Home Chuyên Đề TBQ News Anime-LiveAction 【CHUYỆN BÊN LỀ】Chút tản mạn về Fansub ở thời điểm anime bản quyền dần phát triển tại Việt Nam

【CHUYỆN BÊN LỀ】Chút tản mạn về Fansub ở thời điểm anime bản quyền dần phát triển tại Việt Nam

353 views

Chào các bạn, hẳn ai trong số chúng ta ở đây hôm nay đều đã xem anime rồi đúng không? Mình dám khẳng định rằng ai trong số chúng ta đều đã xem những bộ do fansub làm dù ít hay nhiều. Vậy “Fansub” là gì? Ý nghĩa của họ vào thời điểm hiện tại là như thế nào? Hôm nay hãy cùng TBQ tìm hiểu về vấn đề này nhé!


Fansub là gì?

Theo Wikipedia, Fansub (viết tắt của Fan-subtitled, nghĩa là “được phụ đề bởi người hâm mộ”) là một phiên bản của một bộ phim hay một chương trình truyền hình của nước khác đã được những người hâm mộ (fan) dịch lại và đặt phụ đề bằng ngôn ngữ khác với ngôn ngữ gốc ban đầu, phân biệt với bản dịch có giấy phép chính thức được làm bởi những người chuyên nghiệp.

Fansub khởi nguồn từ sự bùng nổ của ngành sản xuất anime vào thập niên 1980 ở Nhật Bản, thời điểm chỉ có một số ít anime được mua bản quyền để phân phối ra nước ngoài. Điều này đã khiến những fan hâm mộ của anime không thể tiếp cận những bộ mới. Một số fan, thường là người có ít kiến thức về tiếng Nhật, đã bắt đầu sản xuất những bản phụ đề anime để có thể chia sẻ với những fan như họ nhưng không hiểu tiếng Nhật.

Aegisub – bạn thân của các nhóm Fansub
(Nguồn ảnh: Internet)


Sự phát triển của các nhóm fansub tại nước ta

Tại các nước ngoài từ buổi đầu sơ khai, fansub phân phối qua các kênh VHS cực kì kém chất lượng. Còn tại Việt Nam, fansub mới chỉ hình thành trong tầm khoảng 10 năm đổ về trước, khi Internet bắt đầu bùng nổ ở nước ta. Tất cả fansub ở Việt Nam đều được sản xuất trên máy tính vì thế chất lượng vẫn giữ được ở mức khá cao đủ 480p lẫn 720p thậm chí full HD 1080p. Fansub phát triển cực kì mạnh mẽ ở nước ta, hiện tại có rất nhiều, lên đến hàng chục fansub đang tồn tại và phát triển.

Dù một số nhóm đã rời khỏi cuộc chơi như Koga, nhưng tre già măng mọc, loạt fansub mới, non, trẻ cứ thể được sinh ra tiếp bước đàn anh đi trước của mình. Fansub có thể tự tồn tại trên trang web riêng của mình, hoặc đăng tải lên các trang web xem phim lậu, không có bản quyền,… dân ta lại thích dùng đồ miễn phí. Và vì thể fansub đã có một một môi trường hoàn hảo để có thể phát triển vượt bậc!

Những nhóm fansub của Việt Nam trên Facebook
(Nguồn ảnh: Internet)

Hầu hết các fansub ở nước ta thường dùng các nguồn sub bằng tiếng Anh (đã dịch lại từ tiếng Nhật) để dịch lại lần 2, khá ít nhóm dịch trực tiếp từ tiếng Nhật vì vốn từ không đủ và khó hơn tiếng Anh nhiều. Tiêu biểu nhất trong số đó phải kể đến HorribleSubs, 90% nhóm vietsub đều lấy nguồn từ đây, ngoài ra còn có erai raw, nyaa và ohys. Tháng vừa qua, HorribleSubs tuyên bố đóng cửa trang web, đây là một đòn giáng mạnh cho cả cộng đồng, là một hồi chuông cảnh tỉnh, theo nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mac-Lenin, một hiện tượng sau khi đã phát triển đạt đến đỉnh điểm sẽ rơi vào thời kì suy thoái, và có lẽ thời kì chia sẻ fansub miễn phí đã đến lúc thoái trào rồi.

Cây đa trong nguồn cung cấp fansub cho công đồng HorribleSubs đã dừng cuộc chơi
(Nguồn ảnh: Internet)


Fansub có lợi – Phương tiện quảng bá hiệu quả

Cái gì cũng có hai mặt của nó, fansub cũng vậy. Đầu tiên, mình muốn nói về điểm tốt trước. Chúng ta đều biết mô hình Anime-Manga-Light Novel nhỉ? Nếu manga, light novel hay sẽ kéo theo anime được nhiều lượt chú ý, xem nhiều hơn. Tương tự, anime làm tốt thì người xem sẽ mua manga, light novel về để đọc hoặc sưu tập. Kiểu gì giá trị thương hiệu cũng sẽ tăng, tác giả sẽ có thêm tiền. Ok! Quay trở lại vấn đề… Trước tiên, nhiều năm trước đây, Việt Nam mua được rất ít anime bản quyền, thậm chí là không có NHƯNG manga, light novel có rất nhiều đơn vị thầu. Bằng việc đăng tải anime vietsub trên các trang đọc không thu phí, các nhóm sub đã có công trong việc quảng bá thương hiệu ấy cho tất cả mọi người. Người xem thấy hay, muốn biết phần tiếp theo sẽ như thế nào, có thể mua manga đã được xuất bản trên thị trường.

Ngoài ra, các nhà mua bản quyền có thể theo dõi thị hiếu của thị trường, xem họ muốn coi cái gì, bộ nào có tiềm năng để mua manga, light novel bản quyền về xuất bản. Lấy ví dụ tiêu biểu là [Thanh Gươm Diệt Quỷ] có anime [Kimetsu no Yaiba] (KnY) với fandom cực kì hùng mạnh ở nước ta. Nhưng có một điều mà ai cũng phải công nhận đó là trước khi có anime, chúng ta thậm chí còn chưa từng nghe đến tên truyện. Nhưng khi fansub đăng tải bộ anime lên mạng, một cú vụ nổ Internet và MXH bùng phát. Đi đâu cũng thấy [KnY], từ page này sang page khác, group này sang group khác, đặc biệt là trên mấy trang confession, bạn bè thay đổi ảnh đại diện các kiểu, meme Thức thứ XXX Hơi thở XXX đi đâu cũng thấy. NXB Kim Đồng nhìn ngay thấy tiềm năng bộ này, liền mua nóng, giai đoạn dịch thuật, in ấn các thứ các kiểu diễn ra, rồi xuất bản thành sách đúng hơn 2 tháng kể từ khi anime chiếu tập cuối cùng. (Trong khi nhiều bộ như [Black Clover] mua suốt từ thủa nào rồi mà chưa được in).

Điều này cũng có thể áp dụng với fansub manga, light novel. Trên thị trường có rất nhiều tựa sách, không thể biết được bộ nào hay, bộ nào dở. Ngộ nhỡ mua liều lĩnh trúng phải bộ dở hoặc không hợp gu thì biết thế nào, hoặc lại có những bộ cực kì hợp gu nhưng mình không biết? Fansub đã giải quyết vấn đề này. Bạn có thể đọc thử vài chap đầu trên mạng trước đã xem có hợp gu không rồi có thể bắt đầu hành trình mua truyện. Như vậy ta có thể thấy, nhờ có các fansub mới có thể khai thác được các thị trường tiềm năng còn bỏ ngỏ, chưa được khai phá, là một hình thức PR cực kì tốt, góp công sức cho người hâm mộ được tiếp cận các sản phẩm liên quan đến tác phẩm mà mình yêu thích có bản quyền, đúng pháp luật.


Fansub có hại – Hậu quả thấy ngay trước mắt! 

Muốn nói gì thì nói, nhưng đối với luật bản quyền, luật sở hữu trí tuệ, fansub hoàn toàn là bất hợp pháp, chắc chắn rồi, nếu bị kiện có thể bị xử lí hình sự không biết chừng.

Vụ bê bối nhất có thể kể đến là drama đầu năm 2017, khi mà [Dáng Hình Thanh Âm] | [Koe no Katachi] vừa được ra rạp ở Việt Nam, vừa mới công chiếu đã bị leak lậu lên mạng. Giám đốc bên Encore Film đã trực tiếp nhắn tin cho bên các fansub Việt Nam yêu cầu ngừng ngay hành động ấy lại. Bởi nó trực tiếp ảnh hưởng đến doanh thu phim và đơn vị bản quyền ngay trong nước ta chứ không chỉ các nhà sản xuất nước ngoài nữa.

>>> Đơn vị bản quyền ở đâu trong cuộc chiến [Dáng Hình Thanh Âm]?

Ngoài ra, bên cạnh mặt tích cực như mình vừa kể trên, đó chỉ là một số ít, số đông còn lại vì đã đọc trên mạng hết cả rồi nên không thèm mua truyện nữa. Hàng ti tỉ lí do để bao biện: “Không có tiền”, “Đọc 1 lần rồi đọc lại làm gì nữa”, “Phí tiền, lên mạng đọc cho free”,… Nếu muốn, người ta sẽ tìm cách, còn nếu không muốn, họ sẽ tìm lí do. Đừng bao giờ đổ lỗi cho hoàn cảnh. Tất nhiên bạn có quyền lựa chọn không mua vì bạn không hài lòng với sản phẩm, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn viện cớ không mua đó để lên mạng đọc lậu. Tình trạng này xảy ra rất thường xuyên, đến mức có những người mang tư tưởng thiểu năng đến mức anti đồ bản quyền và chửi người tiêu dùng chúng là ngu, không biết cách tiêu tiền. Còn có những page “Hội những người yêu thích truyện XXX” không những không vui mừng vì tác phẩm của mình được mua bản quyền hợp pháp mà còn không ủng hộ hàng bản quyền, kêu gọi mem tẩy chay. MẤY NGƯỜI ĂN CÁI KHỈ GIÓ GÌ MÀ LÚ VẬY??

Bản chất của fansub là chia sẻ miễn phí chất xám, mồ hôi, công sức của người khác, điều đó khiến cho những người sản xuất thụt giảm doanh thu, khó hồi cả vốn và lãi. Tồi tệ hơn nữa có những kẻ kiếm lời từ đó bằng cách bán những sản phẩm không chính gốc này. Fansub được thực hiện bởi fan, cho fan, và không dành cho mục đích thương mại. Vì vậy, fansub không bao giờ được bán vì lợi nhuận. Rất nhiều fansub đặt những dòng “Fansub miễn phí không được phép bán hay cho thuê” thường xuất hiện bất chợt xuyên suốt đoạn video, để ngăn chặn những kẻ bán lậu không vi phạm luật lệ này.

À, còn quên chưa kể đến việc xem anime lậu trên Youtube, lách bản quyền bằng cách co nhỏ màn hình bé tí bằng con kiến, hoặc tua nhanh cả bộ phim 12 tập của người ta còn 30 phút rồi ghép nhạc Remix vào, thêm quả tiêu đề “Main giấu nghề sở hữu sức mạnh bá đạo…” Please, cringe thật sự! Vậy mà vẫn có hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn, hàng triệu lượt xem. Không biết mấy kênh đấy có bật được chức năng kiếm tiền không nữa.

Youtube trở thành nơi để đăng tải anime lậu với nội dung bị cắt xén
(Nguồn ảnh: Youtube)


Cảm nhận cá nhân của mình về vấn đề fansub ở thời điểm hiện tại

Đầu tiên, các bạn hãy nhìn lại toàn bộ danh sách anime summer 2020 vừa qua một cách khách quan tổng thể toàn bộ một lần xem chúng ta có gì? Gần 20 Anime được có thể xem bản quyền trong một mùa!! Gần như toàn bộ series Anime mùa này rồi!! Mùa này có tổng cộng 28 series, trong đó có khoảng 5 bộ Kid-Show Long-Running, 1 bộ H*ntai Yaoi (Chắc chắn không thể mua được), chỉ thiếu đúng 3 bộ: [Uzaki-chan wa Asobitai!], [Peter Grill to Kenja no Jikan], [Dokyuu Hentai HxEros]. Còn lại tất cả đều có thể xem bản quyền!

>>> 【ANIME GUIDE】Mùa hè 2020 – [Re:Zero] (Phần II) là anime đáng xem nhất của mùa

(Nguồn ảnh: Internet)

Vậy điều mình thật sự muốn nói ở đây là gì? Nhìn lại quá khứ, gần thôi, 1- 2 năm trước. Lúc đó, thật sự rất khó để xem anime có bản quyền, chưa nói tới việc xem anime theo mùa, update mỗi tuần chắc chắn là một con số 0. Xem bản quyền chỉ có [One Piece] hoặc [Doraemon] trên POPS Anime, VTV2 chiếu [Pokemon XY] hoặc HTV3 chiếu cũng kha khá nhiều bộ. Mình lúc đó cũng như các bạn – một người xem phim lậu chưa nhận thức được tính nghiêm trọng của bản quyền cũng như Luật Sở hữu Trí tuệ. 95% anime mình xem lúc đó đều là lậu cả, phát tán đầy rẫy trên các trang xem phim không chính thống.

Mình biết nhiều bạn đang nghĩ rằng: “Này, anh bạn đạo đức giả, tôi nghĩ anh nên đọc lại tên trang web mình đang viết”. Ok, Hội những người ủng hộ truyện bản quyền đúng không? Mình biết nhưng hiện tại mình muốn chia sẻ suy nghĩ thành thật của mình với mọi người, không phải với tư cách một người viết báo, không từ ngữ hoa mĩ gì cả, mà như một người bạn đang tâm sự thật lòng!

Mình có lẽ đã không yêu anime đến vậy nếu không có các fansub. Họ là những người dịch anime lậu cho chúng ta, có những fansub dịch chỉ vì đam mê, có những fansub dịch vì lợi nhuận,… những tất cả chúng ta đều không thể phủ định được sự quan trọng của fansub. Tầm ảnh hưởng của các fansub đã đem lại cho cộng đồng chúng ta là rất to lớn không chỉ trong nước ta mà toàn thế giới. Và nếu thiếu fansub, mình không nghĩ anime sẽ lan tỏa đến tầm quốc tế như bây giờ được đâu.

(Nguồn ảnh: VnSharing)

Hãy nhìn lại mà xem. Nếu không có các Fansub làm sao các bạn có thể tiếp cận và khám phá ra các chương trình yêu thích của mình đã chiếu từ nhiều năm, thậm chí là mấy chục năm về trước chứ? Có bao nhiêu bạn trong đây may mắn biết đến cộng đồng VnSharing hồi năm 2012-2015 nhỉ? Đó là một cộng đồng rất lớn, thường được gọi vui là mái nhà chung của các tín đồ anime lúc đó. Tại đây, mọi người chia sẻ cho nhau những bộ phim, nhờ sub hoặc tham gia bàn luận, dịch truyện, tổ chức Tournament,… rất đông vui. Dù đây chỉ là một forum của fansub thôi nhưng thật sự nhờ họ, mình và rất nhiều người khác có cùng đam mê đã được tiếp xúc, gặp gỡ, học hỏi nhiều điều từ nhau. Bởi vậy, từ tận đáy lòng mình rất trân trọng những gì mà các fansub đã làm cho cộng đồng của chúng ta.

Nhưng hiện tại năm 2020, thời thế đã thay đổi. Bây giờ, khả năng tiếp cận không quá hạn chế nữa. Như những gì mình đã nói ở trên, anime bản quyền đã không còn là cái gì đó quá xa vời. Tuy vẫn còn bị chút hạn chế dịch vụ theo quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng trong tương lai, mình tin chắc rằng việc xem anime bản quyền còn dễ dàng hơn nhiều nữa. Hiện tại chúng ta có DANET, FPT Play, POPS Anime, đặc biệt là MUSE Việt Nam đóng vai trò cực kì quan trọng trong việc cung cấp các sản phẩn anime cho nước ta. Ngoài ra như các nguồn phổ biến tại Việt Nam, chúng ta còn có iQIYI, Animax, Ani-one, Ani-plus, Netflix,… đều là những nguồn xem anime mà chúng ta hoàn toàn có thể tham khảo thêm.

(C) MUSE Việt Nam

>>> 【CHUYÊN ĐỀ TBQ】Cơn khát Anime bản quyền của Cộng đồng M-A-L Việt? (Phần 1): MUSE VIỆT NAM

Tuy nhiên, luôn có những bất cập. Ví dụ lúc xem bộ [Saiki Kusuo no Psi-nan] do fansub dịch, mình cười ngả cười nghiêng vì bản dịch rất hay nếu không muốn nói là rất bựa, xem lại bao lần không chán. Nhưng khi xem lại trên Netflix, bản dịch rất thô, nghiêm túc, khiến mình không cười nổi. Bản dịch [Gintama] của NXB Kim Đồng trong lần phát hành đầu tiên cực kì chán, fan không buồn mua truyện, khiến cuối cùng NXB phải thuê dịch giả Mokey King từng fansub bộ này trên mạng để về dịch lại, tái bản, nhờ đó truyện lại bán chạy cực kì!

Vậy tất cả điều này mang ý nghĩa gì? Chúng ta là những con người sống trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, vấn đề bản quyền hiện tại luôn là vấn đề vô cùng nhức nhối. Nhưng đồng thời nó cũng chứng minh cho ta thấy một nguyên lý cơ bản của kinh tế học: nguyên lý cung- cầu. Nếu có những người xem có nhu cầu, thì sẽ có những dịch vụ cung cấp những sản phẩm phục vụ lại. Đơn cử như bộ [One-Punch Man] mới được phát hành trên MUSE Việt Nam, tuy phim có suốt từ năm 2015, chiếu lậu trên không biết bao nhiêu trang web rồi nhưng tập nào cũng đều xấp xỉ nửa triệu lượt xem, có tập gần 1 triệu. [The God of Highschool] tân binh mùa này, tập nào cũng gần 500 nghìn lượt xem.

Điều mình mong muốn nhất bây giờ là các fansub và các trang bản quyền hãy cùng nhau tồn tại, cộng sinh cả hai bên đều sẽ cùng hưởng lợi. Những bộ nào đã có bản quyền mong các fansub không nên thực hiện project nữa, các web lậu hãy gỡ các phim đã được mua bản quyền để mọi người sang xem phim hợp pháp. Đồng thời, mong các kênh cung cấp dịch vụ bản quyền nên chú ý hơn đến trải nghiệm của người tiêu dùng như việc tìm hiểu kĩ thông tin phim trước khi dịch để làm ra bản dịch hay nhất. Hoặc làm 1 tiền lệ như Muse Việt Nam đã làm theo mình thấy là hợp lí nhất: thuê một nhóm fansub khác về để dịch. Cụ thể ở đây Yami Sora đã thầu tác phẩm [Sword Art Online] mùa trước và mùa này ta có A4V dịch khá nhiều bộ như [Gochuumon wa Usagi Desu ka?], [Bloom], [Bang Dream] Season II, [Burn The Witch],… đều do Muse Việt Nam nắm giữ bản quyền. Danet hiện tại cũng đang học theo mô hình này.

Hoặc các bạn cũng có thể dùng cách mà mình hay làm. Xem phim ở những nguồn có bản quyền, rồi dùng phần mềm bên thứ 3 chèn file sub của fansub vào để coi. Như vậy đảm bảo sự hài hòa giữa các bên một cách tốt nhất và quan trọng hơn cả là trải nghiệm của người xem, khách hàng.


Thay vì chống đối lẫn nhau, các nhóm fansub có thể hợp tác với đơn vị giữ bản quyền để cùng nhau phát triển


Fun Fact!

Crunchyroll, Bilibili cũng từng là web xem phim lậu nhưng ở thời điểm hiện tại, hai trang web này đều là trang anime bản quyền lớn nhất thế giới về anime bên cạnh Funimation, mỗi năm thu về hàng chục triệu đô cho ngành công nghiệp anime cũng như đóng góp vào GNP của toàn Nhật Bản.


KẾT

Trong quá trình phát triển của Manga-Anime-Light Novel tại Việt Nam, fansub chính là một người bạn đồng hành từ những ngày đầu. Dù có những thời điểm, người bạn đồng hành này có thể gây hại đến chặng đường đi đó, khiến nó có đôi phần khó khăn; nhưng không thể phủ nhận những điều mà fansub đã đóng góp giúp cho M-A-L phát triển được như hôm nay.

Mong rằng những nhóm fansub sẽ sớm thức thời để nhận ra cơ hội của mình để có thể thật sự sống với đam mê! Tất cả những gì mình muốn chia sẻ chỉ vậy thôi, kết thúc tại đây! Nếu tương lai có thêm bộ nào được mua bản quyền mình sẽ update tiếp, hẹn gặp lại các bạn tại các bài viết sau.

Còn giờ, chúc các bạn một mùa xem phim vui vẻ. Tạm biệt và hẹn gặp lại!!

Fuyuu
RSS
Pinterest
fb-share-icon
FbMessenger