Home Review Review Thành Phẩm 【REVIEW THÀNH PHẨM】Những điểm mới của “cánh chim sân cỏ” [Tsubasa – Giấc Mơ Sân Cỏ]

【REVIEW THÀNH PHẨM】Những điểm mới của “cánh chim sân cỏ” [Tsubasa – Giấc Mơ Sân Cỏ]

99 views

Có thể nói, chặng đường của “đôi cánh” chàng cầu thủ OZORA Tsubasa ở Việt Nam là một chặng đường dài, chứa chan bao hoài niệm.

(Lưu ý: Bài review sẽ chỉ đề cập đến phần hình thức, mĩ thuật, in ấn. Phần dịch thuật và nội dung sẽ được review trong những bài viết sắp tới của TBQ) 


Từ truyện lậu xuất bản vào những năm 9x đến hình thức có bản quyền, được công ty TVM làm hết sức chỉn chu: bìa rời, giấy xốp định lượng cao, gáy sách thiết kế nhiều màu sắc theo đúng bản gốc của Shounen Jump.

Rồi tới hôm nay, NXB Kim Đồng đã đưa “cánh chim” đó trở lại, sải rộng trên thị trường manga Việt dưới diện mạo hoàn toàn mới. Để dẫu công tâm mà nói rằng, dù còn hạn chế ở khía cạnh này hay khía cạnh khác, ở mặt nọ hay mặt kia, thì [Tsubasa – Giấc Mơ Sân Cỏ] “cộp mác” NXB Kim Đồng vẫn là một ấn phẩm xứng đáng có được vị trí trên giá sách của những độc giả yêu manga nói chung, các độc giả yêu manga viết về bóng đá, yêu mến [Captain Tsubasa] nói riêng.


Diện mạo mới – Hình thức mới

Không còn mang hình thức bìa rời như phiên bản [Tsubasa] của nhà TVM, phiên bản [Tsubasa – Giấc Mơ Sân Cỏ] bìa gập của NXB Kim Đồng khoác lên mình một diện mạo mới hết sức bắt mắt.

Bìa truyện Tập 9, mọi màu sắc đều cực kì bắt mắt, hài hòa

Ngoài phần bìa màu sắc tươi sáng, mang đúng tinh thần “đẹp như một giấc mơ”, chỉ cần để ý một chút, độc giả sẽ dễ dàng nhận ra, khi gáy sách của các tập truyện được ghép lại thì cũng là lúc một sân cỏ thu nhỏ hiện ra và nhân vật chính trên sân không ai khác ngoài chàng cầu thủ tài hoa Tsubasa. Đặc biệt, gáy sách gần như không trồi sụt nên sân bóng vì thế cũng hết sức vuông vức. Quả thực, với một fan banh bóng, mỗi lần nhìn lên giá sách thấy bộ truyện mình yêu thích tựa như một sân cỏ xanh mướt là một trải nghiệm tươi mát đầy thú vị.

Gáy truyện ghép lại thành hình sân bóng xanh mướt
(C) Hình do bạn Mọt Mọt chụp

Không chỉ vậy, việc xử lý hiệu ứng âm thanh (SFX) của NXB Kim Đồng trong [Tsubasa – Giấc Mơ Sân Cỏ] không chỉ tỉ mỉ mà ở nhiều khung truyện còn cực kì sáng tạo, mang đậm hơi thở của một bộ truyện tranh viết về môn thể thao đặc thù.

Font chữ to tròn với các hình ngũ giác tạo cảm giác hiệu ứng âm thanh (SFX) tựa như một trái bóng
(C) Hình do bạn Mọt Mọt chụp

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, bên cạnh những điểm cộng cho ấn phẩm [Tsubasa] do NXB Kim Đồng phát hành, thì tác phẩm cũng có không ít hạn chế: chất giấy xốp quá mỏng khiến cho cuốn truyện èo uột và cực kì nhanh ố, nhiều cuốn bị xén mất chữ, gáy sách đóng quá sát vào lề trong cuốn sách khiến chữ cũng mất luôn… Vậy nên, thật sự mong mỏi trong các tập truyện tiếp theo, NXB Kim Đồng có thể khắc phục những hạn chế này để [Tsubasa – Giấc Mơ Sân Cỏ] mãi là giấc mơ đẹp của độc giả Việt Nam.

Chữ dính sát vào gáy truyện, một lỗi đáng tiếc của [Tsubasa]


Nội dung mới – Cái tôi của người dịch giả

Trước hết, cần phải nói rằng, “nội dung mới” tôi đề cập tới đây là phần dịch thuật của [Tsubasa – Giấc Mơ Sân Cỏ] phiên bản NXB Kim Đồng được làm lại toàn bộ và trọn vẹn, đầy đủ đúng với nguyên gốc. Tức rằng bên cạnh tiếp xúc với [Tsubasa] qua văn phong dịch hoàn toàn khác biệt với bản cũ của TVM, thì phiên bản [Tsubasa] của NXB Kim Đồng còn xuất hiện những phần mà bản cũ TVM không hề có.

Đó là 2 trang thông tin cá nhân và phân tích sức mạnh nhân vật gần như xuất hiện xuyên suốt, bắt đầu từ tập 8 trở đi, ở cuối mỗi tập truyện trong nguyên bản Shounen Jump đã được dịch cực kỳ chi tiết đến cả những khung tranh với câu thoại nhỏ xíu cũng được dịch thuật đầy đủ. Đây không chỉ là cái tâm, mà còn là một sự tôn trọng độc giả rất mực từ phía người dịch cũng như phía NXB Kim Đồng. Ngoài ra, tập 9 còn có nguyên một trang giới thiệu “hành trình” phát triển của series [Tsubasa] từ những năm 80 tới thời điểm hiện tại. Để tôi phải hoài nghi, liệu đây có phải “thính” của nhà Kim về hành trình tiếp theo của [Tsubasa] tại Việt Nam không?

Hành trình của series [Tsubasa] ở Nhật Bản, và “thính nhẹ” về hành trình tiếp theo của [Tsubasa] ở Việt Nam chăng?
(C) Hình do bạn Mọt Mọt chụp

Và khi đề cập tới “văn phong dịch thuật”, tôi muốn nói “cái tôi của người dịch giả” đã dịch nên một [Tsubasa – Giấc Mơ Sân Cỏ] đầy sôi động và đậm chất “phiêu” của một tác phẩm đã làm nên huyền thoại trong thế giới những bộ manga viết về bóng đá, dịch giả Đỗ Hồng Thái. Thật sự, “cái tôi” đó không đơn thuần chỉ là cái tâm, cái tài của một con người có kiến thức mà còn là “cái tôi” nhiệt huyết với bóng đá, cũng như với “cánh chim sân cỏ” – Tsubasa.

“Cái tôi” ấy trước hết thể hiện ngay từ sự cẩn trọng, tỉ mỉ ở từng những chú thích nhỏ trong truyện. Từ sự đồng âm trong tên nhân vật mà có những biểu tượng chơi chữ rất đẹp như tên [Tsubasa] mang nghĩa đôi cánh mà ta có chương truyện với tên “Đôi cánh không vỗ” (Tập 8) tới từng khái niệm trong bóng đá, thậm chí đến cả những khái niệm nhỏ tưởng chừng ai cũng biết cũng được chú thích rõ ràng như S.C – Soccer Club – Câu lạc bộ bóng đá, bằng nghĩa với F.C. Chính sự cẩn trọng tới tiểu tiết như thế với tác phẩm, mà tôi tin, đến với [Tsubasa] phiên bản Kim Đồng, dù không thích bóng đá hay không có chút hiểu biết nào về banh bóng, bạn cũng sẽ có được một kiến thức nền về bộ môn vẫn được coi là môn thể thao vua này.

Sự lý giải một tựa chương đầy ý nghĩa
(C) Hình do bạn Mọt Mọt chụp

Đến nghĩa của từ viết tắt khá thông dụng S.C cũng được giải thích rõ ràng
(C) Hình do bạn Mọt Mọt chụp

Nhưng để có thể cẩn trọng đến từng chi tiết nhỏ nhặt như vậy, ngoài vốn tiếng Nhật vững chắc, người dịch [Tsubasa] còn có một vốn tiếng Việt thật sự phong phú. Để với [Tsubasa] không đơn thuần chỉ là bộ truyện được chuyển ngữ từ một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác mà còn có sự vận dụng sắc thái biểu cảm phong phú của tiếng Việt trong từng câu văn giàu tính nhịp điệu: “Đàn ông là thế mà em! Vì mục tiêu, vì mơ ước, sẽ có những lúc họ sẵn lòng làm những điều phi lí nhất…”

(C) Hình do bạn Mọt Mọt chụp

Bên cạnh đấy là một vốn kiến thức chuyên sâu về bóng đá của người dịch. Bởi, dịch giả không thể dịch đúng (chứ đừng nói tới dịch hay) một bộ truyện thể thao đặc thù hay giải thích cho người khác hiểu những kiến thức chuyên ngành nếu bản thân anh ta không hiểu rõ, hiểu sâu về chính bộ môn đó. Với [Tsubasa – Giấc Mơ Sân Cỏ] phiên bản Kim Đồng, có thể nói chăng, dịch giả đã sử dụng hết sức chính xác và linh hoạt hàng loạt thuật ngữ bóng đá ở từng bối cảnh khác nhau: những pha “leo biên”, những cú “tắc bóng”, những “đường chuyền vượt tuyến”, những màn “căng ngang”, cú “vô lê”, “ngả bàn đèn”… Rồi từ đó, những độc giả yêu bóng đá như tôi, như tìm thấy được tiếng nói tương thông với cái tôi của người dịch trong từng câu, trong sự tự tin của con người ấy mỗi lần sử dụng ngôn từ.

Nếu không phải dân cuồng banh bóng, có một khoảng thời gian dài theo dõi bóng đá liên tục, rất khó để sử dụng được một từ “đắt” như “leo biên” vậy
(C) Hình do bạn Mọt Mọt chụp

Tuy nhiên, nếu [Tsubasa – Giấc Mơ Sân Cỏ] được dịch lại chỉ tràn ngập thuật ngữ bóng đá, thì tác phẩm khi đấy khác gì một cuốn sách hướng dẫn chơi bóng khô khan? Cái khéo của dịch giả chính đã không biến lần trở lại này của bộ truyện thành cái loa phát ngôn cho cái tài hay cái tôi hiểu biết. Bởi tràn ngập trong tác phẩm là một sự nhiệt huyết tới cuồng si của những chàng cầu thủ trẻ, và của cả ánh nhìn dõi theo từng bước chạy các cầu thủ trên sân luôn mải miết đuổi theo trái bóng.

“Tam tấu”, một trong những cụm từ đầy tính “nghệ sĩ”
(C) Hình do bạn Mọt Mọt chụp

Mỗi lời nói của bình luận viên, đều chất chứa trong đó sự cuồng nhiệt theo từng hơi thở sân cỏ. Rất nhiều từ cảm thán, rất nhiều dấu chấm than, hỏi chấm, rất nhiều từ ngữ cuối câu được kéo dài, nhưng đan xen ở đó không ít những lời bình luận như đằm lại theo nốt trầm của trận đấu… và đó chẳng phải những gì ta vẫn thấy mỗi lần theo dõi một trận bóng hay sao? Cái tôi của người dịch, tưởng chừng đã lùi về rất xa, để trận đấu cứ vậy diễn ra, để độc giả như cảm thấy chỉ còn bản thân với trái bóng, tự nhiên như được phát sóng trực tiếp trên màn ảnh nhỏ vậy. Nhưng chẳng phải, khi cái tôi của dịch giả lùi về, đóng vai trò tựa đôi mắt, hóa thành một phần nhịp đập tác phẩm cũng là lúc, cái tôi con người đó được nâng lên hay sao? Bởi phải yêu và nhập tâm đến nhường nào, người ta mới có thể “cháy” cùng tác phẩm đến thế.

“Tỉa bóng”, một trong những từ “đắt” được sử dụng
(C) Hình do bạn Mọt Mọt chụp

Cảm xúc dâng trào như xem bình luận trực tiếp qua giọng của bình luận viên Biên Cương vậy
(C) Hình do bạn Mọt Mọt chụp

Tất nhiên, bên cạnh “cái tôi” của dịch giả, không thể không nói tới sự gọt giũa của “chốt chặn cuối cùng” – người biên tập viên, trước khi tác phẩm tới tay độc giả. Tới thời điểm hiện tại, [Tsubasa – Giấc Mơ Sân Cỏ] phiên bản nhà Kim cực kì, thậm chí có thể nói là hầu như không có lỗi morat. Câu văn gãy gọn nhưng gần như vẫn mang trọn sắc thái cảm xúc trong một trận bóng.

Khung thoại được biên tập rất gọn
(C) Hình do bạn Mọt Mọt chụp

Tuy nhiên (lại là “tuy nhiên”), vẫn còn một số nhầm lẫn hết sức đáng tiếc ở một số tập [Tsubasa – Giấc Mơ Sân Cỏ] do NXB Kim Đồng phát hành. Có thể xuất phát từ chính nguyên nhân, cả người dịch lẫn người biên tập đều như cuốn theo tác phẩm nên khó có thể bao quát được những điểm… lỡ bất hợp lý trong bản dịch. Nên thật mong, trong lần tái bản sau, các lỗi vụn vặt như vậy sẽ được chỉnh lý, để độc giả, đã trót yêu “cánh chim” [Tsubasa – Giấc Mơ Sân Cỏ] có được ấn phẩm hoàn thiện nhất.

Một tình huống có vẻ hơi “lag” tới từ vị trí người dịch và người làm biên tập
(C) Hình do bạn Mọt Mọt chụp


KẾT

Khi [Tsubasa] tái xuất lại từ phần [Giấc Mơ Sân Cỏ]nhưng dưới hình thức bìa gập, giấy xốp lại khá… èo uột, thú thật, tôi có phần thất vọng và đã nghĩ… hay thôi, không mua [Tsubasa] nữa vì hiện tại lẫn tương lai, có bao đầu truyện khác phải mua. Nhưng rồi, khi lần nữa bước chân vào thế giới [Tsubasa – Giấc Mơ Sân Cỏ] từ “cánh cửa” do NXB Kim Đồng và dịch giả Đỗ Hồng Thái mở ra, tôi đã biết, tôi không thể quay trở lại. Bởi tôi như tìm được một phần tâm hồn tôi, một phần con người yêu bóng đá cuồng si trong tôi khi đắm mình vào từng trang truyện, vào từng sải cánh trên sân cỏ của anh chàng OZORA Tsubasa. Mà khi thời gian trôi, một tập truyện qua đi, tôi lại băn khoăn nghĩ, “cánh chim” đó, sẽ tiếp tục hành trình ở Việt Nam khi phần truyện 37 tập kết thúc mà, phải không?

RSS
Pinterest
fb-share-icon
FbMessenger