Home Preview - Trước giờ ra mắt Giới thiệu Thế giới “Xã hội đen” này lạ lắm! Vì suốt ngày toàn rủ [Đi Hát Karaoke Đi!] !

Thế giới “Xã hội đen” này lạ lắm! Vì suốt ngày toàn rủ [Đi Hát Karaoke Đi!] !

48 views

“Đi hát karaoke đi!”, lời nói đầu tiên Kyoji nói với Satomi. Câu mời gọi mở ra cả cốt truyện và cũng là câu nói khép lại tất thảy tình tiết lẫn những xao động vi tể đã qua.


THÔNG TIN CHUNG

Là một trong ba tác phẩm của WAYAMA Yama được NXB Kim Đồng mua bản quyền và do Wings Books phát hành vào Tháng 9/2022, [Đi Hát Karaoke Đi!] được độc giả yêu thích bởi độ hài hước đến từ cặp đôi phó bang x trưởng CLB hợp xướng.

  • Số tập: 1 tập (2 chương + 1 ngoại truyện)
  • Dịch giả: Takanashi Sayuri

TBQ WIKI TÁC PHẨM

  • Giới thiệu nội dung

NARITA Kyoji, trợ lí phó băng Sairin đời thứ tư, đã bất ngờ tìm đến OKA Satomi, trưởng CLB hợp xướng trường Morioka và rủ cậu bé đi hát karaoke với miền mong mỏi Satomi có thể “chỉ giáo” cho anh “vài đường cơ bản” để anh có thể cải thiện giọng hát trước cơn ác mộng mang tên: Cuộc thi hát karaoke của băng Sairin (lại) sắp diễn ra mà kẻ thua cuộc sẽ bị thủ lĩnh xăm lên người những hình thù vừa “đáng sợ” vừa xấu đau xấu đớn.

Trước “sức ép” vô hình của Kyoji, Satomi không thể từ chối. Nhưng sau những buổi đi hát karaoke “tự nguyện trên tinh thần bắt buộc” với Kyoji, Satomi nhận ra, anh chàng xã hội đen kia, đã chiếm một phần trong quá trình trưởng thành của cậu khi nao chẳng rõ.

GIỚI THIỆU NHÂN VẬT

OKA Satomi

Học sinh năm cuối đồng thời là trưởng CLB hợp xướng trường Morioka. Một cậu bé có kĩ thuật hát tốt cùng chất giọng trong trẻo trời ban.

NARITA Kyoji

Trợ lí phó băng Sairin đời thứ tư. Người tìm đến Satomi xin học hỏi để tránh thảm kịch bị thủ lĩnh xăm lên người sau buổi thi hát karaoke định kì của băng.


VỀ NỘI DUNG

“Xã hội đen” này lạ lắm

Là tác phẩm thuộc hạng 3 giải thưởng manga của năm 2021, đồng thời là truyện ngắn thứ hai của tác giả WAYAMA Yama, [Đi Hát Karaoke Đi!] viết về một thế giới yakuza – xã hội đen, vừa mang nét đặc trưng của nước Nhật, vừa mang nét đặc trưng từ các tác phẩm của chính cô. Một thế giới “quen quen”, mà cũng “lạ lắm”.

Thật vậy,

Lạ bởi bằng lối dẫn truyện hài hước làm độc giả phải hoài nghi: xã hội đen lại có thể… tấu hề đến thế ư?

Nào thì hát karaoke theo chu kì tháng 2, 5, 8, 11 mỗi năm. Nào thì nỗi sợ hãi ám ảnh của mấy ông chú yakuza bặm trợn về viễn cảnh hát thua, phải chịu cho thủ lĩnh xăm lên người những hình đáng sợ xấu đau xấu đớn. Và cả việc, nhờ tới một cậu nhóc đang học cấp hai thay vì tìm đến chuyên gia thật sự để cải thiện giọng hát.

Bởi sự “tấu hề” đến “lạ lùng” này, nhiều phân đoạn trong [Đi Hát Karaoke Đi!] có thể khiến người ta phá lên cười sảng khoái. Đặc biệt là những lời nhận xét thô nhưng thật Satomi gửi đến giọng ca (tựa Chaien) của các vị đại ca.

Góc thô nhưng thật

Tuy nhiên,

Dù có lạ đến đâu, thì thế giới tác giả WAYAMA Yama sáng tạo lên vẫn là một thế giới học đường bình thường bên cạnh thế giới giới xã hội đen tàn khốc. Nên dù cô có viết [Đi Hát Karaoke Đi!] bằng một giọng văn cùng khung tranh hài hước đến nhẹ bẫng, tới tận cùng, cô vẫn đưa độc giả trở lại hiện thực. Rằng thế giới đấy khốc liệt đến thế nào và rằng, ân oán lẫn những chuyện thanh toán lẫn nhau của giới yakuza, không chỉ là trên lí thuyết nữa.

Vì thế, nói [Đi Hát Karaoke Đi!], lạ mà quen là vậy.

Để rồi, đằng sau câu chuyện vừa thân thuộc, lại lạ lẫm kia; tác giả WAYAMA như hướng đến một câu chuyện, bình dị hơn mà tươi đẹp khôn cùng. Rằng rào cản bạn bè giữa những con người khác biệt, thật ra có lẽ không phức tạp đến thế. Khi người ta mở lòng để quan tâm, thấu hiểu lẫn nhau, từ những để ý nhỏ nhặt, tinh tế nhất.

Ông trùm như này bảo sao nhân viên…

Và có là yakuza hay một học sinh bình thường, là một ông chú hay một cậu bé tuổi dậy thì, việc chấp nhận, trưởng thành để hướng về phía trước là điều chẳng ai có thể cưỡng cầu. Có lẽ, đây cũng là một trong nhiều giao điểm, để những người khác biệt, tìm thấy nhau giữa đường đời vội vã này.


VỀ NHÂN VẬT

Đi hát karaoke hay hành trình trưởng thành 

Với một tác phẩm chỉ có một tập truyện, không thể đòi hỏi [Đi Hát Karaoke Đi!] sẽ chứa đựng hệ thống nhân vật đồ sộ và tác giả có thể khai thác sâu sắc tới từng cá nhân. Bởi vậy, xuyên suốt câu chuyện, WAYAMA-sensei hầu như chỉ tập trung khắc họa cá tính cùng mối quan hệ giữa hai nhân vật, ông chú xã hội đen NARITA Kyoji và cậu học sinh cấp hai OKA Satomi.

Nhưng thiết nghĩ, như vậy cũng đã là “vừa đủ” cho sự tái hiện trọn vẹn hành trình trưởng thành của mỗi con người.

Về tuổi dậy thì phải đối diện trước đủ âu lo một cậu bé như Satomi đang trải qua. Việc “vỡ giọng” có lẽ, với bao người chỉ là chuyện hết sức nhỏ nhặt. Nhưng nếu coi như đây là một chi tiết mang tính biểu tượng cho bao bất ổn tuổi mới lớn sẽ thấy những non nớt, yếu đuối, rụt rè, đắn đo, lo lắng thậm chí là thái độ trốn chạy đến gần như hèn nhát không dám nhìn vào hiện thực lẫn vấn đề bản thân Satomi đang đối mặt, mang tính điển hình đến như thế nào. Và với một tuổi dậy thì trốn chạy mọi điều để chìm sâu vào thế giới cá nhân bởi thế giới, con người ngoài kia quá đỗi phức tạp, thì có lẽ, những cậu bé như Satomi, cũng không cần quá nhiều người phải thấu hiểu. Chỉ cần cậu cùng người cậu yêu mến hiểu, vậy là đủ.

Nỗi lòng đầy xao động và bất lực của một cậu bé đứng trước ngưỡng cửa trưởng thành

Và cả một xã hội đen “tinh tế”, “có tình người” như NARITA Kyoji. Cái vẻ cợt nhả như có như không kể cả khi nhắc đến hai chữ “đàn bà” hay nhìn thấy ngón tay kẻ phản trắc anh từng cắt, thật khó để chồng hình ảnh Kyoji lạnh lùng, thản nhiên đến thế vào ông chú dịu dàng để ý từng tiểu tiết đến người bạn nhỏ anh vẫn dắt theo bên người. Với ai NARITA Kyoji cũng thế hay chỉ riêng một Satomi ngây thơ, trong sáng mới khơi dậy những cảm xúc sâu thẳm trong anh. Có lẽ, điều này chỉ mình Kyoji rõ nhất. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, Satomi đã không thể rời khỏi Kyoji và Kyoji sau khoảng thời gian dài đằng đẵng cắt liên lạc với Satomi, cũng không thể rời xa cậu bé.

Một khung tranh ngọt ngào và thể hiện rất rõ sự tinh tế cùng quan tâm Kyoji dành cho Satomi

“Đi hát karaoke đi!”, lời nói đầu tiên Kyoji nói với Satomi. Câu mời gọi mở ra cả cốt truyện và cũng là câu nói khép lại tất thảy tình tiết lẫn những xao động vi tể đã qua. Chỉ là, giờ đây, Satomi không còn là cậu bé ngây ngô ngày nào và mối quan hệ giữa hai người Satomi – Kyoji cũng không còn xa lạ nữa.

Bên cạnh đó, mặc dù chỉ tập trung khai thác hai nhân vật chính Kyoji – Satomi, nhưng [Đi Hát Karaoke Đi!] vẫn xuất hiện những nhân vật hết sức thú vị. Hội các ông chú yakuza cục súc mà không kém phần tế nhị, nhất là ông trùm.

Đặc biệt, ở đây còn xuất hiện thêm một cậu bé đàn em của Satomi – Wada như một sự đối trọng. Khi Satomi đang đầy những xao động còn Wada lại quá thẳng thắn, mạnh mẽ, tự tin.

Một trang truyện mang đậm tính điện ảnh tác giả WAYAMA Yama vẽ lên

Tất cả, làm một tập truyện [Đi Hát Karaoke Đi!] tựa như mang cả chất điện ảnh, trên từng trang sách về quá trình trưởng thành của mỗi nhân vật vậy.


VỀ NÉT VẼ

“Chất riêng” của WAYAMA Yama-sensei

Không mang nét vẽ quá long lanh nhưng từng khung tranh tác giả vẽ lên đều hết sức đặc trưng cho phong cách sáng tác của cô. Gần như độc giả, chỉ cần nhìn trang bìa cũng có thể thốt lên: A! Tác phẩm của WAYAMA Yama đây rồi. Từ những nét đậm trong tạo hình nhân vật lẫn background xung quanh tới đôi mắt, đường nét gương mặt đặc biệt có thần của từng cá nhân.

Vẻ chán đời rõ ràng của một Satomi bị cái emoji cười ra nước mắt “ám ảnh” cả đêm

Ông chú Kyoji để xõa vài sợi tóc mái nhìn badboi lắm nha


VỀ DỊCH THUẬT

Và với một câu chuyện mang đậm cá tính tác giả từ nét vẽ đến nội dung như [Đi Hát Karaoke Đi!], quả thực là một thách thức không hề nhỏ với dịch giả Wingsbooks lựa chọn cho lần ra mắt ấn phẩm này ở Việt Nam. Nhất là khi tác phẩm đã khá nổi tiếng qua một bản dịch trên mạng xã hội thì sự so sánh lại càng không thể tránh khỏi. Nhưng thật sự, dịch giả Takanashi Sayuri đã chuyển tải quá tốt câu chuyện hài hước mà chứa đựng những khoảng khắc, giá trị nhân sinh trầm lắng này.

Lời thoại được dịch rất “mạnh mẽ”


THAY CHO LỜI KẾT

[Đi Hát Karaoke Đi!] và một vài chuyện bên lề

Ngoài việc là tác phẩm có nội dung khá đặc biệt, giành hạng 3 giải thưởng manga của năm 2021, sáng tác của WAYAMA-sensei nói chung, [Đi Hát Karaoke Đi!] nói riêng còn đặc biệt ở chỗ, tác giả đã khéo léo đan cài dòng chảy J-rock vào mỗi câu chuyện. Như [Đi Hát Karaoke Đi!], rõ nhất là bài hát chủ đạo Kurenai của ban nhạc rock huyền thoại cho trường phái visual kei tại Nhật Bản – X Japan. Và tác giả cũng rất “biết chọn bài”, khi Kurenai, đến cả fandom X Japan cũng phải “kêu trời” vì khó hát. Nên tinh thần “nghị lực” cùng sự “chấp niệm”, “cháy hết mình” của ông chú Kyoji với bản nhạc này, lại càng thêm phần “nguyền rủa”.

Khung tranh mang đậm tính sát thương này lên phim sẽ thế nào nhỉ?

Cũng vì thế, độc giả [Đi Hát Karaoke Đi!], vừa là fan J-rock, khá mong chờ bản phim chuyển thể của tác phẩm. Đặc biệt hình ảnh tài tử AYANO Gou vào vai NARITA Kyoji sẽ phải thể hiện Kurenai trên tinh thần Kyoji từ đầu đến cuối, dùng “giọng giả, buồn nôn muốn chết”.

Nên, vừa đọc truyện, vừa đợi chờ khung cảnh “vi diệu” đó được khởi chiếu, hẳn cũng là một lạc thú của độc giả [Đi Hát Karaoke Đi!] vậy.

RSS
Pinterest
fb-share-icon
FbMessenger