【TBQ GIẢI ĐÁP】Vì sao TBQ nói giấy của IPM là tệ?
Vì sao trong bài viết 【TÂM SỰ NHỎ】được đăng trên Page Hội Những Người Ủng Hộ Truyện Bản Quyền, TBQ lại cho rằng giấy của IPM là tệ?
ĐÁP
Bài viết trên không phải là bài viết đầu tiên TBQ nhắc đến những khiếm khuyết trong việc chọn giấy in manga của IPM. Trước đó, Page đã từng có bài viết về vấn đề giấy của đơn vị này vào Tháng 4 năm ngoái, thế nhưng, đã 1 năm trôi qua, IPM vẫn chưa hề (và chắc chắn không có ý định) cải thiện loại giấy để in truyện hiện tại.
Và nếu IPM không hề có ý định đổi một loại giấy tốt hơn hiện tại, chúng mình hẳn vẫn xem GIẤY là một trong những khuyết điểm của đơn vị này!
#1. GIẤY QUÁ MỎNG
Đầu tiên, vấn đề khiến mình (người viết) và các ad khác trong TBQ ghét loại giấy này chính là việc nó QUÁ MỎNG!
Hầu hết những tựa truyện của IPM đều chỉ bằng 1/2 so với truyện từ những nhà khác trên thị trường dù có số trang bằng (hoặc ít hơn dưới 20 trang). Thậm chí một nhà mới bắt đầu vào thị trường manga là Skycomic với [Lộc Phong Quán] 170+ trang cũng có phần dày hơn một [Barakamon] 200 trang!
(C) Hình do bạn Phương Hoa chụp
Sự mỏng của giấy truyện IPM còn thể hiện rõ hơn khi so với những ấn phẩm của Nhật. Đừng lấy lí do vì truyện Việt rẻ hơn truyện Nhật, chỉ bằng 1/3 giá truyện Nhật mà bao biện cho việc giấy IIPM “có thể mỏng” 1/3 như vậy. Bởi vật giá mỗi quốc gia mỗi khác, hay so với giá thành của chính chúng ta sẽ thấy, một cuốn truyện (40k) là bằng một phần cơm trưa ngon ở nước ta, trong khi một cuốn truyện Nhật giá 700+ yên chỉ bằng một phần ăn thường trong cửa hàng tiện lợi, còn muốn ăn đủ cơm – rau – thịt thì giá phải cao hơn nhiều! Nói vậy để các bạn hiểu giá truyện của IPM không hề rẻ, khi so với giá truyện ở Nhật, thậm chí còn tương đương!
Còn nếu so với giá truyện ở Việt Nam thì với mức 40k/ cuốn, chúng ta hoàn toàn có thể mong đợi chất lượng tốt hơn ở độ dày giấy!
#2. GIẤY QUÁ THẤU
Bởi chọn loại giấy quá mỏng, định lượng giấy thấp mà chuyện xuyên thấu gần như là cơm bữa với giấy của IPM. Bạn không tin ư? Hay bạn đọc không hề thấy thấu? Vậy thì xin mời bạn xem thử so sánh sự thấu của những trang truyện sau.
Hình so sánh độ thấu của truyện do Skycomics / NXB Trẻ / NXB Kim Đồng / IPM được chọn ngẫu nhiên trong các tựa mà những nhà đang phát hành
Liệu bạn có còn thấy [Barakamon] không hề xuyên thấu nữa sau khi xem xong hình này. Bạn vẫn chưa tin ư? Vậy thì mời bạn xé bọc của bộ truyện mình mua của IPM, lật vài trang bất kì, hoặc nếu có mua [Barakamon] thì chọn Tập 6 và lật ngay đến trang 104 để thấu mùi vị thế nào là xuyên thấu của giấy mà IPM chọn xài, khi mà bạn không chỉ thấy hình mà còn đọc được luôn thoại của trang trước.
Hình trong [Cô Dâu Thảo Nguyên] Tập 1
Bởi loại giấy “xịn” mà nhà IPM lựa chọn, Amir nhìn như bị “ghẻ” trên mặt bởi những chi tiết từ trang trước đó hằn qua. Với những ai đọc truyện thường xuyên, việc thấu trang hẳn không phải không có (kể cả truyện Nhật), nhưng mức độ thấu trang quá nhiều như ở IPM sẽ khiến việc đọc trở nên khó khăn bởi bạn không chỉ xem hình trong trang truyện đó, mà còn phải thấy cả hình trang trước in qua. Dẫn đến cảm giác khó chịu, thậm chí là đau mắt cho độc giả.
(Mình thấy lúc này hẳn các bạn sẽ thấy “vui” với loại giấy này rồi nhỉ! Nhưng đừng lo, bạn chắc hẳn sẽ vui hơn với những lý do bên dưới nữa…)
#3. GIẤY QUÁ NẶNG
Những đơn vị phát hành truyện tranh hiện nay đều hướng đến việc mang đến cho độc giả Việt những trải nghiệm tốt nhất, gần với phiên bản gốc nhất. Nhưng xem ra, IPM lại thích một mình một cõi, sử dụng một loại giấy nặng tay!
Đối với một tựa có gần số trang (dao động trong khoảng 190 – 200 trang) là [One Piece] (giấy xốp) và [Barakamon] (giấy mịn), thì loại giấy mịn IPM dùng nặng hơn gần 50 gram! Hẳn bạn sẽ nghĩ khác biệt 50 gram có đáng là bao nhưng với đặc tính đọc truyện mọi lúc mọi nơi (lúc ngồi, lúc nằm,…) của dân ghiền truyện, nặng hơn 50 gram sẽ khiến trải nghiệm của bạn khác biệt ít nhiều.
Với mục đích để người đọc lướt nhanh được nội dung, nối tiếp được những hình ảnh, người Nhật đã chọn loại giấy xốp nhẹ để làm riêng cho việc in ấn manga khổ đọc thông thường (Tankobon).
Và may mắn thay, sau nhiều năm trung thành với loại giấy lì (bạn có thể bắt gặp trong nhiều tựa truyện được phát hành ở Việt Nam những năm 2010s), các nhà phát hành Việt cũng hiểu được chân lý này, để đổi sang loại giấy xốp nhẹ nhàng hơn. Nhưng với một nhà vừa chập chững vào ngành như IPM, hẳn họ chẳng nghĩ sâu xa đến vậy để đổi qua một loại giấy nhẹ nhàng hơn cho độc giả!
#4. GIẤY QUÁ TRẮNG
Có vẻ nhiều bạn khi đọc đến đây sẽ cảm thấy buồn cười, bởi giấy trắng là khát khao của vô số nhà sưu tầm truyện tranh trẻ hiện tại. Nhưng hỡi ôi! Bạn có biết, nguyên nhân khiến cận thị ngày càng tăng chính là vì chúng ta sử dụng giấy quá trắng!
Từ năm 2013, một nghiên cứu tại Việt Nam do TS Nguyễn Đăng Quang cùng các bác sỹ ở Học viện Quân y đã chỉ ra rằng “sử dụng giấy trắng tinh sẽ ảnh hưởng không tốt đến mắt chúng ta”. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng sách vở Việt Nam có độ trắng cao hơn nhiều nước khi ở nước ta, độ trắng cấp A của sách trên thị trường là 84% ISO, còn ở Nhật độ trắng cao nhất của họ là 75% – thấp nhất là 55%. Cũng từ nghiên cứu này, sách giáo khoa đã được in ít trắng hơn để hạn chế việc cận thị ở học sinh.
Việc đọc giấy quá trắng, tập trung và thường xuyên trong khoảng thời gian dài sẽ khiến mắt ta trở nên mệt mỏi, thậm chí bị lóa. Do đó, loại giấy thích hợp cho mắt nhất chính là giấy có màu ngả vàng!
#5. GIẤY KHÔNG Ố – “Ảo tưởng lãng mạn” của dân sưu tầm sách trẻ
Một trong những lý do khác mà độc giả hiện tại tung hô cho loại giấy IPM dùng đó là việc giấy xuống màu ít, không ố vàng như dòng giấy xốp. Hẳn với tâm lí của người sưu tầm mới, việc một cuốn truyện vàng đi, mốc meo là chuyện chẳng ai muốn, thậm chí nhiều người sẽ thấy ngứa mắt khi trong bộ sưu tập của mình có đôi ba cuốn bị xuống màu, không đồng đều với những tựa còn lại. Mình nghĩ đó là tâm lý chung thôi, nhưng vì sao mình lại gọi việc giấy không ố là “ảo tưởng lãng mạn” của các bạn? Bởi điều đó là hoàn toàn bất khả thi.
Giấy ngả vàng, ố đi được xem là một “dấu hiệu thời gian” của bất kì cuốn sách nào. Giấy vốn được làm từ gỗ, do đó qua thời gian, giấy sẽ trở nên vàng và cứng hơn bởi chất Lignin (trong giấy – gỗ) bị oxy hóa khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và không khí. Và đây là một quá trình tự nhiên, chúng ta chỉ có thể làm giảm chứ không thể ngưng chúng hoàn toàn, nên dù sớm hay muộn, những cuốn truyện / cuốn sách bạn đọc vẫn sẽ dần ngả vàng.
Còn nếu bạn muốn giảm việc ngả vàng ở mức tối đa thì có thể áp dụng những cách sau: không để truyện tiếp xúc với không khí (hãy bọc truyện kín thật kín, đừng bao giờ mở ra đọc), không để truyện ở nơi có ánh sáng hoặc ánh đèn (như đã nói trước đó, chỉ mua, đừng mở đọc, gói vào thứ gì đó và cất tủ càng tốt!). Nếu làm theo 2 cách này thì bạn có thể cân được từ truyện nhà IPM cho đến truyện nhà Kim nhé!
Việc ố vàng là điều không tránh khỏi nếu bạn đã chấp nhận mở sách ra đọc
(Internet)
Với những người sưu tầm manga mới, những cuốn truyện có tuổi đời dưới 10 năm, những việc như giấy ố, ngả vàng, không còn trắng tươi như ngày đầu gặp gỡ,… hẳn sẽ là một cú sốc không nhỏ. Nhưng khi bạn đã già dặn hơn trong việc sưu tầm, sở hữu những cuốn truyện 15 – 20 tuổi, bạn sẽ hiểu được giá trị của chúng không nằm ở sự “mới cóng” mà là ở những giờ phút bạn được đọc, được thư giãn, được trải qua 10 năm, 20 năm với chúng. Đến khi đó, một vết ố vàng cũng sẽ mang nhiều kỉ niệm!
KẾT
Với mình, đây là một bài viết dài và bất chợt bởi trước đó, mình đơn giản chỉ muốn đề cập đến việc giấy IPM quá mỏng trong bài 【TÂM SỰ NHỎ】nhưng để mọi người hiểu thêm về những lý do với mình chất giấy của IPM bị xem là tệ, bài viết này đã ra đời.
Trước khi là một nhà sưu tầm, mình vẫn là một độc giả và vì là độc giả ưu tiên của mình vẫn là đọc. Loại giấy IPM sử dụng lại không phù hợp với nhu cầu đọc của người xem truyện tranh khi nó thấu trang nhiều, không dễ mang theo, nặng tay khi cầm đọc lâu và nhất là không tốt cho mắt. Càng không hợp với người sưu tầm khi nó mỏng, giá thành không đi đôi với giá trị. Chỉ với một ưu điểm duy nhất là ít ố vàng theo thời gian, mà đánh đổi với quá nhiều khuyết điểm, với mình là không đáng!
Bạn có ý kiến gì về chất lượng giấy của IPM? Hay có điều gì không đồng ý với bài viết này! Hãy để lại comment bên dưới nhé!
[Người viết: Xíu Xíu]