Home Chuyên Đề TBQ Khác Chuyện Bên Lề 【CHUYÊN ĐỀ TBQ】Lịch sử phụ kiện của Manga

【CHUYÊN ĐỀ TBQ】Lịch sử phụ kiện của Manga

384 views

So với các nước khác thì phụ kiện nước ta còn khá khiêm tốn, chưa có bề dày lịch sử đáng kể. So với tốc độ phát triển chóng mặt của phụ kiện tiểu thuyết đam mỹ trong những năm gần đây thì phụ kiện manga vẫn còn đôi chút khiêm nhường. Nhưng đối với những ai là dân 8x – 9x thế hệ đầu, từng dõi theo từng bước tiến của thị trường manga, như tôi, thì lịch sử  “phụ kiện” của manga đã có một bước tiến rất dài, thần tốc, cực kỳ đáng để chúng ta tự hào.


Đi tìm một khái niệm cho phụ kiện manga?

Sổ tay [Vị Thần Lang Thang] từng là một phụ kiện hot
(C) Hình do Nam Kha chụp

Trong khuôn khổ của bài viết này, tôi chỉ đề cập đến phần nhỏ là những phụ kiện do nhà xuất bản phát hành chính thức tại Việt Nam. Không đề cập đến phụ kiện được đặt hàng chính hãng từ nước ngoài hoặc được in ấn riêng do fan hâm mộ tự làm. (Vì phụ kiện thật sự quá đa dạng, khó lòng bao quát được hết). Với bài viết này, tôi sẽ so sánh một số phụ kiện đã có mặt tại thị trường Việt Nam, sự thay đổi của chúng theo thời gian,… nhằm mang đến cho độc giả một bài so sánh tổng quát nhất.

Giờ thì chúng ta cùng bắt đầu nào!


Lịch phát hành sách – những “phụ kiện” đầu tiên

Lịch phát hành manga từng là một kênh thông tin đáng tin cậy đối với hầu hết những fan thuộc thế hệ đầu như tôi. Nhờ nó, tôi có thể biết được khi nào bộ truyện yêu thích của tôi sẽ được phát hành để nạp năng lượng (và túi xiền!) chờ thêm một tuần để ra quầy sách mua truyện. Lúc ấy internet chưa phát triển rộng rãi, các trang fanpage của nhà xuất bản cũng không thật sự là một kênh thông dụng đối với người dùng và việc các tựa truyện bị trễ lịch cũng hiếm xảy ra. Do đó, dù các quầy truyện có nhập tựa trễ hơn một chút so với lịch, độc giả vẫn có thể yên tâm tin tưởng vào lịch ra mắt được in trên lịch!

Lịch phát hành thời gian đầu được in hẳn ở bìa sau của truyện, màu mè xanh đỏ. Giờ nhìn lại có cảm giác nó “phèn” khó tả, nhưng đó là phần “tuổi thơ” trong tôi, nên đôi  lúc thấy hình ảnh những lịch phát hành như thế tôi lại bồi hồi. Về sau, khi các quy định về bản quyền “tràn” về Việt Nam, phần bìa sau phải được giữ nguyên như bản gốc, lịch phát hành được “dời chỗ” và in rời kẹp kèm sách. Nếu so với những tờ lịch bắt mắt của hiện tại, có người thiết kế riêng, đầu tư như hiện nay thì tờ lịch đơn giản khi xưa hẳn có phần kém sắc.

Từ 2 trang đơn giản đến LPH 4 trang siêu đẹp
(C) Hình do Nam Kha chụp

Với vẻ đẹp mới đó của lịch phát hành, nhiều người đã xem chúng như một vật để sưu tầm, nhiều bạn còn kỳ công đóng lại thành cuốn. Giờ đây, những tờ lịch phát hành năm xưa trở thành một kho báu mà độc giả có quyền tự hào về chúng, chẳng khác nào dân sưu tầm tem khi nói về bộ sưu tập của họ. Hẳn đến NXB cũng chưa từng nghĩ tờ lịch phát hành, vốn là thứ chỉ để quảng bá truyện tranh của họ, giờ đã mang một giá trị tinh thần lớn đến vậy đối với người đọc!


Postcard đa dạng không thể ngờ

Postcard bình thường chỉ là một tờ giấy ghi lời chúc yêu thương gửi đến người khác, gắn với những chuyến du lịch xa nhà của các phượt thủ. Gửi postcard với mặt trước là hình danh lam thắng cảnh nơi đã đến, mặt sau là vài dòng chữ báo bình an là điều mà hầu hết ai cũng nghĩ khi nói đến sản phẩm này. Nhưng với dân manga, postcard còn nhiều công dụng khác.

Ban đầu, postcard chỉ là tờ giấy mỏng như giấy quyến mà nhà TAbooks dùng để treo lên cây mai chúc tết với [Truyền Thuyết Băng Quỷ]. Rồi theo đà phát triển, chất lượng giấy đã được cải thiện, dày hơn và in sắc sảo hơn, cắt cạnh bo tròn, rồi đủ hình dạng không thể định nghĩa. Như postcard không giống postcard lắm của IPM trong [Đao Kiếm Loạn Vũ], rồi những sản phẩm đính kèm trong bản đặc biệt của [Death Note] mà để mua đủ 13 tập, đầy đủ phụ kiện là cả một nghệ thuật đầy tinh túy của người sưu tầm chứ chẳng phải chuyện đùa…

Quan trọng hơn là hình thức trao tặng postcard cũng dần thay đổi. Như trong Tập 1 của [Tiệm Trừ Yêu Kỳ Ảo], postcard là ảnh random của hai nhân vật, bạn chọn lấy anh nào hay mua cả hai anh về nhà cho ấm cúng? Những lựa chọn đó cũng giúp NXB Kim Đồng bán được nhiều sản phẩm hơn vì độc giả đều thích sưu tầm cho đủ bộ. Rồi tới postcard do một công ty khác tài trợ cho NXB như [Naruto] từng có postcard hình nhân vật mà nhiều fan còn bảo vui đó là sản phẩm tặng kèm gói bim bim.

Postcard đa dạng không thể ngờ
(C) Hình do Nam Kha chụp


Bookmark người anh em của postcard

Trong khi độc giả light novel quen thuộc với phụ kiện bookmark với công dụng đánh dấu trang đã đọc, thì độc giả manga chỉ mới làm quen với người bạn này thời gian gần đây. Và dĩ nhiên, dân manga chỉ giữ bookmark như một thứ để sưu tầm! Trở thành phụ kiện manga thì bookmark cũng phân thành nhiều thể loại lắm. Nếu bạn mua [FMA – Cang Giả Kim Thuật Sư] của NXB Kim Đồng, bạn nhất định sẽ có những bookmark siêu “sịn sò” đính kèm trong mỗi cuốn truyện – đây được gọi là bookmark trong, với các chi tiết màu nổi trên nền thay vì là trắng thì lại trong suốt. Còn nếu bạn thích [Barakamon] của IPM thì sẽ có loại bookmark bo theo hình nhân vật, được làm dựa theo bản phụ kiện phát hành ở Nhật.

Khả năng trong tương lai, nếu đi theo light novel, thị trường manga sẽ còn “tiếp nhận” thêm nhiều loại bookmark mới nữa như bookmark có ép sẵn plastic, bookmark bằng nhựa,…


Poster cuộc chiến khốc liệt trên mọi mặt trận

Đôi khi poster còn đáng giá hơn cả cuốn truyện
(C) Hình do Nam Kha chụp

Có thể nói Poster chính là niềm đau chôn dấu của con dân xa thành phố trung tâm và đây hẳn là chiêu thức PR gây đau lòng không ít độc giả. Nếu chỉ là tấm poster A4 nhiều nếp gấp được đính kèm trong mỗi cuốn truyện thì đó chỉ là chuyện thường, nhận hàng về mông má, độ hàng tí thì ngon lành. Còn nếu như nó tàn tạ quá mức cho phép thì chỉ còn biết tránh nhà phân phối, nhà vận chuyển hay trách trời, trách đất cũng phải im lặng bỏ qua.

Mọi việc dừng lại đây thì cũng không có gì đáng nói, nếu như không có hình thức: Poster phát riêng cho những người đến sớm. Trong đợt phát hành đầu tiên của Tập 1, poster đặc biệt khổ khủng sẽ dành cho những bạn xếp hàng sớm (có khi là từ 4, 5 giờ sáng). Cuộc chiến này có khi còn khốc liệt hơn cả những đợt giảm giá của ngày Black Friday ở Việt Nam. Thâm chí, càng trở nên đẫm máu như phim kinh dị Hollywood khi đó là  sản phẩm chỉ được tặng trong những đợt offline cả nước. Khi đó xếp hàng sớm không còn là yếu tố quyết định bạn có nhận được sản phẩm hay không mà còn là việc bạn phải có đủ may mắn để sở hữu sản phẩm!

Còn một sản phẩm gần họ hàng với poster vốn bình thường không được anh em ghiền manga đánh giá cao lắm – tờ poster quảng cáo tựa truyện mới, thì nay cùng với sự đầu tư của NXB đã trở thành món hàng hiếm, một con cưng của nhiều anh em sưu tầm. Việc có được một tờ poster quảng bá phát hành sách không chỉ thể hiện đẳng cấp sưu tầm, mà còn kèm theo là sự quen biết, là mối quan hệ rộng rãi, thậm chí cả chân trong tại các tiệm sách, các NXB. Bởi độ khó kiếm, khó mua mà poster phát hành truyện bây giờ như một báu vật khả ngộ bất khả cầu!

Những nếp gấp làm giảm giá trị của poster
(C) Hình do Nam Kha chụp


Khi những phụ kiện trở thành nhân vật chính

Từ hàng miễn phí thành hàng giới hạn
(C) Hình do Nam Kha chụp

Nhìn trước được thị trường, NXB Kim Đồng chính là đơn vị tiên phong khi đưa hào quang về phía phụ kiện bằng việc phát hành tạp chí [Manga Focus] và tặng kèm cho độc giả. Đây cũng là lần đầu tiên, thị trường manga biết đến một phụ kiện đi kèm chất đến vậy từ việc đầu tư nội dung bài viết bên trong, tới hình ảnh và tin tức giá trị. Với 4 số được phát hành, [Manga Focus] trở thành ấn phẩm đáng giá mà fan NXB Kim Đồng ai cũng muốn sở hữu đủ.

Bên cạnh đó, việc phụ kiện trở thành nhân vật chính của những ấn phẩm in nối bản cũng chẳng quá xa lạ với Cộng đồng manga như gần đây nhất là việc [Vị Thần Lang Thang] được in nối và tặng riêng, không xuất hiện ở lần phát hành đầu tiên cũng khiến nhiều fan phải móc hầu bao lần nữa! Thậm chí đến cả NXB Trẻ, “ông lớn chậm chạp” của thị trường manga cũng phải đưa phụ kiện vào cho những ấn phẩm mới nhất để PR và mong tăng bản in.


Phụ kiện vẫn còn nhiều chuyện để kể….

Sở hữu phụ kiện nếu như không thể đi đường chính đạo thì chỉ còn cách đi đường tắt. Truyện bản quyền – TBQ cũng từng có một bài viết đề cập đến sự biến tướng không đẹp này, nhưng đáng tiếc đó là một thực tế khó tránh khỏi! Đứng về phía nhà phát hành có thể đó là một dấu hiệu đáng mừng khi sản phẩm làm ra được đón nhận. Nhưng việc nhiều bạn bỏ số tiền lớn để mua lại sản phẩm từ những buổi offline, như cuốn [Manga Focus], poster [Thanh Gươm Diệt Quỷ],… đã tạo cơ hội cho những người đầu cơ tích trữ, khiến những món phụ kiện dễ kiếm giờ đây trở thành món hàng phải săn lùng.

Và tất nhiên, không phải tay buôn nào cũng có lòng “nghĩ hiệp”! Nếu người mua sở hữu hàng chính hãng, hàng bản quyền thì là việc của đam mê, còn nếu “mua nhầm” thì đó là việc của sự lừa gạt đau lòng, một vấn đề vi phạm trắng trợn đòi hỏi sự tỉnh táo, quyết liệt của người mua hàng.


KẾT

Theo tốc độ phát triển chóng mặt như hiện nay, phụ kiện giờ đây không chỉ là một món quà tặng kèm thông thường, mà dần trở thành một tiêu chí để độc giả móc hầu bao. Sẽ ngày càng có nhiều sự đa dạng hơn trong phụ kiện, cách phát hành phụ kiện cũng sẽ thay đổi nhiều chiều nhằm bắt kịp xu hướng thị trường và mang đến một sân chơi công bằng hơn cho người mua. Chúng ta không thể đòi hỏi việc người mua nào cũng có thể sở hữu phụ kiện, vì như thế không đúng với tính chất giới hạn. Nhưng một sân chơi công bằng cho người mua lẫn người bán là điều có thể có khi các đơn vị phát hành, nhà cung ứng vào cuộc cũng như có sự sáng suốt tỉnh táo của người mua.

Hi vọng trong tương lai, phụ kiện manga sẽ không bị biến chất để trở thành một thứ “đáng tiền” hơn cuốn truyện độc giả muốn đọc!

[Người viết: Nam Kha]

Nam Kha Tử
RSS
Pinterest
fb-share-icon
FbMessenger