8 “hảo thủ” giới manga túc cầu khiến bao fan cuồng banh bóng điêu đứng
Từ lâu, fans của môn thể thao vua hẳn không còn xa lạ với những bộ manga viết về bóng đá đã đi vào huyền thoại, gắn bó với tuổi thơ của bao thế hệ độc giả Việt Nam như Tsubasa, Jindo hay Jindodinho. Thậm chí chưa từng đọc qua nhưng dường như bất cứ fans banh bóng khi nghe tới cái tên Jindo hay Tsubasa đều có thể ồ lên: “A, mình biết nhân vật đó”.
Vậy, hãy cùng TBQ điểm qua một vài chàng cầu thủ của thế giới 2D đã khiến bao trái tim người hâm mộ giới túc cầu điêu đứng nhé!
⚠️ Thứ tự bài viết được sắp xếp ngẫu nhiên.
#1. OZORA Tsubasa
- Đến từ tác phẩm [Captain Tsubasa]
- Tác giả: TAKAHASHI Yoichi
Chàng trai này đến từ bộ truyện nổi tiếng (mang tên anh) như đã trở thành huyền thoại và là nguồn động lực cho bao thanh thiếu niên Nhật Bản của tác giả TAKAHASHI Yoichi: [Captain Tsubasa].
Trong truyện, Tsubasa được tác giả xây dựng là một thần đồng, một thiên tài bóng đá. Có tài năng, lại mang trong mình tình yêu mãnh liệt với trái bóng tròn với tâm niệm “trái bóng là bạn”, luôn khát khao về một ngày được thi đấu cho màu áo đội tuyển quốc gia Nhật Bản, cùng đội tuyển nâng cao cúp vàng vô địch; không khó dự đoán cậu bé Tsubasa đã nỗ lực bao nhiêu để hiện thực hóa giấc mơ thơ bé. Cũng như không khó để người đọc có thể liên tưởng đến một cái kết viên mãn cho chặng đường chinh phục giải World Cup U16 của Tsubasa và đồng đội khi đội Nhật đánh bại đội Đức để lên ngôi vô địch.
Có thể, trong thế giới manga hiện nay nói chung, truyện về đề tài thể thao, bóng đá nói riêng; mẫu hình cầu thủ như Tsubasa đã trở nên quá mức hoàn mĩ, hoàn mĩ tới không tưởng, thậm chí là “cũ kĩ”, “lỗi thời.” Nhưng đặt Tsubasa vào năm tác phẩm ra đời mới thấy hết được ý nghĩa của chàng trai ấy đối với biết bao độc giả hâm mộ bóng đá. Tsubasa khơi gợi tình yêu, động lực theo đuổi mơ ước đồng thời làm dấy lên yêu cầu to lớn với nền bóng đá Nhật Bản, cũng là vấn đề của bất cứ nền bóng đá tại bất kì quốc gia nào: đó là công tác đào tạo trẻ. Bởi thế, dù có không hợp thị hiếu độc giả ngày nay thế nào đi chăng nữa, cũng không thể phủ nhận, Tsubasa chính là nhân vật truyền lửa và tác phẩm mang tên anh là tác phẩm tạo cảm hứng mạnh mẽ.
#2. KATORI Itto
- Đến từ tác phẩm [Itto – Cơn Lốc Sân Cỏ]/ [Itto – Sóng Gió Cầu Trường]
- Tác giả: MONMA Motoki
Chàng trai này còn được biết đến với cái tên thân thuộc tới từ một bộ manga có tên thân quen hơn là: [Jindo – Đường Dẫn Đến Khung Thành].
Có lẽ, trong số dàn cầu thủ bóng đá của thế giới manga gắn bó lâu năm với fan Việt, không ai có thể bỉ bựa, lầy lội và quậy phá như chàng lùn Itto này. Gây sự thị phi ngoài sân bóng, khiến đối thủ điêu đứng thôi chưa đủ; chàng trai ấy đôi khi còn quậy phá tưng bừng ngay tại đội bóng của chính mình, khiến đồng đội nhiều phen phải lắc đầu ngao ngán.
Nhưng Itto được yêu mến và trở thành một trong những cầu thủ giới manga túc cầu được fans Việt trân trọng nhất đâu phải bởi bề nổi tinh quái, nghịch ngợm tạo tiếng cười khắp các chương truyện? Mà bởi chàng trai tí hon ấy đã thi đấu kiên cường với tinh thần fair-play nhất, đặc biệt là tình yêu bóng đá chẳng thua kém bất cứ ai. Cũng vì thế, con người Itto, dẫu tinh quái nhưng luôn căm ghét tiểu xảo; dẫu quậy phá song chưa bao giờ nhụt chí dù hoàn cảnh khó khăn đến đâu; dẫu tưng tửng nhưng lại nghiêm túc trên con đường dẫn đến khung thành hơn bất kì ai.
(C) Artist Đỗ Đình Cao
Bây giờ, có lẽ một chàng cầu thủ như Itto đã trở nên quá hư cấu, ảo diệu, xa rời với thực tế nhưng hình ảnh chàng lùn với trái bóng tròn luôn hướng về phía trước mãi là hình ảnh đẹp trong lòng những độc giả (đặc biệt thế hệ cuối 8x, đầu 9x) vừa là fan manga, vừa là fan bóng đá.
#3. DAZAI
- Đến từ tác phẩm [Jindodinho – Đường Dẫn Đến Khung Thành III]
- Tác giả: NAMI Taro / Họa sĩ: TAKAHASHI Hiroshi
Chắc hẳn nhiều độc giả khi tiếp xúc với anh chàng Dazai sẽ thấy chàng ta vừa mang nét giống Tsubasa, vừa mang nét giống Itto. Giống Tsubasa ở hai chữ thiên tài, khổ công luyện tập và cuối cùng đã cùng đội tuyển quốc gia đến World Cup, mở ra một điều kỳ diệu Châu Á mang tên Nhật Bản trên đấu trường bóng đá danh giá nhất hành tinh. Bên cạnh đó, anh chàng ấy lại có điểm giống Itto ở khoản “chiều cao mét mốt”, thập phần quậy phá, thấy khó không nản, chấn thương vẫn tiến và nhất là khi thủa ban đầu tiếp xúc với bóng đá, Dazai cũng mù tịt về mọi điều luật như Itto. Chính bởi vậy, đến với Dazai khi đã từng biết đến Tsubasa, Itto, độc giả Việt Nam không khỏi cảm thấy một sự thân quen, quen thuộc ở chàng trai này với các tiền bối (được xuất bản) trước đó.
Tuy nhiên, nếu Dazai chỉ đơn thuần là sự tiếp nối tinh thần của Tsubasa hay có nét tương đồng với Itto thì chàng trai ấy đã không mãi trở thành một niềm nuối tiếc của fans Việt khi Jindodinho sau đợt xuất bản năm 2000 chưa từng một lần trở lại Việt Nam. Trước hết, Dazai có thể giống Itto những ngày đầu tiếp xúc với bóng đá nhưng chàng trai đó càng về sau càng nghiêm túc và hiểu biết; không như Itto, mãi vẫn quậy phá và mãi vẫn mù tịt về bóng đá dù đã trở thành nỗi ám ảnh với bao thủ môn. Dazai có thể giống Tsubasa trong quá trình đưa bóng đá Nhật Bản nói riêng, bóng đá châu Á nói chung bay cao ở đấu trường thế giới nhưng sự dừng chân của đội Nhật ở bán kết lại khiến cho câu chuyện và chàng trai đó trở nên thực tế hơn.
Bởi thế, ở Dazai, chàng trai có biệt danh Jindodinho (quậy như Jindo và giỏi như Ronaldinho), người đọc sẽ thấy một bóng hình vừa quen vừa lạ; và điều đó càng làm ta thêm yêu mến chàng cầu thủ này. Để người đọc Việt Nam, mơ về một ngày, dù có xa xôi vời vợi đến đâu, được thấy Dazai trở lại đúng với hình thức có bản quyền, chính xác nhất; qua cái tên gốc [Eleven].
#4. SAKAMOTO Teppei
- Đến từ tác phẩm [Fantasista]
- Tác giả: KUSABA Michiteru
Lại một chàng cầu thủ thiên tài nữa, và chàng trai này đến từ bộ truyện [Fantasista] của tác giả KUSABA Michiteru. SAKAMOTO Teppei, ngay từ khi còn nhỏ đã bộc lộ tư chất thiên phú, tài năng thiên bẩm cùng tầm nhìn khái quát có khả năng xoay chuyển cục diện trận đấu chỉ bằng một đường chuyền hay một pha đột phá cánh hoặc trung lộ. Trải qua sự rèn giũa của chị gái, những bài kiểm tra thường nhật một mất một còn tại lò đào tạo cầu thủ trẻ, Teppei càng tỏa sáng và tài năng càng khẳng định rõ rệt.
Cũng viết về tuýp cầu thủ thiên tài nhưng KUSABA-sensei đã rất “tinh” khi không xây dựng Teppei theo lối mòn về một cầu thủ toàn tài mà đi rất sâu vào việc khai thác khía cạnh: Teppei là một fantasista, một nhạc trưởng trên sân bóng. Mỗi pha lên bóng, mỗi đường chuyền của cậu ấy đều mang suy nghĩ, tầm nhìn chiến thuật hơn người. Và con người đó có thể nhìn ra được điều mà những người bình thường khác không thể nhận thấy. Tất nhiên, lối chơi kĩ thuật của Teppei chịu sự phản ứng hết sức gay gắt từ những người có lối chơi đơn giản, thực dụng hay chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các fantasista khác.
Teppei là một thiên tài, nhưng điều đó không có nghĩa các cầu thủ khác không tài năng. Bởi thế, quá trình chàng trai đó khẳng định bản thân cũng là quá trình cạnh tranh gay gắt giữa những thiên tài với nhau.
SAKAMOTO Teppei, có thể nói, tựa một số 10 cổ điển như Mesut Ozil vậy. Những cầu thủ, có thể tạo cho những người xung quanh cảm giác chỉ cần có họ xuất hiện trên sân, chắc chắn sẽ làm nên điều khác biệt chỉ bằng một đường chuyền. Mặc cho, bóng đá hiện đại như đã “giết chết” những số 10 cổ điển như vậy.
SAKAMOTO Teppei và những “Vũ điệu trên sân cỏ” cậu đã vẽ lên, thật sự mãi là kí ức đẹp của những độc giả ban bóng những năm 2007-2008. Để rồi, như một mơ ước có lẽ khó thành sự thật trong bối cảnh NXB Trẻ đang đẩy mạnh mảng manga seinen như hiện nay, thì liệu có cơ hội mong manh nào, để [Fantasista – Vũ Điệu Trên Sân Cỏ], được NXB Trẻ cho tái xuất, với một diện mạo mới cùng một bản dịch hoàn chỉnh nhất đây?
#5. KAZAMATSURI Sho
- Đến từ tác phẩm [Whistle!]
- Tác giả: HIGUCHI Daisuke
Khác với bốn chàng trai được kể đến phía trên, KAZAMATSURI Sho có lẽ không phải là một thiên tài. Hoặc vốn cậu không phải là một tài năng có thể nhìn thấy ngay lập tức như Tsubasa, SAKAMOTO Teppi hay Itto. Tạo hình cùng tính cách của Sho cũng có phần trầm lắng, “dịu dàng” hơn rất nhiều so với sự quậy phá nổi loạn của Itto, sự sôi nổi không biết mệt mỏi của Teppi. Điều này có lẽ đến từ việc bản thân tác giả HIGUCHI Daisuke là một người phụ nữ nên nhân vật chính KAZAMATSURI Sho nói riêng, thậm chí cả tuyến nhân vật cùng cách phát triển nội dung tác phẩm nói chung cô xây dựng không được sôi động, mạnh mẽ, dồn dập như những bộ manga khác cùng đề tài.
Nhưng chính điều đó lại làm nên nét riêng rất đặc biệt cho [Whistle!], cho cậu bé KAZAMATSURI Sho. Không quá ồn ào, không quá sôi nổi, Sho chiếm lấy trái tim độc giả bằng nội tâm phong phú, sự cần cù, cố gắng nỗ lực hết mình vì tình yêu, vì ước vọng. Theo dõi [Whistle!], độc giả sẽ hiểu rằng, chàng trai nhỏ nhắn với gương mặt nhu mì như con gái ấy phải cố gắng hơn các thiên tài khác rất nhiều, cố gắng không phải bằng 100 mà là 200% sức lực hiện có bởi thể hình, tốc độ, kĩ thuật, Sho đều không thể so với nhiều cầu thủ khác. Bên cạnh đấy, còn thêm quý trọng Sho bởi sự trung thực, thẳng thắn; biết bản thân không có tài năng như người khác thì tiếp tục cố gắng chứ nhất quyết không gian lận để đạt kết quả có lợi. Một cậu bé cầu thủ, như minh chứng cho câu nói: “Thiên tài chỉ 1% là thông minh, 99% là do cần cù chăm chỉ.”
#6. Kunja
- Đến từ tác phẩm [Sôi Động Cầu Trường]
- Tác giả: OOSHIMA Tsukasa
Đến với bạn đọc Việt Nam ngay khi [Đường Dẫn Đến Khung Thành – Jindo] kết thúc, [Đường Dẫn Đến Khung Thành II – Sôi Động Cầu Trường] đã thổi một làn gió cực kì tươi mới đến với fans cuồng banh bóng buổi bấy giờ. Bởi không “sôi động” tới “banh nóc nhà” như Jindo, [Sôi Động Cầu Trường] “sôi động” bởi sự thần tượng, nhiệt huyết của tuổi trẻ và trong tháng ngày thanh xuân ấy, giữa bầu không khí “rực cháy”, là những “nốt trầm” lắng sâu, được khắc họa qua cách kể chuyện, nét vẽ của một mangaka là nữ giới, cô OOSHIMA Tsukasa.
Mà nhân vật trung tâm của bản hòa tấu tuổi trẻ đó, chính là anh chàng Kunja, một trong “tam tuyệt” của CLB bóng đá trường cấp 2 Ugo. Lên cấp 3, khi hai đồng đội đã rẽ hướng theo đuổi con đường riêng, Kunja vẫn kiên định với trái bóng tròn cùng sự thần tượng với người đàn anh, đội trưởng Naka của trường cấp 3 Uso. Cho đến khi những mộng tưởng ban đầu tan vỡ. Cho đến khi, những đau thương, mất mát kinh hoàng xảy đến. Cho đến khi, gánh nặng về chiếc áo số 10 đè nặng lên vai người ở lại. Và cho đến khi, cả những dở dang không thành.
Bởi thế, ở Kunja, ngoài hai chữ “thiên tài”, còn là trách nhiệm, sự tin tưởng, kế thừa tinh thần, linh hồn của người anh vẫn thần tượng tới tôn thờ và cả đồng đội tại đội bóng Uso. Nên [Sôi Động Cầu Trường], từ đau thương mà thắp lại ngọn lửa nhiệt huyết là thế.
Và trước niềm nuối tiếc, độc giả ở Việt Nam chỉ được gặp gỡ Kunja cùng đồng đội trong năm cuối thập niên 90, thì cũng lại mong, một ngày chăng, Kunja có thể tái xuất ở Việt Nam. Mà lần này, sẽ dưới dạng bản quyền với tựa truyện lẫn cái tên nguyên gốc của anh: [Shoot!] – TOSHIHIKO Tanaka.
#7. TAKASUGI Kazuya
- Đến từ tác phẩm [Sân Cỏ Ước Mơ]
- Tác giả: MURAEDA Kenichi
Ở một bộ truyện có cái tên rất đẹp: [Oretachi no Field] – [Sân Cỏ Ước Mơ], nổi lên hình ảnh chàng cầu thủ TAKASUGI Kazuya. Một anh chàng “con nhà nòi”, mang theo khát vọng của bản thân lẫn ước mơ của người cha quá cố mà hướng tới “sân cỏ ước mơ” của cuộc đời.
Không có nhiều skill sút bóng ảo diệu như Tsubasa, cũng không mang tính cách tấu hài hí họa tới cường điệu như Itto, TAKASUGI Kazuya cuốn hút độc giả bởi một thứ tài năng của “con trai cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp” gần gũi, chân thực tới không một chút gian dối. Kể cả khi anh đã từng khổ đau đến nỗi muốn từ bỏ bóng đá. Kể cả khi anh quay trở lại với bóng đá và được nhận những cơ hội đầu tiên. Kể cả khi, bước đi trên con đường ngày xưa cha anh đã đi để trải nghiệm nỗi cay đắng, nghiệt ngã, lòng người đổi thay ở chốn bóng đá chuyên nghiệp đầy tàn khốc.
TAKASUGI Kazuya, lớn lên với giấc mộng của người cha quá cố về “sân cỏ ước mơ.” Và anh, cũng đang viết lên “sân cỏ ước mơ” của riêng mình. Nơi không còn khoảng cách địa lý, lãnh thổ, màu da, sắc tộc… Chỉ có những con người đuổi theo trái bóng tròn đến với hai chữ vinh quang, bằng trái tim, sẵn sàng hi sinh tất thảy với tinh thần fair-play, công nhận, tôn trọng nhất trước cả đồng đội lẫn đối thủ.
#8. SƠN
- Đến từ tác phẩm [Sơn, Goal!]
- Tác giả: BABA Tamio
Là “em út” trong dàn main của giới manga túc cầu đã xuất bản ở Việt Nam, Sơn xuất hiện trong bộ truyện [Sơn, Goal!], một tác phẩm được sáng tác với sự kết hợp của hai nước Việt Nam – Nhật Bản nhằm kỉ niệm 50 năm ngoại giao giữa hai quốc gia.
Quả tình, nói một cách công tâm, với lối xây dựng tình tiết và nhân vật theo hướng cổ điển như [Sơn, Goal!], thì có lẽ, xếp cùng các đàn anh trước đó, cậu bé Sơn có phần lép vế cả về kĩ năng hay cá tính. Nhưng ở Sơn, một cậu bé Việt kiều mới trở về Việt Nam, thiếu hẳn vốn hiểu biết ngôn ngữ lẫn văn hóa bản địa, thì bằng “ngôn ngữ bóng đá”, cậu bé ấy đã tìm thấy đồng đội và tìm thấy một “vị trí”, trên mảnh đất quê hương hãy còn xa lạ này.
Đồng thời, giấc mơ “vô địch World Cup” được Sơn nói ngay trên quốc gia bé nhỏ đến một lần giành tấm vé dự World Cup cũng chưa từng, xa vời không? Tất nhiên là có! Nhưng dám mơ ước, cũng là dám đặt một bước chân, trên con đường chông gai phía trước để biến ước mơ thành hiện thực.
Cho nên, Sơn, cậu bé đã như lời tác giả BABA Tamio tái khẳng định sức mạnh nối kết con người, khơi gợi khao khát trong tim mỗi người của trái bóng tròn vậy.
KẾT
Hòa cùng với sự sôi động của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh: World Cup 2022; đắm mình cùng những trận cầu đỉnh cao với sự điệu nghệ tới từ đôi chân các cầu thủ chuyên nghiệp; việc hồi tưởng và tìm đến những chàng cầu thủ thuộc thế giới manga túc cầu vốn từng rất thân quen có lẽ là một điều lí thú. Để rồi một lần nữa, như một thú vui hay thói quen từ năm này qua năm khác, fans bóng đá lại mầy mò xếp team hay dự đoán: “Nếu đội hình cầu thủ trong manga xuất hiện ngoài đời thực, cục diện World Cup sẽ xoay vần đến đâu?”
ĐỌC THÊM