Home Chuyên Đề TBQ News Manga 【Ngẫm】[Nhà Trọ Nhất Khắc] hài nhạt … hay bộ truyện tình-cảm-nhất của Rumiko Takahashi?

【Ngẫm】[Nhà Trọ Nhất Khắc] hài nhạt … hay bộ truyện tình-cảm-nhất của Rumiko Takahashi?

TAKAHASHI Rumiko chắc chắn là một tượng đài trong làng truyện tranh ít nhất cũng trong vài thập kỉ nữa, dù bà là nữ tác gia nhưng lại chỉ vẽ shonen. Nhiều độc giả Việt Nam khi nghĩ đến sensei sẽ nhớ tới các tác phẩm như [Inuyasha], [Ranma1/2],… thế nhưng, bà vẫn còn một tác phẩm vô cùng giá trị đó là [Maison Ikkoku] | [Nhà Trọ Nhất Khắc] . 

730 views
TAKAHASHI Rumiko chắc chắn là một tượng đài trong làng truyện tranh ít nhất cũng trong vài thập kỉ nữa, dù bà là nữ tác gia nhưng lại chỉ vẽ shonen (truyện tranh dành cho đối tượng thiếu niên). Nhiều độc giả Việt Nam khi nghĩ đến sensei sẽ nhớ tới các tác phẩm như [Inuyasha], [Ranma1/2],… thế nhưng, bà vẫn còn một tác phẩm vô cùng giá trị đó là [Maison Ikkoku] | [Nhà Trọ Nhất Khắc] .

Ở Việt Nam, truyện của bà nổi nhất chắc là [Inuyasha] và [Ranma1/2]. Sự yêu mến của mình với những tác phẩm của bà cũng từ hai tác phẩm này. Không chỉ Việt Nam, mình nghĩ đối với độc giả thế giới, [Inuyasha] vẫn là một tác phẩm lớn tạo tiếng vang trên diện rộng và mang lại nhiều giá trị lâu dài về kinh tế cũng như tiếng tăm cho tác giả, vì đó gần như là tác phẩm duy nhất của TAKAHASHI Rumiko không lấy bối cảnh chính là thời hiện đại, lấy câu chuyện chiến đấu làm hướng đi và dùng những suy niệm về tâm linh, đạo giáo làm kim chỉ nam. Một tác phẩm đậm chất shonen, mang màu sắc chiêm nghiệm nghiêm túc nhưng vẫn không rơi mất sự tếu táo và bình tĩnh trong ngòi bút đã hình thành chất riêng của tác giả.

Image result for rumiko takahashiTAKAHASHI Rumiko cùng những tác phẩm làm nên tên tuổi của bà

Nhưng, nếu là một fan ruột của TAKAHASHI Rumiko, bạn sẽ dễ dàng tìm được những thông tin về [Maison Ikkoku] (vừa được xuất bản ở VN với tên [Nhà Trọ Nhất Khắc]) dưới danh nghĩa bộ truyện được các fan trung thành của Rumiko cho là hay nhất của bà.

[Nhà Trọ Nhất Khắc] được đăng tải lần đầu năm 1980 trên Big Spirit Comics, thuộc thể loại seinen, trong lúc [Urusei Yatsura] | [LUM] (cũng là một tượng đài của bà, thể loại shonen) đang được đăng trên Shonen Sunday. Có lẽ đây là thời kì sung sức nhất của bà khi vẽ hai bộ truyện dài kì cùng lúc với lượng nhân vật cực kì đồ sộ, có cùng thời điểm kết thúc vào năm 1987.

[LUM] được xem như một “kho tàng” về yêu quái và văn hoá dân gian cổ đại Nhật Bản được lồng trong những mẩu chuyện ờ thời hiện đại, với sự xuất hiện của cô gái người hành tinh diện bikini bên cạnh những con người ồn ào đa tính cách (cũng là nghĩa dịch của tên truyện). Bộ truyện từng được xuất bản vài năm trước ở Việt Nam nhưng không thành công lắm (trong khi [Inuyasha] tái bản bao lần vẫn bán tốt) vì người Việt cho rằng chất hài trong [LUM] không bằng [Ranma1/2]. Chính vì vậy mà khi [Nhà Trọ Nhất Khắc] được phát hành năm ngoái, mình đã nghĩ sớm muộn truyện cũng bị giảm bản in.

No photo description available. [LUM] – Tác phẩm nổi tiếng của sensei nhưng không thành công tại Việt Nam

[Nhà Trọ Nhất Khắc] là truyện mình thích nhất của Rumiko-sensei, ngay từ khi đọc chương được chương mất bằng tiếng Anh từ hồi nhỏ trên internet. Vì đây là bộ truyện tình-cảm nhất của bà. Trong [Inuyasha], tứ giác tình cảm của Kagome-Inuyasha-Kikyo-Nhện quỷ từng khiến nhiều người “múa bút”; trong [LUM] hay [Ranma1/2] lại là những hệ thống harem ồn ào xoay quanh nhân vật chính… Nhưng, gần như mọi tương tác tình cảm của các nhân vật được thể hiện rất nhẹ nhàng, dùng thời gian và thời lượng để họ yêu được nhau.

Duy chỉ trong [Nhà Trọ Nhất Khắc], nhân vật nam chính fall in love ngay từ cái nhìn đầu tiên với nữ chính, và cả bộ truyện về sau đều bám theo hướng này. Vẫn là những mẩu chuyện xoay quanh cuộc sống với những tình tiết rất đời thường, những tình huống hài hước tỉnh ruồi và những nhân vật không giống ai, thế nhưng sự lãng mạn luôn toả ra ở cuối mỗi chương truyện, một cách rất ấm áp khiến người ta muốn được yêu.

Related imageOtonashi Kyoko là chiếm trọn trái tim của nam chính ngay từ lần đầu gặp gỡ

Nếu như TORIYAMA Akira là bậc thầy của sự tưởng tượng và khái quát hoá những cái vĩ mô, ODA Eiichiro thấu hiểu đến cùng sự gắn kết của đồng đội và tính nhân văn, KISHIMOTO Masashi đầy chiêm nghiệm về tư tưởng và TOGASHI Yoshihiro là ông trùm đặt ra sự phản biện về cái thiện – ác thì TAKAHASHI Rumiko chính là đỉnh cao của sáng tạo nhân vật và xử lý tình huống. Ở đây mình không nói đến tạo hình, vì nó là lớp vỏ, thời gian rồi sẽ thay đổi.

Đỉnh cao trong những nhân vật của Rumiko chính là sự vững vàng trong việc định hình tính cách, hành vi và mục tiêu hành động. Trong bất cứ một kịch bản nào, dù là bằng chữ hay bằng hình, thì nhân vật luôn là yếu tố tối quan trọng để thúc đẩy câu chuyện đi tới. Vì sao kịch bản của phim Việt hay cả truyện Việt đều hay bị gãy gánh giữa đường, là vì nhân vật của chúng ta luôn thiếu động cơ và mục tiêu, hoặc mọi thứ được phác hoạ chứ chưa đi vào chi tiết. Các nhân vật trong truyện của Rumiko luôn có những dấu ấn cá nhân của bản thân lẫn tác giả, khiến cho mỗi người luôn khiến bạn nhớ đến gì đó trong hàng trăm nhân vật bà tạo ra và biết đó là “tạo phẩm” của bà. Một khi nhân vật đã tốt, khán giả sẽ dễ dàng bị “sụp hố” ở những tình huống quan trọng do tác giả sắp đặt, điều này là đặc điểm quen thuộc trong truyện của Rumiko và nó luôn tạo ra sự thú vị.

Related image

Hài hước bằng cách phá vỡ những nguyên tắc thông thường

Sự hài hước của Rumiko không phải từ những câu thoại hay những tạo hình quái dị, mà đến từ sự phá vỡ những nguyên tắc thông thường của tình huống, hoặc ngay cả những thứ bạn đã biết về nhân vật trước đó. Sự điên khùng tỉnh táo này mình nghĩ hiếm ai vượt qua được Rumiko. Đó là lý do lớn nhất làm nên thành công của [Nhà Trọ Nhất Khắc] nói riêng, hay các bộ khác nói chung.

Nếu bạn thích Rumiko qua [Inuyasha] hay [Ranma1/2] tức là bạn chỉ bị bà chinh phục qua sự cập nhật và biến chuyển của văn hoá đại chúng và sự trào lộng của thời đại, với những nhân vật gây hài tạo ấn tượng ngay từ bề nổi. Trong khi cái cốt lõi tạo nên đỉnh cao của Rumiko phải là cái chiêm nghiệm từ tốn và tỉnh táo mà thấy rõ nhất trong những tác phẩm cũ, thời kì mà người Nhật vẫn bị cho là kém hài hước. Sự duyên dáng của Rumiko gieo vào nhân vật của mình đôi khi khiến bạn cười ra nước mắt, cười thấm thía, cười chua cay… đủ mọi loại cười tạo ra đủ loại cảm xúc, đó mới là đỉnh cao của tấu hài.

Nói chung đối với mình thì [Nhà Trọ Nhất Khắc] giống như [Hý Kịch Chi Vương] của Châu Tinh Trì ấy, những tác phẩm tuy gắn mác hài-nhảm nhưng nó lại thấm nhuần sự trải nghiệm của những con người khẳng khái với bản thân mình và cuộc đời.


[Người viết: Huỳnh Đắc Thọ]

Truyen Ban Quyen
RSS
Pinterest
fb-share-icon
FbMessenger