【Sho-Comi Interviews (6)】Tác giả Shinohara Chie – “[Umi no Yami, Tsuki no Kage] là tác phẩm tôi vẽ tốt nhất.” (Phần 2/3)
Phần 2 của bài phỏng vấn là chia sẻ của tác giả về tác phẩm thành công của bản thân, trong đó có một loạt những ấn phẩm đã được phát hành có bản quyền tại Việt Nam như [Mắt tím trong đêm], [Ánh trăng bí ẩn], [Dòng sông huyền bí], …
Chuyên mục Comic của Natalie thực hiện loạt bài phỏng vấn 10 tác giả nổi bật của Sho-Comi nhân dịp tạp chí này kỷ niệm 50 năm phát hành. Trong bài phỏng vấn số 6 này, sẽ đề cập đến các tác phẩm đã được đăng tải trên Sho-Comi như [Yami no Purple Eye] (đã được mua bản quyền và phát hành tại Việt Nam với tên: [Mắt tím trong đêm]), [Umi no Yami, Tsuki no Kage] (đã được phát hành tại Việt Nam với tên: [Ánh trăng bí ẩn]), [Sora ha Akaikawa no Hotori] (đã được mua bản quyền và phát hành tại Việt Nam với tên: [Dòng sông huyền bí])… của Shinohara Chie-sensei, mangaka đã tạo cảm hứng và sức ảnh hưởng không nhỏ đến các tác giả đang hoạt động trên Sho-Comi. |
Bài phỏng vấn lần này, ngoài việc bật mí các câu chuyện trong quá trình sáng tác truyện nhiều kỳ, chúng ta sẽ còn được biết thêm về câu chuyện mới trong [SoraKawa] sẽ được đăng nhân dịp kỷ niệm 50 năm, nhạc kịch [SoraKawa] của nhà hát ca vũ kịch Takarazuka, tựa truyện [Yume no Shizuku, Kin no Torikago] (tạm dịch: [Giọt giấc mơ, chiếc lồng hoàng kim]) đang đăng trên tạp chí chị em Puchi Comic (Shogakukan)… đây sẽ là bài phỏng vấn dài hơi với hơn một vạn chữ (tiếng Nhật) dành tặng độc giả.
Phóng viên: Miki Minami
[Umi no Yami, Tsuki no Kage] là tác phẩm tôi vẽ tốt nhất.
—-Tiếp theo, sensei cho phép tôi được hỏi thêm về tác phẩm [Umi no Yami, Tsuki no Kage] được ra mắt lần đầu năm 1987. Không biết tác phẩm này đã ra đời trong dịp nào ạ?
[YamiPa] được yêu thích quá nên là bên biên tập đã nói với tôi là “hay là chúng ta lại đăng thêm truyện có nội dung gay cấn hồi hộp kiểu thể loại ly kỳ hoặc kinh dị đi…”. Xong rồi ban đầu cũng lại bị nói “vẽ truyện gì đăng trong 1 năm, khoảng 4 tập thôi” thế rồi nó cứ thế được kéo dài thêm từng chút một.
—-Rốt cuộc bộ truyện lại thành truyện dài kì đăng liên tục trong 4 năm với 18 tập. Một bộ truyện thể loại ly kỳ bí ẩn, với nhân vật chính là Ruka, có được siêu năng lực do bị nhiễm virus cổ đại và chị gái song sinh Rumi, người cũng được thức tỉnh siêu năng lực nhưng trở nên tàn nhẫn, cả 2 cùng yêu một chàng trai và trở thành tình địch của nhau.
Việc tạo cho nhân vật chính Ruka và nhân vật phản diện Rumi là chị em song sinh có nguyên nhân bắt nguồn từ vai phản diện cô giáo Sonehara trong [YamiPa] đấy.
—-Sensei nói vậy là sao ạ?
Trong [YamiPa], tôi nhận ra rằng nếu có nhân vật phản diện thì việc tạo sự lôi cuốn cho câu chuyện trở nên dễ dàng hơn. Nhưng cô giáo Sonehara thì hẳn các bạn cũng còn nhớ tôi đã từng nói khi vẽ nhân vật này, phần khó vẽ chính là tóc của ông ta. Vì chỉ kéo dài trong 6 kì thôi nên tôi đã không nghĩ ngợi gì mấy. Nhưng trong [UmiYami], tôi đã cố tình để nhân vật phản diện có gương mặt giống với nữ chính cho đỡ vất vả.
—-Vậy nên sensei cho làm chị em song sinh luôn ạ (cười). Tôi đọc lúc còn nhỏ, tôi đã ủng hộ Ruka nhưng mà khi lớn đọc lại, tôi lại có cảm giác đồng cảm với nhân vật mà ngày xưa tôi cho là độc ác, Rumi hơn và có ấn tượng rất thích nhân vật này.
Đúng rồi, Rumi mới có sự lôi cuốn của một con người. Chứ còn Ruka thì cứ kiểu xuôi theo tình huống xung quanh cô ta vậy (cười). Lúc ban đầu thì tôi đã nhận được phản ứng của độc giả như là “Tội nghiệp Ruka quá” nhưng rồi khi câu chuyện tiếp tục đăng lên thì thư của người hâm mộ nhân vật Rumi lại tăng lên…
—-Vốn dĩ là người chị luôn suy nghĩ và nhường nhịn cho em mình, nhưng bởi sự ảnh hưởng của virus làm cho cô không thể nào kiềm chế được sự ghen tị với tình cảm to lớn mà Ruka dành cho Katsuyuki. Hành động giết hết những ai dám ngăn cản như vậy cũng quá tàn nhẫn nhưng mà bằng vào gương mặt và giọng nói giống với Ruka, cô đã dùng nó để bảo vệ Katsuyuki và khao khát từ tận đáy lòng “để có được tình cảm của Katsuyuki thì tôi không sợ gì cả” không phải là dễ dàng mà có được.
Cám ơn. Trong số các tác phẩm của tôi, thường được ca ngợi đó chính là [Yami no Purple Eye] và [Sora ha Akaikawa no Hotori] nhưng mà bản thân tôi thì lại nghĩ rằng tác phẩm mà tôi vẽ tốt nhất chính là [Umi no Yami, Tsuki no Kage] đấy. Tạm gác những cái được và chưa được qua một bên. Nếu bây giờ mà vẽ cùng số chương thì chắc hẳn là sẽ tăng được thêm số trang nhiều hơn nữa. Thời gian này, quả thật việc vẽ phác thảo thoải mái hơn mà tốc độ vẽ cũng nhanh hơn.
—-Khoảng thời gian từ năm 1987 đến 1991, sensei đã vẽ đồng thời 2 tác phẩm [UmiYami] cho Sho-Comi và [Ryoko no Shinrei Jikenbo] (tạm dịch: Hồ sơ vụ án tâm linh của Ryoko) cho Ciao (Shogakukan) luôn phải không ạ. Số trang vẽ mỗi tháng phải nói là rất lớn ạ.
Thời đó là thời mà tôi làm việc nghiêm túc nhất rồi (cười). Rất vất vả nhưng mà giai đoạn này phải đảm bảo được hạn nộp đều đặn cũng như mỗi tháng tôi đều đi du lịch đâu đó nữa, việc vẽ Manga rất thoải mái. Chắc là thời kì đỉnh cao chăng.
—-Tình huống nào đã dẫn đến việc đăng truyện đồng thời như vậy ạ?
Khi [YamiPa] gần đến hồi kết, người phụ trách từ lúc truyện bắt đầu đăng được chuyển sang tạp chí Ciao. Và tôi đã được gợi ý là “Sensei có muốn đăng gì đó trên Ciao không?”, và tôi đã quyết định “thử xem sao”. [UmiYami] được thay người phụ trách mới của Sho-Comi vừa đúng lúc tôi bắt tay vào truyện [Ryoko].
—-Sho-Comi là tạp chí dành cho nữ sinh trung học còn Ciao lại là tạp chí truyện tranh dành cho nữ sinh tiểu học, sensei có biết điều này không?
Hoàn toàn không! Mãi về sau tôi mới biết “Hóa ra là Ciao có đối tượng độc giả ở độ tuổi thấp hơn Sho-Comi à”. Tuy nhiên trong [UmiYami] tôi vẽ truyện hơi khiêu gợi và có vẻ dành cho người lớn, còn trong [Ryoko] thì dù có cảnh hôn nhau cũng chỉ là hôn chân mèo cưng thôi à (cười). Biểu hiện tình cảm như vậy tôi nghĩ là cũng đã tiết chế được phần nào rồi.
Trong [Ao no Fuin] (tạm dịch: [Phong Ấn Xanh]), tôi từng muốn vẽ Kappa (hà bá) chứ không phải Oni (quỷ)
—-[Umiyami] kết thúc vào số 15 của Sho-Comi năm 1991, và gần như là ngay sau đó, sensei đã tiếp tục ra mắt tác phẩm [Ao no Fuin] trên số 22. Đây là câu chuyện về nữ sinh trung học xinh đẹp mang tên Souko, người thừa kế của gia tộc “Azumaya no Souryu” quỷ Oni ăn thịt người, lại đem lòng yêu Saionji Akira, người thuộc gia tộc duy nhất có thể giết được tộc Souryu, gia tộc [Nishiya no Hyakkou].
Thật ra, tôi muốn cho nhân vật chính là Kappa chứ không phải là Oni đâu.
—-Vậy thì rõ ràng là có sự khác biệt nhiều ạ.
Hình ảnh trong đầu tôi nó rất đẹp nhưng mà bên biên tập cứ bảo “Manga Shojo mà có Kappa thì thôi rồi” (cười). Mãi đến sau này trong tạp chí BetsuComi (nay là: BetsuComi, Shogakukan) tôi mới được sử dụng hình ảnh con Kappa đã vẽ khi đó trong tác phẩm [Mizu ni SumuHana] (tạm dịch: Hoa trong nước].
—-Thì ra là vậy. Sensei có thể cho biết thêm là [Ao no Fuin] được ra đời từ ý tưởng nào không ạ?
Cơ bản thì nó cũng bắt đầu giống như lộ trình sáng tác từ [YamiPa] tới [UmiYami] thôi, nhưng mà tôi đã thay đổi cách thể hiện khá nhiều (cười). Cả [YamiPa] và [UmiYami] đều theo kiểu kéo dài dần dần để đăng liên tục trên tạp chí cho nên kết thúc cuối cùng sẽ ra sao, tôi thật sự không biết trước được. Vì vậy, tôi đã nói với người phụ trách là “đến cuối cùng, nếu tôi bị bí quá thì tôi sẽ cho nổ núi Phú Sĩ hoặc cho Nhật Bản chìm luôn”, và rồi thực sự tôi đã làm vậy trong [Ao no Fuin].
—-Đúng thật là cuối cùng vì để ngăn chặn núi Phú Sĩ phun trào sẽ gây tổn hại lớn cho Nhật Bản mà các nhân vật xuất hiện phải hành động. Các tình tiết như là các thế thân vô tính đã được cho vào như là các nhân vật quyết định trước cả khi cừu nhân bản vô tính Dolly được công bố vào năm 1997 hay những mối quan hệ bí mật giữa các nhân vật Ryoko, Takao, Akane cũng mang đậm chất truyện truyền kỳ Nhật Bản.
Xin cảm ơn. Chỉ là, hướng phát triển của 2 bộ trước quá rõ ràng rồi nên tôi quá mong muốn có thể làm cái gì đó khác biệt, dần dần câu chuyện lại bị hỏng mất… Câu chuyện phát triển đến mức làm núi Phú Sĩ phun trào luôn thì chắc là tiến triển hơi lố. Có lẽ câu chuyện nên xoay quanh những bi kịch về xung đột giữa những người như Souko và con người thì hay hơn.
—-Trên bài phỏng vấn sensei đăng trong cuốn [hướng dẫn đi vào thế giới của Shinohara Chie 1981-1999] phát hành năm 1999 cũng có đề cập là [Ao no Fuin] “vẫn còn để lại hậu quả” và “vẫn còn kéo dài về sau” phải không ạ.
Chà, bộ truyện cũng như bài phỏng vấn cũng được thực hiện cách đây lâu quá rồi cho nên tôi cũng quên việc mình có nói về cái “vẫn còn để lại hậu quả” rồi. Nhưng mà tôi không thích cách nói “tôi có thể vẽ tốt hơn” cũng như lúc đó tôi đã cố gắng hết sức để vẽ tốt nhất rồi. Nhưng mà tôi vẫn nhớ chắc chắn là mình đã nghĩ “tiến triển như vậy chưa ổn”.
Những tình tiết cài cắm được tạo ra nhờ sự tập trung cao độ trong tác phẩm [Sora ha Akaikawa no Hotori]
—-Tiếp theo, tôi xin phép được hỏi về câu chuyện dài hơi cuối cùng đăng trên Sho-Comi, [Sora ha Akaikawa no Hotori], của sensei ạ. Từ năm 1995-2002 truyện đã được phát hành trọn bộ 28 tập, có thể nói đây chính là series dài nhất của sensei tính tới thời điểm này. Sensei có nói là các tác phẩm trước đó, như [YamiPa] chẳng hạn thì khi bắt đầu, sensei chưa có quyết định truyện sẽ kết thúc ra sao, không biết trong tác phẩm [SoraKawa] này, cảnh cuối có được quyết định ngay từ đầu không ạ.
Đúng rồi. Đó chính là bối cảnh tàn tích của cảnh cuối tập 28. Trong chuyến du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ, tôi đã lên ý tưởng cho những trang vẽ này khi đến với di tích cổ thành Hattusa, tôi đã viết câu chuyện để dẫn nó đến bối cảnh này.
—-Vậy là câu chuyện Yuuri, một thiếu nữ người Nhật hiện đại trở thành hoàng hậu (Tawana Anna) của đến quốc Hittite này, sensei đã xây dựng như thế nào ạ?
Chuyện này thật ra cũng lộn xộn lung tung lắm (cười). Khi tôi báo với bên biên tập là tôi muốn vẽ một tác phẩm trong bối cảnh thời đại của đế chế Hittite, nó đã bị xếp xó 8 năm… Tôi bị nói là “Shojo manga không thể nào đăng những truyện kiểu như Hittite đâu”. Vậy nên tôi đã không tin rằng mình có thể vẽ được câu chuyện cho đến lúc nhân vật chính trở thành nữ hoàng ở tập 28 đâu. Tôi đã từng định cho nhân vật chính không phải là người hiện đại mà là thiếu nữ Hittite cổ đại luôn đấy chứ, nhưng rồi bên biên tập bảo “nếu có thêm tình tiết xuyên không thì được”, thế là bộ truyện được ra đời như vậy đó…
—-Cho đến tận giữa bộ truyện [SoraKawa], vấn đề lớn nhất đó chính là Yuuri có thể trở về lại thế giới hiện tại hay không cho nên chuyện sensei vừa kể ở trên thì khá là khác với dự định nhân vật chính là thiếu nữ cổ đại nhỉ.
Bởi vì khi đó tôi đã nghĩ lời khuyên bên biên tập là một ý tưởng hay. Với tôi cũng đã từng vẽ chuyện các cô gái sẽ hành xử ra sao khi đi đến thế giới xa lạ rồi cho nên độc giả chắc sẽ tiếp tục theo dõi. Với lại, vì đã được xem xét trì hoãn tận 8 năm nên tôi cũng đã chuẩn bị sẵn tư liệu muốn vẽ cho khá là nhiều chương rồi thế nên nếu mà nói cho sang một chút thì, đó chính là thời gian ấp ủ cho câu chuyện. Chỉ là tôi đã nói ngay từ đầu với bên biên tập là “Sau khi cho xuyên không về thời Hittite thì tôi sẽ không cho trở về hiện tại nữa đâu đấy!”. Về lại hay không về lại, thật ra thì không phải nghi ngờ gì, chắc chắn là không về lại rồi (cười).
—-Sensei quyết tâm vẽ về lịch sử Hittite chứ không phải về xuyên không nhỉ! Vừa rồi sensei có nói là câu chuyện sáng tác tác phẩm này “cũng lộn xộn lung tung lắm”, nhưng mà lúc bắt đầu được đăng nhiều kỳ thì khi đó, sensei đã dự định cho câu chuyện được đến đâu rồi ạ.
Khi đó tôi đã quyết định cảnh cuối là cảnh ở di tích đó rồi nhưng mà cho nhân vật chính kết thúc câu chuyện như thế nào thì thật sự là còn mông lung mơ hồ lắm. Tuy nhiên, trong đầu tôi đã nghĩ ra cảnh Zananza em trai của Kail chết rồi.
—-Sau khi Zananza chết ở cuối tập 7, rồi từ 20 tập về sau, sensei nghĩ tới đâu vẽ tới đó phải không ạ. Nhưng ví dụ như những chỗ cài cắm trước cho nhiều tình huống về sau thì sensei giải quyết như thế nào ạ? Chẳng hạn như đôi bông tai thủy tinh đen do hắc hoàng tử Mittani tặng ở tập 7 luôn được Yuuri đeo trên người chẳng hạn, mãi đến tập 22 Yuuri đã trả lại nó cho Nefertiti chị của hắc hoàng tử, tình tiết này tôi thấy rất đẹp. Tình tiết làm cho độc giả liên tưởng “chuyện này chắc hẳn là có thật không chừng” khi nhìn vào bức tượng bán thân của nữ hoàng Nefertiti chỉ có tròng mắt phải cũng là một chương truyện hay, giúp cho việc học lịch sử trở nên thú vị hơn.
Chuyện đó thật sự chỉ là ngẫu nhiên thôi, hoàn toàn không có chuyện tôi tính trước mọi thứ như vậy ngay từ đầu đâu. Giờ nghĩ lại tôi cũng thấy “Mình quá giỏi!” (cười). Từ lúc bắt đầu và hồi truyện Ai Cập tôi đã nghĩ là “chắc mình có thể dùng được cái này” rồi nhưng mà ở hồi truyện Mittani, khi tôi vẽ tình tiết bông tai thì hoàn toàn chưa nghĩ đến nó đâu.
—-Hóa ra là sensei không có dự định trước nhưng lại trùng hợp vừa vặn như vậy ạ.
Thời gian vẽ ở Sho-Comi là lúc tôi tập trung cao độ nhất nên thi thoảng cũng có được những tình tiết như vậy xảy ra.
—-“Trạng thái tập trung cực độ” như người ta hay nói các biểu hiện của vận động viên nhạy bén hơn bình thường, những hoạt động của giác quan thứ 6 hoặc là những lúc mà người ta rơi vào trạng thái năng lực bộc phát tốt hơn bình thường, … Có phải ý sensei là vậy không?
Cũng gần như vậy. Sho-Comi phát hành 2 số 1 tháng cho nên có thể ví như tình trạng xe ô tô không có nổ máy chờ mà cứ chạy suốt mỗi ngày vậy. Có đi chơi hay du lịch gì đi nữa thì trong đầu tôi cũng không có nghỉ ngơi chút nào mà liên tục nghĩ về việc đăng truyện mỗi kỳ. Chắc có lẽ nhờ vào sức tập trung sinh ra vào thời điểm đó mà tôi đã nghĩ ra tình tiết “nên tặng hoa tai của hoàng tử đen cho Yuuri” trong hồi truyện Mittani không chừng. Chính vì vậy mà lúc vẽ bên Sho-Comi, tôi không cần đọc lại nội dung các chương đã đăng trước đó mà nó nằm sẵn trong đầu luôn rồi, còn bây giờ, bộ truyện [Yume no Shizuku, Kin no Torikage] vì đăng mỗi 2 tháng 1 số thôi nên nếu tôi không đọc lại, tôi sẽ chẳng nhớ được “tình tiết đi tới đâu rồi?” (cười).
—-Mỗi tháng 2 số và mỗi số 2 tháng thì rõ ràng năng lực tập trung cần phải khác nhau rồi ạ. Nếu không phải là cài cắm tính toán trước mà các tình tiết sinh ra nhờ sức mạnh tập trung thì sensei đã làm cách nào để dẫn dắt câu chuyện ạ? Ví dụ như đoạn Yuuri dùng mũi tên bắn vào lưng để làm bằng chứng bắt thủ phạm đi, bình thường thì đây là một tình tiết khá giản đơn nhưng được sensei tạo thành tình huống khá là đẹp, có thể nói cảnh này đã nắm bắt được tâm lý độc giả rất tốt. Tôi thấy rằng các chương truyện được tác giả vẽ ra rất trau chuốt không hề qua loa làm cho người xem cảm nhận sâu sắc câu chuyện.
Đó cũng không phải là ý định ngay từ đầu của tôi đâu nhưng cũng xin cảm ơn. Chỗ đó thật ra là có nguyên nhân sâu xa, có lẽ là ấn tượng từ các bộ manga, tiểu thuyết, anime mà tôi đã được từ hồi nhỏ không chừng. Các shojo manga vẫn đang dùng rất nhiều các kiểu thể hiện cũ nhưng mà nếu mình dùng đúng nơi, thể hiện đúng lúc thì sẽ tạo được sự khác biệt phải không nào. Tôi không nói là truyện tranh thì bị nhiều người ngưng đọc từ sớm và tiểu thuyết thì nhiều người đọc hơn nhưng mà tôi mong sẽ lôi cuốn được nhiều người đọc.
—-Ý sensei là việc tạo nút thắt trong câu chuyện rất quan trọng ạ.
Đúng vậy, nhưng việc tạo các nút thắt trong câu chuyện sao cho hay thì tất nhiên là rất cần phải có sự tập trung cao độ. Sự tập trung cao độ này, rốt cuộc tự bản thân mỗi người phải tìm lấy cho mình thôi. Khi ta cho vào nhiều thông tin, đến lúc muốn tháo gỡ các nút thắt thì phải tập hợp các tình tiết mình đã cho vào thật khéo. Nếu không có gì để rút ra thì dù có tập trung cao tới đâu đi nữa cũng không vẽ được.
—-Sensei đã có gần 40 năm tháo gỡ các tình huống trong manga nên hẳn việc tạo nút thắt cho câu chuyện cũng phong phú lắm phải không ạ.
Không đâu, điều tôi vừa nói là định hướng cho bản thân đấy, giống như là “câu nói tự phản tỉnh bản thân” vậy (cười). Khi thấy sắp hết tình tiết thì phải nhanh chóng tạo nút thắt ngay.
(Hết phần 2 – Còn tiếp)
[poll id=”14″] |