Home Chuyên Đề TBQ Fact - Có thể bạn chưa biết 【TBQ GIẢI ĐÁP】Vì sao manga nhà Trẻ lại không cần che?

【TBQ GIẢI ĐÁP】Vì sao manga nhà Trẻ lại không cần che?

THẮC MẮC

Vì sao NXB Trẻ có thể phát hành truyện tranh mà không cần censor (kiểm duyệt), trong khi các nhà khác như IPMNXB Kim Đồng lại chịu kiểm duyệt gắt gao?


GIẢI ĐÁP

Câu chuyện kiểm duyệt (censor) vốn dĩ là chuyện nổi như cồn trong cộng đồng M-A-L Việt và dường như mỗi lần nhắc đến vấn đề này, 2 phe đối lập nhau sẽ ngay lập tức xuất hiện.

Trong lần giải đáp này, TBQ xin không phán xét đến vấn đề chỉnh sửa hình ảnh vì kiểm duyệt là đúng hay sai, mà chỉ tập trung vào việc trình bày những hiểu biết của mình về nguyên nhân giúp NXB Trẻ vượt qua được rào cản kiểm duyệt.

Giờ thì chúng ta bắt đầu thôi. . .


Đối tượng độc giả thật sự của NXB Trẻ

Trong 2 năm trở lại đây, NXB Trẻ đã rẽ hướng sáng một đối tượng độc giả hoàn toàn mới, đó là đối tượng trưởng thành. Có lẽ khi nhắc đến cụm từ “trưởng thành”, nhiều người sẽ lầm tưởng đó là những ai 18+, nhưng xét bối cảnh tại Việt Nam cùng những bộ truyện mà NXB Trẻ thông báo bản quyền thời gian gần đây, độ tuổi mà đơn vị này nhắm đến phải ở tầm 25+, những người đã đi làm!

Việc này thể hiện rõ trong nhiều tác phẩm như [Jin] là một bộ manga có lượng kiến thức y khoa đặt trong bối cảnh lịch sử phức tạp; [Hồ Sơ Mật] khai thác một thế giới với đầy dư vị đắng cay của “đời” hay mới đây nhất là tin bản quyền của [Anh Em Phi Hành Gia], một tác phẩm không hề dễ đọc với đại bộ phận người Việt.

(C) Hình trên Fanpage NXB Trẻ

Bạn có thể cho rằng 18+ vẫn có thể đọc được những bộ truyện kể trên, nhưng thực tế khi nhìn vào những nhân vật xuất hiện trong truyện, độ tuổi của họ, cách họ hành xử, câu chuyện mà tác giả kể thông qua họ,… chúng ta dễ nhìn thấy sự chững chạc khó lòng phù hợp với những cô cậu vẫn đang trên ghế nhà trường.

Do đó việc chúng ta không ngừng so sánh một tác phẩm dành cho người trưởng thành với một tác phẩm phục vụ cho thanh thiếu niên (gắn mác 16+ / 18+) là một sự chênh lệch lớn. Bởi dẫu có gắn mác 18+ tại nước ta, trên thực tế, tác phẩm đó vẫn chỉ là bộ truyện danh cho những cô cậu cấp II, cấp III ở Nhật. Trong khi đó, một bộ truyện seinen, josei lại phục vụ được cho cả đối tượng 30+, 40+.


Từ thiếu nữ (shoujo) thành phụ nữ (josei) 

Không có một “món ngon” nào là dễ xơi, bởi khi hướng về độ tuổi trưởng thành, NXB Trẻ cũng phải hi sinh không ít. Việc trở thành một đơn vị phục vụ truyện tranh dành cho lứa tuổi trưởng thành đã kéo theo không ít những hệ quả, đầu tiên chính là việc vắng mặt ở thị trường truyện tranh thiếu nữ.

(C) Hình trên Fanpage NXB Trẻ

Nếu những năm 2014 – 2016, NXB Trẻ là đơn vị cạnh tranh trực tiếp với NXB Kim Đồng ở dòng truyện tranh thiếu nữ và thậm chí còn nhỉnh hơn, thì từ 2018 đến nay, lượng truyện tranh thiếu nữ được nhà Trẻ phát hành khá nhỏ giọt. Từng là đơn vị thân quen với Hakusensha (NXB chuyên phát hành shojo ở Nhật) với nhiều tác phẩm ghi dấu trong lòng độc giả như [W. Juliet], [Thổ Thần Tập Sự], thay vì tiếp tục phát huy sở trường, chúng ta đã chứng kiến nhà Trẻ buông lơi mảng shoujo này.

Giờ đây, khi nhắc đến những series tình cảm nhà Trẻ phát hành, ta chỉ có thể biết đến những josei như [Hoán Đổi Vận Mệnh], [Công Chúa Sứa],… Còn với shoujo thì trừ những tác phẩm từng được NXB Trẻ mua bản quyền và tái bản, thì hầu như không có tựa nào mới cả.

Tuy nhiên, đây chỉ mới là mở đầu. NXB Trẻ có khả năng sẽ phải rời thêm cuộc chơi ở dòng truyện dành cho mọi độ tuổi nếu họ vẫn tiếp tục chỉ nhắm đến dòng truyện trưởng thành như hiện tay. Bởi miếng bánh thị trường manga ngoài ông lớn Kim Đồng ra thì IPM và nhiều đơn vị khác cũng đang nhắm vào những bộ truyện “dễ xơi”, ít rủi ro khi phát hành.


Rào cản xã hội vẫn còn đó. . . 

Có lẽ như cái danh hiệu “NXB không censor” đã gắn với NXB Trẻ khiến nhiều người nghĩ cứ truyện của đơn vị này sẽ không chịu sự kiểm duyệt và vì là NXB nên Trẻ có thể tự quyết định việc xử lý hình ảnh. Nhưng rõ ràng mọi người vẫn quên rằng, rào cản lớn nhất ngăn cản việc nước ta có thể xuất bản ấn phẩm theo bản gốc chính là thuần phong mỹ tục và định kiến xã hội.

Dù không hề che đậy hình ảnh, phát hành sách cho người trưởng thành nhưng NXB Trẻ vẫn phải đối mặt với phần định kiến đó. Nếu để ý, bạn có thể thấy nhà Trẻ chưa từng một lần PR manga của họ bằng những cụm từ như “không censor”, “giữ nguyên bản gốc”,… dù thực tế, đó là những điều họ đã làm được. Đâu đó, người ta vẫn có cái nhìn thiếu thiện cảm cho những tác phẩm gắn nhãn trưởng thành, đâu đó vẫn còn nhiều người tin rằng “truyện tranh nên là một thú vui dành cho con nít”. Hay việc những hình ảnh có phần cởi mở trong truyện tranh của NXB Trẻ được share rộng khắp các trang Facebook cũng là một chuyện nên hạn chế vậy.

Bạn nghĩ nếu đơn vị phát hành đã có thể toàn quyền quyết định, thì liệu họ có rụt rè như vậy khi nhắc đến vấn đề giữ nguyên hình ảnh của tác phẩm gốc hay không?

(C) Hình trên Fanpage NXB Trẻ

Có nhiều người cho rằng, khi một tác phẩm Nhật (manga – light novel) phát hành tại nước ta, rào cản lớn nhất là sự kiểm duyệt của các NXB, ấy vậy mà trên thực tế, NXB chỉ là một phần của “đại bộ phận kiểm duyệt” mang tên xã hội. Có nhiều tác phẩm được NXB kiểm duyệt hình ảnh, cho phép phát hành rồi nhận lại “tâm thư” từ những độc giả, những phụ huynh,… và rồi buộc phải thu hồi. Đủ để chúng ta, nhưng độc giả luôn khao khát được thưởng thức trọn vẹn tác phẩm, hiểu được “sức mạnh” của phần còn lại của xã hội là thế nào.

Việc có thể phát hành những bộ truyện với hình ảnh được giữ nguyên là khao khát của tất cả các đơn vị phát hành manga – light novel ở nước ta. Bạn tưởng muốn cắt là cắt, muốn chỉnh là chỉnh, đơn giản vậy sao? Chỉnh sửa một hình ảnh là vấn đề vô cùng áp lực lên đội ngũ của NXB, bao gồm người vẽ lại hình, người phụ trách bản quyền với Nhật (xin duyệt tranh sửa), rồi NXB Nhật phải giải thích với tác giả, xem họ đồng ý hay không,… rồi khi chỉnh xong còn phải đợi phía Việt Nam chấp thuận; cả một quy trình dài như vậy, không phải thích là làm, không thích thì khỏi.

Nếu chỉnh sửa áp lực 10, thì việc giữ nguyên áp lực hẳn phải 20 – 30; vì khi đó, cái mà đơn vị phát hành đối mặt, cần đưa ra lời giải thích nếu có vụ việc không hay xảy ra (kiểu tâm thư yêu cầu giữ nguyên sự trong sáng trong truyện tranh chẳng hạn) là cả một xã hội – nơi có người đọc truyện, người không.

(C) Hình trên Fanpage NXB Trẻ


Vì sao manga nhà Trẻ lại không cần che?

Bàn chuyện dài dòng là thế nhưng mình xin tổng hợp lại những lý do theo mình đã giúp NXB Trẻ có thể giữ nguyên được hình ảnh trong manga:

1/ Đối tượng độc giả của NXB Trẻ: người trưởng thành
Đây không chỉ là đối tượng của phân khúc truyện tranh mà cả dòng sách chữ (vốn là nguồn lợi nhuận chính của đơn vị này) cũng phục vụ chọ độ tuổi lớn.

2/ Chuyển hướng khai thác các tác phẩm
Như giảm mua bản quyền và phát hành truyện tranh dành cho trẻ em; tập trung cho dòng seinen / josei / . . .

3/ Không “sống” nhờ truyện tranh
Khác với NXB Kim Đồng gần như “sống” nhờ vào mảng truyện tranh với số lượng phát hành khủng mỗi tháng, thì NXB Trẻ “sống” dựa vào tiểu thuyết văn học là chính. Truyện tranh (manga) chỉ là một phần, thậm chí từng có “lời đồn” rằng NXB Trẻ có ý định từ bỏ thị trường này vào những năm 2017-2018, may mà sau đó, đơn vị này đã quay lại với việc khai thác dòng manga trưởng thành. Do đó. đơn vị này có phần thoải mái hơn trong vấn đề đưa những đầu truyện mới vào Việt Nam (không buộc chạy theo số lượng đầu sách phát hành).

4/ Có độc giả lớn “chống lưng” – không lo bậc phụ huynh!
Bạn đọc của NXB Trẻ đa phần là những người có phần chững, là độc giả lâu năm, hoặc những người lớn muốn tìm lại tuổi thơ qua những ấn phẩm kinh điển và ít người vẫn chịu sự kiểm soát của bậc phụ huynh.

(C) Hình trên Fanpage NXB Trẻ


KẾT

Việc NXB Trẻ tiến vào dòng truyện tranh trưởng thành và giữ nguyên hình ảnh là một nước đi không phải đơn vị nào cũng dám làm bởi trong đó có cả sự hi sinh cùng những rủi ro. Có thể nói bám sát nguyên tác, giữ lại hình ảnh là điều mà đơn vị nào cũng muốn hướng đến thế nhưng, chúng ta khó lòng có thể xem đây là chuẩn mực để bắt ép những đơn vị khác phải làm theo. Bởi mỗi nhà có một đối tượng phục vụ riêng, mỗi đơn vị có chính sách khác nhau.

Thông qua bài viết này, mình mong sẽ giúp fan nhà Trẻ thêm yêu đơn vị này khi đã làm được những điều mà fan Việt không ngờ tới, và cũng muốn mọi người có được cái nhìn khác về vấn đề censor trong manga ở nước ta để không quy chụp, chê bai những đơn vị phát hành truyện tranh khác.

Truyen Ban Quyen
error: Chú ý: Vui lòng không sao chép!!