Home Chuyên Đề TBQ News Anime-LiveAction Dòng chảy văn hóa Nhật Bản trong tác phẩm của SHINKAI Makoto tới [Khóa Chặt Cửa Nào Suzume]

Dòng chảy văn hóa Nhật Bản trong tác phẩm của SHINKAI Makoto tới [Khóa Chặt Cửa Nào Suzume]

43 views

Là tác phẩm mới nhất từ “phù thủy nỗi buồn” của nền công nghiệp anime Nhật Bản, cũng là bộ movie anime có doanh thu cao nhất tại thị trường Việt Nam trong năm 2023; [Khóa Chặt Cửa Nào Suzume] có sự kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa Nhật Bản mà đạo diễn Shinkai Makoto đã luôn ý thức gửi gắm vào mỗi tác phẩm, ngay từ những thước phim ngắn đầu tiên, cho đến các bộ phim điện ảnh của ông tới thời điểm hiện tại.


Đó là đất nước Nhật Bản với những chú mèo gắn liền với đời sống, cả phần tâm linh con người nơi đây. Là truyền thuyết về cõi “vĩnh hằng” nơi người đã khuất đặt chân đến. Là biểu tượng cánh cổng kết nối hai chiều không gian, hai bờ thế giới. Là những công việc gìn giữ văn hóa mang tính truyền đời. Là những vùng không gian văn hóa trải rộng theo từng bước đi, đặc biệt theo từng chặng chuyến tàu đưa con người với đủ mọi cung bậc cảm xúc, dẫu cô đơn vẫn luôn khao khát yêu và được yêu.

1. Từ mèo trắng Chobi đến “báo mèo” Daijin và mèo đen Sadaijin

Nhật Bản là đất nước của những chú mèo ú na ú nần. Và loài mèo, cứ vậy, bằng cách tự nhiên nhất, bước vào thế giới điện ảnh của đạo diễn SHINKAI Makoto.

Chú mèo trắng Chobi, Nàng đã đón về nuôi vào một ngày mưa trong thước phim ngắn tràn ngập hơi thở hiện thực của những ngày đầu SHINKAI Makoto bước chân vào nền công nghiệp anime, [Nàng Và Con Mèo Của Nàng]. Mèo trắng Chobi lần nữa “cameo” trong câu chuyện “xa cách” [5cm/s] khởi nguồn cho cái danh “phù thủy nỗi buồn” của vị đạo diễn này. Hay chú mèo vàng Mimi như người dẫn đường, đưa cô bé Asuna cùng người thầy Morisaki tiến sâu vào vùng đất cổ linh thiêng Agartha cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ ở gần trọn 116 phút [Những Đứa Trẻ Đuổi Theo Tinh Tú].

(Từ trên xuống dưới từ trái sang phải: Daijin và Sadaijin trong [Khóa Chặt Cửa Nào Suzume]; mèo Chobi và 2 bạn nhỏ Takaki và Akari trong [5cm/s]; mèo Mimi và cô bé Asuna trong [Những Đứa Trẻ Đuổi Theo Tinh Tú]) 

Nhưng đến [Khóa Chặt Cửa Nào Suzume], thay vì mang ý nghĩa “đồng hành” thuần túy như những bộ phim trước, “nhân vật” mèo được đạo diễn xây dựng, dễ thương đấy mà cũng “lạ lắm.” Bởi lần đầu tiên, ông tạo dựng song song hình ảnh hai chú mèo như hai trục đối xứng trên màn ảnh. Daijin trắng, Sadaijin đen. Daijin nhỏ nhắn, Sadaijin to lớn. Daijin tinh nghịch, có phần ương ngạnh, ích kỉ, nguyên nhân cho cuộc rượt đuổi vòng quanh nước Nhật với một chiếc ghế ba chân, Sadaijin trầm tính với sức mạnh cường hãn. Và cũng là lần đầu tiên, “mèo” trong phim SHINKAI Makoto o mang ý nghĩa tâm linh rõ ràng đến thế: hóa thân của yêu thạch trấn yểm thiên tai.

Có thể nói, với [Khóa Chặt Cửa Nào Suzume], “mèo” đã trở thành một dạng hình ảnh mang tính kế thừa, tiếp nối từ hình ảnh loài mèo trong văn hóa sinh hoạt đời sống Nhật Bản tới chính những thước phim của ông.

2/ Những truyền thuyết về cõi “vĩnh hằng”

Trước hết, cần phải khẳng định một điều rằng, [Khóa Chặt Cửa Nào Suzume] không phải tác phẩm đầu tiên đạo diễn SHINKAI Makoto tạo dựng một thế giới song song với thế giới thực tại, cõi “vĩnh hằng”.

Mà thế giới đó, đã xuất hiện trong truyền thuyết cổ Nhật Bản và được ông lấy cảm hứng để từng tạo nên cả một vùng “vĩnh hằng” nơi miền đất cổ xưa Agartha [Những Đứa Trẻ Đuổi Theo Tinh Tú] khao khát. Để rồi tới [Khóa Chặt Cửa Nào Suzume], thế giới ấy lần nữa trở lại, nhưng dưới dạng biểu hiện khác, cũng mang một ý nghĩa riêng biệt.

(Từ trên xuống dưới: [Những Đứa Trẻ Đuổi Theo Tinh Tú] và [Khóa Chặt Cửa Nào Suzume])

Bởi con người trong [Khóa Chặt Cửa Nào Suzume] không hướng tới “vĩnh hằng” để nhằm mục đích hồi sinh người chết. Người ta nhìn về mảnh đất xa xôi đó với tất cả hoài niệm, đớn đau, khát cầu níu giữ để rồi từ đau thương mà đứng dậy, hướng về tương lai.

“Vĩnh hằng” là nơi linh hồn người khuất trú ngụ cũng là biểu tượng cho những gì ngoài tầm với mà có lẽ, còn tượng trưng cho khởi nguồn hay sự luân hồi của con người giữa vũ trụ bao la này.

3/ Biểu tượng cánh cổng

Với một đạo diễn luôn ý thức truyền tải văn hóa Nhật Bản qua từng khung hình như ông, thì hình ảnh “cảnh cổng”, từ lâu cũng đã sớm trở thành một dạng biểu tượng văn hóa trở đi trở lại ở tác phẩm của ông.

Đó là hình ảnh rõ nét về chiếc cổng Torii trên đỉnh những bậc thang cao vút ngăn cách đất và trời xuất hiện đầy tinh tế trong [Đứa Con Của Thời Tiết]. Hay như vách đá, mặt nước đóng vai trò “cánh cổng” ngăn cách thế giới “ngoài kia” với thế giới trong lòng đất Agartha. Và đó còn là hiện hình “cánh cổng” xuất hiện nơi những vùng đất bỏ hoang mà giun đất khổng lồ thoát ra trong [Khóa Chặt Cửa Nào Suzume].

(Từ trên xuống dưới từ trái sang phải: [Những Đứa Trẻ Đuổi Theo Tinh Tú], Đứa con của thời tiết, Khóa chặt cửa nào Suzume)
(C) SHINKAI Makoto

Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa xuyên suốt của biểu tượng cánh cổng, thứ ngăn cách hai bờ thế giới, kết nối hai chiều không gian hư – thực. Thì “cổng” ở [Khóa Chặt Cửa Nào Suzume] còn mở ra chiều không gian thứ ba, không gian tâm tưởng về ngay chính quá khứ, cuộc sống đã từng tồn tại trên chính mảnh đất hoang vắng hiện tại. Vậy chẳng phải, “cổng” ở bộ phim này, còn mang ý nghĩa nối kết con người hiện thực với dạng thức vô hình trên tồn tại hữu hình – kí ức mặt đất hay sao?

4/ Những người giữ lửa và truyền lửa

Xây dựng cốt truyện trên cùng một đề tài – thiên tai, từ [Your Name] đến [Đứa Con Của Thời Tiết] và hiện tại là [Khóa Chặt Cửa Nào Suzume], đạo diễn đều khéo léo tạo dựng lên những nhân vật giữ lửa và truyền lửa văn hóa cho thế hệ sau. Gia đình Mitsuha tiếp quản thần xã Mizamizu và chính bà cô đã dẫn Taki tới để tìm chai Thánh tửu còn lưu lại một phần của Mitsuha sau thảm họa; từ đấy, mở ra sợi dây nối kết hai con người ở hai chiều không – thời gian khác nhau. Truyền thuyết về Vu nữ Thời tiết, đã được ông cụ trong căn phòng chứa đựng bức tranh huyền bí về rồng và cá bơi trên bầu trời, kể lại cho hai người phóng viên trẻ.

(Từ trên xuống dưới từ trái sang phải: [Khóa Chặt Cửa Nào Suzume], [Đứa Con Của Thời Tiết], [Your Name])
(C) SHINKAI Makoto

Để rồi, tới [Khóa Chặt Cửa Nào Suzume], người ông của chàng trai Munakata Souta, một bế sĩ đời trước, đã là người Suzume tìm tới trong thời khắc bế tắc nhất như níu giữ hi vọng, đưa Souta trở về.

Những người giữ lửa và truyền lửa đó, dẫu xuất hiện vào các hoàn cảnh khác nhau song đều gặp nhau ở điểm chung: hiểu rõ trách nhiệm của bản thân trong công việc thầm lặng gìn giữ “lửa” văn hóa cháy mãi. Nhưng gìn giữ không có nghĩa là cứng nhắc mà họ trân trọng, cũng như hi vọng vào chính thế hệ trẻ, là người sẽ tiếp nối sợi dây văn hóa họ gửi trao.

5/ Những vùng không gian văn hóa trải rộng

Khi theo dõi phim của đạo diễn SHINKAI Makoto, luôn có nhận định rằng, ông đã đưa khán giả đi du lịch vòng quanh nước Nhật trên những trường đoạn điện ảnh. Và điều đó, lần nữa được tái thể hiện trong [Khóa Chặt Cửa Nào Suzume].

Mỗi địa điểm Suzume và Souta đi qua, là cảnh, là người và rộng hơn, chính là hàng loạt vùng không gian văn hóa trải rộng vô cùng. Một vùng ven biển Miyazaki với khu nghỉ dưỡng suối nước nóng bỏ hoang. Một Ehime bao quanh là biển với món quýt đặc sản cùng văn hóa nhà trọ du lịch đặc trưng. Một thị trấn nhỏ với công viên giải trí bỏ hoang, với quán karaoke nhộn nhịp. Chuyến tàu tốc hành đưa người ta ngang qua núi Phú Sĩ. Tokyo sầm uất. Trên chiếc xe với list nhạc “hợp thời” của Serizawa, là cung đường dẫn tới vùng Tohoku cảnh đã dần trở lại sau thảm họa động đất, sóng thần năm nào…

(Từ trái sang phải: [5cm/s], [Khu Vườn Ngôn Từ], [Your Name], [Khóa Chặt Cửa Nào Suzume])
(C) SHINKAI Makoto

Tất thảy, từng khung hình, từng cảnh trên [Khóa Chặt Cửa Nào Suzume], đều là một nước Nhật đẹp tới nao lòng. Một vẻ đẹp, như chuyến tàu đã nối tiếp xuyên suốt sự nghiệp của SHINKAI Makoto, sau những [5cm/s] tới [Khu Vườn Ngôn Từ], [Your Name] tới [Đứa Con Của Thời Tiết]. Sự nối tiếp, tựa tính liên văn bản, khiến các tác phẩm của SHINKAI Makoto, dẫu là các bộ phim riêng lẻ, vẫn như có mối liên hệ với nhau trong mạch nguồn chung: Nhật Bản và con người nước Nhật.

6/ Con người Nhật Bản, cô đơn mà khao khát yêu và được yêu.

Vẫn luôn như vậy, con người nước Nhật cô đơn đã như một hiện hình quen thuộc của nghệ thuật xứ Phù Tang. Nỗi sầu cô đơn lưu truyền thế hệ, một thế hệ “khủng hoảng căn cước.”

Và tác phẩm của SHINKAI Makoto cũng không nằm ngoài cảm thức chung đấy. Những bộ phim do ông đạo diễn, dẫu là về lứa tuổi trưởng thành hay lứa tuổi thanh thiếu niên, ai cũng đều đơn độc. Nỗi khủng hoảng của người trưởng thành không tìm được chỗ đứng. Nỗi cô đơn của những đứa trẻ không thể tìm thấy tiếng nói chung. Những mất mát trong quá khứ làm người ta thu mình lại vào chiếc vỏ cô độc…

Con người ôm trọn đau đớn trong lòng tới mức khắc kỉ, cho tới ngày, cảm xúc không thể dồn nén. Như cách, Suzume gặp gỡ Souta, tựa cơn gió, thổi bùng lên trong lòng cô gái trẻ, nhiệt huyết tới mạnh mẽ. Như cách, dì Tamaki, đã quan tâm tới Suzume. Cả như cách, bé mèo Daijin, làm hết thảy mọi chuyện, chỉ vì bé “cô đơn”…

(Từ trái sang phải: [Nàng Và Con Mèo Của Nàng], [5cm/s], [Những Đứa Trẻ Đuổi Theo Tinh Tú], [Khu Vườn Ngôn Từ], [Your Name], [Khóa Chặt Cửa Nào Suzume])
(C) SHINKAI Makoto

Và chính sự không thể dồn nén ấy, là khát khao yêu và được yêu tới cháy bỏng của những con người đang sống hay tìm kiếm giá trị sự sống tới đớn đau. Mà đây, cũng là điều đã trở đi trở lại để tới [Khóa Chặt Cửa Nào Suzume] được đạo diễn SHINKAI Makoto lần nữa tái khẳng định, dù làm phim về xa cách, nỗi buồn hay thảm họa, điều ông hướng tới, vẫn mãi là tình yêu, mối liên kết giữa con người với con người dù khoảng cách thế hệ hay cách trở không thời gian có thể khiến người ta trong khoảnh khắc, khó để thấu hiểu, mở lòng.


KẾT

Lấy cảm hứng từ những sự kiện, con người, chi tiết rất đặc trưng của văn hóa, lịch sử Nhật Bản, [Khóa Chặt Cửa Nào Suzume], dẫu có thể khiến người xem chưa thỏa mãn ở khía cạnh này hay khía cạnh khác về mặt nội dung. Thì tới tận cùng, đây vẫn là một bộ phim rất SHINKAI Makoto. Và đạo diễn SHINKAI Makoto vẫn như thế, một lòng dùng điện ảnh để chuyển tải tình người cùng dòng chảy văn hóa xứ Phù Tang, tới khán giả.

RSS
Pinterest
fb-share-icon
FbMessenger