[Thị Trấn Mèo] – Thị trấn của dòng ký ức chầm chậm chảy trôi
Thị trấn mèo êm đềm nằm bên bờ biển, là ngôi nhà chung của các ông bà già cả và những chú mèo. Trong đó có ông lão Daikichi và chú mèo Tama vừa tròn 10 tuổi. Vậy cuộc sống của ông lão và chú mèo sẽ như thế nào, hãy cùng TBQ khám phá nhé!
THỊ TRẤN MÈO LÀ!?
[Thị Trấn Mèo] là bộ manga đời thường kể về mối quan hệ ông lão Daikichi sống cùng chú mèo tên là Tama. Một người một mèo ngày ngày quấn quít, bầu bạn bên nhau, tới khi cùng bạc mái đầu.
- Số Tập: 7 (End)
- Dành cho độ tuổi: 15-18
- Hình thức: Bìa mềm
“Ở một làng chài nằm rìa Tokyo, luôn có hàng dài những chú mèo chiếm lĩnh mọi ngóc ngách của bến cảng, xếp hàng chờ ăn những con cá tươi ngon, béo ngậy vừa đánh bắt ngoài biển khơi về. Dần dần, chả biết chúng từ đâu cứ đến nơi đây, tạo thành khung cảnh có một không hai: một thị trấn đầy ắp những chú mèo trên mọi nẻo đường.” “Thị trấn mèo êm đềm nằm bên bờ biển, là ngôi nhà chung của các ông bà già cả và những chú mèo.” (Trích dẫn: NXB Kim Đồng) Nơi thị trấn mèo êm đềm ấy, ông lão Daikichi 76 tuổi cùng chú mèo Tama 10 tuổi bên nhau như hai người bạn nương tựa lúc tuổi xế chiều. Cả hai sống giữa hàng xóm, làng giềng, bè bạn, cùng nhớ về người vợ đã quá cố của ông Daikichi và những lời hứa, ước nguyện giữ trọn cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. |
GIỚI THIỆU NHÂN VẬT
Ông Daikichi (76 tuổi)
Một ông lão mới mất vợ, sống đơn thân xa con cháu với một chú mèo mười tuổi tại Thị trấn mèo. Thủa còn trẻ, ông Daikichi từng làm thầy giáo. Bởi vậy, dù giờ đã về hưu nhưng những người dân trong thị trấn vẫn kính trọng và gọi ông bằng “thầy”.
Tama (10 tuổi)
Chú mèo hiện sống cùng ông Daikichi. Tama mười tuổi, thực sự cũng đã trở thành “cụ mèo” ở bên ông Daikichi từ những ngày vợ ông chưa mất. Và giữa chú ta với người bà quá cố có một lời hứa bí mật đến chính ông Daikichi, có lẽ cũng không biết.
Ông Daikichi và mèo Tama. (C) Wingsbooks, NXB Kim Đồng
Ông Iwao (76 tuổi)
Một ngư dân, hàng xóm và cũng là người bạn nối khố của ông Daikichi.
Bà Yoshie (hưởng thọ 71 tuổi)
Người vợ quá cố của ông Daikichi, một phụ nữ vui vẻ, thích cafe và yêu mèo.
VỀ NỘI DUNG
Câu chuyện ấm áp, trong bối cảnh, không gian đầy tính đặc biệt
Không chỉ ở Nhật Bản mà trong xã hội hiện đại, việc những người già sống đơn thân, xa con xa cháu đã không còn là một hiện tượng xa lạ. Sống một mình, các ông các bà thường có xu hướng trồng cây, chăn nuôi, bầu bạn cùng thú cưng… Phần giúp bản thân “bận rộn” trong quãng thời gian nhàn rỗi ít ỏi còn lại của đời người, phần để xua đi nỗi quạnh hiu của những ông bố, bà mẹ sống xa con cháu. Nhưng nuôi thú cưng đến mức thu hút cả đám thú hoang tới quây quần, tạo thành một thị trấn của các ông già bà lão chung sống cùng toàn những chú mèo mập ú na ú nần từ mèo nhà tới mèo hoang như Nhật Bản, cụ thể là trường hợp bộ truyện [Thị Trấn Mèo] thì quả thực là một trong những điều xưa nay hiếm có khó tìm.
Khắc họa lên bối cảnh, không gian đặc biệt như vậy, tác giả Nekomaki đã làm nổi bật, trước hết là hình ảnh cuộc sống thường nhật của ông Daikichi và chú mèo Tama với bạn bè, hàng xóm quây quần cùng cả gia đình người con đã xa cách. Vốn nghĩ, chuyện chỉ xoay quanh như thế thì có gì đáng nói đâu? Có một ông lão tuổi 76 sống với một chú mèo so với độ tuổi trung bình của loài mèo cũng đã là thượng thọ thôi mà? Ấy vậy nhưng, lật giở từng trang truyện màu ta mới nhận ra, cuộc sống tưởng chừng chảy trôi với nhịp điệu chậm rãi giữa một người một mèo đó lại chẳng hề nhàm chán mà luôn nảy sinh không ít vấn đề dở khóc dở cười song hết mực ấm áp, dễ thương.
Như sự bất đồng trong ngôn ngữ, hành động giữa ông Daikichi với Tama. Bởi Tama dẫu có thân với ông bao nhiêu, dẫu sống cùng ông lâu đến thế nào thì Tama vẫn là một chú mèo, mang đầy đủ bản chất “chảnh mòe”, ưa làm nũng, ưa đi chơi, có một cuộc sống riêng với suy nghĩ, hành động mà tần số sóng não loài người chúng ta chẳng thể nào bắt kịp. Vì thế, cuộc sống hai ông cháu êm đềm, đầm ấm đấy nhưng nhiều khi, ông Daikichi cũng phải “mướt mồ hôi” để chiều lòng hay “xuống nước” nhằm nhận được “cái quay đầu” quan tâm của Tama.
Và ở chiều hướng ngược lại, dù còn một thân một mình bên cạnh một chú mèo đã cao tuổi, ông lão Daikichi vẫn còn có những mối quan hệ bạn bè, hàng xóm láng giềng cùng những mảng ký ức vắng bóng Tama. Vì thế, mối quan hệ giữa ông Daikichi với Tama, là yêu thương, săn sóc nhau hàng ngày nhưng đồng thời, cũng là sự tôn trọng cuộc sống riêng của mỗi cá nhân. Tama đi họp hội mèo trên đảo, ông Daikichi nhìn thấy mà vui cười, ông Daikichi có việc vắng nhà, cũng không quên dịu dàng nhắc Tama “ở nhà trông nhà cho ông.”
Tuy nhiên, dù có những khác biệt về giống loài, khiến cuộc sống của một người – một mèo không tránh khỏi những phút giây oái oăm, trái khoáy hay hơn 70 năm cuộc đời, Tama vốn không thể chia sẻ toàn bộ kí ức với ông Daikichi thì giữa hai người vẫn còn một khoảng kí ức 10 năm rất đẹp mang tên bà Yoshie – người vợ đã mất của ông Daikichi. Người phụ nữ dịu dàng, thấu hiểu không còn trên thế giới nhưng dáng hình luôn hiện diện trong mỗi kỷ vật và cả phần quá khứ họ đã cùng trải qua.
Mười năm với con người đã là cả một quãng thời gian dài đủ để đào sâu cách biệt thế hệ. Song với một chú mèo, mười năm đó như đã là cả một cuộc đời. Để rồi, nơi hai nhân vật dần bước tới buổi xế chiều, tồn tại mối liên hệ khăng khít chẳng thể rũ bỏ: Với Tama là lời giao phó “Chăm sóc cho ông Daikichi” trước lúc ra đi của bà Yoshie. Còn ông Daikichi, nuôi dưỡng Tama giờ đâu còn đơn thuần chỉ là trách nhiệm; mà hơn cả với một ông lão sống một mình, xa con xa cháu, gần đất xa trời như ông thì Tama đã sớm trở thành một người bạn vong niên, người thân, người cháu.
Chẳng thế mà, cuộc sống lẻ bóng của ông Daikichi dẫu không tránh khỏi những khoảng trầm buồn của tuổi tác thì cũng vợi bớt hiu quạnh khi người vợ gắn bó cùng ông bao năm nay cũng vắng bóng. Để rồi cuộc sống tuổi 76 của ông lão ấy, chẳng những không nhàm chán, buồn thảm, bi lụy mà ngập tràn sự ấm áp, hy vọng đến từ tình yêu thương dịu ngọt giữa những cá nhân, sẻ chia một phần cuộc đời.
Những con người cùng sẻ chia một phần ký ức
Bên cạnh hai nhân vật chính một người một mèo, không thể không kể đến dàn nhân vật rất dễ thương khác hiện diện trong [Thị Trấn Mèo]. Đó là ông lão Iwao, bạn thân của ông Daikichi, một người luôn nêu cao tinh thần ghét mèo nhưng có của ngon đều dành cho boss, chiều chuộng boss đến nỗi hễ thấy ông đi câu về, đám boss bốn chân lắm lông vẫn sống độc lai độc vãng trên đảo lại xếp hàng quấn lấy chân ông. Đó là người con của ông Daikichi, dẫu ở xa nhưng vẫn một lòng lo lắng cho bố. Và đó còn là tất cả những con người, anh bác sĩ, chị gái đứng quán ăn, bác bưu tá… cùng những chú mèo xuất hiện ở thị trấn, trong từng mảnh ký ức từng nhân vật. Mỗi người một cảnh ngộ, song họ đều gặp nhau ở trái tim nhân hậu, yêu thương cộng đồng, yêu thương loài vật. Và phải chăng, chính tình yêu với những chú mèo hoang không nơi nương tựa khiến con người nơi đây lại càng thêm gắn kết, thương yêu nhau hơn?
Sự quây quần rất mang phong vị của tết. (C) Wingsbooks, NXB Kim Đồng
Để rồi, [Thị Trấn Mèo] không chỉ là câu chuyện hôm nay mà còn là câu chuyện xưa kia. Khi đan xen giữa những mảng đời sống hiện thực luôn chảy trôi dòng hồi ức miên man của con người về quá khứ. Thị trấn mèo ngày ông Iwao, ông Daikichi còn nhỏ; những năm chiến trận, ngày ông Daikichi còn là một cậu sinh viên nghèo chỉ có đậu Hà Lan làm lương thực chính sống qua ngày; ngày ông Daikichi hẹn hò với bà Yoshie; ngày gia đình ông Daikichi còn trọn vẹn ba người: ông, bà Yoshie và Tama…
Những mảng màu quá khứ bàng bạc ấy bao phủ lên câu chuyện tựa dòng thời gian đang chầm chậm trôi, ngưng đọng mà tạo thành một phức cảm thời gian đặc biệt: dẫu là quá khứ đã rất xa nhưng chỉ cần người ta còn nhớ ghi, khắc tạc thì ký ức vẫn mãi còn sống. Và càng trôi về sườn dốc phía sau cuộc đời, người ta lại càng như nuối tiếc, hoài niệm những gì đã qua nhiều hơn, dù tháng năm đó có thiếu thốn thế nào chăng nữa. Đồng thời, không phải đến khi con người trở nên già nua mới cần những chú mèo bầu bạn, mà trong mọi hoàn cảnh, mọi lứa tuổi, như một điều vô cùng tự nhiên, kí ức của ta đã có một vị trí cho giống loài bốn chân lắm lông kia ngự trị.
Bộ truyện nhỏ nhắn, xinh xắn với nhịp kể chậm như chính đời sống bình lặng của những ông già, bà lão bên chú mèo vừa hiếu động, lại vừa chây lười mà gợi ra vô vàn giá trị nhân văn sâu sắc về tình thân, mối quan hệ giữa con người với con người, mối quan hệ giữa con người với động vật, mối quan hệ giữa hiện tại và quá khứ,… Để rồi giữa nhịp sống ngày càng hối hả, ta như lắng lại cảm xúc nơi thị trấn êm đềm với những chú mèo dễ thương, chậm rãi nhìn lại cuộc sống cùng quãng thời gian đã qua. Không dừng lại ở đó, bằng cách truyền tải vô cùng nhẹ nhàng, [Thị Trấn Mèo] đã đưa người đọc tiếp cận với một phần văn hóa truyền thống Nhật Bản, về “đảo quốc” của những chú mèo hoang mà ú na ú nần và về những món ăn được hướng dẫn tỉ mỉ mang đậm hương vị tình thân.
Thị Trấn Mèo – Ấn Bản Việt
Nói đến [Thị Trấn Mèo], có lẽ không thể bỏ qua ấn bản khá hoàn hảo của nhánh Wingsbooks, thuộc NXB Kim Đồng ấn hành. Những trang màu được in ấn trên giấy BB định lượng cao, dày dặn, dù không phải giấy C được nhà Kim chuyên dùng để in truyện màu thì loại giấy này cũng là một lựa chọn không hề tệ, giúp giữ được nét tươi tắn của màu sắc đồng thời cả sự sắc nét trong từng nét vẽ của Nekomaki-sensei.
Và không thể phủ nhận, tác giả Nekomaki có một nét vẽ rất dễ thương, chỉ như những nét vẽ phác, từng nét không thật sự liền mạch mà khiến cho từng nhân vật có hồn lạ. Không chỉ vậy, cách tác giả lên màu trong trang truyện, đã đưa những khung tranh của [Thị Trấn Mèo] trở nên sống động như các bức tranh thủy mặc nhưng về đời sống con người vậy.
(Để hiểu thêm về nét vẽ của Nekomaki-sensei, các bạn có thể tham khảo thêm bài viết sau nhé: Nekomaki (ms-work) – Cùng một thế giới rất Nhật rất đáng yêu)
Bên cạnh đó, bản dịch của dịch giả R.E.I đã như thổi thêm một phần hồn vào [Thị Trấn Mèo] phiên bản Việt. Như cách dịch giả để chú mèo Tama gọi ông – xưng cháu với ông Daikichi; vừa thân thương, lại vừa ngọt ngào.
Và Những Ấn Phẩm Bên Lề
Cùng với [Doraemon], cuối năm 2021, đầu năm 2022, NXB Kim Đồng đã xúc tiến phát hành ấn bản lịch để bàn của [Thị Trấn Mèo] (song song cùng các ấn bản lịch treo tường của [Thị Trấn Mèo] [Thanh gươm diệt quỷ], [Chú thuật hồi chiến], [One Piece], [Spy x Family]). Và đây như một món quà đầy ý nghĩa (khi giá thành của một cuốn lịch chỉ 60.000vnđ) nhà Kim dành cho những độc giả đã ủng hộ bộ bao lâu nay nói riêng, những ai yêu mèo nói chung hay đơn giản, chỉ muốn tìm đến việc lật giở một cuốn lịch để bàn, cũng có thể tìm thấy hai tiếng bình yên.
Bóng hoàng hôn, trùm lên ông cháu buổi xế chiều
(C) Wingsbooks, NXB Kim Đồng
Sự bình yên đến từ 13 bức tranh màu độc quyền của tác giả Nekomaki với cảnh sắc như trải dài bốn mùa trong cuộc sống yên ả ông Daikichi và mèo Tama đã trải qua với bao bạn bè trên mảnh đất [Thị Trấn Mèo] dập dìu tiếng sóng vỗ.
KẾT
Được gắn tag josei nhưng [Thị Trấn Mèo] đâu chỉ hướng tới riêng một đối tượng. Mà bộ truyện ấy như dành cho tất cả chúng ta. Những ai yêu mèo, yêu những chú boss mập ú, dễ thương “chết người” nơi thị trấn bình lặng và cả những ai đã chịu quá nhiều đè nén của cuộc sống đầy trắc trở. Từ đó người ta lắng lòng lại để cảm nhận tình thân, tình người, tình đời và tình… mèo. Để hiểu rằng, loài mèo không phải một giống loài “chảnh chọe”, vong ân bội nghĩa, chỉ cần trao đủ yêu thương, ta sẽ nhận về yêu thương. Hay đơn giản chỉ là giữa quãng đời hối hả, nhộn nhịp, bộn bề, người ta được lắng lại trong từng khoảnh khắc của ký ức và hiện tại. Vậy thôi.