Home Review Shaman King phiên bản @Truyện tranh NXB Trẻ hay sự coi thường người đọc?

Shaman King phiên bản @Truyện tranh NXB Trẻ hay sự coi thường người đọc?

84 views

Khi Truyện tranh NXB Trẻ công bố bản quyền [Shaman King] bản 35 tập với cái kết trọn vẹn và mỗi tập có 2 bìa, không ít độc giả (phần lớn là lâu năm) của bộ truyện này đã vô cùng ngóng đợi. Bởi từ khi [Shaman King] xuất hiện ở Việt Nam với cái tên [Vua Pháp Thuật] vào những năm đầu 2000, mãi tới hiện tại, độc giả Việt Nam mới có cơ hội được cầm trực tiếp cuốn truyện với phần kết hoàn chỉnh (Chưa kể bản [Shaman King] ngày trước của NXB Kim Đồng cũng tồn đọng không ít vấn đề). Nhưng sự bất ổn của phiên bản [Shaman King] cộp mác NXB Trẻ ngay từ những tập đầu tiên, kéo dài tới tận khi bộ truyện gần kết thúc khiến độc giả [Shaman King] phải lắc đầu ngao ngán rằng có lẽ họ đã mừng hơi sớm và Truyện tranh NXB Trẻ, có đang coi thường nhóm độc giả của [Shaman King] hay không?

(Bài viết chỉ đơn cử một số lỗi mà người viết đã thấy. Nếu còn sót gì và muốn bổ sung, mong nhận được sự đóng góp của bạn đọc.)


1. Câu chuyện về tên nhân vật

1.1. Yoh hay Yo?

Ngay từ tập 1 khi [Shaman King] được Trẻ mang trở lại Việt Nam, vấn đề tên của nhân vật chính Asakura Yoh hay Asakura Yo đã trở thành đề tài bàn tán xôn xao trong cộng đồng độc giả [Shaman King].

Thực ra, vấn đề dịch giả Torarika dịch tên bạn main là Asakura Yo không phải là vấn đề. Vì Yo hay Yoh đều đúng. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, trang thông tin nhân vật của Yo, khi tác giả để là Asakura Yoh và Trẻ giữ nguyên?!? Vậy, là Yo hay Yoh? Tên chính thức của nhân vật được tác giả ghi trong quyển Character Book và cả những ấn phẩm quốc tế chính thức đều sử dụng tên Yoh cả. Đến giờ mình vẫn không hiểu tại sao Trẻ lại quyết định như thế này.

Trang thông tin nhân vật và tên chính thức là Yoh nhưng trong phần nội dung, toàn bộ đều là Yo.

1.2. Nhân vật là người Trung Quốc, tại sao lại để tên phiên âm thay vì tên Hán Việt?

Yo hay Yoh không phải vấn đề quá lớn. Bởi ngoại trừ trang thông tin nhân vật thì trọn vẹn bộ truyện xuất bản ở Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại, Trẻ đều thống nhất tên bạn main là Asakura Yo.

Tuy nhiên, tôi (và những bạn có cùng suy nghĩ như tôi), đều không thể hiểu nổi, vì lí do gì, tới những nhân vật người Trung Quốc, Trẻ không để tên Hán Việt của họ lại phiên âm sang tên phiên âm của họ? Hay vì đối tác bảo thế? Ví dự như nhân vật tướng lĩnh Trung Hoa tên 馬孫, thay vì để là Mã Tôn, Trẻ lại để là Bason theo phiên âm Nhật.

Trung bình tên nhân vật Trung Quốc. Thật sự khi đọc đến những khung truyện nhân vật Trung Quốc xuất hiện, tôi luôn phải tự nhảy số sang tên Hán Việt của họ.

Thế nên, hãy tập quen rằng sẽ không còn thấy những tên Mã Tôn, Lý Bạch Long, Diệp Vấn… đi. Mà thay vào đó sẽ là Bason, Lee Pyron, Shamon… đi.

2. Dịch giả vỐn tỪ pHoNg pHú, nhưng dùng từ cổ vô tội vạ (ở những tập đầu tiên) có hợp lí hay không?

(Tiếp tục) Ngay trong tập 1 của [Shaman King], dịch giả đã dùng những từ cổ gây hoài nghi cho người đọc. Rằng dịch giả vốn từ phong phú, người dịch quen dùng từ đó trong đời sống nên dùng vào chính tác phẩm hay người dịch đang khoe chữ, dùng từ cổ vô tội vạ kể cả ở những văn cảnh hoàn toàn bình thường.

Trường hợp ô thoại khi từ “cánh hẩu” và “léo hánh” xuất hiện.

Yo sống ở nơi hẻo lánh, dùng “cánh hẩu” (Có nghĩa: Bạn bè tụ tập kết giao với nhau, thường  để chơi bời hoặc làm những việc không chính đáng) có thể là hợp lí. Vậy còn một con ma người Tokyo, chết trẻ chưa bao lâu, tại sao lại dùng “léo hánh” (Có nghĩa:  Bén mảng, đến gần nơi nào.) Hay vì con ma đấy tập boxing cùng ông thầy già nên học theo?

3. Những lỗi dịch sai rải rác

Truyện tranh của NXB Trẻ thường có chung một đặc điểm: Những chỗ khó thì dịch rất đúng, rất hay, rất mượt. Nhưng những chỗ dễ lại thường dịch sai? Và điều đó, lần nữa tái hiện ở [Shaman King].

Như hầu hết bạn đọc Shaman King đã biết, cuộc gặp gỡ giữa Yoh, ông mèo Matamune và Anna ở tập 19, kéo dài đến tập 20 diễn ra vào những ngày đông tuyết rơi (rất lạnh). Nhưng tuyết rơi mùa hè? Câu thoại đúng trong ảnh phải là “Nghỉ đông” (C) Tập 19

Câu thoại đúng phải là “… bộ xương khổng lồ chỗ Hao”, không phải “Của Hao” vì bộ xương đó thuộc sở hữu bởi một nhân vật khác. Nói Spirit of Fire (?) là bộ xương rồi đội nồi cho nó tấn công Ren, nó buồn đấy. (C) Tập 26

Có tuyết rơi mùa hè thì có đi nguyền rủa vào giờ chiều cũng là bình thường thôi. (Giờ Sửu đúng phải là “vào 1-3 giờ sáng”, không phải “1-3 giờ chiều”) – (C) Tập 30

4. Lỗi “trính tã” không mời mà đến

Khi phần đọc của [Shaman King] dần cải thiện nhờ việc dịch giả như thả lỏng hơn trong các câu thoại thường nhật thì những lỗi “trính tã” bắt đầu xuất hiện với tần suất… chán hết buồn nói.

Kuroro là đứa nào? Gọi tên đứa khác thế này bảo sao Kororo nó không bỏ đi.

Rồi là Kanna hay Kana?

Cảnh quan, không phải “cảnh quang”.

5. Chế bản ẩu, lệch gáy = “Hãy tập quen với điều đấy đi vì đó là tính năng của Trẻ”?

Chế bản của Trẻ gần như chưa bao giờ khiến người đọc thất vọng về sự cẩu thả của mình từ việc redraw tới xài sfx. Nhưng ẩu tới mức xếp sai tên nhân vật nhiều lần như trong [Shaman King] (và biên tập viên cũng duyệt) thì thật khó hiểu.

Jeanne có tư linh chất lượng ghê và Spirit of Fire hóa ra không chỉ chuyển được nguyên tố trong ngũ hành mà còn chuyển được cả thành thiên sứ nữa. Quả nhiên là ngũ đại tinh linh có khác. – (C) Tập 26

Nhóm “Hoa cỏ mùa xuân” có tư linh chất lượng quá!!! – (C) Tập 31

Truyện cũng thường xuyên bị sót SFX (Hiệu ứng âm thanh), mình nhận thấy đây không phải là tình trạng của riêng bộ này mà còn xuất hiện ở những bộ khác của Trẻ nữa. Tuy tình trạng sót SFX đã giảm dần so với những tập đầu, những tập sau vẫn thỉnh thoảng bị sót SFX. Dù biết rằng SFX của bộ này rất nhiều và NXB Trẻ đã làm hết sức có thể, mình chỉ mong những lỗi nhỏ này có thể được Trẻ phát hiện trước khi đến tay độc giả.

Truyện thường xuyên sót hiệu ứng âm thanh (SFX), tuy các tập về sau đã giảm dần tỉ lệ sót SFX. Trong hình bị thiếu mất SFX “Xẹt” – (C) Tập 32

6. Và giọt nước tràn li mang tên đổi giấy. 

[Shaman King] đã đi gần hết chặng đường 35 tập ở Việt Nam và fan [Shaman King] ở Việt Nam hầu như đều đã lớn tuổi cũng như đã chờ đợi quá lâu cho sự “hoàn chỉnh” này. Nên tựu trung, dù nhiều vấn đề đến đâu đi chăng nữa, họ vẫn mắt nhắm mắt mở cho qua, để bộ truyện đi tới đích cuối. Đồng thời, ủng hộ NXB với hi vọng Trẻ sẽ tiếp tục mang những phần sau của [Shaman King] về Việt Nam.

Nhưng việc đổi giấy giữa chừng ở tập 29 mà không có bất cứ thông báo nào từ phía NXB thì thật sự là giọt nước tràn li khiến độc giả [Shaman King] không thể mắt nhắm mắt mở được nữa. Đổi từ giấy xốp sang gIấY xỊn – ford kem thì sao? Cuốn truyện dày dặn suy dinh dưỡng đi chỉ còn 2/3, đâu còn chỉ là vấn đề đồng bộ nữa?

Vừa mỏng vừa lệch gáy, đỉnh thật đấy. Quả nhiên là tính năng, “Trẻ là như thế đấy mấy em!” – (C) Bạn Văn Ngọc Tiến.

Đành rằng đổi giấy (có thể xuất phát) từ nguyên nhân khách quan song về phía chủ quan thì một lời thông báo tới một bộ truyện cũng sắp đến hồi kết thúc thì hẳn cũng đâu phải chuyện quá khó khăn?


TẠM KẾT

[Shaman King] có lẽ là một trong những bộ truyện lận đận nhất, lận đận ngay tại Nhật Bản và lận đận cả khi xuất bản ở Việt Nam, lận đận tới cả lúc, bộ truyện đã gần kết thúc.

Lỗi là điều khó tránh. Tuy nhiên, việc Trẻ ỉm đi toàn bộ phản hồi của độc giả về [Shaman King], thậm chí là lên một bài cực kì gây tranh cãi (bài đăng về [Shaman King] tập 30 trên page Truyện tranh NXB Trẻ), xóa comment và block người đọc nêu lên ý kiến thì thật là một điều thật không thỏa đáng với độc giả [Shaman King].

Thật sự, với cương vị một người theo [Shaman King] từ năm 14 tuổi qua bộ truyện [Vua Pháp Thuật] đi thuê ngoài quán; mua đầy đủ hai bản của NXB Kim Đồng, vô cùng hạnh phúc khi thấy [Shaman King] được NXB Trẻ đưa về Việt Nam dưới dạng hoàn chỉnh; thì tính tới thời điểm hiện tại, tôi buộc phải thốt lên rằng, bộ truyện yêu thích của tôi sao lại trở thành một ấn phẩm đáng thất vọng như thế này?!? (Còn nếu bạn nào coi đây là “lỗi nhỏ”, là “không ảnh hưởng đến trải nghiệm đọc” thì xin lỗi, tôi không phải là bạn.)

Mọt + P

Tags:
RSS
Pinterest
fb-share-icon
FbMessenger