((Tập 1)) [Sonny Boy] – Sự trở lại mạnh mẽ của Nhà Điên với một thế giới “chất” và “dị”
Đã tròn 1 năm kể từ khi [No Guns Life] kết thúc, Studio Madhouse vẫn chưa sản xuất thêm bộ anime nào mới. Ai cũng bắt đầu ngờ ngợ rằng cây đại thụ đã đến lúc phải về phía bên kia sườn đồi. Nhưng không, Madhouse đã lên tiếng.
⚠️ Bài viết này sẽ chứa nhiều spoil, hãy cân nhắc trước khi xem.
Công bố sản xuất Mùa 4 của series [Overlord], tiếp đó là dự án hợp tác cùng MAPPA – [Takt Op. Destiny] lên sóng trong Fall 2021 tới đây; cùng hàng loạt những dự án trong tương lai như [Kyuuketsuki Sugu Shinu], [Goodbye], [DonGlees!] và [Hakozume: Kouban Joshi no Gyakushuu].
Và phát súng đầu tiên trong màn comeback hoành tráng lần này là 1 tác phẩm original cực kì “chất” và “dị” mang tên [Sonny Boy]!
(C) Studio Madhouse
SONNY BOY
Thể loại: Siêu nhiên, Khoa học viễn tưởng |
Số tập: 12 | Khởi chiếu: Summer 2021 |
Thời lượng: 24 phút / tập | Nguyên gốc anime |
Studios: Madhouse | Điểm số: 7.68 (MAL) |
Bản quyền ở VN: iQiYi / Ani-One Asia |
Trong kỳ nghỉ hè dài, Nagara và các bạn cùng lớp 8 trường cấp 2 tập trung tại trường, nhưng họ bất ngờ vướng vào một tình huống bất ngờ, 36 học sinh bị trôi dạt đến một không gian khác, đồng thời trong lúc di chuyển họ có được những “Năng lực” khác nhau. Có người nhận được năng lực siêu việt, có người mưu đồ trở thành thủ lĩnh dẫn dắt những học sinh khác, có người liều mình tìm cách quay về thế giới ban đầu, giữa họ dần nảy sinh sự nghi ngờ, đố kỵ, thậm chí là chia rẽ thù địch. Tất cả đều đang phải tìm cách sinh tồn vì những sự việc kỳ quái xảy ra liên tiếp, liệu họ có thể phá vỡ thế giới này, bình an quay lại thế giới ban đầu hay không… |
CẢM NHẬN TẬP ĐẦU TIÊN
Câu chuyện không có “mở đầu”
Thật sự thì, không chỉ riêng tôi mà chắc hẳn ai ai xem tập đầu tiên mà nếu không đọc tóm tắt nội dung từ trước sẽ chẳng hiểu điều gì đang diễn ra, đúng y như đang phê cần vậy. Bộ phim bắt đầu bằng cách ném thẳng vào mặt chúng ta ở giữa câu chuyện không có mở đầu gì cả, tất cả những sự kiện diễn ra trước đều được gợi thông qua những câu nói của những nhân vật mà chúng ta không để ý kĩ sẽ cực kì khó để nhận ra. Ý tưởng nền của câu chuyện là điều gì sẽ xảy ra nếu một trường học với 36 học sinh đột nhiên bị dịch chuyển vào một khoảng trống màu đen mà không có cách nào để tiếp xúc với thế giới bên ngoài, đồng thời đồng thời bộc phát những siêu năng lục mới?
(C) Studio Madhouse
Khó biết được điều gì sẽ diễn ra
Bộ phim được đạo diễn và viết kịch bản bởi NATSUME Shingo người đứng sau những tác phẩm nổi tiếng khác của Madhouse như [One-Punch Man], [ACCA: 13-ku Kansatsu-ka], [Boogiepop wa Warawanai] và đây cũng chính là kịch bản đầu tay của riêng ông. Chính vì là hàng original không dựa trên light novel, manga hay các tác phẩm truyền thông nào để chuyển thể khác nên chúng ta chỉ có thể theo dõi câu chuyện bằng cách xem những tập phim mới nhất và không có cách nào để biết tập phim tiếp theo sẽ diễn biến thế nào (thậm chí phim còn không có giới thiệu tập tiếp theo ở after-credit). Điều này tạo cảm giác tò mò những gì sẽ xảy ra tiếp theo đối với người xem bởi sẽ chả có spoiler nào được tiết lộ, tất cả đều chỉ là giả thuyết được suy đoán.
(C) Studio Madhouse
Khối lượng nhân vật nhiều có quá tham vọng
Một câu hỏi ai cũng quan tâm nhất là làm thế nào để có thể kể về gần 40 nhân vật trong series 12 tập? Phần lớn sẽ thất bại bởi nó quá tham vọng và sẽ chả giải quyết được bất cứ điều gì trọn vẹn giống như Wonder Egg Priority đã từng. Tuy nhiên, bằng cách kể chuyện khôn khéo, đạo diễn đã chia tách 36 học sinh đó chỉ còn thành những nhóm nhỏ. Điều đó khiến lượng nhân vật trở lên dễ nhớ hơn bởi người xem sẽ mường tượng ra người này thuộc nhóm nào. Mỗi tập câu chuyện sẽ tập trung vào phản ánh 1 vấn đề trong xã hội nơi mà những học sinh chính là người gây ra hiện tượng đó, đồng thời cũng tự mình giải quyết vấn đề.
Tập đầu tiên đã giới thiệu cho chúng ta một tuyến gần 10 nhân vật bao gồm: nhóm cặp đôi nhân vật chính: Nagara – một nam sinh người mờ nhạt và Nozomi – một nữ sinh mới trở về từ nước ngoài và không hoà nhập với những nhóm học sinh còn lại; nhóm 3 chủ chốt của hội học sinh: Cap – một thằng tứ chi phát triển được bầu làm lãnh đạo bù nhìn rơm, Pony – cựu hội trưởng, Hoshi – quân sư cho lãnh đạo; một người bạn của Nagara, một học sinh thông minh nghiên cứu về sự vận hành của thế giới này và nhóm 3 học sinh có siêu năng lực khác.
(C) Studio Madhouse
Thế giới được xây dựng bởi những nhân vật
Xây dựng thế giới cũng là một điểm sáng của tác phẩm. Điểm đặc biệt đầu tiên ở đây là việc thế giới không có ai ngoài những học sinh đó cả. Chính vì vậy, họ không cần bận tâm đến những thứ quy tắc, luật lệ mà người lớn đặt ra trước đây cũng không chịu bị quản thúc hay ngăn cấm. Một sự tự do đúng nghĩa đen. Mọi thứ trở về số không, một xã hội nguyên thuỷ.
Tuy nhiên bằng việc sắp đặt cho một vài cá thể có những siêu năng lực và sức mạnh hơn người, từ đó tạo nên sự bất bình đẳng. Mà đã bất bình đẳng là sẽ có đấu tranh. Để dập tắt đấu tranh thì phải đàn áp. Mà để đàn áp tất cả mọi người thì phải có sức mạnh. Một thứ sức mạnh thiêng liêng do chính nhân loại tạo ra mà có thể buộc mọi người phải tuân theo, kìm hãm mọi ham muốn, dục vọng – thứ là bản năng của con người: Luật lệ. Vì lẽ đó, luật lệ và đạo đức giữ bản năng của loài người trong vòng kiểm soát, kiềm hãm cái ác, tạo nền tảng cho cái thiện nảy mầm. Nhưng ai là người có quyền được đặt ra luật lệ? Khi mà không những một mà tận hai luông phe phái đối chọi lại chính nhau: Những người siêu sức mạnh và những người vô năng, những người muốn có xã hội trật tự và những kẻ vô chính phủ? Đơn giản thay, hai vấn đề này cuối cùng lại có cùng 1 lời giải duy nhất: Đa số thống trị thiểu số. Cuối cùng bằng việc bỏ phiếu (bầu cử), các học sinh (cử tri) tìm được người đại diện (lãnh đạo) của mình, cùng với những thành viên (chính phủ) tự đặt ra những bộ luật với đầy đủ cả ba thành phần là giả định, quy định và chế tài. Bất cứ ai vi phạm những quy tắc đó sẽ bị buộc phải thực hiện những hình phạt tương ứng với tội danh đó, dù không có bộ phận chuyên viên pháp chế hay bộ nội vụ nào đứng ra để thi hành án cả.
Các hình phạt cũng rất vớ vẩn và mang đúng kiểu điên của học sinh: Chia 1 số vô tỉ trong cả buổi tối, chạy vòng quanh sân trường chục vòng, khoả thân nhảy cóc,… Từ đó, bối cảnh ngôi trường với 36 nhân vật trở thành một xã hội thu nhỏ. 36 học sinh (có lẽ là cấp 3) mang nền văn minh, học thức ở thế giới hiện đại, áp dụng ngay với chính mình và quần thể những người xung quanh cùng tạo lập trật tự xã hội mới.
Dễ nhận thấy bộ phim có ảnh hưởng mạnh mẽ từ tiểu thuyết nổi tiếng “Chúa ruồi” của nhà văn William Golding nơi có cùng một mô típ và bối cảnh tương đồng, từ đó kích thích bản ngã và đặt ra câu hỏi giữa ranh giới đạo đức của con người.
(C) Studio Madhouse
Nam chính chưa tỏa sáng ở Tập 1 nhưng có nhiều chất liệu đầy hứa hẹn
Nhân vật nam chính của chúng ta, ở Tập 1 chúng ta chưa thể hiểu gì về tính cách của anh ấy. Có thể nói cậu ấy là một người khá nhàm chán, sống nội tâm, không có gì nổi bật trong lớp. Thường việc xây dựng những nhân vật trống rỗng này biên kịch luôn nhằm mục đích để họ có thể tìm ra ý nghĩa của cuộc sống và mục đích tồn tại. Vậy nên có thể coi cả bộ phim sẽ là cuộc hành trình tìm ra bản thân và phát triển nhân vật của cậu ta.
Tuy nhiên có một điểm nào đó của Nagara luôn thu hút nữ chính quan tâm đến. Nozomi là một nữ sinh mới trở về từ nước ngoài với tư tưởng phóng khoáng, phá cách và tự do, không muốn bị gò bó trong khuôn khổ nào. Chính vì thế mà tạo hình của cô ấy cũng khác biệt so với những học sinh khác: mặc áo màu xanh dương, váy xanh lá cây kèm đôi giày màu đỏ. Nozomi không tham gia vào nhóm lớp, tự tách mình ra khỏi xã hội bởi cô không muốn bị ràng buộc bởi những luật lệ do người khác dựng lên.
Sự đối nghịch này tạo lên một cặp nhân vật chính khá thú vị và cũng bắt gặp ở khá nhiều bộ anime khác như [Lời Nói Dối Tháng 4] hay [3D Kanojo],…
(C) Studio Madhouse
Đạo diễn thử mình với phong cách hoàn toàn mới
Với những khán giả đã quen thuộc với phong cách của NATSUME Shingo qua những tác phẩm như [One-Punch Man] hay [Boogiepop wa Warawanai] có lẽ bạn sẽ khá sốc trước sự đổi mới này của đạo diễn.
Art của bộ phim khá là dị, mọi thứ gần như hoàn toàn không có đổ bóng, nét vẽ tối giản nhất có thể như được vẽ bằng bút chì. Thiết kế và cử động nhân vật đều méo mó làm tôi gợi nhớ đến những tác phẩm của MASAAKI Yuasa như [Ping Pong Animation], [Crayon Shin-chan] và [Kaiba] vậy.
Điểm mạnh của phong cách này là nhằm nổi bật nội dung của bộ phim, đồng thời giảm độ chi tiết có thể khiến tăng lượng bức vẽ trong 1 frame đồng nghĩa với tăng fps và giúp animation trở nên mượt mà. Kèm theo đó là những góc máy quay khá lạ khá giống [Aku No Hana], đôi lúc dừng lại lâu ở 1 chỗ như phong cảnh bên ngoài hay đối diện sát mặt nhân vật càng làm tăng thêm sự kì lạ trong bầu không khí của bộ phim.
(C) Studio Madhouse
Phim lạ – Âm nhạc cũng kỳ lạ
Về âm nhạc, tương tự, đây cũng là 1 điểm kì lạ của bộ phim. Anime này không có opening, chỉ có ending. Điều này đồng nghĩa với việc làm tăng thời lượng của 1 tập phim hơn. Ending Theme của [Sonny Boy] cũng khác nhiều bộ anime khác khi không có hình ảnh hay hoạt hoạ này, hoàn toàn chỉ là một tấm nền đen với những dòng credit chạy lên giống những tác phẩm điện ảnh chiếu rạp của Hollywood.
Phần nhạc nền của bộ phim được đạo diễn bởi SHOUJI Hata. Ông là người đảm nhiệm trọng trách khiến bạn phải nổi da gà và tăng lượng adrenaline điên cuồng nổi tiếng với những tác phẩm như [Fairy Tail], [Great Pretender] hay [One-Punch Man]. Nếu bạn muốn một lần nữa trải nghiệm cảm giác phấn kích khi bản nhạc main theme nổi lên mỗi lần Natsu cùng anh em hội pháp sư đứng lên phản công lại kẻ thù trong [Fairy Tail] hay những lần plot twist trong [Great Pretender] hoặc lúc Saitama tung ra những cú đấm tiêu diệt kẻ thù,… thì xin lỗi, tác phẩm mới của vị đạo diễn âm thanh này sẽ khiến bạn phải thất vọng!
Để phù hợp với không khí kì quặc của bộ phim, nhà sản xuất đã hạn chế đến mức tối đa những bản BGM, thậm chí còn không có một chút nào. Tuy nhiên những âm thanh như tiếng sóng biển, tiếng cửa kính vỡ, tiếng bước chân sột soạt,… được biên đạo rất tốt, vậy nên, không khuyến khích các bạn xem phim này vào buổi tối bởi nếu bạn không tập trung thì cảm giác như đang xem những video ASMR vậy, cực kì dễ chìm vào giấc ngủ. Lưu ý nghen!
(C) Studio Madhouse
TÓM LẠI VỚI TẬP 1 NÀY. . .
Những mùa gần đây có thể thấy sự thành công của những anime original điển hình như [Vivy: Fluorite Eye’s Song], [Odd Taxi], [Megalo Box],… với những hướng đi cực kì táo bạo và mạo hiểm, dám khai thác những chủ đề mới lạ chính vì thế trở lên đặc biệt trong mắt của người xem. Nhưng vẫn không thiếu những bộ phim mang trong mình những tham vọng quá lớn và dẫn đến thất bại.
Liệu [Sonny Boy] với tiềm năng và những tiền đề được thiết lập phức tạp như vậy cùng dàn staff toàn tay to mặt lớn có tài năng, sẽ trở thành một bom tấn hay một bom xịt mới? Liệu cây đại thụ Madhouse đã sẵn sàng bước vào cuộc chơi với thế hệ mới?
Dù sao vẫn cực kì highly recommend cho các bạn xem trong mùa ở nhà chống dịch! Hãy xem để biết câu trả lời nhé các bạn!
- Buổi họp báo One Piece Film: Red bất ổn! ! ! - 18/11/2022
- Tháng 11 điên cuồng cùng [Chainsaw Man]!!! - 16/11/2022
- Đừng vì cơn sốt chó cưa mà bỏ qua [Look Back] ! - 12/11/2022