Home Chuyên Đề TBQ 【REVIEW】Tổng hợp tất cả những lỗi trong [Yu-Gi-Oh! R] Tập 2 – Chỉ có phần xác mà thiếu đi phần hồn

【REVIEW】Tổng hợp tất cả những lỗi trong [Yu-Gi-Oh! R] Tập 2 – Chỉ có phần xác mà thiếu đi phần hồn

Thua trong một trận đấu không cân sức tại Kim Đồng Tournament 2020, trước sự phẫn nộ của fans [Yu-Gi-Oh!], NXB Kim Đồng đã “nhá hàng” boxset của [Yu-Gi-Oh! R] như một món quà độc quyền để an ủi phần nào nỗi buồn của fan nhà Yugi. Nhưng đến khi boxset trình làng, thì fan [Yu-Gi-Oh!] mới bàng hoàng nhận ra, đây chỉ là một ấn phẩm chỉ có phần xác mà thiếu mất phần hồn. Khi bề ngoài đẹp lung linh nhưng bên trong, trừ bỏ vấn đề giấy và in ấn, là những lỗi sai dày đặc trên mọi phương diện kéo dài từ Tập 1. Bây giờ, chúng ta cùng uống một cốc nước mát để bình tĩnh và mở Tập 2 ra…


CÁCH ĐỌC BÀI VIẾT

Nhấn link bên dưới để xem tất cả những lỗi xuất hiện trong các tập còn lại:

Nếu bạn là một người đang sở bản in đầu đầy lỗi này, đừng lo lắng vì tôi sẽ liệt kê tất cả các lỗi xuất hiện trong truyện thông qua loạt bài viết sau đây! Trong mỗi tập, tôi sẽ phân làm 4 loại lỗi chính xuất hiện trong tập đó, gồm Lỗi chính tả, Lỗi dịch thuật, Lỗi ngữ pháp, Lỗi nhất quán, và Đề xuất cải thiện thêm (dành cho những chỗ không phải lỗi nhưng có thể sửa để bản dịch tốt hơn). Kế bên từng lỗi, tôi sẽ thêm vào sau một con số, để cuối cùng chúng ta có thể thấy được tập truyện có bao nhiêu lỗi tất cả. Để đọc những lỗi mà bạn quan tâm, bạn nhấn tổ hợp “Ctr + F” và gõ cụm từ tương ứng để xem. (Ví dụ bạn chỉ muốn đọc về Lỗi chính tả, bạn nhấn “Ctr + F” và nhập “Lỗi chính tả”, trình duyệt sẽ làm nổi những phần bạn muốn đọc).

Lưu ý: Danh sách dưới đây chưa hoàn thiện, và một số lỗi trong bài viết được chỉ ra dựa theo quan điểm chủ quan của người viết. Vậy nên khi đọc, nếu các bạn thấy chỗ nào đó không phải lỗi, muốn bài viết được bổ sung thêm lỗi mới hoặc muốn bàn sâu về một lỗi cụ thể xuất hiện trong truyện, bạn cứ tự nhiên bình luận hoặc gửi inbox đến page để chúng ta cùng hoàn thiện bài viết này.


MỤC LỤC


CHƯƠNG 10

Mục lục bản Việt (trái) và bản Nhật (Phải). Ảnh: Bookwalker.jp
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

  • Lỗi dịch thuật | biên tập (1): Mục lục – Tên của chương 10, 11, 15, 17 cần sửa lại

Tựa đề các chương này được dịch không đủ ý nghĩa của tựa gốc, tiêu biểu là chương 15 có tựa đề sai hoàn toàn về nghĩa. Cụm “Sinh vật tối thượng” ở vế đầu bị dịch thành “Sinh vật sống cuối cùng“. Ở vế sau, cụm từ Hán Việt “Giáng lâm” (降臨) được NXB Kim Đồng dịch đơn giản hóa sang “Xuất hiện“. Cụm từ ở vế sau ý chỉ sự xuất hiện của Rồng trắng mắt xanh, niềm tự hào của Kaiba Seto trong chương truyện. Ngôn từ ở tựa đề gốc thể hiện được sự tôn quý, trang trọng của một lá bài vừa sánh ngang với thần, vừa là đại diện cho ý chí kiêu hãnh của Chủ tịch Kaiba. Vì vậy từ “Giáng lâm” tôi nghĩ sẽ giữ nguyên trọn vẹn ý nghĩa của nguyên tác. Tôi đề xuất cách dịch như sau:

DR10: 恐怖が支配する世界!!DR10: Nỗi kinh hoàng thống trị thế giới!!
DR11: 決着、そして…!?DR11: Ngã ngũ, và rồi…!?
DR15: 究極の生命体、降臨!!DR15: Sinh vật tối thượng, giáng lâm!!
DR17: エルフの戦士たち!!DR17: Những chiến binh yêu tinh!!

—–

  • Lỗi ngữ pháp (1): Trang 13: Và bỏ 1 lá vào nghĩa địa”, “ triệu hồi đặc biệt The Tricky…

“Và” bị lặp lại trên trang 13
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

Trong cùng một khung tranh, cùng mạch thoại của một nhân vật, việc lặp hai từ “” khiến câu thoại trở nên hết sức lủng củng. Tôi thấy nên bỏ từ “” ở lệnh triệu hồi The Tricky để nhấn mạnh hành động ở vế sau hơn.

  • Lỗi dịch thuật | biên tập (2): Hiệu ứng lá bài “Tiến hóa thần thánh”: “Không bị vô hiệu hóa, tăng 1000 điểm công và thủ cho quái thú bất kì.”

Hiệu ứng là “Tiến hóa thần thánh”
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

Vế câu “không bị vô hiệu hóa” thiếu thành phần bổ ngữ cho động từ “vô hiệu hóa“, từ đó khiến câu dịch trở nên tối nghĩa. “Vô hiệu hóa” cái gì, bởi ai? Bản dịch của NXB Kim Đồng đã bị thiếu vế “bởi hiệu ứng nào khác” trong nguyên tác.
Cụm “cho quái thú bất kì” được NXB Kim Đồng thêm vào để làm rõ nghĩa hiệu ứng, nhưng tôi nghĩ nên thay từ “bất kì” thành “chỉ định” sẽ cụ thể, đồng thời làm rõ nghĩa hiệu ứng này hơn. Tôi đề xuất cách dịch như sau:

すべての効果によってこのカードは無効にならない
攻撃力・守備力が1000ポイント上昇する
Không bị vô hiệu hóa bởi hiệu ứng nào khác. Tăng 1000 điểm công và thủ cho quái thú chỉ định.

CHƯƠNG 11

May mắn thay, chương này hiện tại chúng tôi chưa phát hiện ra lỗi gì.


CHƯƠNG 12

  • Lỗi dịch thuật | biên tập (3) và (4): Trang 62: Hiệu ứng lá bài “Thu hồi cản trở”: “Thu hồi một quái thú tấn công quay lại lá bài” | câu thoại sau đó “Đòn tấn công của ngư dân huyền thoại bị vô hiệu hóa, đồng thời trở về lá bài“.

Hiệu ứng “Thu hồi cản trở” bị dịch thiếu ý.
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

Cụm từ “quay lại lá bài” ở đây bị dịch sai hoàn toàn trong khi bản gốc là “trở về tay (手札)“. Lỗi này khiến cho câu thoại tiếp theo khi nhân vật giải thích hiệu ứng bẫy bị sai theo. Hiệu ứng đúng của lá bài này phải dịch là:

攻撃モンスター1体を手札にもどすThu hồi một quái thú tấn công trở về tay người chơi

Thoại đúng của nhân vật ở ô tiếp theo phải được dịch là: “Đòn tấn công của Ngư dân huyền thoại bị vô hiệu hóa, đồng thời quái thú trở về tay ngươi!!”

——

  • Đề xuất cải thiện thêm (1): Trong văn cảnh cụ thể, nên dùng linh hoạt các từ mang sắc thái đồng nghĩa có thể thay thế cho từ “lá…” hay “lá bài”.

Một trong những điều dễ nhận thấy khi đọc truyện là việc người dịch thường xuyên dùng đi dùng lại từ “lá bài“, “lá…” khi dịch hiệu ứng đặc biệt hay trong lời thoại nhân vật. Điều này khiến câu văn trở nên lủng củng. Khi dịch, dịch giả có thể bị cuốn vào mạch truyện và không chú trọng tới lỗi lặp từ bản thân mắc phải, và người biên tập, chính là “chốt chặn” chuốt lại ngôn từ cần chú ý hơn đến điểm này. Tôi đề xuất nên sử dụng linh hoạt giữa từ “bài“, “lá bài” và “thẻ bài” hoặc trong trường hợp cụ thể cũng có thể định danh luôn cho lá bài ấy là “phép thuật” hoặc “cạm bẫy“, bỏ chữ “lá bài“, “lá…” đứng trước.

  • Lỗi dịch thuật | biên tập (5): Hiệu ứng thẻ bài “Bọ ngựa thần chết”: “Triệu hồi bằng cách hi sinh quái thú trong đội. Sức công bằng sức công quái thú đã hi sinh.

Hiệu ứng “Bọ ngựa thần chết” bị dịch sai
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

Vế thứ nhất của hiệu ứng trên bị dịch sai hoàn toàn, còn vế sau là một câu chung chung, thiếu cụ thể. “Bằng sức công quái thú đã hi sinh” là sức công quái thú mạnh nhất, yếu nhất hay là tổng điểm công của tất cả quái thú hi sinh cho “Bọ ngựa thần chết“? Hiệu ứng đúng của lá bài phải dịch là:

自軍のモンスターを生贄にすることで攻撃力がいつでもその生贄の攻撃力だけ上げるBằng cách hiến tế quái thú trong đội, tổng điểm công các quái thú đã hiến tế sẽ được cộng vào điểm công của Bọ ngựa thần chết.

——

  • Đề xuất cải thiện thêm (2): Hiệu ứng lá bài: “Cừu say ngủ“: “Triệu hồi 4 quái thú để phòng thủ, nhưng không thể dùng làm vật tế để triệu hồi quái thú khác.”

Hiệu ứng “Cừu say ngủ” cần được rút gọn
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

Mặc dù hiệu ứng lá bài này bê nguyên xi từ phần một, nhưng tôi cảm thấy hiệu ứng lá bài có thể cải thiện hơn. Bản dịch hiện tại lặp lại từ “để” trong một khung hiệu ứng nhỏ. Tôi nghĩ nên bỏ từ “để” thứ hai hoặc bỏ cả hai từ “để” sẽ giúp câu văn gọn và dễ hiểu hơn. Một số chỗ nhỏ trong bản dịch cũng chưa hoàn thiện, tôi đề xuất bản dịch sau:

場に4体の身代わりに羊を出す
これを生け贄に他モンスターを召喚することはできない
Triệu hồi 4 chú cừu thế thân. Bốn chú cừu này không thể hiến tế để triệu hồi quái thú khác.

——

  • Đề xuất cải thiện thêm (3): Hiệu ứng “Robot tâm linh”: “Đối phương không thể sử dụng được cạm bẫy một khi lá bài này còn hiện diện trên sân”.

Hiệu ứng của “Robot Tâm Linh”
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

Chữ “được” trong bản dịch của NXB Kim Đồng khiến câu văn dài dòng. Một số chỗ nhỏ trong bản dịch cũng chưa hoàn thiện, tôi đề xuất bản dịch sau:

サイコ・ショッカーが場に出ている限り対戦相手は罠カードを使えないĐối phương không thể sử dụng cạm bẫy một khi “Robot Tâm Linh” còn hiện diện trên sân.

——

  • Lỗi nhất quán (1): Trang 69 và trang 72 – “Bọ ngựa thần chết” bỗng bị đổi sang “Thần chết bọ cạp”??

“Bọ ngựa” hay “Bọ cạp”??
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

trang 69, khi Mendo Cino triệu hồi quái thú, tên thẻ bài này là “Bọ ngựa thần chết“. Anh ta cũng gọi tên quái thú đó như vậy, đồng thời, bộ bài Cino sử dụng là bộ bài bọ ngựa. Thế nhưng, hà cớ gì trang 72, tên của lá bài lại là “Thần chết bọ cạp“. Tên của lá bày nên được thống nhất lại là “Bọ ngựa thần chết“.


CHƯƠNG 13

  • Lỗi nhất quán (2): Trang 83 – Từ “Bọ ngựa con” bỗng thành “Bọ ngựa cầu nguyện con“?

Lỗi tên gọi “Bọ ngựa con”
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

Trong trận đấu giữa Jonouchi và Mendo Cino chỉ xuất hiện “Bọ ngựa con” được sinh ra từ “Trứng bọ ngựa“, và một quái thú khác tên “Bọ ngựa cầu nguyện“. Chương truyện không hề có sự xuất hiện của quái thú mang tên “Bọ ngựa cầu nguyện con“. Không lẽ, người dịch và người biên tập đã quyết định sử dụng lá bài “Dung hợp” cho tên gọi của 2 chú “Bọ ngựa con” xuất hiện trong trang 83 chương 13? Ở trang truyện này, câu thoại đúng phải là”Hiến tế hai bọ ngựa con…“.

——

  • Lỗi dịch thuật | biên tập (6): Trang 87, lời thoại của Jonouchi: “Robot Tâm Linh vừa rồi chỉ là mồi nhử. Ta sử dụng cỗ máy thời gian gọi Robot tâm linh của 1 lượt trước. Như vậy sức công của nó là 2400. Còn Bọ ngựa thần chết vẫn chịu ảnh hưởng từ “Hoán đổi công – thủ” sẽ không thể địch lại Robot.”

Câu thoại hết sức lủng củng của Jonouchi
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

Một câu thoại dài dòng, cứng nhắc, màu mè đặc biệt không hợp với một nhân vật mang tính cách có phần đơn giản nhưng nhiều lúc cũng hết sức “gợi đòn” như Jonouchi. Tôi xin đề xuất bản sửa lại như sau: “Vừa rồi Robot Tâm Linh chỉ là mồi nhử. – Ta sử dụng Cỗ máy thời gian triệu hồi Robot Tâm Linh của một lượt trước!! – Sức công của “Robot Tâm Linh” trở lại 2400 sẽ dễ dàng đánh bại con bọ ngựa nhép vẫn chịu ảnh hưởng của Hoán đổi Công – Thủ kia!!”

——

  • Lỗi dịch thuật | biên tập (7): Trang 87, Hiệu ứng của “Cỗ máy thời gian: “Quay ngược thời gian lại một lượt trước khi quái thú bị tấn công để khôi phục sức mạnh và phản công lại kẻ địch.”

Hiệu ứng của “Cỗ máy thời gian”
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

Bản dịch hiệu ứng lá bài này của NXB Kim Đồng không chính xác về nghĩa so với bản gốc. tôi đề xuất bản dịch sau sát với bản gốc hơn:

自軍のモンスターが攻撃を受けた時 1ターン過去からそのモンスターを呼び戻し反撃することができるKhi một quái thú của người chơi bị tấn công, người chơi có thể đưa quái thú này từ thời điểm một lượt trước đó quay trở lại phản công kẻ địch.

——

  • Lỗi chính tả (1): Trang 91, lời thoại của Jonouchi: “Ngoáy tay mà nghe cho kĩ…”

“Ngoáy tay” ở trang 91
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

Phân tích: Từ “ngoáy tai” đã biến thành “ngoáy tay” một cách thần kì. “Ngoáy tay“? Không lẽ để thực hiện “múa quạt”. Câu thoại đúng phải là: “Ngoáy tai mà nghe cho kĩ…”


CHƯƠNG 14

  • Lỗi nhất quán (3): Trang 94, “Mĩ” hay “Mỹ

“Mĩ” hay “Mỹ”??
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

Trong trang trên, lời thoại của Jonouchi: “Hắn từ về đúng không”, đang là “” – chữ i ngắn nhưng sang khung vuông giới thiệu, lại là “Đại hội vô địch thiếu niên Bắc Mỹ“, “Mỹ” – chữ y dài. Việc dùng “i” ngắn hay “y” dài trong nhiều trường hợp vẫn còn là tranh cãi. Nhưng tôi thiết nghĩ, trong một bộ truyện thì nên có sự nhất quán ở cách trình bày. Tôi đề xuất NXB Kim Đồng thống nhất cách viết chữ “” trong tác phẩm.

——

  • Lỗi dịch thuật | biên tập (8): Hiệu ứng của lá “Virus hủy diệt”: “Khởi động khi một quân bài cùng phe mang thuộc tính bóng tối có điểm tấn công dưới 1000 bị tiêu diệt. Có tác dụng vô hiệu hóa tất cả quân bài có sức mạnh trên 1500 của đối phương.”

Hiệu ứng mập mờ của “Virus hủy diệt”
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

Phần dịch thuật hiệu ứng của bài bẫy “Virus hủy diệt” bị sai hoàn toàn so với bản gốc. Lỗi dịch sai hiện hữu từ phần 1 và phần R này sai cũng tương tự. Tôi đề xuất bản dịch sau:

闇属性で攻撃力1000以下の生贄を媒体にウイルスカードは発動する。相手の手札及びデッキ内の攻撃力1500以上のしもべは全て死滅する。Kích hoạt bằng cách hi sinh một quái thú thuộc tính bóng tối có sức tấn công 1000 điểm trở xuống làm vật trung gian chứa virus. Tiêu diệt tất cả quái thú có sức tấn công 1500 điểm trở lên ở trên tay và trong bộ bài của đối phương.

——

  • Lỗi chính tả (2) + Lỗi dịch thuật | biên tập (9): Hiệu ứng phép thuật “Niêm phong bài úp”: “Phỏng tỏa bài đang úp trên sân đối phương khiến nó không thể hoạt động. (Từ sau lá bài này, những lá bài bị giấu đều vô tác dụng)”

Hiệu ứng của “Niêm phong bài úp”
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

Lỗi chính tả xuất hiện trong hiệu ứng của lá bài này: “Phỏng tỏa” phải được sửa thành “Phong tỏa“. Hiệu ứng của lá bài này bị dịch sai hoàn toàn về nghĩa khi so với bản gốc. Tôi đề xuất bản dịch sau:

相手の場に伏せられたカードは固定され発動できない(このカード以降に伏せられたカードには無効とする)Niêm phong mọi lá bài đang úp trên sân đối phương khiến chúng không thể kích hoạt. (Những lá bài được úp tiếp theo không bị ảnh hưởng)

——

  • Lỗi ngữ pháp (2): Trang 125, lời thoại của Willa Mette: “Quái thú lực tấn công thấp ít hơn quái thú chuyên tấn công, cũng ít quái thú có thể tấn công bằng phép thuật.”

Câu thoại vô cùng khó hiểu ở trang 125
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

Thông thường, nguyên tắc khi so sánh cần đặt những sự vật, sự việc, hiện tượng có cùng đặc điểm để đi tới một đích so sánh nhất định. Nhưng trong câu thoại kia, “quái thú lực công thấp” không cùng nội hàm với “quái thú chuyên tấn công“. Chưa kể, “quái thú chuyên tấn công bằng phép thuật” lại là “một tệp con” của “quái thú chuyên tấn công“. Vì thế, câu thoại này vừa rắc rối, vừa khập khiễng trong các vế so sánh. Tôi đề xuất bản thay thế cho câu thoại trên bằng cách quy các vế so sánh về cùng một mối, sửa lại ngữ pháp, từ nối trong đoạn văn: “Quái thú điểm công thấp – loại thường mang hiệu ứng phép thuật đặc biệt – ít hơn quái thú điểm công cao“.


CHƯƠNG 15

  • Lỗi dịch thuật | biên tập (10): Hiệu ứng bài bẫy “Triệu tập muộn”: “Kích hoạt khi không triệu tập quái thú ở lượt trước và đối thủ phát lệnh tấn công. Hi sinh thêm 1 quái thú để triệu hồi.”

Hiệu ứng “Triệu tập muộn”
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

Cả tên và hiệu ứng lá bài này bị dịch sai hoàn toàn. Tên của lá bài này (遅れた召喚劇) phải được dịch là “Triệu hồi muộn“. Về hiệu ứng, tôi đề xuất bản dịch sau:

相手の攻撃宣言によって発動
直前のターンにモンスターを召喚していない時本来のコスト+1体の生贄を捧げることでモンスターを召喚する
Kích hoạt khi đối thủ phát lệnh tấn công. Triệu hồi một quái thú nếu người chơi chưa triệu hồi ở lượt trước đó, nhưng phải hi sinh thêm một quái thú so với số hi sinh cần thiết.

——

  • Lỗi dịch thuật | biên tập (10): Trang 137 – Câu thoại : “Bù lại ta sẽ phải hi sinh quái thú!”

Câu thoại bị thiếu từ
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

Hiệu ứng của “Triệu Hồi Muộn” khiến người dùng phải hi sinh thêm một quái thú so với số lượng hi sinh cần thiết. Ở câu thoại này, số lượng quái thú hi sinh bị thiếu đi khiến câu thoại trở nên khó hiểu và thiếu chính xác. Câu thoại đúng phải là: “Bù lại ta sẽ phải hi sinh thêm một quái thú!”


CHƯƠNG 16

Phù, mừng quá! Cả chương này chúng tôi cũng chưa phát hiện lỗi gì.


CHƯƠNG 17

  • Lỗi nhất quán (4) + Lỗi dịch thuật | biên tập (12): Tên và hiệu ứng lá bài “Dược thực”: “Kích hoạt khi hiến tế quái thú. Quái thú được triệu hồi sẽ hấp thụ một nửa điểm công và thủ của quái thú hiến tế. (Trong trường hợp có nhiều quái thú, chọn một con).”

Lá bài “Dược thực” bị thiếu cụm (Phép thuật) bên trên và hiệu ứng không chính xác
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

Dưới tên lá bài có phần chú thích nhỏ trong dấu ngoặc đơn ghi rằng đó là bài bẫy hay phép. Nhưng riêng “Dược thực” không có phần chú thích này. Lá bài này để hoàn chỉnh cần phải được thêm phần chú thích “(Phép thuật)” ở dưới tên gọi.

Hiệu ứng của lá bài tiếp tục bị dịch sai hoàn toàn, thiếu cụm “cùng năng lực đặc biệt” khiến người đọc thắc mắc tại sao “Sư tử thiện chiến” lại kế thừa năng lực đặc biệt của “Báo đốm siêu tốc độ“. Tôi đề xuất bản dịch sau:

生贄召喚を行なった時、生贄にしたモンスターの半分の攻撃力・守備力と特殊能力をその召喚モンスターに与える(複数の場合は1体を選ぶ))Khi triệu hồi hiến tế một quái thú, cho quái thú vừa triệu hồi một nửa điểm công, điểm thủ cùng năng lực đặc biệt của quái thú dùng làm vật hi sinh. (Trong trường hợp có nhiều quái thú được hi sinh, chọn một).”

——

  • Lỗi chính tả (3): Trang 186 – Suy nghĩ của Banias: “Nhưng rất tiếc, lá bài úp “Phong tỏa phòng thủ” của sẽ buộc ngươi phải tấn công!”

Thiếu chữ tại trang 186
(C) TAKAHASHI Kazuki – ITOU Akira/ Shueisha, NXB Kim Đồng

Cụm từ “của sẽ” đã thiếu mất chữ “ta” nên khiến câu văn trở nên vô nghĩa, câu thoại phải được bổ sung chữ “ta” để hoàn thiện cụm từ “của ta“. Câu thoại đúng phải là: “Nhưng rất tiếc, lá bài úp “Phong tỏa phòng thủ” của ta sẽ buộc ngươi phải tấn công!”


TỔNG SỐ LỖI CỦA TẬP 2 LÀ?

  • Lỗi chính tả: 3 lỗi
  • Lỗi dịch thuật/ biên tập: 12 lỗi
  • Lỗi ngữ pháp: 2 lỗi
  • Lỗi nhất quán: 4 lỗi
  • Đề xuất cải thiện thêm: 3 chỗ

Tổng cộng: 21 lỗi xuất hiện trong tập 2, cao hơn cả số lỗi xuất hiện trong Tập 1. Tôi kiến nghị NXB Kim Đồng cùng người dịch bộ [Yu-Gi-Oh! R] không nên cắt câu lấy chữ như phần dịch hiện tại, rất nhiều chỗ vì cắt gọn đã khiến câu thoại lẫn phần dịch hiệu ứng lá bài trở nên cực kì tối nghĩa. Cùng TBQ đón xem tiếp Tập 3 có tổng cộng bao nhiêu lỗi trong phần kế tiếp của bài viết!


 [Ảnh: Mọt Mọt / Người viết: Mọt Mọt, Phúc Hồng]

RSS
Pinterest
fb-share-icon
FbMessenger
error: Chú ý: Vui lòng không sao chép!!