Home Chuyên Đề TBQ News Manga [Tetsugaku Letra – Vũ Điệu Giày Đỏ] – Vũ điệu nối kết trái tim

[Tetsugaku Letra – Vũ Điệu Giày Đỏ] – Vũ điệu nối kết trái tim

116 views

[Tetsugaku Letra – Vũ Điệu Giày Đỏ] – Một tác phẩm đời thường đến từ tác giả SAHARA Mizu. Tương tự như các bộ truyện trước đó của tác giả Sahara, [Vũ Điệu Giày Đỏ] sẽ tiếp tục nối kết trái tim của bạn với các nhân vật trong truyện.


ĐÔI NÉT VỀ TÁC PHẨM

TBQ WIKI TÁC PHẨM

(C) SAHARA Mizu

  • Giới thiệu nội dung

Cuộc gặp gỡ tình cờ giữa cậu bé ICHINOSE Kimitaka, muốn vứt bỏ đôi giày bóng rổ màu đỏ có tia sét màu vàng và cô bé FUJIMOTO Takada, muốn vứt bỏ đôi giày múa Flamenco màu đỏ đã mở ra cả câu chuyện trầm lắng, ăn ắp tình yêu giữa những con người, những đứa trẻ đang ngày ngày tìm lại lẽ sống cùng niềm khao khát, được công nhận cái “tôi” trong cuộc sống còn lắm mâu thuẫn, khắc nghiệt, đau thương.


GIỚI THIỆU NHÂN VẬT

ICHINOSE Kimitaka (一ノ瀬 鉄宇)

Từng là một cầu thủ tài năng của đội bóng rổ thiếu nhi, khi lên cấp hai, ICHINOSE Kimitaka được bạn bè trong câu lạc bộ tin tưởng, nhờ cậy chỉ bảo, giúp đỡ rất nhiều. Tuy nhiên, với thân hình nhỏ con, chậm phát triển so với bạn bè đồng trang lứa, khả năng của cậu đã chững lại và nhanh chóng bị đồng đội vượt qua. Để rồi trong trận đấu 1 vs 1 nhằm giành một vị trí thi đấu chính thức, Kimitaka đã mắc sai lầm tai hại, khiến đối thủ chấn thương, bạn bè căm ghét, xa lánh. Ích kỷ, tự ti, hoảng sợ, cậu từ bỏ bóng rổ, trốn chạy.

Rồi cậu vô tình gặp gỡ FUJIMOTO Takada, nhận từ cô gái đôi giày nhảy Flamenco màu đỏ. Rồi cậu lên cấp 3, dần làm quen với những người bạn đồng cảnh. Rồi cậu đến với vũ điệu Flamenco với khát khao có đủ dũng khí sống cuộc đời của riêng bản thân, không hối tiếc mà đến đứng trước Takada, tự tin nhảy một vũ điệu trọn vẹn.

FUJIMOTO Takada (藤本 宝)

Cô gái mang niềm đam mê mãnh liệt với bộ môn nhảy Flamenco nhưng thân hình cao lớn, đôi chân quá khổ đã hạn chế Takada rất nhiều.

Để rồi khi cô muốn buông xuôi, FUJIMOTO Takada đã gặp gỡ Kimitaka, nhận từ cậu lời khuyên đến với bộ môn bóng rổ cùng đôi giày bóng rổ màu đỏ in hình tia chớp. Và đôi giày ấy, đã trở thành “bùa hộ mệnh” của Takada trong mọi buổi tập, trận đấu cô tham gia.

KIKUCHI Hana (菊池 英)

Bạn cùng lớp cấp ba với Kimitaka. Cậu từng là ngôi sao sáng trong đội hợp xướng bởi chất giọng cao, trong vắt trời cho. Nhưng khi trưởng thành, Hana bị vỡ giọng và từ đó, cậu không còn muốn cất tiếng hay có thể đứng trước đám đông nữa.

ICHIKAWA Tsubura (市川 円砢)

Bạn cùng lớp cấp ba với Kimitaka. Một anh chàng ú na ú nần mà dịu dàng, luôn nghĩ cho người khác. Sống chung dưới một mái nhà với người anh trai quá đỗi xuất sắc, đã khiến Tsubura chịu áp lực rất nhiều, từ đó, mà làm nên một Tsubura rụt rè nhưng bao dung như hiện tại.


VỀ NỘI DUNG

Là shounen thể thao nhưng lại trầm lắng với chất thơ bi thương

Là một bộ shounen – Thể thao (sport) nhưng đi kèm với tag Đời thường (slice of life) và Lãng mạn (romance) nên [Tetsugaku Letra – Vũ Điệu Giày Đỏ] thật sự rất khác biệt với khái niệm manga shounen mà nhiều bạn vẫn luôn ghim chặt trong tâm trí. Không hề có những trận đấu gay cấn đến nghẹt thở hay những plot twist khiến độc giả “đội mũ bảo hiểm” không kịp; [Tetsugaku Letra] vô cùng bình dị và hết sức trầm lắng trong nhịp truyện chậm rãi cùng không khí truyện lãng đãng, bảng lảng, dịu dàng đầy chất thơ, chất nhạc.

Thật vậy,

[Tetsugaku Letra] có một cốt truyện quá đỗi giản dị mà có lẽ, chỉ cần một câu thôi cũng đủ tóm tắt cả bộ truyện 27 chương này: “Cuộc sống thường nhật của những cô bé, cậu bé tuổi mới lớn.”

(C) SAHARA Mizu

Nhưng,

Ẩn sau nội dung tưởng chừng giản đơn ấy, là đời sống đầy phức tạp, mâu thuẫn mà những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn đấy ngày ngày phải trải qua. Đủ mọi mối quan hệ bạn bè, trường lớp, người thân, xã hội… đè nặng lên vai chúng. Đủ mọi xung đột, giằng xé giữa các mặt trong một cá nhân khiến những đứa trẻ vẫn còn quá non nớt về kinh nghiệm sống và yếu đuối về mặt tâm hồn như muốn gục ngã, buông xuôi tất thảy.

Khao khát được khẳng định bản thân, sở thích, yêu – ghét dần chìm vào bóng tối mặc cảm, tự ti, tội lỗi, bất lực, thất vọng cùng muôn vàn lời ác ý người ta cứ vậy thản nhiên nói ra mà chẳng ngại rằng, có thể khiến cho đối phương thương tổn đến thế nào… Trước thực tại ấy, những đứa trẻ đó quả thực đã trốn chạy và để mặc cho dòng thời gian cứ vậy chảy trôi.

Cho đến khi,

Chúng vô tình gặp nhau, quen biết nhau và nhận ra rằng, tâm hồn chúng được nối kết bởi sự đồng điệu, đồng cảm của những con người cùng chung cảnh ngộ, cùng chung nỗi sợ hãi, chẳng dám đối diện với cuộc đời.

(C) SAHARA Mizu

Cho đến khi,

Chúng được nối kết bởi hai đôi giày màu đỏ – một đôi giày bóng rổ nam và một đôi giày múa nữ. Chúng tìm thấy điểm giao thoa nơi giai điệu của tâm hồn – giai điệu Flamenco, được thể hiện qua từng bước nhảy của người vũ công.

Cho đến khi,

Chúng hiểu rằng chúng không cô đơn và bất cứ ai trên cuộc đời này, đều đã, đang gánh trên vai gánh nặng khổ đau, có lẽ chẳng thể nguôi ngoai mà người ta, chỉ có thể chấp nhận thương tổn mà dũng cảm tiến bước

27 chương truyện, không gay cấn, chẳng căng thẳng nhưng lại tràn ngập cung bậc cảm xúc từ bi quan đến hi vọng, tới thất vọng rồi lại lấp lánh niềm tin. Có thể nói chăng, [Tetsugaku Letra] là câu chuyện về những đứa trẻ, cả những con người đớn đau tới tận cùng mà cũng mạnh mẽ hơn bất kì ai.

[Tetsugaku Letra], giản dị, trầm lắng và buồn đến thế; mà sao chất thơ bàng bạc trải từng chương truyện, dẫu nhuốm màu bi thương nhưng lại chẳng hề bi lụy? Phải chăng, vì cái kết “happy ending” tác giả SAHARA Mizu tạo dựng hay hơn cả, là quá trình, mỗi con người, dù gục ngã và đã từng hèn nhát trốn chạy, thì cuối cùng, họ vẫn đứng dậy, trên chính đôi chân của mình bằng một cái tôi tỏa sáng nhất.


VỀ NHÂN VẬT

Những người yêu nhau, sẽ trở về bên nhau

Bằng biệt tài xây dựng cá tính, khắc họa nội tâm, đi sâu vào góc khuất tâm lý, từ đó phát hiện những biến chuyển tình cảm mong manh nhất trong tâm hồn con người, tác giả đã đưa [Tetsugaku Letra] trở thành một tác phẩm, dù không có hệ thống nhân vật quá mức đông đảo song mỗi cá nhân xuất hiện trên trang truyện đều là một cá tính đặc sắc, đầy riêng biệt. Và đặc biệt, mọi người đều gặp nhau ở điểm chung “thương tổn.”

Trước hết, với nội dung gần như xoay xung quanh đời sống thường nhật của những cô, cậu học trò tuổi mới lớn; nên không khó để nhận ra, đây cũng là nhóm nhân vật chính, trung tâm của toàn bộ 27 chương truyện. Tuy nhiên, những cô, cậu học trò trong [Tetsugaku Letra], lại như chẳng hề tận hưởng cái tuổi áo trắng mộng mơ, hồn nhiên. Mà ai, cũng mang nặng trong tâm thức nỗi mặc cảm thất bại thật không dễ dàng có thể vượt qua.

Từ mặc cảm mà thành tự ti, từ tự ti mà thành ám ảnh tội lỗi, có những chàng trai đã lẩn trốn mọi ánh nhìn người đời lẫn gắng sức từ bỏ chính bản thân. Hay từ tự ti mà thành sự đố kỵ, thù ghét giữa những cô bé, cậu bé có thể trước kia vốn đã từng rất thân quen.

(C) SAHARA Mizu

Những đứa trẻ, dần đánh mất cái tôi, chẳng thể hiểu chính mình và chẳng thể tìm được tiếng nói chung kể cả khi ở bên người chúng yêu thương. Những đứa trẻ tuổi dậy thì, mang tâm lý đầy bất ổn, khao khát rất nhiều mà cũng sợ hãi rất nhiều; chúng muốn được công nhận hơn bất cứ ai song cũng nhạy cảm hơn tất thảy. Nỗi nhạy cảm trong sáng nhưng chính vì quá đỗi trong trẻo mà lại càng dễ vụn vỡ khi đối diện, có thể chỉ là một ánh nhìn, lời nói lạnh nhạt, vô tình.

Nhưng tới tận cùng, những cô, cậu học trò trên trang sách của SAHARA-sensei dù khó khăn và tổn thương đến đâu chăng nữa, chúng vẫn chỉ là những đứa trẻ đang chập chững bước vào đời, chập chững khám phá bản thân và thế giới. Bởi thế, chúng buồn đau đó, song cũng rất dễ cảm thông cho nhau. Như cách ICHINOSE với FUJIMOTO đã luôn hướng tới nhau để có thêm động lực “chiến đấu”. Như cách bộ ba: Kimitaka – Hana – Tsubura gặp gỡ, làm thân rồi tạo thành một nhóm, cùng nhau đứng trên sân khấu, hòa chung nhịp đập trong vũ điệu Flamenco đầy sức sống. Tất cả, đều giản dị, tự nhiên như chính nhịp điệu cuộc sống, xáo động mà vẫn rất mực yên bình.

(C) SAHARA Mizu

Tuy nhiên,

[Tetsugaku Letra] đâu chỉ viết về riêng những đứa trẻ tuổi mới lớn ấy, mà câu chuyện còn hướng đến cả lứa tuổi trưởng thành. Những con người đã đi tới sườn dốc phía sau cuộc đời, tưởng chừng đau đớn cỡ nào cũng đã có thể chấp nhận mà lãng quên. Nhưng thực tình, lại chẳng thể quên lãng, nhất là khi, vẫn có những ánh mắt trong trẻo, khẩn thiết của “tuổi trẻ” mong được chỉ bảo, dẫn lối và công nhận.

Người trẻ, học hỏi được từ người lớn tuổi kinh nghiệm sống; người lớn tuổi, được nhiệt huyết của lớp trẻ thắp sáng lại niềm yêu sống đã ngủ sâu.

(C) SAHARA Mizu

Cứ vậy, mỗi người trong [Tetsugaku Letra] “tình cờ” gặp gỡ, “yêu” nhau và cùng vượt qua “thương tổn”. Chữ “yêu” đó, không chỉ mang nghĩa hẹp là tình yêu nam – nữ mà hơn cả, là tình yêu giữa người với người. Những ai, bất kể tuổi tác, đều mang nặng vết thương mặc cảm cùng ẩn ức sâu kín nơi tâm hồn. Những ai, vì “duyên” mà gặp gỡ, vì đau thương mà đồng cảm, khát khao mà lần nữa, đứng dậy sau mặc cảm, vấp ngã.


VỀ NÉT VẼ

Cái buồn man mác qua từng nét vẽ

Có lẽ, độc giả Việt Nam đã khá quen thuộc với nét vẽ phảng phất chất buồn man mác của tác giả qua cuốn truyện [Tiếng Gọi Từ Vì Sao Xa] hay bộ truyện [Con Gái Của Ba] được NXB Kim Đồng phát hành trước đây. Và lần nữa, người đọc sẽ được tái ngộ đặc trưng rất riêng thuộc về phong cách sáng tác đó của SAHARA-sensei qua bộ truyện 6 tập [Tetsugaku Letra].

(C) SAHARA Mizu

Tác giả “tỉa” kĩ đến cả phần vành tai nhân vật

(C) SAHARA Mizu

Nhân vật giấu mặt nhưng qua dáng ngồi, tương phản sáng tối cũng đủ thấy được sự “u ám” đè nặng nơi con người này.

(C) SAHARA Mizu

Quả thực, đó là một nét vẽ hết sức có hồn ở từng đường nét khắc họa tâm lý nhân vật qua các khung tranh, đặc biệt trong biểu cảm buồn, trầm tư, tâm trạng của mỗi cá nhân. Đẹp tới đớn đau, nao lòng. Và không thể phủ nhận, chính nét vẽ phảng phất buồn man mác như những bức tranh thủy mặc này mà tác giả SAHARA Mizu đã khắc sâu thêm chất trầm lắng cho câu chuyện bình dị nhưng cũng day dứt thương đau này.


KẾT

Không mang cốt truyện đồ sộ, tình tiết gay cấn, bất ngờ tới nghẹt thở; [Tetsugaku Letra – Vũ Điệu Giày Đỏ] cuốn hút bởi sự lắng đọng cảm xúc trên từng trang truyện tác giả SAHARA Mizu gợi lên.

Gửi những ai đã, đang, sẽ trải qua đớn đau, cay đắng của cuộc đời còn nhiều khoảnh khắc nghiệt ngã, rằng bạn chẳng hề cô đơn.

Vũ điệu giày đỏ, cụ thể, hữu hình vì đấy chính là vũ điệu Flamenco chàng trai ICHINOSE Kimitaka chinose đã tự tin nhảy trên đôi giày cao gót nữ màu đỏ hay vũ điệu trên sân bóng, FUJIMOTO Takada vẽ lên với đôi giày đỏ có tia chớp vàng cô coi như bùa hộ mệnh. Nhưng đồng thời, đó cũng là hình ảnh đầy tính biểu tượng cho vũ điệu nối kết tâm hồn, của những ai đồng cảnh, đồng cảm mà tương ngộ.

Người viết: Mọt Mọt

RSS
Pinterest
fb-share-icon
FbMessenger