính xác, chữ Hán phía dưới có tác dụng làm rõ nghĩa cho cụm từ nước ngoài phía trên. Cách dịch chính xác nhất cho khung tranh này chính là “Duel!!“, có thể kèm thêm chú thích ngoài khung nếu cần.

Câu thoại “Quyết đấu” – “Duel”. Ảnh: Bookwalker.jp
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

NXB Kim Đồng đã không dịch như vậy, họ quyết định dịch chữ Hán phía dưới ra thay cho câu Duel thương hiệu. Cụm từ “決闘” khi chuyển sang Hán Việt sẽ thành “Quyết Đấu“, một từ có nghĩa rất sát với từ “”Duel“. Thế nhưng NXB Kim Đồng lại dịch một từ mang tính đặc thù như “Duel” này thành “Chơi Bài” và sử dụng nó xuyên suốt 5 tập truyện. Nếu đã quyết định sử dụng một từ chứa chữ “bài” để đồng bộ với cụm từ “bài ma thuật”, tôi thiết nghĩ dùng “Đấu Bài” sẽ tạm chấp nhận được, do cùng vần D với từ “Duel“, hoặc giữ nguyên là “Quyết Đấu“. Thiếu trung thành với nguyên tác trong một động từ mang tính “thương hiệu” của Yu-gi-oh! mà tôi nghĩ đây là một lỗi rất nặng của bộ truyện này khi được xuất bản ở Việt Nam.

  • Lỗi nhất quán (1): Trong truyện để “Chơi bài” nhưng tựa chương lại là “DUEL”?

Từ Duel được sử dụng không thống nhất trong bản Việt Nam
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

Ở bản gốc của truyện thay vì dùng từ “Chương” hđơn thuần, tác giả và NXB dùng cụm “決闘R+số chương”, với phiên âm katakana phía trên cụm “決闘R” là “デュエルラウンド(Duel Round). Trong trường hợp này, từ “Duel” ở đây vẫn giữ nguyên cách viết với chữ Hán “Quyết Đấu” ở dưới và cách đọc phiên âm “Duel” ở trên.

Khi dịch các tựa chương, NXB Kim Đồng đã trung thành với nguyên tác khi giữ nguyên là “DUEL ROUND” giống cách đọc của bản gốc. Và Câu hỏi được đặt ra là tại sao chữ “Duel” được giữ nguyên ở tựa chương một cách tuyệt đối nhưng NXB Kim Đồng lại quyết định dịch nó ra tiếng Việt ở trong truyện!? Nếu đã thấy “Duel Round” về mặt thị giác lẫn phát âm hay hơn  “Vòng Chơi Bài“, NXB Kim Đồng nên giữ chữ “Duel” ở trong truyện thay vì dịch một cách nửa vời như vậy. Đồng thời, phải khẳng định rằng, “Duel!!” không đơn thuần chỉ là một từ, nó đã trở thành một “thương hiệu”, một sợi chỉ đỏ đi cùng cả series Yugi lẫn sự phát triển của bộ môn bài ma thuật.


CHƯƠNG 2

Chương 2 trang 39
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

  • Lỗi ngữ pháp (1): Trang 39 – Cụm từ “sẽ có rất nhiều” được đặt trước “địch thủ cản trở”.

Sẽ có rất nhiều…“, một cụm từ là sự kết hợp của hai phụ từ và một phó từ đứng trước danh từ khiến câu thoại trở nên vụn và trúc trắc. Chúng ta có thể sắp xếp lại để câu văn xuôi hơn: “có rất nhiều địch thủ sẽ cản trở ngươi đấy“.


CHƯƠNG 3

  • Lỗi nhất quán (2): Trang 47 – “Giáo sư bài ma”, “Tiến sĩ bài ma” hay “Card Professor”?

Chương 3 trang 47 (trái) so với các tập sau
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

Phần [Yu-Gi-Oh! R] này giới thiệu một nhóm những bài thủ săn tiền thưởng, sở hữu mật danh chung là “カードプロフェッサー” (Card Professor). Giống như mọi tên riêng tiếng Anh trong bản dịch của NXB Kim Đồng, cụm từ này đã được dịch ra thành tiếng Việt, đó là “Tiến sĩ bài ma“. Buồn cười thay ở các tập sau, cụm từ này lại bị đổi thành “Giáo sư bài ma“, tạo nên sự không thống nhất về khái niệm trong 5 tập truyện. Xét về nghĩa, “Giáo sư” gần nghĩa với “Professor” hơn. Tuy nhiên, độ chính xác của cả hai cách dịch này cũng nên xem xét, vì dù “Giáo sư bài ma” có lẽ là viết tắt của “Giáo sư bài ma thuật“, nhưng cụm “bài ma” phía sau lại dễ khiến người đọc liên tưởng đến bộ bài hệ ma. Với một cái tên có phần đặc thù này, việc dịch ra càng khiến cái tên trở nên buồn cười hơn. Theo tôi nghĩ, cách giải quyết ổn nhất với trường hợp này đó là giữ nguyên khái niệm tiếng Anh “Card Professor” như bản gốc Nhật, hoặc dịch đơn thuần là “Giáo sư bài” để gọn gàng nhất.

  • Lỗi dịch thuật (2): Trang 56 – Hiệu ứng của “Cổng Lâu Đài”: Chỉ bị tấn công bởi pháp thuật và năng lực đặc biệt. Mỗi lượt nó có thể bắn đi 1 quái thú đồng minh.

Hiệu ứng của “Cổng Lâu Đài”
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

Khi đọc bản dịch của NXB Kim Đồng ở trên, ta phải thắc mắc “quái thú đồng minh” đấy sẽ “bắn đi” đâu? Vế đầu của hiệu ứng cũng bị dịch sai ít nhiều, vế sau thì thiếu phần bổ ngữ, khiến nội dung trở nên cụt ngủn và gây khó hiểu cho độc giả. Tôi đề xuất cách dịch như sau:

魔法・特殊能力以外は受け付けない
1ターンに1度自軍のモンスターを射ち出すことが出来る
Chỉ bị ảnh hưởng bởi pháp thuật và năng lực đặc biệt. Mỗi lượt người chơi có thể bắn một quái thú trên sân mình vào đối phương.

CHƯƠNG 4

Chương 4 trang 65
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

  • Lỗi dịch thuật (3): Trang 65 – “Bản năng 1 bài thủ của ta mách bảo… Kế hoạch này không chỉ phát huy trong các trận đấu…”??

Dấu “” bỏ lửng của Yako khiến câu thoại thành cụt ngủn. Chưa kể, nguyên vế sau bị dịch sai hoàn toàn khiến câu thoại trở nên tối nghĩa. Tôi đề xuất cách dịch như sau:

デュエリストとしての本能が感じている…
闘いの中でしかこの計画はありえないと-
Bản năng của một bài thủ trong ta mách bảo rằng…
Chỉ những trận đấu mới giúp kế hoạch của ta thành hình…

 

Chương 4 trang 70
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

  • Lỗi dịch thuật (4): Trang 70 – “Sân” và “Field”

Khái niệm フィールド (Field) là một thuật ngữ trong trò chơi bài ma thuật, nếu được dịch ra thì có lẽ từ tạm ổn nhất để thay thể đó là từ “Sân đấu” hoặc “Sân đấu bài” . Bản dịch của Kim Đồng chỉ đơn giản là “sân“, thiếu đi chữ “đấu” để làm định ngữ định danh cho từ “sân“. Cả câu nói này nên được dịch mượt hơn thành:

私は私のデッキに眠る「主」にふさわしいフィールドで戦うことにしているの Dịch sát nghĩa: Ta sẽ đấu bài trên một sân đấu phù hợp với bộ bài và chủ nhân đang ngủ của ta.

Dịch thoáng ý: Sân đấu này của ta rất phù hợp với bộ bài và chủ nhân đang say ngủ.

Chương 4 trang 81
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

  • Lỗi dịch thuật (5): Trang 81 – “Công” -> “Điểm Gốc”

Khung vuông vốn chỉ “điểm gốc” của người chơi đã biến thành khung chỉ “điểm công“. Không lẽ Tilla Mook đã tự biến mình thành quái thú tham gia trận đấu? Đây là một sai sót khá buồn cười. Ô thoại đúng phải là : “Tilla Mook Điểm gốc: 3600 -> 2600


CHƯƠNG 5

Hiệu ứng của “Kiến Sư Tử”
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

  • Lỗi dịch thuật (6): Trang 97 – Hiệu ứng “Kiến Sư Tử”: Quái thú tấn công Kiến sư tử sẽ bị trừ 500 điểm gì ???

500 điểm đó là 500 nào? Công, thủ hay cả hai. Chính vì sự cụt ngủn đó mà cũng dễ khiến độc giả có thể liên tưởng người chơi sẽ nhận thiệt gián tiếp 500 điểm gốc nếu quái thú của mình tấn công Kiến sư tử. Hiệu ứng đúng của lá bài phải là:

アリジゴクを攻撃対象とするモンスターは攻撃力-500ポイントとなる Quái thú tấn công Kiến sư tử sẽ bị trừ 500 điểm lực công.

Chương 5 trang 104
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

  • Lỗi ngữ pháp (2): Trang 104 – Sự kết hợp của cụm động từ “Tiếp đãi đặc biệt” đi với phụ từ “có” 

Sự kết hợp này khiến câu thoại trở nên “sượng”. Nên thêm chữ “màn” hoặc “sự” để biến “tiếp đãi đặc biệt” thành cụm danh từ hoàn chỉnh cho phần vị ngữ của câu. Tôi đề xuất sửa câu thoại thành “Ta có màn “tiếp đãi đặc biệt” dành cho những đối thủ cứng đầu như ngươi đây…


CHƯƠNG 6

Hiệu ứng của “Địch Tập Cảnh Báo”
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

  • Lỗi dịch thuật (7): Trang 121 – Hiệu ứng “Địch Tập Cảnh Báo”: “Kích hoạt khi đối phương phát động tấn công. Triệu hồi đặc biệt 1 quái thú từ bài trên tay. Kết thúc lượt tấn công, quái thú sẽ trở về lá bài trên tay.

Xuyên suốt 5 tập truyện, mỗi khi dịch hiệu ứng một lá bài có thể giúp triệu hồi đặc biệt quái thú ở trên tay người chơi, người dịch lạm dụng các cụm từ “bài trên tay” và “lá bài trên tay“, khiến câu văn bị lặp từ liên tục. Dịch thuật ngữ “バトルフェイズ (Battle Phase)” thành “lượt tấn công” trong trường hợp này sẽ gây hiểu nhầm rằng quái thú sẽ trở về tay người chơi ngay sau khi một đòn tấn công kết thúc, thực chất sau khi toàn bộ quái thú đối phương đã tấn công thì mới kết thúc một “Battle Phase“. Hiệu ứng đúng của lá bài phải là:

相手プレイヤーが攻撃を宣言した時、発動。手札よりモンスター1体を特殊召喚する
バトルフェイズ終了後に手札にもどる
Kích hoạt khi đối phương phát động tấn công. Triệu hồi đặc biệt 1 quái thú từ trên tay. Kết thúc Battle Phase đó, quái thú ấy trở về tay người chơi.

Chương 6 trang 123
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

  • Lỗi chính tả (2): Trang 123 – “Vô hiệu quá” -> “Vô hiệu hóa”

Cụm từ đúng chính tả phải là “Vô hiệu hóa tấn công,…”


CHƯƠNG 7

Chương 7 trang 148
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

  • Lỗi chính tả (3): Trang 148 – “Không chế nó” -> “Khống chế nó”

Cụm từ đúng chính tả phải là “Và khống chế nó!!”


CHƯƠNG 8

Hiệu ứng của “Khỉ Đầu Chó Gác Rừng”
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

  • Lỗi dịch thuật (8): Trang 174 – Hiệu ứng “Khỉ Đầu Chó Gác Rừng”: “Khi một cư dân của rừng bị tiêu diệt, bỏ ra 1000 điểm gốc để triệu hồi đặc biệt Khỉ Đầu Chó Gác Rừng“.

Có sự thiếu thống nhất trong hành động, khi sau tập 1, và trong cả bản gốc, khi đề cập tới hành động hi sinh điểm gốc để phát động năng lực đặc biệt của lá bài đều dùng từ “支払い – Shiharai – Trả… điểm gốc” mà không dùng từ “bỏ ra“. “Trả điểm gốc” cũng là một trong những thuật ngữ thường thấy ở các trận đấu bài ma thuật. Thiết nghĩ, NXB Kim Đồng nên điều chỉnh lại tập 1, thay cụm từ “bỏ ra” bằng từ “trả” để thống nhất trong hành động, đồng thời tôn trọng nguyên tác. Hiệu ứng đúng của lá bài phải là:

森の住人が破壊された時 ライフを1000ポイント支払い特殊召喚する Khi một cư dân của rừng bị tiêu diệt, trả 1000 điểm gốc để triệu hồi đặc biệt lá bài này.

CHƯƠNG 9

Croket ở tập 1 (trái) và Croquet ở tập 2 (phải)
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

  • Lỗi nhất quán (3): Ngài “Croket hay “Croquet”?

Chuyện kể rằng Pegasus có một người hầu, ông ta tên là Mr. クロケッツ. Tên gọi này khi phiên âm sang chữ latinh sẽ là Croketts, hoặc Croquette (tên của một môn thể thao, đồng thời là tên của món đồ chiên thịnh hành tại Nhật Bản và nhiều nước trên thế giới). Cuối tập 1, tên của vị người hầu này được NXB Kim Đồng dịch là “Croket“, nhưng sang đầu tập 2, tên của ông bị đổi thành “Croquet“, tạo thành sự không thống nhất trong tên gọi. Xét về mặt phiên âm, hai cách gọi tên đều đúng nhưng nên sử dụng một cách để độc giả dễ theo dõi, tránh trường hợp nghĩ đây là hai người khác nhau.


TỔNG SỐ LỖI CỦA TẬP 1 LÀ?

  • Lỗi chính tả: 3 lỗi
  • Lỗi dịch thuật: 8 lỗi
  • Lỗi ngữ pháp: 2 lỗi
  • Lỗi nhất quán: 3 lỗi
  • Đề xuất cải thiện: 2 chỗ

Tổng cộng: 16 lỗi xuất hiện trong tập 1. Đây là một số lỗi khá lớn đối với một ấn phẩm truyện bản quyền. Rốt cuộc số lỗi này xảy ra là do dịch giả hay biên tập!? Chúng ta hiện tại vẫn chưa có câu trả lời chính thức từ NXB Kim Đồng. Cùng TBQ đón xem tiếp Tập 2 có tổng cộng bao nhiêu lỗi trong phần kế tiếp của bài viết!

——


 [Ảnh: Mọt Mọt / Người viết: Mọt Mọt, Phúc Hồng]

PhucHong - KEPY
RSS
Pinterest
fb-share-icon
FbMessenger
error: Chú ý: Vui lòng không sao chép!!