Home Chuyên Đề TBQ Hội bàn tròn 【TBQ 8 BOOKS】Những bộ manga về bóng rổ từng được xuất bản ở Việt Nam

【TBQ 8 BOOKS】Những bộ manga về bóng rổ từng được xuất bản ở Việt Nam

509 views

Thời gian gần đây, nhà Kim thường xuyên “nhá hàng” cho sự trở lại hoành tráng của Slam Dunk, bộ truyện bóng rổ huyền thoại. Nhưng bên cạnh Slam Dunk, còn có không ít những bộ manga về bóng rổ cũng rất đáng được các NXB “xem xét” để đưa trở lại kệ sách của các độc giả yêu quay quắt trái bóng màu cam này. Vậy, đó là những tác phẩm nào? Hãy cùng Truyện Bản Quyền điểm qua một số bộ truyện về bóng rổ đã từng được xuất bản ở Việt Nam nhé.

(Lưu ý: Các tựa truyện được nêu trong bài chỉ là những tựa người viết đã từng đọc. Còn tựa nào chưa được nêu tên, độc giả hãy bổ sung để người viết hoàn thiện danh sách này nhé)


SLAM DUNK (Tác giả: INOUE Takehiko)

 Slam Dunk của NXB TVM COMICS 

Nhắc đến manga về đề tài bóng rổ, không thể không nhắc đến cái tên đầu tiên, cái tên đã làm nên huyền thoại và tạo cảm hứng cho hàng loạt những bộ manga cùng đề tài về sau: [Slam Dunk] của tác giả INOUE Takehiko

[Slam Dunk] là câu chuyện về anh chàng Hanamichi Sakuragi, một anh chàng nóng nảy, quậy phá, nắm giữ kỉ lục về thất tình khi bị từ chối đến năm mươi lần. Cô gái thứ năm mươi từ chối anh với lí do đã thích một người khác trong đội bóng rổ. Vì thế, Hanamichi rất ghét bóng rổ. Nhưng khi lên cấp ba, Hanamichi tình cờ gặp Haruko, một cô gái xinh đẹp, hiền lành, với một tình yêu say đắm dành cho trái bóng màu cam. Chính cô là người đã nhìn thấy tiềm năng chơi bóng của Hanamichi và lôi kéo anh đến với đội bóng của trường Shohoku.

Ban đầu, Hanamichi tham gia đội bóng chỉ vì muốn gần gũi và lấy lòng Haruko, nhưng qua những ngày tháng tập luyện cùng những cầu thủ ở đội bóng Shohoku, Hanamichi đã yêu môn bóng rổ lúc nào không biết. Để rồi, anh đã quên dần mục đích ban đầu khi chơi bóng mà chỉ còn tình yêu với trái bóng tròn, khát khao chiến thắng, khát khao cùng đồng đội đưa Shohoku đến với giải đấu toàn quốc.

Là một bộ truyện huyền thoại, mang giá trị như một tác phẩm truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ, [Slam Dunk] cuốn hút người đọc trước hết ở nội dung, tình tiết vừa hài hước vừa kịch tính. Độc giả có thể cười ra nước mắt với những màn quậy phá của Hanamichi, nhưng ngay sau đó cũng có thể nghẹn ngào khâm phục trước sự cố gắng từng ngày của anh chàng. Chúng ta có thể nghẹt thở theo từng trận đấu, theo bảng tính điểm cùng khung thời gian đang trôi về những phút cuối cùng của những trận đấu Shohoku tham gia nhưng lại có thể bật cười ngay trước những màn “tấu hài” sân bóng của những cầu thủ.

Và hơn cả, điểm thành công đặc sắc ở [Slam Dunk] là cách tác giả đã tạo dựng lên những nhân vật chân thực đầy cá tính. Ai cũng có quá khứ riêng, ai cũng có tài năng, nhưng họ không phải là những con người ỉ y cái tài mà ngược lại, họ đều cố gắng, nỗ lực để đi tới thành công, để hoàn thiện cú “Dunk” của đời mình. Đặc biệt, cái kết của [Slam Dunk] có phần buồn thương nhưng chính sự buồn thương đó lại là điểm nhấn để người ta thêm hi vọng vào tương lai, đồng thời để độc giả thêm day dứt, nhớ mãi về cái tên [Slam Dunk], dẫu rằng bộ truyện đã kết thúc cách đây hơn hai thập kỉ.


KUROKO NO BASKET (Tác giả: FUJIMAKI Tadatoshi)

Kuroko – Tuyển thủ vô hình của NXB Kim Đồng

Đội bóng rổ trường cấp 2 Teito càn quét tất cả các cuộc thi bóng rổ và tạo nên tiếng tăm lừng lẫy nhờ một thế hệ gọi là “thế hệ kì tích” với năm ngôi sao, mỗi người có một sức mạnh, sở trường khác nhau. Khi lên phổ thông, năm người gia nhập những trường khác nhau và trở thành trụ cột của đội bóng rổ ở các trường này. Tuy nhiên, một sự thật ít ai biết đến là bên cạnh năm thành viên trụ cột, đội bóng rổ trường Teito còn một thành viên nữa – thành viên dự bị, bóng ma thứ sáu, Kuroko Tetsuya. Cầu thủ bí ẩn này lên cấp ba đã đầu quân cho đội bóng rổ trường Seirin. Tại đây, cậu đã gặp Kagami Taiga và hai người trở thành cặp bài trùng của nhau, giúp đỡ và hoàn thiện kĩ thuật để có thể phối hợp với người còn lại một cách tốt nhất. Kuroko và Kagami cùng đội bóng rổ Seirin đã lần lượt “lật đổ” đội bóng mà từng thành viên của “thế hệ kì tích” đứng đầu, tiến tới ngôi vị số một Nhật Bản.

Đó chính là nội dung của bộ truyện [Kuroko no Basket – Tuyển thủ vô hình], một trong những bộ manga bóng rổ được xuất bản gần đây nhất ở Việt Nam. Xét về nội dung, [Kuroko no Basket] không có quá nhiều mới lạ so với các manga viết về thể thao nói chung, manga về bóng rổ nói riêng. Cũng vẫn là những tình tiết khá thân quen với độc giả như sự phấn đấu để khẳng định mình của các cầu thủ nhưng tác giả đã khai thác khá tốt những tình huống học đường, quá trình vươn lên của mỗi nhân vật hay mỗi trận đấu mà họ phải trải qua. Chưa kể, càng về sau, nội dung của [Kuroko no Basket] càng thêm đuối khi tác giả như sa đà vào việc buff sức mạnh cho nhân vật mà khiến cho tác phẩm như ngày một xa rời “cái hồn” bóng rổ thuở ban đầu.

Nhưng dẫu còn hạn chế ở mặt này hay mặt khác, [Kuroko no Basket] vẫn mang nét đặc sắc riêng trong cách tác giả FUJIMAKI Tadatoshi tạo dựng nhân vật, đặc biệt là nhân vật chính – cầu thủ vô hình Kuroko Tetsuya. Chàng cầu thủ nhỏ bé ấy ấp ủ tình yêu mãnh liệt với bóng rổ nhưng lại không thể chơi bóng một cách trực diện như Kagami hay Aomine. Vì thế bóng rổ của Kuroko có thể nói là thứ bóng rổ hỗ trợ. Cậu chủ động lùi về sau, dựa trên thiếu sót của bản thân – sự tồn tại vô hình trên sân đấu để biến nó thành điểm mạnh hỗ trợ đồng đội. Và giữa thế giới shounen nói chung, shounen thể thao nói riêng ngập tràn trong ánh “hào quang” của nhân vật chính thì một main nam như Kuroko thực hiếm có.


I’LL – NHỮNG CHÀNG TRAI ĐIÊU NGHỆ (Tác giả: ASADA Hiroyuki)

 Những chàng trai điêu nghệ của NXB Kim Đồng vào những năm 9x, đầu 2000

Nhắc đến tác giả Hiroyuki Asada, bạn nghĩ tới tác phẩm nào đầu tiên? Hẳn với nhiều độc giả, cái tên xuất hiện ngay tức khắc đó là [Tegami Bachi – Ong đưa thư], bộ manga đã làm nên tên tuổi của ASADA tiên sinh.

Vì vậy mà có lẽ ít ai biết rằng, trước khi nổi tiếng với [Tegami Bachi], một bộ truyện có đề tài viễn tưởng, ASADA tiên sinh từng cho ra đời một bộ manga về bóng rổ đầy chân thực vào những năm cuối 9x, đầu 2000 – [Airu – I’ll]. Và tác phẩm ấy đã từng xuất hiện ở Việt Nam cũng vào đầu những năm 2000 dưới tên gọi: [Những chàng trai điệu nghệ]

Bộ truyện mở ra với trận đấu bóng rổ giao hữu cuối cùng của thời trung học, đội bóng của Akane Tachibana chạm trán đội bóng của Hiiragi Hitonari. Trong những phút cuối cùng, trận đấu đã xảy ra hỗn loạn và ngay sau đó là màn ẩu đả ăn miếng trả miếng giữa Akane và Hiiragi.

Những tưởng sau trận giao hữu ấy, hai chàng trai đó sẽ sống cuộc sống như hai đường thẳng song song. Nhưng vì một sự tình cờ mà Akane biết được áp lực mà một “con nhà nòi” như Hiiragi phải gánh chịu và chính áp lực đó khiến Hiiragi thi đấu bạo lực, đồng thời ra quyết định từ bỏ bóng rổ. Để rồi, như một định mệnh, ngôi trường cấp ba vốn chẳng có thành tích bóng rổ nổi bật mà Akane đăng kí nhập học cũng chính là ngôi trường Hiiragi chọn lựa theo học.

Và vì mến mộ tài năng, vì một tương lai có thể cùng thi đấu với Hiiragi mà Akane vốn đã muốn buông bỏ bóng rổ quyết định lần nữa đứng trên sân đấu, góp phần thắp lại ngọn lửa đam mê vốn tưởng đã nguội lạnh trong anh bạn tài năng cậu mới gặp.

Là một bộ manga viết về một môn thể thao đối kháng, ở [I’ll – Những chàng trai điệu nghệ] luôn chứa đựng những trận đấu gay cấn, căng thẳng đến nghẹt thở với nhịp trận nhanh, dồn dập. Nhưng hơn cả, cái cuốn hút trong 14 tập truyện của [I’ll] bên cạnh cảm xúc thăng hoa cùng các cầu thủ trong trận đấu còn là những nốt trầm lắng sâu mà bộ truyện mang tới cho độc giả. Về những giọt mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu và tương lai các chàng trai trẻ đánh đổi cho “tín ngưỡng” tuổi trẻ của họ; về ước mơ, hi vọng, về hoài bão, về những cảm xúc nhiều khi trái gió trở trời của những chàng thiếu niên 16, 17 với trái bóng màu cam mà họ yêu đến quay quắt. Tất cả, tạo nên nốt trầm đầy mê hoặc của [I’ll – Những chàng trai điệu nghệ] giữa thế giới manga viết về bóng rổ vốn luôn sôi động, ồn ã.

Và nhắc đến cái tên [I’ll – Những chàng trai điệu nghệ] hẳn cũng là nhắc đến tuổi thơ của biết bao độc giả yêu manga nói chung, yêu những bộ manga viết về bóng rổ nói riêng. Chỉ tiếc thay, sau lần xuất bản duy nhất của NXB Kim Đồng vào đầu những năm 2000, [I’ll] chưa một lần được quay lại Việt Nam. Để rồi tất thảy kỷ niệm về [Những chàng trai điệu nghệ] vẫn mãi chỉ là kỉ niệm đẹp của những độc giả 8x, 9x năm nào.


CƠN LỐC – FIGHT NO AKATSUKI (Tác giả: AOYAGI Takao)

Cơn Lốc của NXB Kim Đồng 

Tôi không nhớ rõ vì nguyên do gì, mà ngày đầu khi nghe đến bộ truyện có tên [Cơn lốc], tôi lại nghĩ đó là truyện tranh về bóng chuyền. Mãi sau này, khi lần tìm lại những bộ truyện xưa để đọc, tôi mới biết tôi nhầm rồi. [Cơn lốc] lại là một bộ manga viết về bóng rổ trong trẻo, tươi sáng tới vô ngần.

Chất trong trẻo ấy hiện lên ngay chính nơi nụ cười rạng rỡ tựa ánh mặt trời của cậu bé Higashino Akatsuki mỗi khi cậu bé đó đứng trên sân chơi bóng. Và chỉ cần là bóng rổ, thì dù có bị xếp vào đội F, đội thất bại chẳng có cơ hội bước chân vào đội hình chính thức ở trường cấp II Akatsuki, cậu bé ấy vẫn không từ bỏ. Như những cá nhân khác đã nhận định rằng, chỉ cần là Akatsuki, chỉ cần cậu ấy chơi bóng với nụ cười hồn nhiên nhất thì chẳng khó khăn nào cậu không vượt qua, không có đối thủ nào cậu không thể đánh bại.

Đồng thời, chất tươi sáng trong trẻo của [Cơn lốc] còn được thể hiện ở tình bạn khăng khít giữa Akatsuki với Kido Kiyohoru dẫu có thời điểm hai người buộc phải trở thành đối thủ. Tình bạn giúp họ cùng nhau nuôi dưỡng tình yêu với trái bóng màu cam, giúp họ có động lực để không từ bỏ, để cố gắng miệt mài chẳng nghỉ ngơi. Tình bạn ấy, còn mở rộng ra cả đội bóng trường Takadori II với từng cá nhân có cá tính riêng biệt; mở rộng tới cả những đối thủ từng đối đầu với Akatsuki. Có thể nói chăng, nụ cười của Akatsuki như một “Cơn lốc”, cuốn người đối diện vào niềm say mê, vào lòng nhiệt huyết thanh khiết, trong vắt của một cậu bé 14, 15 tuổi yêu bóng rổ hơn tất thảy.

[Cơn lốc – Fight no Akatsuki], một bộ truyện không quá dài, chỉ gồm 7 tập, 65 chương nhưng đã như gửi trao ở đấy bao khát khao, hi vọng cũng như ánh nhìn đầy yêu thương, nhân văn, lạc quan của chính tác giả AOYAGI Takao. Và giữa cuộc sống bộn bề, chẳng phải được thấy một nụ cười tươi sáng để từ đó ta tạm gác đi muộn phiền, nở một nụ cười hồn nhiên cũng là một điều đáng trân quý hay sao.

Tiếc rằng sau lần xuất bản đầu tiên cách đây hơn chục năm từ NXB Kim Đồng, số phận của [Cơn lốc – Fight no Akatsuki] cũng như nhiều bộ manga thể thao nói chung, manga bóng rổ nói riêng, như chẳng còn chút hi vọng vào cơ hội trở lại.


DOGASHIKADEN! (Tác giả: HAMADA Kosuke)

DOGASHIKADEN! của NXB Kim Đồng

Haruyoshi Ohkado, một cậu chàng yêu bóng rổ khôn cùng và luôn muốn được đứng trên sân bóng để chơi cùng đồng đội của mình. Nhưng khốn thay, trọn thời cấp 2, Haruyoshi đều phải chịu kiếp mài đũng quần trên ghế dự bị và trở thành đối tượng bị đồng đội, bạn học trêu chọc, bắt nạt bởi bản tính nhút nhát, biểu hiện yếu kém của cậu trên sân: Haruyoshi sợ hãi trái bóng, sợ hãi các pha tấn công của đối thủ, đến đỡ bóng cậu cũng không thể làm nổi.

Để chạy trốn quá khứ cũng như kiếm tìm cơ hội chơi bóng tốt hơn, lên cấp 3, Haruyoshi nhâp học tại trường Toryo, một ngôi trường có câu lạc bộ bóng rổ nam giàu thành tích. Tại đây, Haruyoshi gặp gỡ Hazuki Minagawa, tiểu thư danh giá của một tập đoàn lớn và chính cô đã phát hiện tài năng, cổ vũ Haruyoshi tiến bước. Nhưng hành trình chiến thằng nỗi sợ cỗ hữu, trở thành thành viên chính thức của CLB bóng rổ nam Toryo thì còn lắm gian truân, thử thách.

[Dogashikaden!] là một bộ manga bị “trảm” sớm khi mới ra được 14 chương (2 tập), có lẽ bởi sự hài hước được tạo dựng có phần hơi “lố” với một bộ manga thể thao nói chung, manga viết về bóng rổ nói riêng. Nhưng đến cuối cùng, [Dogashikaden!] vẫn là một tác phẩm đẹp về sự cố gắng vươn lên chiến thắng bản thân, khẳng định chỗ đứng. [Dogashikaden!] như lần nữa, khẳng định chân lý rằng: “Thiên tài chỉ 1% là may mắn, 99% còn lại là mồ hôi và nước mắt.”

Thật vậy, ai trong [Dogashikaden!] cũng là một thiên tài, từ những cầu thủ đã làm nên tên tuổi của CLB bóng rổ nam trường Toryo đến anh chàng tuyển thủ mới quay về từ Mỹ – Sudou Shingo hay chàng trai nóng tính mà tốt bụng và đặc biệt nắm vững căn bản Shiba Rintarou; hoặc một kẻ tưởng như không chút tài năng, sợ hãi ngay chính trái bóng Haruyoshi cũng sở hữu một tốc độ hơn người. Nhưng chỉ tài năng là đâu đủ, còn cần nỗ lực vươn lên nữa, thậm chí là nỗ lực bằng 200% sức mạnh, bằng nước mắt và cả máu tươi rỏ xuống. “Ngọc bất trác bất thành khí” mà. Nên dù có hạn chế ở mặt này hay mặt khác, bị “trảm” sớm thì [Dogashikaden!] vẫn chiếm được cảm tình của độc giả yêu trái bóng màu cam trong quãng thời gian ngắn ngủi truyện xuất hiện.

Vào năm 2014, NXB Kim Đồng đã mua bản quyền và xuất bản cả 2 tập truyện [Dogashikaden!] với đúng nguyên tựa gốc. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, cơ hội [Dogashikaden!] được tái bản, có lẽ còn là tương lai xa lắm.


MVP – QUYẾT KHÔNG LÙI BƯỚC (Tác giả: NAKAMURA Yoshiki)

MVP – Quyết không lùi bước của NXB Trẻ 

Nhắc tới tác giả NAKAMURA Yoshiki, bạn nghĩ ngay tới tác phẩm nào? Bộ truyện chờ héo mòn thanh xuân mãi không thấy hồi kết [Skip Beat] hay bộ shoujo đình đám một thời [Thiên thần Tokyo – Tokyo crazy paradise] ? Nhưng bạn có biết rằng, trước khi hai siêu phẩm này ra đời, tác giả NAKAMURA Yoshiki đã nổi danh với một bộ shoujo đề tài bóng rổ có tên [Can’t give up MVP (MVP wa Yuzurenai)] và sáng tác này, đã từng được NXB Trẻ xuất bản ở Việt Nam những năm đầu 2000 với tựa đề [MVP – Quyết không lùi bước]. Có lẽ, đây cũng là tiền đề để bà viết lên [Saint Love] sau này.

Khác với nhiều bộ manga đề tài bóng rổ đều thuộc thể loại shounen thì [MVP – Quyết không lùi bước] lại là một bộ shoujo thuần túy. Vì thế bên cạnh việc khai thác yếu tố chuyên môn và khắc họa các trận đấu bóng gay cấn, bộ truyện đi sâu hơn vào khía cạnh tình cảm, tình yêu tuổi học trò, tương lai cùng ý thức, lời hứa, danh dự, quyết định trước ngưỡng cửa cuộc đời của mỗi chàng trai, cô gái tuổi mới lớn.

Đó là câu chuyện tình cảm với những mâu thuẫn, đớn đau, giằng xé tâm hồn rất chân thực giữa Miyuki và Kazuhiko. Họ bên nhau vì mối dây liên kết bền chặt là bóng rổ, họ cùng nhau cố gắng, hỗ trợ nhau cả về mặt tinh thần lẫn chuyên môn. Họ tin tưởng nhưng cũng không ít lần, cảm xúc của hai con người đó bị sự nghi ngờ, bất an lấn át. Bởi họ còn trẻ nhưng tương lai phía trước thì lại quá dài. Thêm vào đó còn là những câu chuyện gia đình giữa các ông bố, bà mẹ với con cái, giữa bạn bè với nhau và sự kiên cường đứng lên bảo vệ người thân yêu, cũng để bảo vệ cảm xúc, bảo vệ tín ngưỡng sâu nặng của họ với trái bóng màu cam.

Sự phát triển nội tâm nhân vật trong tác phẩm cũng hết sức tinh tế và hợp lý, để độc giả, như nhìn thấy bóng hình bản thân ở đâu đó trong mỗi cá nhân trên trang sách. Để ta nhận ra, mỗi chàng trai, cô gái trong tác phẩm của NAKAMURA Yoshiki có thể nội tâm nhiều xao động, có thể trong một khoảng thời gian, họ chưa thật định hình về con đường tương lai, nhưng họ vẫn luôn tiến bước, sống và yêu hết mình, không thẹn với hai chữ “tuổi xanh”. Những con người ấy đã thật sự trở thành “MVP” trong chính cuộc đời của họ.

Nhưng có điều đáng tiếc, sau đợt xuất bản từ những năm đầu 2000, đến nay, [MVP – Quyết không lùi bước] chưa một lần được tái xuất độc giả Việt Nam.


 DEAR BOYS (Tác giả: YAGAMI Hiroki)

Dear Boys của NXB Trẻ

Bên cạnh [Slam Dunk], trong những năm 90 còn xuất hiện một bộ manga về bóng rổ khác cũng vô cùng nổi danh. Tựa manga đó chính là [Dear Boys] của tác giả YAGAMI Hiroki.

[Dear Boys] là câu chuyện về đội bóng rổ trường Mizuho. Tại ngôi trường này, sau scandal xích mích giữa Fujiwara với huấn luyện viên mà đội bóng rổ nam bị cấm thi đấu một năm, thành viên vì thế cũng rời đội dần. Nhà trường liền tập trung đầu tư phát triển đội bóng rổ nữ, đội bóng rổ nam vì thế ngày càng rơi vào bế tắc. Cho đến một ngày, Kazuhiko Aikawa – một ngôi sao sáng trong giải bóng rổ trẻ giữa các trường cấp II chuyển từ Tendouji sang Mizuho, gia nhập CLB bóng rổ và vực dậy cả đội bóng rổ nam Mizuho đứng trên bờ vực giải thể.

[Dear Boys] có một điều hết sức đặc biệt mà hiếm thấy ở một bộ manga đề tài thể thao nào khác: là sự phát triển song song, đồng đều của cả hai CLB nam và nữ trong cả khía cạnh nội dung, tình tiết lẫn cách tác giả YAGAMI Hiroki tạo dựng nhân vật. Những thành viên của cả hai đội, vẫn thường tập luyện, sinh hoạt cùng nhau trong một mái trường. Họ giúp đỡ nhau để cùng vượt qua những trở ngại trong quá khứ, khó khăn về tình cảm, kỹ thuật, từ đó mà cùng nhau ngày một tiến bộ. Như cách Aikawa – Fujiwara hỗ trợ lẫn nhau trên sân bóng và cũng như cách họ hỗ trợ hai cô gái Mutsumi và Moritaka trong kỹ thuật vậy. Không chỉ thế, tác giả YAGAMI Hiroki cũng rất chú trọng đến việc khắc họa cá tính của những cá nhân khác, dẫu họ xuất hiện không nhiều song ai cũng có một vị trí quan trọng trong sự phát triển cốt truyện.

[Dear Boys] vì thế, đúng như tên truyện, tựa những cánh thư gửi tới các chàng trai, và gửi tới cả những cô gái, rộng hơn là gửi đến những ai đã và đang có một tuổi trẻ. Đau thương, vấp ngã, ai cũng phải trải qua. Tuổi trẻ lại càng có nhiều tâm sự, và càng có những lần sai lầm không thể tránh khỏi. Nhưng vấn đề là ta đối mặt với quá khứ ra sao và đứng dậy như thế nào, học được gì từ mỗi lần thất bại đó. Gửi tới những người trẻ, vấp ngã là sợi dây mãi níu giữ đau khổ trong lòng hay là động lực để trưởng thành hơn, quyết định, chính là ở bạn đó. Và hãy để trái bóng màu cam, trở thành người bưu tá, vẽ lên những ước mơ, hi vọng, tương lai cho những con người trẻ tuổi.

Nhưng cũng thật sự rất đáng tiếc, sau lần NXB Trẻ xuất bản cách đây ngót 20 năm, chưa một lần [Dear Boys] quay trở lại Việt Nam.


KẾT

Mỗi bộ manga về bóng rổ từng được xuất bản ở Việt Nam đều có nét đặc sắc riêng, cuốn hút riêng với độc giả, những ai đã, đang và sẽ yêu say đắm trái bóng màu cam đấy. Tiếc rằng ngoại trừ [Slam Dunk] là huyền thoại và [Kuroko no Basket] luôn duy trì một lượng fans ổn định thì những bộ truyện khác, có lẽ chỉ còn là những kí ức, kỉ niệm tươi đẹp của thế hệ độc giả 8x, 9x.

RSS
Pinterest
fb-share-icon
FbMessenger