Home Review [Nàng Và Con Mèo Của Nàng] “chỗ đứng” cho con người giữa đời cô độc

[Nàng Và Con Mèo Của Nàng] “chỗ đứng” cho con người giữa đời cô độc

68 views

Một câu chuyện diễn ra qua 4 mùa trong một năm, giữa Miyu – “nàng” và Chobi – chú mèo hoang mà “nàng” cưu mang.


Được chuyển thể từ bộ phim ngắn cùng tên do SHINKAI Makoto sản xuất vảo năm 1999; nhưng lại ra đời sau bản tiểu thuyết viết năm 2013, nên có thể nói, cuốn manga [Nàng Và Con Mèo Của Nàng] vừa có sư cô đọng, gợi tả của bản anime trong quá khứ, vừa chứa đựng sự sâu sắc, rộng mở trong việc đi sâu hơn vào cuộc sống thường nhật của nàng cùng mối quan hệ giữa nàng và bé mèo Chobi.

Tuy nhiên lại không như bản tiểu thuyết mở rộng trường nhân vật, manga vẫn giữ nguyên tuyến nhân vật chính là nàng cùng mèo Chobi như nguyên tác. Vì vậy, cuốn truyện nhỏ 4 chương chảy trôi theo dòng thời gian 4 mùa xuân – hạ – thu – đông này, là dòng chảy cuộc sống hiện đại nhưng vẫn mang tính cá nhân hết sức rõ nét.

Cuộc sống trong một năm giữa người và mèo

Thật vậy, nếu để tóm tắt nội dung của manga [Nàng Và Con Mèo Của Nàng], có lẽ chỉ cần một câu là đủ rồi: Cuộc sống trong một năm của cô gái trẻ Miyu với con mèo của cô ấy.

Nhưng ẩn sau câu chuyện tưởng chừng quá đỗi đơn giản, thậm chí ngỡ rằng chẳng có gì để kể ấy, là tầng sâu ý nghĩa day dứt, đớn đau mà cũng rất mực êm dịu, tươi sáng. Như nhịp chảy thời gian, hết xuân, đến hạ, sang thu, đi vào tiết trời u ám mùa đông để đón chờ cơn gió ấm áp xuân về.

Bởi cuộc sống của một cô gái độc thân, dịu dàng nhưng khép kín cũng có lắm mối âu lo. Chuyện gia đình, chuyện công việc, chuyện bạn bè, chuyện sống như thế nào ở hiện tại và tiếp tục thế nào vào tương lai. Rồi từ chuyện đời sống sinh hoạt, làm việc một cá nhân mà độc giả như thấy bức tranh thu nhỏ của xã hội hiện đại hiện lên qua từng trang truyện. Nơi đó, người ta bị cuốn vào guồng quay cuộc đời, người ta đã cố gắng đến kiệt sức, đã cô đơn xiết bao khi chẳng thể tìm được tiếng nói chung giữa đời sống cuộn chảy.

Nhưng nhịp sống hiện đại vốn như vậy, chẳng đợi chờ ai, cũng tàn nhẫn và nghiệt ngã khôn cùng. Song con người, có thể lựa chọn cho bản thân tâm thế, cách sống như thế nào giữa dòng đời này. Để khi qua quãng thời gian khó nhọc, người ta có thể nhận ra, dù còn lắm khó khăn, thương tổn, cuộc sống vẫn đáng để ta tiếp tục gượng đứng dậy bằng tình yêu, khát khao sống tới cháy bỏng. Như cách Miyu đã cố gắng, kiên cường hòa nhập, dẫu trái tim cô như đã vụn vỡ giữa muôn vàn thương tổn.

Chuyển tải trọn vẹn cách kể của SHINKAI Makoto vào thời kỳ đầu sáng tác, nhịp truyện chậm rãi, mang nhiều sắc thái tả và gợi, điểm nhìn chuyển động linh hoạt giữa “nàng” và “con mèo”; manga thật sự nhẹ nhàng mà thấm thía. Ở đấy, vừa có nét dễ thương qua bóng hình những chú mèo đi lại nhưng hơn cả, là nét thâm trầm, trưởng thành được nhìn từ ánh mắt một con người từng trải như đã hiểu sâu sắc sự vận động của thời gian lẫn chân giá trị cuộc đời một kiếp người. Rằng giữa đời cô độc, người ta đôi khi chỉ khát cầu một chỗ đứng, một sự thừa nhận bên người họ yêu thương. Và người ta, gắng gượng đến kiệt sức, chính để được sống là chính mình.

(C) Hình do bạn Mọt Mọt chụp

Cuộc sống “chật hẹp” của “nàng”

Như đã nói, khác với bản tiểu thuyết ra đời vào năm 2013, tuyến nhân vật trong [Nàng Và Con Mèo Của Nàng] khá hẹp và gần như tương đương với tuyến nhân vật xuất hiện trong bản anime ngắn năm 1999: chỉ có hai nhân vật chính là nàng và chú mèo Chobi. Và có lẽ, chính bởi sự thu hẹp như vậy mà tác giả khắc họa sâu thêm được cá tính, nội tâm con người trong trang sách, nhất là cô gái trẻ Miyu.

Miyu – nàng, xinh đẹp, dịu dàng, luôn cười trước mọi hoàn cảnh, luôn kiên cường dù đơn độc đến đâu. Nhưng dường như vẻ ngoài nàng càng kiên cường thì nội tâm nàng lại càng trở nên mềm yếu. Cuộc sống của nàng luôn xoay quanh trục: công việc – căn hộ độc thân – người mẹ chỉ liên lạc qua điện thoại song như thế cũng đủ làm nàng chơ vơ, chới với, thậm chí là gục ngã trong nỗi cô độc mênh mang.

Nàng là một cá nhân có tên Miyu, là tạo tác riêng của SHINKAI Makoto. Nhưng bản thân nàng lại mang những nét rất đặc trưng của con người thời hiện đại. Đặc biệt trong cảm thức cô đơn, trống vắng, đứng giữa muôn người mà như chẳng tìm thấy vị trí mình đang ở đâu. Sự bất lực, nỗi buồn thăm thẳm tích tụ từ sự mệt mỏi trong nhịp sống đơn điệu mỗi ngày càng làm cái bóng nàng in hằn trên trang truyện thêm phần đơn thương.

Tựa như con người thời hiện đại, vẫn luôn kiếm tìm một chỗ đứng, quen biết rất nhiều mà tri kỉ thật sự để có thể gọi một cú điện thoại lúc khổ đau nhất, liệu được mấy ai. Miyu – nàng, trong manga [Nàng Và Con Mèo Của Nàng] không có số tuổi rõ ràng, đến công việc nàng đang làm cũng hết sức mơ hồ. Nàng là Miyu, và nàng cũng có thể là bất cứ ai, bất cứ bóng hình nào giữa cuộc sống này vẫn mãi mang nặng nỗi khủng hoảng “căn cước”, khủng hoảng “cái tôi” chẳng thoát.

Chú mèo Chobi, góc nhìn của toàn câu chuyện

Bên cạnh nàng, còn có một nhật vật khác cũng hết sức đặc biệt, chính là chú mèo Chobi. Gần như trọn vẹn câu chuyện được kể từ điểm nhìn của chú mèo một tuổi, xưng tôi ấy. Chobi được nàng cưu mang vào một ngày xuân mưa phủ trắng trời và chú đã yêu nàng bằng trọn vẹn cảm tình tựa một thứ tín ngưỡng vừa hồi đáp, vừa thương yêu, vừa cảm kích. Chobi ngây thơ, cũng rất mực tinh tế trong sự quan sát từng thay đổi, dù là nhỏ nhất nơi gương mặt, tâm hồn nàng lẫn cuộc sống bên ngoài đang xoay vần kia.

Có thể nói, chú mèo ấy như mang đôi mắt con người, dõi theo người con gái chú yêu thương cùng với đời sống bộn bề vẫn ngày ngày diễn ra xung quanh cô ấy. Chobi được nàng cưu mang, và tới lượt chú, cũng đã ở bên, cứu rỗi nàng vào thời khắc nàng đơn độc, khủng hoảng, bất lực nhất. Thứ tình cảm ấy, không nhất thiết phải nói rõ thành lời cho đối phương biết. Chỉ đơn thuần là luôn ở bên và xoa dịu trái tim khổ đau muốn trốn tránh tất thảy.

Từng cá nhân lướt qua khung tuyện 

Tuy nhiên, [Nàng Và Con Mèo Của Nàng] bản manga không đơn thuần chỉ có nàng và Chobi. Ở đây, ngoài cô mèo Mimi còn xuất hiện cả những cá nhân khác: mẹ Miyu, bạn thân Miyu cùng đồng nghiệp của nàng. Tất cả, góp phần hoàn thiện các mối quan hệ xã hội xung quanh cô gái trẻ có tên Miyu đấy. Và từng cá nhân, dù lướt qua ở vài khung truyện hay chỉ được biết tới qua những cuộc điện thoại không thấy bóng người; thì không ai là nhân vật thừa. Họ đều là những chủ thể có cá tính, đời sống riêng và là những mảnh ghép quan trọng làm nên cuộc sống cá nhân của Miyu nói riêng và cuộc sống muôn màu vẫn đang tiếp diễn nói chung.

Trọn một đời, con người kiếm tìm chỗ đứng. Nhưng khi khổ đau, người ta vẫn khát cầu một chỗ dựa.
(C) Hình do bạn Mọt Mọt chụp


VỀ NÉT VẼ

Một điều tôi thấy có phần hơi tiếc, là bản manga không giữ lại cách tạo dựng nhân vật như trong nguyên tác năm 1999 SHINKAI Makoto đã làm: Đó là hoàn toàn ẩn đi khuôn mặt “nàng”, xóa mờ tuyệt đối nhân dạng “nàng” để làm sâu sắc hơn tính phổ quát hình tượng của nàng trên trang sách.

Tuy nhiên, sau khi đọc qua 4 chương truyện, tôi lại nhận ra, việc khắc họa trọn vẹn hình ảnh “nàng”, có lẽ cũng là một dụng ý nghệ thuật riêng của YAMAGUCHI Tsubasa chăng? Khi nét vẽ của anh cực kì có hồn trong khía cạnh tái hiện từng biến đổi nhỏ trên gương mặt nhân vật. Ánh mắt nàng vô hồn mà ngập tràn vẻ đau đớn, nụ cười nàng mệt mỏi bất lực, cái nhíu mày làm những giọt nước mắt nàng tuôn rơi, đôi mắt nàng trùng xuống, nhu hòa…

Nụ cười của nàng đầy cam chịu, mệt mỏi và vô lực.
(C) Hình do bạn Mọt Mọt chụp

Ngoài ra, cũng không thể phủ nhận, họa sĩ YAMAGUCHI đặc biệt thấu hiểu, nắm bắt được cái hồn bằng một thái độ tôn trọng nguyên tác gần như tuyệt đối. Điều ấy, thể hiện rất rõ ở cách vẽ lên căn hộ Miyu sống. Cái ghế đổ nghiêng chỏng chơ, áo quần ngổn ngang, chiếc điện thoại lăn lóc dưới đất…

Mọi thứ, dưới nét vẽ của YAMAGUCHI Tsubasa đẹp tựa một tập catalog các tác phẩm nghệ thuật vừa chấm phá, vừa đặc tả. Phức tạp như chính nội tâm con người lẫn cuộc đời hiện đại vẫn chảy trôi mỗi ngày.


VỀ HÌNH THỨC

Xuất bản vào năm 2018, tới nay đã 3 năm trôi qua, nhưng cuốn truyện [Nàng Và Con Mèo Của Nàng] tôi đang sở hữu, giấy chỉ ngả màu theo thời gian mà gần như không xuất hiện những vết ố lốm đốm. Giấy xốp vẫn có hiện tượng xuyên thấu song với một cuốn truyện chỉ dày hơn 160 trang một chút, thì cầm trên tay vẫn không thấy quá mỏng manh.

Ngoài ra, hình thức truyện bám sát nguyên gốc nên bìa trong cuốn sách, nhà Kim cũng in đủ hai trang truyện phác thảo về cô họa sĩ trẻ Reina, chủ nhân của Mimi. Một nhân vật đã xuất hiện trong bản tiểu thuyết trước đấy.

Trang phác họa về cô họa sĩ trẻ Reina. Nếu muốn biết cụ thể câu chuyện về cô ấy, các bạn tìm đọc bản tiểu thuyết nhé!
(C) Hình do bạn Mọt Mọt chụp


VỀ DỊCH THUẬT

Cùng với hình thức, dịch thuật cũng là một điểm nhấn đáng quan tâm từ ấn phẩm này của NXB Kim. Có thể nói, gần như trọn vẹn sự thâm trầm, từng trải mà SHINKAI Makoto thể hiện trong [Nàng Và Con Mèo Của Nàng] đã được dịch giả Thu Hằng chuyển tải thành công lên trang truyện bằng những câu văn êm dịu, giàu chất thơ, chất nhạc.

Câu văn êm dịu mà nhức nhối, thấm thía.
(C) Hình do bạn Mọt Mọt chụp

Nếu bạn đang tìm kiếm một tác phẩm của SHINKAI Makoto để “nhâm nhi” trong một ngày mưa buồn Tháng 8 thì hãy thử [Nàng Và Con Mèo Của Nàng] bởi những dòng thoại, những khung tranh sẽ mang lại thứ cảm xúc mà bạn đang tìm kiếm.


KẾT

Tôi vẫn thường nói, có một SHINKAI Makoto cuốn hút độc giả bằng những câu chuyện quyện hòa giữa thực ảo hay những tác phẩm gắn với chữ tình kéo dài theo thời gian giữa những chàng trai, cô gái từ ngày họ còn rất trẻ. Nhưng cũng từng có một SHINKAI Makoto dịu dàng, trong trẻo vô ngần ở [Nàng Và Con Mèo Của Nàng], chỉ có tình người, tình yêu cuộc sống bàng bạc phủ trọn tác phẩm. Sự trong trẻo ấy, như một mạch ngầm đã đi cùng [Nàng Và Con Mèo Của Nàng] từ bản anime ngắn năm 1999, đến bản tiểu thuyết năm 2013; và hiện tại, là bản manga năm 2016.

Để bản thân tôi thêm một lần hoài vọng, mong mỏi, được thấy lại một SHINKAI Makoto giản dị, đời thường, thâm trầm, sâu sắc mà vẫn rất mực nghệ thuật như thế trong một tương lai không xa nào đó.

RSS
Pinterest
fb-share-icon
FbMessenger