Home Chuyên Đề TBQ Tìm tranh trong truyện [Blue Period]? (Phần 1)

Tìm tranh trong truyện [Blue Period]? (Phần 1)

[Blue Period] là một manga đào sâu về kiến thức mỹ thuật. Để có được nguồn tranh phong phú, đa dạng nét vẽ ngoài việc sử dụng rất nhiều tranh từ các họa sĩ cộng tác thì tác giả tận dụng nhiều gợi ý từ các bức tranh nổi tiếng trên thế giới. Bài viết này TBQ cùng bạn tham khảo một số bức họa nổi tiếng đã được biến hóa và xuất hiện trong [Blue Period] nhé!


BLUE PERIOD

Không phải ngẫu nhiên mà manga này được sử dụng cái tên [Blue Period]. Lý do lớn nhất mà người đọc có thể dễ dàng phát hiện: truyện đề cập đến là cậu thiếu niên YAGUCHI Yatora đánh thức niềm đam mê hội họa bằng một bức tranh màu xanh, tác phẩm của một thành viên trong câu lạc bộ mỹ thuật. Cậu còn sử dụng màu xanh để “nói” hộ những điều thầm kín trong trái tim.

Chi tiết xanh được nhắc khá nhiều xuyên suốt trong Tập 1. Màu xanh hiện ra trong tâm tưởng của YAGUCHI về khu phố nơi cậu đang sống, những tấm Poster nói về thời kỳ màu xanh, những cuốn sách TAKAHASHI Yotasuke đọc,… 

BLUE PERIOD hay “Thời kỳ màu xanh” cũng được xem là một thuật ngữ được sử dụng để xác định các tác phẩm của họa sĩ Tây Ban Nha, Pablo Picasso trong khoảng thời gian từ năm 1901 đến năm 1904. Ông vẽ những bức tranh đơn sắc về cơ bản với các sắc thái xanh lam và xanh lục, chỉ đôi khi được làm ấm bởi các màu khác. Với những ý nghĩa trên, [Blue Period] chắc hẳn là cái tên cực hợp để trở thành chủ đề xuyên suốt của toàn bộ manga này.


“THE BLUE ROOM” / PICASSO

“The Blue Room” của Picasso
(C) wikipedia

Căn phòng màu xanh của [Blue Period]

“THE BLUE ROOM” là một bức tranh nổi tiếng của Picasso trong “Thời kỳ màu xanh”. Bức tranh vẽ một người phụ nữ đang cúi người tắm rửa, trong một căn phòng toàn màu xanh. Điều thú vị là nếu như bạn dùng X-quang và quét bằng tia hồng ngoại để nhìn bức tranh này thì bạn sẽ thấy chân dung một người đàn ông có râu.

Vì nhân vật bí ẩn ấy nhìn cũng hơi ám ảnh nên các bạn tham khảo thêm chân dung ông ấy với từ khóa “The Blue Room của Picasso” nhé! Còn mình thì chỉ nhớ đến cậu thanh niên đẹp trai của YAMAGUCHI thôi. 


“SELF-PORTRAIT” / Tự họa của TSUGUHARU FOUJITA

Của họa sĩ FOUJITA Tsuguharu, ông là một họa sĩ người Pháp gốc Nhật Bản. Cực kỳ nổi tiếng trong việc sử dụng phương pháp vẽ tranh vẽ tranh truyền thống Nhật Bản theo phong cách phương Tây. Ông được đánh giá là “nghệ sĩ Nhật Bản quan trọng nhất làm việc ở phương Tây thế kỷ 20” và mệnh danh là nghệ sĩ vẽ mèo đẹp nhất thế giới. Ngoài ra, FOUJITA Tsuguharu cũng tìm thấy được linh cảm tuyệt vời giữa mối liên hệ giữa mèo và phụ nữ, cho nên tranh ông ngoài mèo thì còn có cả những người phụ nữ xinh đẹp. 

Một điều tuyệt vời lợi nhuận từ công việc bán tranh giúp ông sống tốt, thậm chí rất giàu có và nổi tiếng khi đang sống. Ông cũng được hưởng những ưu đãi của người nổi tiếng khi nhiều người đẹp mời ông vẽ tranh. Đây có thể được xem là may mắn vì nhiều họa sĩ phải sống cảnh nghèo khố chỉ đến khi chết tranh của họ mới được tôn vinh và có giá trong các viện bảo tàng nghệ thuật. 

Bức tranh này chính là câu trả lời cho câu hỏi: “Lợi ích của việc học mỹ thuật là gì nếu nó không đảm bảo cho việc kiếm sống sau này?” trong [Blue Period], trang 103. 


“APPLES AND ORANGES” / PAUL CEZANNE

“Apples and Oranges” của Paul Cezanne
(C) wikimedia

Những quả táo làm thay đổi cả thế giới 

Không có nhiều mối liên hệ trực tiếp khi sử dụng “Apples and Oranges” cho việc mở đầu chương 3 của truyện, nhưng nếu tìm hiểu về cuộc đời của Paul Cezanne bạn sẽ bất ngờ các dấu hiện với những điều sắp sửa xảy ra cho nhân vật với nhân vật chính. 

Paul Cezanne rất nỗ lực để học tập theo học tại một trường mỹ thuật nổi tiếng, nâng cao trình độ bằng cách sao chép những bức tranh nổi tiếng tại phòng triển lãm gần nơi ông học tập. Khi theo đuổi trường phái ấn tượng ông đã nhận ra sự thiếu hụt khi trường phái chưa thật sự xem trọng kết cấu và bố cục của tác phẩm. Từ nhận định ông mang đến sự phối trộn trong những tác phẩm của mình, cấu trúc và hình ảnh, phối cảnh nội dung. 

Đến đây chắc bạn cũng nhận ra YAGUCHI Yatora có vài giao điểm với Paul. Từ một cậu nhóc mơ hồ về tương lai, không biết chọn trường đại học nào nhờ vào một bức tranh đúng mạch bắt đầu mơ về trường đại học chuyên về mỹ thuật. Cậu cũng được giáo viên hướng dẫn bắt đầu từ việc sao chép các bức tranh, cố gắng nhận ra tính hình khối chính, những thứ sẽ dẫn dắt người xem và làm tranh của bạn trở nên khác biệt. 


“GAUGUIN’S CHAIR” / VINCENT VAN GOGH

Ghế của Van Gogh
(C) wikipedia

Quả thật rất khó để nhận ra điểm tương đồng trong tác phẩm Ghế của Van Gogh với bức reference [Blue Period]. Tranh của Van Gogh chỉ có một cái ghế đơn còn tranh của thêm nhân vật đang ngồi vuốt con mèo. Dù ngày nay những tác phẩm của Van Gogh khá nổi tiếng, giá tranh tại các phòng đấu giá, bảo tàng nghệ thuật luôn ở một mức giá trong mơ. Sức ảnh hưởng của những bức tranh Van Gogh nhiều đến mức kể cả khi bạn không quan tâm đến hội họa thì các bức tranh của ông vẫn để lại ấn tượng mạnh trong bạn. Đáng buồn là vào thời điểm Van Gogh sống, tranh ông không thành công về mặt thương mại, ông được xem như một kẻ thất bại, phải vật lộn với cảnh nghèo đói và chết ở tuổi 37. 

Phủ nhận sự tồn tại của một chiếc ghế bởi hình ảnh một nhân vật “thiên tài” giúp bức reference [Blue Period] mang nhiều hàm nghĩa đáng suy ngẫm. 


“THE TAPESTRY WEAVER” / DIEGO VELAZQUEZ

Không khó để nhận ra mối liên hệ giữa 2 bức tranh, khi lễ hội đang bắt đầu và câu lạc bộ mỹ thuật đang bận rộn trang trí cổng lễ hội bằng những cuộn len. Khi nhìn vào bức tranh này thì mình nghĩ đến tương lai đầy bất ổn, rối rắm của các bạn học sinh đang không biết chọn trường đại học nào hơn là bức tranh của DIEGO VELAZQUEZ. Nếu bạn có xem qua một số thần thoại Bắc Âu thì 3 nữ thần vận mệnh dùng các cuộn chỉ vàng để tượng trưng cho cuộc sống của vạn vật. 


NHỮNG BỨC TRANH KHÁC 

Vì [Blue Period] là một một manga đào sâu về hội họa nên bạn sẽ bắt gặp nhiều bức tranh được reference tập trung ở các trang mở đầu chapter. Chúng mình chỉ giới thiệu một vài bức tranh tiêu biểu, cũng như một số nét liên quan tổng hợp từ thông tin trên wiki.

Ngoài các danh họa thì truyện cũng sử dụng rất nhiều tranh của các tác giả khác nhau (mỗi bức tranh đều có chú thích tên tác giả, phần cảm ơn). Việc sử dụng nhiều nguồn tranh khác nhau nhằm giúp tác giả thể hiện phong cách cá nhân của từng nhân vật. Đối với YAMAGUCHI, nhân vật chính, nhiều họa sĩ khác nhau cùng tham gia vào việc xây dựng quá trình học vẽ của cậu, để dù là người trong nghề bạn cũng sẽ đồng ý là nhân vật này đang tiến bộ từng ngày. Chính sự cầu thị, minh bạch trong xây dựng nhân vật đã mang đến một cảm giác rất trân trọng tác quyền, sự sáng tạo riêng của từng cá nhân, không qua loa lấy lệ. 


KẾT

Sự đầu tư trong sáng tác để mang đến cho người đọc một cảm nhận trọn vẹn sự đa dạng, tinh tế trong nghệ thuật hội họa từ đó giúp bạn cảm nhận được niềm vui, bất ngờ khi gặp một bức tranh quen thuộc hay muốn cầm cọ lên và vẽ ngay một bầu trời màu xanh của riêng mình. Hoặc đơn giản chỉ là niềm ngắm những bức tranh đẹp đang chờ đợi trong trang truyện làm bùng nổ thị giác người đọc. Những cảm xúc này có lẽ là thứ màu sắc lôi cuốn nhất mà thế giới [Blue Period] của tác giả YAMAGUCHI Tsubasa tạo ra. 

MỘT SỐ BỨC TRANH XUẤT HIỆN TRONG [BLUE PERIOD]

STT TRANG TẬP  TÊN BỨC TRANH HỌA SĨ
1 3 1 THE BLUE ROOM PICASSO
2 63 1 SELF-PORTRAIT TSUGUHARU FOUJITA
3 113 1 APPLES AND ORANGES PAUL CEZANNE
4 165 1 GAUGUIN’S CHAIR VINCENT VAN GOGH
5 4 2 THE TAPESTRY WEAVER TAPESTRY WEAVER
6 49 2 SUMMER  GIUSEPPE ARCIMBOLDO
7 96-97 2 A BAR AT THE FOLIES BERGÈRE ÉDOUARD MANET

Bài viết có sử dụng tham khảo từ Jenn Ryokucha cùng các trang Fanpage Blue Period khác.

error: Chú ý: Vui lòng không sao chép!!