【TBQ 8 BOOKS】Những bộ truyện tranh dành cho dân cuồng banh bóng từng được xuất bản ở Việt Nam
Bóng đá là môn thể thao vua, là niềm đam mê của hàng triệu người. Trái bóng từ sân cỏ, bước vào trong trang truyện cũng như mang theo âm hưởng của những sôi động, cuồng nhiệt, mê đắm của triệu trái tim khát cầu chiến thắng đó. Và hãy cùng TBQ điểm qua các bộ truyện tranh viết về bóng đá đã được xuất bản ở Việt Nam từ xưa tới nay mà có những tựa, hẳn đã trở thành tuổi thơ của bao thế hệ độc giả mê banh bóng.
(*) Bài viết chỉ đề cập tới những bộ truyện mà người viết đã từng biết và đọc qua. Còn thiếu bộ nào, các bạn bổ sung thêm nhé!
1/ Captain Tsubasa – Tsubasa Giấc Mơ Sân Cỏ
(C) Anime [Captain Tsubasa]
Nếu như [Slam Dunk] được coi là bộ truyện huyền thoại truyền cảm hứng cho những tác phẩm đề tài bóng rổ về sau thì [Tsubasa – Giấc Mơ Sân Cỏ] chính là tựa truyện truyền cảm hứng cho những bộ manga viết về bóng đá sau này. Không chỉ vậy, sáng tác này còn khơi mở tình yêu bóng đá của biết bao con người Nhật Bản vốn trong những năm 80 của thế kỷ XX không mấy mặn mà với bộ môn thể thao vua.
Nói [Tsubasa – Giấc Mơ Sân Cỏ] là bộ truyện tiên phong bởi tác giả TAKAHASHI Yoichi đã xây dựng lên trong tác phẩm của ông cả một thế giới bóng đá rộng lớn, sôi động, nơi có những chàng trai trẻ cùng chung niềm đam mê với trái bóng, cùng hướng đến, khát cầu một giấc mơ. Để từ đó, [Tsubasa – Giấc Mơ Sân Cỏ] không chỉ truyền cảm hứng cho độc giả tình yêu bóng đá mà còn truyền cảm hứng để người ta theo đuổi đam mê, khát vọng, đồng thời mở ra vấn đề chưa khi nào là xưa cũ với một nền bóng đá: vấn đề công tác đào tạo trẻ.
[Tsubasa – Giấc Mơ Sân Cỏ] từng là tuổi thơ của nhiều thế hệ độc giả Việt Nam khi từ những năm 90s, nhà Kim đã đưa bộ truyện này tới người đọc. Về sau, [Tsubasa – Giấc Mơ Sân Cỏ] được TVM Comics mua bản quyền nhưng đến cuối cùng, bộ truyện lại được tái xuất, cộp mác NXB Kim Đồng và bắt đầu phát hành từ Tháng 6/2020.
>>> 【PREVIEW】[Tsubasa – Giấc Mơ Sân Cỏ] – “Buổi thủy triều vẫy gọi những vầng trăng…” |
2/ Kattobi Itto & Buttobi Itto
Bộ truyện này của tác giả MONMA Motoki còn được biết đến với tên gọi [Đường Dẫn Đến Khung Thành I] hay [Jindo]. Và cùng với Tsubasa, chàng lùn mã tử Itto đã đồng hành cùng tuổi thơ của bao độc giả Việt Nam, từ lứa độc giả 8x, 9x tới tận bây giờ. Khác với [Tsubasa – Giấc Mơ Sân Cỏ], series [Itto] không quá nặng về lý thuyết bóng đá, tinh tiết truyện cũng không quá nghiêm túc mà cả bộ truyện, từ phần I đến phần II đều là những tràng cười bất tận cả trên sân bóng hay câu chuyện bên lề sân cỏ. Và ngay chính bản thân chàng lùn Itto cũng không phải là một thiên tài bóng đá, theo đuổi đam mê trái bóng ngay từ nhỏ mà Itto đến với bóng đá là một sự tình cờ, nhưng rồi gắn bó với bóng đá mãi về sau lại là cái duyên cùng một tình yêu chẳng thua kém bất cứ cầu thủ nào khác.
Itto đến với bóng đá một cách tình cờ
(C) MONMA Motoki
Nhưng không vì vậy mà [Itto] thiếu đi những trận bóng gay cấn, mang tính chiến thuật. Cả hai phần truyện, tác giả MONMA Motoki Mvẫn khắc họa lên được những trận cầu rực lửa, có thể có những khoảnh khắc tấu hài nhưng đến cuối cùng, đọng lại vẫn là khát khao chiến thắng, niềm mê đắm của những chàng cầu thủ trẻ theo đuổi bóng hình trái bóng trên sân. Ở đó có những con người, trên sân họ là đối thủ nhưng ngoài sân, họ là những người bạn thân thiết, chiến đấu với nhau bằng 200% sức lực không chỉ bởi màu cờ sắc áo mà còn bởi tinh thần fairplay, sự tôn trọng rất mực họ dành cho nhau với tư cách bạn bè – đối thủ.
[Itto] là thanh xuân và có lẽ cũng là nuối tiếc của không ít độc giả. Bởi bộ truyện đã phải phải dừng ngang chừng khi tương lai vẫn còn đang quá rộng mở trước mắt mỗi nhân vật. Nhưng có thế nào, chàng lùn mã tử cùng những tràng cười bất tận chàng mang tới cho người đọc vẫn mãi là ký ức đẹp của độc giả mê banh bóng nói chung, độc giả yêu mến truyện tranh bóng đá nói riêng hiện tại và mãi về sau.
3/ Shoot!
Từng được yêu thích, nhưng [Shoot!] lại chưa có cơ hội tiếp tục hành trình ở Việt Nam
(C) OOSHIMA Tsukasa
Có lẽ khi nghe tới tên [Shoot!] không ít người đọc sẽ phải hoang mang tự hỏi: Đây là bộ truyện nào? Đã từng được xuất bản ở Việt Nam thật ư? Nhưng nếu nói đến cái tên [Đường Dẫn Đến Khung Thành II – Sôi Động Cầu Trường] thì hẳn nhiều độc giả, đặc biệt những ai thuộc thế hệ 8x, 9x đời đầu sẽ phải ồ lên nhớ về tác phẩm tuổi thơ này.
[Shoot! – Sôi Động Cầu Trường] được NXB Kim Đồng phát hành ngay khi [Đường Dẫn Đến Khung thành – Jindo] kết thúc. Đây là câu chuyện về quá trình chinh phục đỉnh cao bóng đá, tiến đến ước mơ thi đấu trên sân vận động quốc gia của bộ ba có tên: “Tam tuyệt Ugo” bao gồm: Kunja, Majiri, Sakai. Bộ ba đó đã từng tan rã sau khi phải dừng bước ước mơ tại thời cấp II nhưng rồi đã một lần nữa hợp nhất tại đội bóng trường Uso với sự nhiệt tình, xông xáo của cô nàng quản lý Imi.
Không giống [Itto] chứa đựng những tình tiết tấu hài nhiều khi tới mức phi lý, [Shoot!] gần gũi với [Tsubasa – Giấc Mơ Sân Cỏ] hơn về sự tỉ mỉ, nghiêm túc ở từng tình tiết trong mỗi trận đấu của những chàng cầu thủ mang trên vai tình yêu bóng đá, đặt trọn ước mơ vào đường lăn trái bóng. Có hợp tan tan hợp, những giọt mồ hôi, nước mắt đã rơi, thậm chí là máu và sinh mạng những chàng trai trẻ tuổi ấy cũng đã đánh đổi cho khát vọng tuổi trẻ. [Shoot! – Sôi Động Cầu Trường] sôi động mà vẫn đầy thấm thía như vậy đó.
Tiếc rằng, sau lần phát hành (không bản quyền) vào năm 1999, [Shoot!] chưa lần nào được tái xuất ở Việt Nam. Và bản năm 1999 nhà Kim phát hành cũng chỉ có 17 tập, mới là một phần rất nhỏ trên cả chặng đường của bộ truyện mà thôi.
4/ Eleven
(C) NAMI Taro/ Họa sĩ: TAKAHASHI Hiroshi
Lại một bộ truyện nữa nếu chỉ nhắc tới tên gốc: [Eleven], độc giả sẽ lại phải đặt ra nghi vấn bộ truyện đó đã từng xuất bản ở Việt Nam thật sao? Nhưng thay vào đó nói tới cái tên [Đường Dẫn Đến Khung Thành III – Jindodinho], hẳn chẳng còn mấy người xa lạ, đặc biệt những ai là fan ruột manga bóng đá lâu năm. [Eleven – Jindodinho] được NXB Kim Đồng ấn hành sau khi phần II [Đường Dẫn Đến Khung Thành II – Sôi Động Cầu Trường] dừng lại.
[Eleven] là câu chuyện về Dazai, một anh chàng nhanh nhẹn, quậy phá, đến với bóng đá hoàn toàn do hoàn cảnh đẩy đưa một cách tình cờ. Nhưng càng tiếp xúc với môn thể thao này, Dazai càng nhận ra, mình đã yêu bóng đá đến không thể dứt bỏ. Từ yêu mà cố gắng, từ yêu mà nghiêm túc rồi cùng đồng đội vươn tới những đỉnh cao. Đặc biệt, ở [Eleven – Jindodinho] còn mang đậm “phong cách” xuất bản của Việt Nam những năm cuối 9x, đầu 2000: Bởi yếu tố bản quyền giai đoạn này vẫn còn khá xa lạ nên tính gần gũi được đặt lên hàng đầu chứ không hoàn toàn là tính chính xác. Cái tên Jindodinho được đặt làm biệt danh cho Dazai là sự kết hợp của hai từ: Jindo và Ronaldinho. Tức muốn nói rằng Dazai đá bóng giỏi như Ronaldinho nhưng cũng lùn, quậy phá và từng mù tịt bóng đá như Jindo.
Tuy nhiên [Eleven] và [Itto] ra đời cùng một thời điểm nên Dazai có biệt danh Jindodinho hẳn là điều bất hợp lý. Bởi còn những nghi vấn trong dịch thuật, và cũng bởi, [Eleven – Jindodinho] cũng là một phần tuổi thơ của bao độc giả, thật sự mong một ngày bộ truyện sẽ được tái xuất ở Việt Nam sau lần xuất bản (không bản quyền) duy nhất cách đây đã 20 năm.
5/ Whistle!
(C) HIGUCHI Daisuke
Tựa truyện này của tác giả HIGUCHI Daisuke còn được độc giả mê banh bóng lâu năm ở Việt Nam biết đến với tên gọi [Đường Dẫn Đến Khung Thành III – Cơn Lốc Sân Cỏ]. Nhưng số phận [Whistle!] may mắn hơn [Shoot!] và [Eleven], tác phẩm sau đợt xuất bản (không bản quyền) khi [Eleven] kết thúc đã được NXB Kim Đồng mua bản quyền và ra mắt độc giả vào những năm 2008-2009.
[Whistle!] là câu chuyện về KAZAMATSURI Sho, một cậu bé mang trong mình tình yêu bóng đá cuồng nhiệt cùng với ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Để theo đuổi ước mơ, Sho đã thi vào một trường trung học nổi tiếng có bề dày thành tích về bóng đá: Musashimori. Tuy nhiên do kĩ thuật không tốt, Sho chỉ được xếp vào đội ba và chịu sự đè nén, áp bức của những đàn anh khóa trên. Cuối cùng để có thể tiếp tục theo đuổi ước mơ, Sho đã chuyển đến trường Sakura Josui. Song ở đây, mọi người đã hiểu lầm Sho là một cầu thủ tài năng khi biết rằng cậu từng ở trong đội bóng Musashimori. Sho không cách nào giải thích được, mãi cho đến khi một trận đấu tập diễn ra, sự việc vỡ lở, Sho tưởng rằng cơn ác mộng ngày nào lại quay trở về. Nhưng không, đội bóng Josui đã mở rộng vòng tay với Sho và tại đây, cậu đã tìm được những đồng đội thật sự.
Với tôi, [Whistle!] là một bộ truyện hết sức đặc biệt, đặc biệt ở chính người sáng tạo lên tác phẩm này – tác giả vốn là một phụ nữ. Với đề tài về bộ môn thể thao vốn như được mặc định dành riêng cho phái mạnh, trong thế giới những tác giả nam viết truyện bóng đá đã trở thành “cây đa cây đề”, HIGUCHI Daisuke-sensei đã tạo được dấu ấn rất riêng khi sáng tác [Whistle!] Nét vẽ mềm mại nhưng vẫn đảm bảo sự mạnh mẽ, sự sâu sắc trong khắc họa tâm lý nhân vật, sự tỉ mỉ trong từng chi tiết về chuyên môn, cô đã mang đến cho độc giả yêu bóng đá một làn gió tươi mát. Đề ta nhận ra, bóng đá đâu phải địa hạt chỉ dành riêng cho phái mạnh. Ai cũng có quyền theo đuổi trái bóng chỉ cần trong tim ta cùng chung nhịp đập với sân cỏ.
6/ Oretachi no Field
(C) MURAEDA Kenichi
Có thể nói, [Oretachi no Field] là một bộ truyện trong trẻo vô ngần. Trong trẻo nơi ước mơ của người cha đã quá cố của Kazuya; trong trẻo nơi khát vọng của các cậu bé, sau này là những cầu thủ chuyên nghiệp. Đứng trên sân cỏ, bất cứ cầu thủ nào cũng đều có mơ ước. Và một khi đã ở trên sân bóng, khoảng cách địa lý, ranh giới lãnh thổ dường như không còn tồn tại, chỉ còn những đường kẻ của sân cùng những con người đuổi theo trái bóng tròn với một lòng nhiệt huyết nguyên sơ mà thôi.
Vì thế, khi viết [Oretachi no Field] | [Sân Cỏ Ước Mơ], tác giả MURAEDA Kenichi không khước từ sự thật: bóng đá là môn thể thao đối kháng nên va chạm là điều không thể tránh khỏi và đó cũng là cách cầu thủ thể hiện nhiệt huyết lẫn khát khao chiến thắng. Nhưng va chạm không có nghĩa là thủ đoạn, sử dụng những trò hèn hạ trong thể thao, đó càng không phải là cái cớ để người ta biếng nhác. Sân cỏ ước mơ vốn rất hữu hình khi được nhân vật nhắc tới gắn với tên Sân vận động quốc gia Nhật Bản. Nhưng Sân cỏ ước mơ cũng là một hình ảnh biểu tượng, biểu tượng cho mơ ước, khát vọng về sân cỏ lý tưởng của những chàng trai đã lỡ mang theo duyên nghiệp với trái bóng.
Tiếc rằng dẫu từng được NXB Kim Đồng xuất bản có bản quyền vào năm 2003 nhưng hành trình của truyện lại đầy dang dở. Bộ truyện ngừng phát hành ở Tập 11 và mãi đến bây giờ, [Oretachi no Field] | [Sân Cỏ Ước Mơ] vẫn chưa một lần được tái xuất với hình thức một bộ truyện hoàn chỉnh.
7/ Fantasista
(C) KUSABA Michiteru
Bên cạnh tên [Fantasista], độc giả Việt Nam còn biết tới bộ truyện đã từng được NXB Trẻ phát hành này qua cái tên đầy tính nhạc: [Vũ Điệu Trên Sân Cỏ]. Và đúng như tựa truyện, [Fantasista – Vũ Điệu Trên Sân Cỏ] là câu chuyện về quá trình trưởng thành, khẳng định phong cách chơi bóng của bản thân, vươn ra thế giới của cậu bé SAKAMOTO Teppi, một cầu thủ được đánh giá là Fantasista của đội bóng.
Nhưng quá trình trưởng thành, khẳng định cái tôi, phong cách thi đấu của Teppi chưa bao giờ là thuận lợi, bằng phẳng. Có khi thất bại, vấp ngã, có khi lối chơi của Teppi bị bắt bài khi cậu gặp phải những đối thủ có lối đá tương tự, có khi tài năng của Teppi không được công nhận, hay có khi chàng trai ấy bị đặt trong tình thế phải lựa chọn tiếp tục hay từ bỏ lối đá. Nhưng gục ngã để đứng lên, thất bại để hoàn thiện bản thân và những khoảnh khắc phân vân đứng giữa đôi ngả lựa chọn chính là lúc Teppi trở lên mạnh mẽ hơn để đạt đến thành công trong tương lai.
Giữa thế giới manga đề tài bóng đá, [Fantasista – Vũ Điệu Trên Sân Cỏ] là một bộ truyện khá đặc biệt: đặc biệt trong tình tiết và đặc biệt nơi hệ thống nhân vật. Người chỉ dạy, người phát hiện tài năng cũng như nuôi dưỡng lối chơi của Teppi không phải bất kì một huấn luyện viên, một cầu thủ danh tiếng nào hết mà lại chính là chị gái của cậu. Một cô gái cá tính, yêu bóng đá hơn hết thảy nhưng lại không thể theo đuổi con đường cầu thủ vì lí do sức khỏe. Để rồi cô gái đó đã quyết định theo con đường huấn luyện và trở thành người thầy đầu tiên cho Teppi.
Bên cạnh đó, thật sự ít có bộ truyện viết về bóng đá nào lại đặc biệt đi sâu vào một mẫu hình cầu thủ trên sân cỏ như [Fantasista – Vũ Điệu Trên Sân Cỏ]. Và mẫu hình đó đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm của tác giả KUSABA Michiteru. Có thể nói, qua [Fantasista – Vũ Điệu Trên Sân Cỏ], tác giả đã đi sâu, khắc họa một cách hết sức chân thực, thành công hình mẫu một Fantasista cơ bản, người có thể khuấy đảo lối chơi của cả đội, buộc đối phương chơi theo cách họ muốn, làm trái tim khán giả run lên vì cuồng nhiệt. Họ chính là nhạc trưởng của đội bóng, nhạc trưởng của sân bóng, người nắm giữ các nốt nhạc có thể tấu lên những Vũ điệu của sân cỏ.
Nhưng cũng tiếc rằng, sau lần phát hành đầu tiên vào năm 2007 chưa một lần NXB Trẻ tái bản lại [Fantasista – Vũ Điệu Trên Sân Cỏ]. Để giờ đây, bộ truyện có lẽ chỉ còn là những vũ điệu trong quá khứ của độc giả yêu banh bóng mà thôi.
8/ Học Viện Bóng Đá
(C) Lê Bách
Trong các tựa truyện tranh về bóng đá của【TBQ 8 BOOKS】lần này, đặc biệt có một tựa được cộp mác Việt Nam, đó là [Học Viện Bóng Đá]. Dù là tác phẩm mới nhưng series vẫn nhận được những phản hồi tích cực từ độc giả. Đây được xem là bộ truyện bóng đá đầu tiên của Việt Nam ta.
Tác phẩm được sáng tác bởi họa sĩ Lê Bách, được phát hành bởi NXB Trẻ và HV bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG từ năm 2014 – 2015. [Học Viện Bóng Đá] dài 10 tập, kể về quá trình tập luyện gian khổ của U.19 Việt Nam trên con đường trở thành những cầu thủ chuyên nghiệp và cống hiến cho nền bóng đá nước nhà.
KẾT
Ngoài [Tsubasa – Giấc Mơ Sân Cỏ] đang được nhà Kim khai thác trở lại và [Itto] vẫn được đều đặn tái bản thì gần như những bộ manga viết về bóng đá từng được xuất bản ở Việt Nam, đến giờ đây, chỉ còn là những kỉ niệm đẹp của tuổi thơ chìm vào nơi ký ức. Liệu có một ngày không, tôi và bạn, chúng ta lại thấy tuổi thơ trở về qua những tựa truyện năm xưa được mua bản quyền, được tái bản? Hay đó cũng chỉ là giấc mơ của những con người đã trót dành một phần trái tim, tâm hồn cho bóng đá và cho những bộ truyện viết về bóng đá mà thôi?