Home Chuyên Đề TBQ Ngẫm Cánh phượng đỏ giờ không còn thơ! [Mùa Hè Bất Tận] – một tác phẩm học đường mang đầy sự thô ráp của cuộc sống!

Cánh phượng đỏ giờ không còn thơ! [Mùa Hè Bất Tận] – một tác phẩm học đường mang đầy sự thô ráp của cuộc sống!

78 views

[Mùa Hè Bất Tận] gói gọn trong một tập truyện duy nhất và chỉ mất khoảng một đêm để đọc. Nhưng cảm xúc mà tác phẩm đem đến lại kéo tôi trở về tuổi thơ, lướt qua rất nhiều những ký ức trong suốt quá trình trưởng thành. 


Tôi tìm thấy hình ảnh phản chiếu của bản thân khi còn là một đứa trẻ ở nhân vật Hà Phương. Một nhân vật mang tâm tư của người chị và nghĩ về tương lai sẽ trở thành một người mẹ như thế nào. Điều đó thôi thúc tôi chia sẻ với bạn rất nhiều vấn đề về nội dung tác phẩm này. 

Nhưng trước khi đi đến nội dung (thứ mà tôi tin sẽ khiến các bạn không khỏi đắn đo khi đọc tác phẩm), hãy cùng điểm qua những trải nghiệm đa giác quan mà tác phẩm mang đến nhé! 


No mắt với nét vẽ 

Thế mạnh của tác giả Lâm Hoàng Trúc chính là luôn biết làm cho độc giả choáng ngợp với chi tiết trong từng khung hình. Bạn sẽ cảm thấy táng phượng vĩ rộng lớn của những năm mùa hè đỏ lửa, những vật dụng trong lớp học bình thường mà nay đầy đủ lạ và cảnh biển vừa vỗ về, vừa như muốn nuốt trọn ta… Trong trải nghiệm đọc của tôi, đây có lẽ là phần mất nhiều thời gian nhất: ngắm nghía và thán phục những khung cảnh mà Lâm Hoàng Trúc đã tạo nên.

Kiểu như bạn sẽ: “Wow! Truyện tranh Việt có thể vẽ đến thế này sao?” và rồi mỉm cười hài lòng với từng khung truyện trên tay. 

Màu hoa phượng thắm như máu trong tim….
(C) Hình do bạn Nam Kha Tử chụp

– – – – –

Bạn có để ý việc những nhân vật trong truyện của chúng ta “thiếu” một thứ rất quan trọng khi đến trường không? Gợi ý “thứ đó” có màu đỏ!

Với việc lựa chọn những hình ảnh mang tính chất đại diện của Việt Nam như phượng vĩ, áo trắng váy xanh cho các bạn nữ, áo trắng quần xanh cho các bạn nam, tác giả đã cố tình không vẽ khăn quàng đỏ trong đồng phục nhân vật. Đó chính là dụng ý mà Lâm Hoàng Trúc đã chia sẻ ở phần tâm sự tác giả của mình. Các nhân vật có thể là bất kỳ cô cậu học sinh nào đang trải qua lứa tuổi 15 chênh vênh, đầy khó khăn; họ có thể là bạn, cũng có thể là tôi,… vì vậy để miêu tả họ một cách khái quát, “khăn quàng đỏ” đã được tác giả lược bỏ.

– – – – –

Bên cạnh việc đầy chi tiết, các khung tranh còn được xử lý tốt để bạn cảm thấy được nhân vật có sự chuyển động, liền mạch trong việc xây dựng câu chuyện. Và khi so với [Đường Hoa], cảm xúc nhân vật trong tác phẩm này đã tốt hơn rất là nhiều! Sự giận dữ, bi thương, ngơ ngác… được thể hiện một cách rõ ràng hơn. Đây có lẽ là một tiến bộ lớn sau khi “xuất quan” của Trúc. 

Trời làm cơn mưa xanh dưới những hàng me
(C) Hình do bạn Nam Kha Tử chụp


No tai với trải nghiệm âm nhạc

Khi bắt đầu với tác phẩm này, khi tay bạn chạm vào trang giấy, lật trang, lật mục lục ra, bạn sẽ thấy ngay loạt bài hát quen thuộc. (Nếu muốn nghe đúng điệu hơn thì bạn có thể lật đến cuối tác phẩm để xem nhạc sĩ, người sáng tác lời là ai. Hầu hết bạn điều có thể tìm thấy được các ca khúc này ở trên Youtube). Điều này làm tôi liên tưởng đến một nhà văn người Nhật cũng có chất nhạc trong tác phẩm MURAKAMI Haruki. Nhưng khác với thứ âm nhạc dữ dội của MURAKAMI-sensei, [Mùa Hè Bất Tận] lại là những bài nhạc quen thuộc từ quá khư thơ bé của nhiều người. Đó là khi chúng ta vẫn thường hát vu vơ trong nhà tắm thay vì nhảy múa trước camera điện thoại.

Có lẽ trải nghiệm tác phẩm sẽ thay đổi khi bạn vừa đọc chương truyện đó, vừa bật bài hát cùng tên lên. Tôi chưa làm điều này, nhưng bạn hãy thử nhé!

Mục lục toàn nhạc Việt
(C) Hình do bạn Nam Kha Tử chụp


Bạn đã no mắt – no tai, vậy thì giờ, chúng ta hãy cùng bắt đầu vào hành trình đến với tâm điểm của bài viết này – Những cảm xúc trong tác phẩm! 

À xin nhắc nhẹ, nếu phần đầu bài viết có lỡ khiến bạn kỳ vọng đây sẽ là một câu chuyện “màu hồng” thì đây là lời cảnh báo với bạn! Trong câu chuyện này không có thứ màu đẹp đẽ đó bao phủ đâu!

Từ áp lực đến từ trường chuyên, lớp chọn 

Nhớ về trường lớp, bạn sẽ nhớ gì nhất? Đó là những ngày tháng tươi đẹp bên thầy cô bạn bè ư? Hay bạn sẽ nhớ về những khi một mình bạn có thể cân hết cả 13 môn học. Nhớ đến áp lực trường chuyên lớp chọn, thi cử làm thế nào để đạt trường top. Dù giờ đây bạn thấy nó bé bằng hạt mè, chẳng qua chỉ là một kỳ thi chuyển cấp; nhưng tôi cá là khi bạn 15, việc thi cử – chọn trường giống như việc bạn bước qua sự sống – cái chết, vinh quang – ô nhục.

Tà áo trắng bay bay, lòng vui như nở hoa 
(C) Hình do bạn Nam Kha Tử chụp

Cả tỉnh tôi, chỉ có mộ trường chuyên duy nhất, kỳ thi tuyển sinh diễn ra cực kỳ vất vả khi họ có riêng hẳn một kỳ thi cho dân chuyên. Tôi cũng từng mơ mộng trở thành gái chuyên Văn trong ngôi trường đó, nhưng trình độ không tới. Ngày nhận kết quả khóc như mưa, tưởng như tôi chuẩn bị rớt đại học vì không được vào trường chuyên, lớp chọn. Thời điểm học cấp ba đúng là phân biệt rất rõ môn chính – môn phụ, lớp chọn và lớp không chọn. Cho nên tôi hiểu được phần nào cảnh bọn học sinh nhìn về lớp chọn như những thiên tài hạnh phúc, với nhiều ưu đãi. Một đứa tệ Hà Phương trong tập hợp những người giỏi sẽ càng trở nên nổi bật. Lại thêm cái dấu nhờ mẹ dùng tiền để được vào đội tuyển, áp lực đến từ phía nhà trường là rất lớn đối với những cô bé Phương. Đáng mừng là trong hàng loạt những biến cố, cô bé vẫn giữ được sự hồn nhiên và yêu mến cuộc sống này! 

– – – – –

Đến tình yêu gia đình là liều thuốc độc 

Đường trần mồ côi, chỉ còn ông bố ôm kỷ niệm
(C) Hình do bạn Nam Kha Tử chụp

Nếu đọc [Naruto] chắc bạn cũng nhớ đến việc Đệ Nhất từng nói rằng gia tộc UCHIHA là gia tộc bi quyền rủa bởi tình yêu thì những đứa con trong [Mùa Hè Bất Tận] cũng bị lời nguyền bởi tình yêu thương cha mẹ. Mẹ của Hà Phương vì yêu cô bé nên cứ đinh ninh rằng việc ép cô học giỏi sẽ giúp cô bé hạnh phúc. Chị của Phương vì yêu mẹ nên quyết định bỏ ông bố giàu có để sống cùng với một bà mẹ khắc nghiệt, tự nhốt mình trong cái lồng vàng của một học sinh ngoan. Cha của Phương (nam) vì vợ mất nên chuyển hết tình yêu thương cho người con trai. 

Tình yêu của họ chẳng khác nào một liều thuốc độc, tàn phá dần dần sự sống của nhau. Để rồi đi đến cuối cùng là thù hận không thể nào xoá bỏ. Sự ra đi của chị Hà Phương vừa là con đường giải phóng vừa là cách để cảnh tỉnh người mẹ. Đừng dùng tình yêu thương mà bẻ gãy đôi cánh tự do của con cái! 

– – – – –

Đừng bắt người khác phải gánh lấy ước mơ của bạn 

Cha mẹ chịu nhiều vất vả, ăn đói mặc rét để nuôi con cái ăn học. Mong mỏi con thành tài, sau này sung sướng không sai. Nhưng điều đứa trẻ thật sự muốn là gì? Bạn từng lắng nghe nguyện vọng trong trái tim con cái, em họ, em nuôi, cháu trai bạn chưa? 

Thế hệ cha anh luôn biết họ sống vì lẽ gì, những nhân vật anh hùng mà tôi quen biết đều có một lý tưởng để phấn đấu cả đời cho nó. Còn bản thân tôi, bản thân những cô cậu 15 tuổi thật sự muốn gì? Muốn trở thành ai trong thế giới người lớn khắc nghiệt này? Có lẽ không phải ai cũng tự tin nói ra. Chúng ta thường bảo người lớn mới có suy nghĩ mới biết thế nào là đúng sai, con cái mới bao nhiêu đó làm gì biết những đau khổ chông gai. Nhưng bình tâm mà suy xét lại thì người lớn có chắc quyết định ngày hôm nay là đúng? 

Phương đã có một trường đoạn rất dài nói về lẽ sinh tử, nói về sự tồn tại của mỗi người trong cõi đời này. Đoạn đối thoại này làm mình liên tưởng đến câu nói rất kinh điển của Hamlet “To be or not to be”. Thoạt nghe thì nó khá là lớn so với độ tuổi của Phương, nhưng ngẫm ra với những gì em đã cảm nhận về thế giới, trí thông minh của em chắc hẳn đủ già để có suy nghĩ vượt độ tuổi. 

Hamlet “To be or not to be” 
(C) Hình do bạn Nam Kha Tử chụp


KẾT THÚC TẤT CẢ BẰNG TỰ SÁT Ư?

Người ta vẫn thường nghĩ những đứa trẻ sống vô tư là những đứa chẳng lo nghĩ cho tương lai; vậy còn những đứa trẻ sống luôn âu lo thì thế nào? Liệu sự “ép chín” đó có giúp người lớn sớm đạt quả ngọt trên thành tựu của con em mình?

Có lẽ quyết định tử tự của Phương cũng là kết quả của một chuỗi quá trình đầy những áp lực, trăn trở đến già nua! 

Điều tuyệt vời nhất là không cần biết đến ngày mai 
(C) Hình do bạn Nam Kha Tử chụp

Bạn có nhớ đến “Kizuki” của [Rừng Na Uy] khi anh tự sát vào ngày sinh nhật lần thứ 17. Một cái chết quyết liệt giải thoát cho sự tuyệt vọng về thế giới này. Phương cũng thế, cậu dường như không tìm thấy bờ. Chỉ có sự tĩnh lặng của cái chết mới là miền đất hứa mang cậu đến tự do.

May là trong những giây phút ấy cậu đã kịp tìm thấy ánh sáng của đời mình. Một bàn tay nâng đỡ, kéo cậu về với cuộc sống trần ai đầy phiền luỵ này. Có lẽ tình yêu, trách nhiệm đối với Hà Phương đã giữa cho thằng nhóc ngờ nghệch kia tỉnh lại. Sống và đối mặt với ngày mai! 

….
(C) Hình do bạn Nam Kha Tử chụp

Phân cảnh khi hai bạn trẻ của chúng ta tìm đến bãi biển vào “ngày hôm đó” có lẽ là phân cảnh ám ảnh đối với nhiều độc giả. Đó không chỉ là nỗi ám ảnh vì những suy nghĩ của nhân vật, những cái kết mà họ tìm tới quá dễ dàng, mà đó còn là một cái rùng mình khi Truyện Việt thật sự đã lớn! Khi một tác giả Việt dám đối mặt với hiện thực và kể những câu chuyện về những nhân vật được sống, được sai lầm và được nghĩ đến cái chết!


TRUYỆN TRANH VIỆT CẦN SỰ NÂNG ĐỠ TỪ BẠN 

[Mùa Hè Bất Tận] vẫn còn quà đặc biệt dù hết Pre-oder rồi nhé! 
(C) Fanpage Du Bút

Tôi biết khi mua những đặt hàng pre-order cho ấn phẩm này, ít nhiều trong tim bạn vẫn có một chút tinh thần ủng hộ sản phẩm nước nhà. Truyện tranh Việt cần lắm những người như bạn. Dù đã có đôi lần thất vọng với sản phẩm Việt về đủ thứ những drama dài kỳ, nhưng chắc chúng ta vẫn còn hy vọng nằm nơi đáy hộp Pandora. Hy vọng về một tác phẩm Việt có thể đi vào lòng người. [Mùa Hè Bất Tận] là một tác phẩm mang đến cho bạn nhiều sự trăn trở, suy tư. 

Tác giả Lâm Hoàng Trúc cũng bộc bạch không viết một câu chuyện yêu đương, me chua ngốc nghếch trong [Mùa Hè Bất Tận] mà là viết một tác phẩm dành cho tuổi trưởng thành. Vì thế trong chuyện không có phép màu từ [Cô Tiên Xanh], không có tấm gương người tốt việc tốt, lấy đạo lý chống lại kẻ thù. Ở đây có sự đau khổ, mất mát, chia ly, thù hận. Nhưng đến cuối cùng các nhân vật, theo một cách nào đó sẽ tìm thấy hy vọng của riêng mình! 


THAY LỜI KẾT

Những mối quan hệ giữa các nhân vật trong câu chuyện đôi khi lại làm tôi nhớ đến vài ký ức nhỏ thời còn đi học. Tôi có đôi phần ngạc nhiên dường như tôi và tác giả có điểm chung nhỏ nhoi ký ức. Dù tôi và bạn không cùng khoảng cách địa lý, dù chúng ta khác biệt nhau về không gian thời gian. Nhưng có lẽ sự đồng cảnh ngộ là mẫu số chung để truyện có thể lôi cuốn đến thế. Đây có lẽ là điều mà chỉ có truyện tranh Việt Nam của một tác giả Việt Nam mới có thể làm được. Một phép thuật tuyệt đối cần được tiếp sức để toả sáng trong tương lai.  

Hẹn gặp các bạn ở những truyện tranh Việt khác 
(C) Fanpage Du Bút

Các ca khúc dược sử dụng trong chú thích là:

Nỗi buồn hoa phượng – Lời bài hát: Thanh Sơn
Tuổi đời mênh mông – Nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn
Xinh tươi Việt Nam – Nhạc sĩ: Nguyễn Hồng Thuận
Không bao giờ anh quên – Nhạc sĩ: Hoàng Trang

Nam Kha Tử
RSS
Pinterest
fb-share-icon
FbMessenger