【TBQ GIẢI ĐÁP】Vì sao TBQ nói ruột của NXB Trẻ là tệ?
Sau vấn đề về giấy của IPM, chúng ta sẽ tiếp tục phần【TÂM SỰ NHỎ】với một đơn vị khác, chính là NXB Trẻ!
ĐÁP
Thời gian gần đây, với việc NXB Trẻ không ngừng thả thính loạt manga mới của mình như [Ranma 1/2], [Ớt Bảy Màu],… đã khiến mình vừa vui mừng, vừa lo lắng, bởi NXB Trẻ lại đang đi vào quỹ đạo “sau vài năm làm tốt, sẽ có thời gian tựa nào cũng… tệ!”.
Khi thì phải lên tiếng về chất lượng in như vụ [Kaze Hikaru] tập 1 được làm bìa rời cứng đến bất thường, tập 11 dày chỉ bằng 1/2 những tập khác, hay một thời bìa của NXB này cùng tên người-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đó được réo liên tục trên Cộng đồng M-A-K… thì giờ “ruột” chính là niềm đau mới của những ai sưu tầm truyện tranh Trẻ!
#1. Đang tốt, tự nhiên TỆ!
Từng có một năm yên ả và thành công với loạt manga có chất lượng ổn định, NXB Trẻ đột nhiên “nổi hứng”
(C) NXB Trẻ phát hành
Hẳn 2019 là năm của [Jin] khi người người, nhà nhà đều thấy đây là một tác phẩm vừa hay về nội dung, vừa tốt về chất lượng in ấn và đặc biệt phần ruột cũng được đánh giá cao. Vậy mà chỉ trong vài tháng đầu năm nay, NXB Trẻ lại để người hâm mộ thất vọng khi phát hành loạt manga với chất lượng “thượng vàng hạ cám”.
Điều đáng nói nhất là phần ruột của các bộ truyện mới do nhà Trẻ phát hành thời gian gần đây thật sự có vấn đề (mà còn là những vấn đề xuất phát từ chính khâu sản xuất của đơn vị này, chứ không phải từ phía nhà in!)
#2. Chuyện chọn font chữ
Hẳn những ai đọc truyện của Trẻ đều biết nhà này khá trung thành với một font chữ thoại chính mà bao năm vẫn thế. Chẳng sao cả, 1 font vậy cũng tốt, bởi người đọc đã quen, font cũng dễ nhìn, dễ đọc. Nhưng từ một font thoại chính được dùng cho các khung thoại thông thường, đội thiết kế bên NXB Trẻ dùng nó luôn cho font thoại suy nghĩ rồi thoại dẫn chuyện, và thậm chí cả những thoại hét lên của nhân vật.
Tính đa dạng trong việc thay đổi font theo từng mục đích thoại được tác giả áp dụng như một thứ “âm thanh không lời”. Khi những đoạn thoại quan trọng, tác giả sẽ dùng font đậm hơn, có nét thanh nét đậm; đoạn thoại có vẻ ma mị, rùng rợn dùng loại font đứt đoạn và những đoạn hét to lại dùng font khác với nói chuyện bình thường. Nhiều tác giả còn kỹ đến mức, khi nhân vật A nói chuyện sẽ font khác, nhân vật B sẽ font khác,… Tất cả đều là ẩn ý của tác giả.
Nhưng với đội thiết kế bên NXB Trẻ, tất cả đều gần như giống nhau! Đỉnh điểm của việc “lười biếng” trong thay đổi font chữ đó là [Assassination Classroom] khi trọn Tập 1 chỉ dùng vỏn vẹn chưa tới 5 font chữ cho cả thoại nhân vật lẫn chữ tiếng động (SFX).
Cố tình chọn một font khác biệt những truyện còn lại của nhà mình, [Assassination Classroom] trở thành tựa truyện tệ nhất cho việc chọn font chữ cho thoại
(C) Người chụp: Hanami
Xem ra vẫn còn lâu lắm, đơn vị này mới quyết tâm trong việc phong phú hơn cho bộ sưu tập font chữ của truyện nhà mình. Chỉ xin hi vọng, [Assassination Classroom] là “vật tế” để NXB Trẻ nhận ra rằng độc giả cần nhiều hơn là một font dùng cho cả bộ truyện.
#3. Chuyện chất lượng hình ảnh ở ruột
Thời gian qua, bên cạnh những tựa mới phát hành lần đầu ở Việt Nam, NXB Trẻ còn cho tái bản nhiều tựa shoujo/ seinen như [Hoa Hồng Tóc Ngắn], [Hajime Là Số 1] nhưng tiếc là không phải tựa tái bản nào cũng tốt, cũng long lanh.
[Hoa Hồng Tóc Ngắn] với tập 1 có phần hình ảnh lúc mờ, lúc rõ mà nếu so với bản từng phát hành cách đây hơn 10 năm (từ 2007) còn đôi chỗ kém xa. Nếu cả cuốn truyện đều mờ căm hay lỗi đều như [Assassination Classroom] bị vỡ hình, mất nét trong tập 1, thì đó hẳn là lỗi nhà in khi không canh chỉnh ấn phẩm đàng hoàng. Nhưng với việc ảnh mờ nhòe vài trang (kiểu hên xui) thì hẳn khâu xử lý từ ruột đã có vấn đề. Những hình ảnh này có thể bị từ khi scan raw, từ đẩy sáng – tối, từ clean truyện,… nhưng vẫn được cho ra mắt độc giả!#4. Chuyện phần nền bên dưới SFX
Ở thời đại này, khi mà cả những team dịch online cũng cất công redraw (vẽ lại) để SFX tiếng Việt được đẹp hơn, tăng độ thẩm mĩ cho tác phẩm, thì team làm ruột của NXB Trẻ vẫn dùng chiêu “xóa trắng” – đè chữ – không vẽ lại nền.
Điều này đã tạo ra những SFX có phần nham nhở ở nền, không đẹp mắt và đôi khi hình ảnh còn bị mất một cách vô lý. Việc SFX được đầu tư, xem ra chỉ xuất hiện trong những sản phẩm hot như [Thám Tử Kindaichi R], [Jin],… chứ những manga dành cho nữ giới, SFX không nhiều nhưng vẫn bị làm qua loa.
Như một SFX lớn trong [Hoa Hồng Tóc Ngắn] (1) dù đã chọn font ổn, pattern đẹp nhưng người thực hiện mỹ thuật cho bộ này hoàn toàn không quan tâm đến phần nền nham nhở sau khi xóa đi chữ Nhật. Đây chỉ là một trong số những pha xử lý nền tệ trong truyện của NXB Trẻ.
(C) Hình do Duy Trung chụp
#5. Chuyện quên SFX
Tuy vậy, chuyện không vẽ lại nền chưa phải là chuyện tệ nhất của những người làm ruột cho đơn vị này, bởi truyện NXB Trẻ đôi khi còn quên luôn cả SFX.
Quên SFX ở NXB Trẻ cũng muôn màu đa dạng. Khi thì thay vì phải sử dụng font chữ đó cho SFX, người làm ruột lại để một font chữ như đánh máy vào. Có khá nhiều chỗ trong truyện NXB Trẻ mắc phải lỗi này, nhưng mình vẫn chưa bao giờ quên được SFX “XÌ” trong [Inuyasha] (1). Chẳng hiểu vì lý do gì, thiết kế ruột của Trẻ lại để SFX này “chơi vơi” giữa dòng đời với cái font chả phải thoại, cũng chả là font SFX.
Những SFX chưa được xử lý thi thoảng lại xuất hiện trong truyện của NXB Trẻ
(C) Hình do TBQ chụp
Quên xử lý SFX hẳn là “tội” nhẹ nhất trong những “tội” sắp tới, khi mà NXB Trẻ còn có những màn xử lý đi vào lòng người như xóa SFX xong không hề đắp chữ tiếng Việt lên lại, hay thậm chí là giữ nguyên SFX Nhật mà không xử lý. Không rõ vì do chạy deadline để kịp ngày ra mắt truyện hay chưa quen công việc, mà tập 1 bao giờ cũng là tập rơi rớt nhiều lỗi ruột nhất của đơn vị này. Như trong tập 1 [Thám Tử Kindaichi R] có ít nhất 3 lỗi sót không xử lý SFX mà mình nhận ra.
Và trong khi các đơn vị ngày càng “nâng cấp” việc xử lý SFX với NXB Kim Đồng có hẳn một [Naruto] được vẽ lại toàn bộ nền bên dưới SFX, IPM với [Nozaki Và Truyện Tranh Thiếu Nữ] xử lý chữ ngoài thoại dày đặc trên những trang tạp chí, trang truyện tranh vẽ… thì NXB Trẻ vẫn chưa cải thiện mấy trong khâu xử lý những SFX này. Nói một cách đáng buồn đó là ruột truyện của Trẻ 10 năm vẫn thế!
#6. Chuyện tái bản lại “đẻ” lỗi mới!
Giữ nguyên bản dịch cũ và có hiệu đính vẫn là cách làm của nhiều đơn vị khi tái bản lại truyện. Thế nhưng, với mỗi lần tái bản, NXB Trẻ sẽ xử lý lại ruột và “đẻ” ra lỗi mới (như những lỗi trên mà mình đã trình bày). Điều này thật sự là vấn đề đáng lo ngại khi chính NXB lại không hề có biện pháp cải thiện chất lượng ruột qua những lần tái bản, khiến những độc giả mua lại truyện với suy nghĩ sẽ có cơ hội sở hữu bản tốt hơn không thể chấp nhận được.
KẾT
Với những lỗi rơi rớt không đáng có, khi thì là lỗi chính tả, khi thì lỗi xử lý SFX, lắm lúc lỗi in,… khiến việc quyết định theo truyện của NXB Trẻ trở thành một “cuộc chơi may rủi” mà người đọc chẳng biết khi nào mình sẽ bị “dính đòn”.
Bởi NXB Trẻ từng có “kinh nghiệm” trong việc khắc phục lỗi từ nhiều năm qua, như 2014 – chúng ta chê truyện NXB Trẻ in tệ mảng hình bìa và bìa rời quá cứng, thì đến 2017 – chúng ta đã có một [Thất Hình Đại Tội] bìa đẹp long lanh, hay như sau khi fan than thở quá nhiều mảng thiết kế bìa, NXB Trẻ đã “thay máu” bằng loạt bìa đẹp (trong đó có [Thám Tử Kindaichi]), chính vì vậy, chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng rằng NXB Trẻ rồi sẽ cải thiện mảng ruột này (dù sẽ hơi chậm và chưa biết trong bao lâu nữa!).
Nhưng trước mắt, chất lượng ruột của [Ranma 1/2], [Ớt Bảy Màu] và [Kingdom] sẽ đi về đâu, thì chúng ta chỉ còn cách góp ý và “dõi theo” NXB Trẻ, để họ có động lực (lẫn áp lực) hạn chế lỗi ở mức thấp nhất!
[Người viết: Xíu Xíu]