Home Chuyên Đề TBQ Đến Nhật Chơi 【THÚ VỊ QUANH TA】20 biểu tượng may mắn tại Nhật Bản

【THÚ VỊ QUANH TA】20 biểu tượng may mắn tại Nhật Bản

146 views
Nhật Bản rất thích các vật cầu may – dễ hiểu thôi nếu bạn sống ở một đất nước có lịch sử chiến tranh tàn khốc, động đất, cháy rừng, sóng thần, bão tố, thất mùa, bệnh dịch, và thi thoảng còn có núi lửa phun nữa. Những vật cầu may mắn là một điểm thú vị của văn hoá Nhật, sau đây là một vài ví dụ điển hình đã trở văn hoá và truyền thống của cả những người không mê tín.

1. Daruma

Daruma là những con búp bê làm bằng giấy bồi, lấy hình ảnh của vị la hán thứ 6 là Bồ Đề Đạt Ma. Khi mua về, Daruma không có mắt; bạn sẽ đặt ra một mục tiêu cho bản thân rồi vẽ một mắt, sau đó vẽ con mắt còn lại khi mục tiêu đã hoàn thành.

2. Teru Teru Bozu

Teru Teru Bozu đơn giản là những con búp bê làm từ vải trắng hoặc giấy. Người ta tin rằng nếu bạn treo chúng theo chiều đứng thì ngày hôm sau thời tiết sẽ tốt đẹp, ngược lại, nếu bạn treo chúng ngược đầu thì chúng sẽ làm trời mưa. Trẻ em hay treo Teru Teru Bozu vào đêm trước các chuyến dã ngoại với trường, đôi khi bọn trẻ treo ngược để mong trời mưa chuyến đi bị huỷ.

3. Omikuji

Source: luthor522

 

 

Omikuji là quẻ xăm được bán tại các đền chùa ở Nhật Bản. Gần một nửa các quẻ Omikuji là quẻ xấu. Nếu nhận quẻ xấu, bạn giải xui bằng cách cột vào góc được dành riêng tại chùa. Quẻ tốt thì hãy giữ bên mình trong vài tháng cho đến khi cảm thấy vậy may đã dùng hết.
Source: SkylineGTR

4. Ema

Ema là những miếng gỗ dùng để ghi điều ước, được bán tại các đền Thần giáo (Shinto). Chuyện này có liên quan đến một tập tục xưa là cúng ngựa cho đền, ngày xưa, việc cúng ngựa cho đền là một lễ vật phổ biến để cầu thần linh. Về sau, ngựa trở nên ít phổ biến, người dân thay vào đó là cúng những miếng gỗ vẽ hình con ngựa thay cho ngựa thật. Qua thời gian, các ngôi đền cải tiến hình vẽ, không chỉ là ngựa mà còn là những hình ảnh tôn giáo, phong cảnh bốn mùa, các nhân vật hài hước – miếng gỗ cũng được làm nhẹ hơn và gọn gàng hơn. Ema ra đời từ đó.
Bạn mua miếng ema tại đền, viết điều ước và treo lại đền. Người của đền sẽ đi thu thập ema thường xuyên và đốt để điều ước của bạn được lên tới thần linh.

5. Maneki Neko – Chiêu Miêu

Maneki Neko là một bùa may mắn dựa trên một truyện cổ Nhật Bản. Thoạt nhìn con mèo như đang vẫy tay, nhưng trong văn hoá Nhật Bản cổ đây là cử chỉ mời gọi. Có nhiều phiên bản của truyền thuyết này nhưng tất cả đều xoay quanh chuyện con mèo của một nhà sư đã cứu mạng vị lãnh chúa khỏi bị sét đánh. Vị lãnh chúa đứng trú mưa dưới gốc cây thì gặp con mèo ra cử chỉ như gọi ông đi theo mình. Ông vừa đi khỏi thì sét đánh xuống thiêu rụi chỗ ông vừa đứng. Cảm kích ơn cứu mạng của chú mèo, ông đã giúp nhà sư nghèo dựng đền và khi con mèo chết đi, tượng Maneki Neko đầu tiên được dựng lên để tưởng nhớ con vật thông minh này.

6. Ehomaki

Ehomaki là một truyền thống vào ngày Setsubun (Tiết phân), tạm dịch là “cuộn sushi có hướng may mắn”. Mọi người sẽ ăn nguyên một cuộn sushi dày không cắt ra trong im lặng, cùng đứng quay về một hướng may mắn của năm – hướng này mỗi năm mỗi khác. Ehomaki ban đầu là phong tục của Osaka, nhưng sau trở thành một điều thú vị và vui nhộn phải làm trong ngày Setsubun của cả nước Nhật.

7. Asa no Kumo (Nhện vào buổi sáng)

Theo quan niệm mê tín của người Nhật, nếu bạn thấy nhện vào sáng sớm, đó là điều may và đừng giết nó. Điều này có tí khó khăn vì Nhện của Nhật đôi khi rất lớn, nhanh và/hoặc có độc. Nhện xuất hiện trong vô số thần thoại của Nhật và thường rất được xem trọng. Người ta tin là nếu nhện sống tới 400 năm, nó sẽ thành tinh và có thể biến thành người.

8. Koinobori

Koinobori là cờ cá chép được treo vào tháng Tư để mừng ngày Thiếu nhi vào tháng Năm. Truyền thống này dựa trên quan niệm Trung Hoa về chuyện cá chép bơi ngược dòng để hoá thành rồng. Koinobori được xem như biểu tượng may mắn cho sức khoẻ của trẻ em. Hàng triệu koinobori được treo dọc hai bên bờ sông và trước nhà tại Nhật vào mùa xuân.

9. Tori no ichi

Tori no ichi (Lễ hội gà trống) là dịp để mọi người mua bán một cây cào được trang trí với những bùa may mắn, dựng lên vào ngày Dậu trong tháng 11. Đi mua cây cào may mắn là một truyền thống lâu đời của người Nhật, đặc biệt bạn có thể trả giá khi mua. Khi người bán và người mua chốt giá, hai bên sẽ thực hiện một nghi thức vỗ tay theo nhịp điệu gọi là tejime.
[youtube https://www.youtube.com/watch?v=DpfNpnstKaM]

10. Akabeko

Akabeko là một sản phẩm thủ công lâu đời của tỉnh Fukushima. Đây là món đồ chơi truyền thống dành cho trẻ con, được tin là có khả năng phòng trừ bệnh tật. Akabeko dựa trên câu chuyện về một con bò vào thế kỷ thứ 9 đã giúp xây dựng chùa Enzoji. Sau khi xây xong đền, con bò thành chánh quả và biến thành đá.

11. Senbazuru – Ngàn cánh hạc

Senbazuru là chuỗi 1000 con hạc giấy. Người ta tin là ai hoàn thành môt xâu chuỗi hạc này trong vòng một năm sẽ được ban cho 1 điều ước. Trong quan niệm của người Nhật, hạc là sinh vật huyền bí có thể sống đến 1000 năm.

12. Kurotamago – Trứng đen

Kurotamago, trứng đen, là những quả trứng được luộc tại thung lũng núi lửa Owakudani tại Hakone. Theo quan niệm địa phương, ăn một quả trứng đen sẽ tăng thêm 7 năm tuổi thọ, ăn hai quả sẽ tăng thêm 14 năm nhưng ăn 3 quả lại là điều không nên. Quan niệm này có khá nhiều dị bản, nhờ thế giúp bán vô số trứng đen cho khách du lịch.

13. Hatsuyume – Giấc mơ đầu năm

Dịp năm mới của người Nhật gắn liền với hàng tá món ăn, đồ trang trí và thờ cúng cầu may mắn. Ví dụ như giấc mơ đầu tiên trong năm, gọi là Hatsuyume, có ý nghĩa rất quan trọng. Bạn sẽ cực kỳ may mắn nếu mơ thấy trái cà tím, đại bàng hay núi Phú Sĩ.

14. Omamori

Omamori, nghĩa đen là ‘bảo vệ’, là những túi vải bên chứa lời chú hay chúc phúc, được may kín và bày bán ở các đền chùa tại Nhật. Omamori đa dạng về mẫu mã lẫn thể loại, từ chúc cho hôn nhân hạnh phúc đến học hành được điểm cao. Mở ra xem bên trong túi bùa là điều tối kị, được xem là rất xui xẻo.

15. Búp bên Hina Matsuri

Lễ hội Công chúa, hay là Ngày của bé gái, là dịp cầu chúc sức khoẻ và hạnh phúc cho trẻ em gái tại Nhật. Vài tuần trước Ngày bé gái, gia đình có con gái sẽ trưng bày những bộ búp bê được cho là đem lại may mắn. Vào thời xưa, người ta tin rằng điềm rủi và bệnh tật có thể chuyển từ trẻ em sang những con búp bê. Những con búp bê này sau đó được thả trôi sông hay thả ra biển. Tập tục này gọi là Thả búp bê, tuy ngày nay khá hiếm nhưng đôi khi vẫn còn diễn ra ở một số ngôi đền.

16. Kit Kat

Kit Kat là nhãn hiệu chocolate nổi tiếng tại Nhật, đã được sản xuất thành hơn 400 vị. Cụm từ Kit Kat là chữ viết tắt của cụm kitto katsu, nghĩa là “chắc chắn thắng”. Màu đỏ của bao bì Kit Kat góp phần vào sự may mắn vì màu đỏ được xem là màu của thành công tại Nhật. Chính vì vậy, Kit Kat là món quà thông dụng cho học sinh trước kỳ thi.

17. Shisa

Shisa là linh vật bảo hộ nửa chó, nửa sư tử trong thần thoại Okinawa. Bạn có thể thấy chúng khắp nơi tại Okinawa.
Shisa thường xuất hiện thành một cặp, một đực một cái. Thông thường, một con shisa sẽ mở miệng và con con lại ngậm miệng. Có nhiều giải thích cho chuyện này, lời giải thích phổ biến nhất là con shisa há miệng để hù doạ điềm rủi đi xa, và ngậm miệng để giữ lại điều may.
Shisa chịu ảnh hưởng rõ rệt của con sư tử Trung Quốc, tuy vậy những con shisa hiện đại mang nhiều màu sắc và hình dáng đáng yêu, hài hước hơn khi chúng trở thành biểu tượng của Okinawa.
Source: okinawatravelinfo.com

18. ShichiFukuJin (7 vị Phúc Thần)

Thất tiên là nhóm 7 vị Nhật Bản đến thăm các thành phố trên chiếc thuyền chứa đầy châu báu vào năm mới. Mỗi vị thần có một quyền năng ban phúc lành cho từng lĩnh vực khác nhau như tiền bạc, tình cảm, hạnh phúc hay đánh cá.

19. Okiagari Koboshi – Con lật đật

Source: fun-japan.jp

 

Okiagari Koboshi là con búp bê lật đật làm từ giấy bồi. Có nguồn gốc từ thế kỷ 14, chúng trở thành biểu tượng cho sự bền bỉ và hồi phục. Người mua sẽ so sánh xem con lật đật nào lật lại nhanh hơn, lật càng nhanh thì càng mang lại nhiều may mắn.

20. Fukusasa

Fukusasa là những cành tre được trang trí với bùa may mắn và bán cho người làm ăn vào tháng một. Khu chơ bán fukusasa lốn nhất là tại đền Imamiya Ebisu tại Osaka, thu hút khoảng 1 triệu người. Đền này có một số lượng Miko (vu nữ – người nữ giữ đền) đông đảo để trang trí các cành tre.
[Nguồn: Japan-talk]
RSS
Pinterest
fb-share-icon
FbMessenger