Nhóm dịch truyện không bản quyền bị sờ gáy, đừng để bị kiện rồi mới hối hận
Chuyện các nhóm dịch BL (manhwa) bị báo cáo vi phạm bản quyền với tác giả nước ngoài đã khiến cộng đồng m-a-l Việt một cơn dậy sóng. Không ít người cho rằng kẻ report là “tội đồ” khiến cộng đồng vạ lây.
Từ một báo cáo “vu vơ” với mục đích hạ bệ nhau giữa các nhóm dịch, vụ việc báo cáo vi phạm bản quyền BL đang trở thành tâm điểm của cộng đồng m-a-l tuần này. Tác giả của 블라인드 플레이 | [Blind Play] thuộc NXB Lezhin đã không ngần ngại bày tỏ quan điểm muốn xử lý vụ việc theo hướng pháp luật (kiện vi phạm bản quyền).
Even if you buy webtoons on official sites, it’s illegal to translate them and share them. What you buy is the right to read webtoons. It’s not the right to share webtoons with others.
— YD (@YD01647980) May 10, 2021
– – – – –
Nhóm dịch giúp quảng bá hay thương mại hóa
Mục đích ban đầu của các nhóm dịch đều như nhau là quảng bá tác phẩm đến độc giả Việt, góp phần xây dựng fandom ở nước ta và trên thực tế, không thể phủ nhận nhiều cộng đồng fan được hình thành đều có liên hệ mật thiết với nhóm dịch online.
Tuy nhiên, dần dà theo thời gian, không phải nhóm dịch nào cũng giữ được tinh thần chỉ để quảng bá tác phẩm như ban đầu. Một số nhóm sau thời gian dịch free, chia sẻ miễn phí đã bắt đầu kiếm lợi trên tác phẩm (nhất là những bộ nổi tiếng) và chuyện đó càng thường xuyên xảy ra ở những nhóm dịch BL / BG / Hen / . . . khi mà các bạn có muôn vàn lý do để “móc túi” người đọc.
>>> “Otaku Xấu Xí” (1) – Dịch thuật vì đam mê, tôn trọng tác giả để rồi “thu phí” |
Có lẽ vào thời điểm gom về những đồng donate đó, chẳng mấy nhóm dịch nghĩ rằng mình đã lún sâu hơn vào vũng lầy vi phạm bản quyền, bởi chỉ cần bạn nhận tiền từ việc dịch và chia sẻ truyện, bạn đã thương mại hóa tác phẩm mất rồi.
– – – – –
Cạnh tranh trực tiếp với đơn vị bản quyền
Thành công của quảng bá tác phẩm từ nhóm dịch có thể được đo bằng hai thứ: một là fandom khủng, hai là tác phẩm được mua bản quyền. Nhưng thay vì vui mừng vì truyện có bản quyền và ngưng việc chia sẻ không hợp pháp, không ít nhóm dịch vẫn lỳ-đòn, quyết đăng bản dịch “cạnh tranh” với bản quyền.
Lấy ví dụ như bộ truyện [Young Black Jack]. Vào thời điểm truyện chưa được mua bản quyền, bản dịch online chỉ dừng ở tầm chương 10+, bởi độ khó của tác phẩm và bộ truyện chưa quá hot ở thị trường nước ta. Tuy nhiên, sau khi Amak thông báo có bản quyền và phát hành, [Young Black Jack] liền được chia sẻ đến chương 60+, gần như ngang với những chương đã phát hành có bản quyền.
Công bố bản quyền chẳng bao lâu, [Young Black Jack] “nổi” vì những bản dịch online lậu
Bên cạnh đó, không ít những ấn phẩm nổi tiếng, fandom cực khủng và thậm chí còn làm event kết hợp với đơn vị mua bản quyền, vẫn ngày ngày chia sẻ bản dịch phi pháp, tràn lan trên Facebook. Những cái tên có thể kể đến như [5 Cô Dâu] – dù được công bố bản quyền từ sớm nhưng fandom vẫn chia sẻ kết truyện, khiến một lượng fan do bức xúc với kết đã tuyên bố tẩy chay truyện khi phát hành ở nước ta.
– – – – –
Hướng truy cứu của các đơn vị khi xảy ra vụ việc
Ở thời điểm hiện nay, khi truyện tranh các nước đang gắt gao hơn về vấn đề bản quyền và luật bản hộ, thì các nhóm dịch online (dù có thu phí hay miễn phí) cũng trở thành tâm điểm để các đơn vị giữ bản quyền nhắm tới.
Qua vụ việc của Comicola vào năm 2019 và sự việc lần này chúng ta có thể thấy rõ “sự cảm thông” của đơn vị giữ bản quyền với các nhóm dịch Việt là con số 0.
>>> Đơn vị giữ bản quyền 4 Manhwa ở Hàn Quốc làm rõ việc “các nhóm dịch online được cấp quyền chuyển ngữ tác phẩm” |
Sẽ chẳng ai cảm ơn vì nhóm dịch đã có “công quảng bá” tác phẩm đó, mà thay vào đó hầu hết đơn vị giữ bản quyền đều coi các nhóm dịch online là cái gai trong mắt. Bởi nhiều sự dối trá từ nhóm dịch như “đã xin phép tác giả”, “được cho phép dịch thuật”,. . . ảnh hưởng không hề nhỏ tới việc bán bản quyền của họ ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Vậy nên hướng truy cứu của các đơn vị khi xảy ra vụ việc chính là. . .
- Yêu cầu gỡ bỏ tác phẩm
- Đâm đơn kiện bản quyền
Và dù là ở trường hợp (1) hay (2), nhóm dịch vẫn luôn là người sai vì đã vi phạm bản quyền, chứ không phải chỉ khi nào “bị kiện” bạn mới là người sai!
KẾT
Vụ việc này một lần nữa đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đến các nhóm dịch, những người vẫn đang “ngây thơ” tin rằng dù vi phạm bản quyền, chỉ cần phục vụ cộng đồng, thì bạn cũng “vô tội”. Nếu bạn đã sẵn lòng đứng mũi chịu sào để vẫn tiếp tục dịch và chia sẻ truyện không bản quyền, thì chỉ khuyên bạn nên nhớ rằng nếu bị kiện, kẻ duy nhất chịu trách nhiệm trước pháp luật là BẠN!