Home Chuyên Đề TBQ News Manga Chất lượng của [Bên Dưới Cây Cầu Arakawa] – Cái tên ‘”lạ” có dịch thuật chất lượng!

Chất lượng của [Bên Dưới Cây Cầu Arakawa] – Cái tên ‘”lạ” có dịch thuật chất lượng!

13 views

Hãy cùng TBQ khám phá tác phẩm đã góp phần làm nên tên tuổi tác giả NAKAMURA Hikaru, để thấy rằng, bản Việt của bộ truyện này, thật sự xứng đáng có một vị trí trên giá sách độc giả yêu manga nhé! 

⚠️ Bài review sẽ chỉ đề cập đến phần hình thức, mĩ thuật, in ấn. Phần dịch thuật và nội dung sẽ được review trong những bài viết sắp tới của TBQ.


ĐÔI NÉT VỀ TÁC PHẨM

Nếu không bị “chỵ Cô-Vi” ngăn cản, thì bộ truyện [Bên Dưới Cây Cầu Arakawa] đã được NXB Kim Đồng ra mắt độc giả sớm hơn so với ngày ấn hành 18/10/2021 hiện tại. Thêm việc sau thời gian giãn cách dài ơi là dài, đứng trước lịch phát hành truyện dày đặc, hẳn không ít bạn đọc cũng “hoang mang” rằng, nên mua bộ truyện mang cái tên… có vẻ “là lạ”, “trầm trầm” này chăng?

Nhưng nếu bạn là một độc giả quan tâm tới dịch thuật, đang tìm kiếm một bộ truyện có nội dung lạ lùng thì đây sẽ là tác phẩm không thể bỏ qua!

  • Giới thiệu nội dung

Ngày nảy ngày nay, có thanh niên nọ, sinh ra đã ở vạch đích, đẹp trai lai láng và đúng chuẩn “con nhà người ta” trong truyền thuyết. Chỉ rằng, hơn 20 cuộc đời, thanh niên phải nhận sự giáo dục hà khắc để trở thành người thừa kế tiêu chuẩn, luôn sống, nêu cao nguyên tắc cha truyền con nối trong dòng họ: KHÔNG ĐƯỢC PHÉP MẮC NỢ BẤT KỲ AI.

Cho đến ngày, thanh niên gặp một cô gái “người trời” và đã mắc nợ cô ấy, chính mạng sống của bản thân.


TỔNG QUAN BÊN NGOÀI

BÌA NGOÀI

Có thể nói, trong các nhà xuất bản, phát hành manga tính tới thời điểm hiện tại, nhà Kim là nhà thường hay tìm tòi, làm mới để đưa đến cho độc giả, trước hết là phần bìa truyện được thiết kế phá cách, mới lạ, riêng biệt, ấn tượng nhất. Từ [Hikaru – Kỳ Thủ Cờ Vây] đến [Bleach] tới hiện tại, là [Bên Dưới Cây Cầu Arakawa].

Dấu ấn trong thiết kế bìa truyện

Với việc thiết kế, sắp xếp dòng chữ [Bên Dưới Cây Cầu Arakawa] uốn cong và đồng bộ với họa tiết sọc dọc của từng thanh nhịp cây cầu lẫn vùng bầu trời ở nửa trang bìa 1; mà vừa tạo nên sự thanh thoát cho bìa truyện, vừa gợi rằng thế giới chân cầu Arakawa, ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa, buộc độc giả phải đọc và hiểu. Chứ không đơn thuần chỉ là đọc, rồi lãng quên.

Truyện được thiết kế dưới dạng bìa rời, khổ truyện 13x18cm (cùng khổ với [Cậu Ma Nhà Xí Hanako], [Ran Và Thế Giới Tro Tàn], [Mob-Psycho 100], [Nyankees]…). Ngoài bìa 1 được thiết kế lại thì bìa 4, phần tai gập và bìa trong đều được giữ nguyên theo thiết kế gốc.

BÌA TRONG


Bìa trong 1, chuyện chiếc cà vạt độc quyền nhà Ichinomiya

Bìa trong 2, chuyện về món bánh quy độc quyền của Sơ

Trải rộng phần bìa áo, ta được một bức tranh hoàn chỉnh. Mà bạn để ý không, kể cả tranh ở bìa 4, các nhân vật không có “ngũ quan”, phải chăng cũng là dụng ý của tác giả NAKAMURA Hikaru?

Để khi trải phần bìa áo lên một mặt phẳng, dễ tạo cảm giác một bên là dưới chân cầu Arakawa lúc bình minh, một bên là cư dân vùng gầm cầu trong ráng đỏ hoàng hôn rực rỡ.

Postcard xinh xinh

QUÀ TẶNG KÈM 

Ngoài ra, ở Tập 1, NXB Kim Đồng còn tặng kèm độc giả một postcard xinh xinh, các bạn nhớ kiểm tra trước khi mua truyện nhé.


PHẦN RUỘT BÊN TRONG

CHẤT LƯỢNG IN ẤN VÀ GIẤY

Giấy, thật sự không thể phủ nhận đây là vấn đề khá… hên xui của các ấn phẩm, nhất là những ấn phẩm tầm trung, chỉ 30.000đ của NXB Kim Đồng.

Thấu trang khá rõ ở những trang nhiều khoảng trắng. Một điều khá đáng tiếc.

Và với một tác phẩm như [Bên Dưới Cây Cầu Arakawa], tác giả thường sử dụng nét vẽ khá tối giản, kết hợp nhiều khoảng trắng thì gần như, khuyết điểm của loại giấy nhà Kim dùng để in cuốn sách này, lại càng lộ rõ.

Nhưng bù lại, giấy ngả vàng nên cũng đỡ phần nào ảnh hưởng tới thị giác.

HIỆU ỨNG ÂM THANH (SFX)

Dù có giấy thấu nhưng phần ruột được vớt vát nhờ vào việc chế bản thể hiện sự “có tâm” trong việc redraw, xử lý sfx. 

Một trang truyện khá “thơ” trong [Bên Dưới Cây Cầu Arakawa]

DỊCH THUẬT VÀ BIÊN TẬP

Vì một trong những điểm mạnh khiến tôi nghĩ các bạn nên mua [Bên Dưới Cây Cầu Arakawa] chính là dịch thuật và biên tập, nên tôi sẽ nói luôn phần này trong 【REVIEW THÀNH PHẨM】này.

Thú thật, ngay khi nhìn thấy tên dịch giả: Liên Vũ xuất hiện khi zoom ảnh bộ truyện được nhà Kim đặt làm ảnh bìa fanpage trên Facebook, tôi đã yên tâm rất nhiều về chất lượng dịch thuật của tác phẩm này. Và quả thực, sau [Hunter x Hunter] hay [Black Clover], tôi nghĩ, [Bên Dưới Cây Cầu Arakawa] có thể xếp vào một trong những tác phẩm dịch hay nhất của dịch giả Liên Vũ nói riêng, của NXB Kim Đồng nói chung.

Khi cô gái “người giời” cảm ơn anh chàng quyết không nợ nần ai, chỉ vì một chuyện tưởng như nhỏ nhặt

Nét hài hước duyên dáng, vừa bắt kịp “xu thế” mà không trở nên lố bịch quyện hòa cùng sự nghiêm túc trong những khung tranh mang đậm sắc thái tình cảm, triết lý và sự biên tập chỉn chu, tỉ mỉ đã tạo nên tính đa thanh, linh hoạt và uyển chuyển, trọn vẹn cho ấn phẩm [Bên Dưới Cây Cầu Arakawa] “cộp mác” NXB Kim Đồng.

Góc bảo kê cư dân trong vùng

Bản thân anh là ai? Một câu hỏi vẫn luôn thật nhức nhối

Lý giải cái tên “Riku” về sau sẽ được dân cư dưới chân cầu Arakawa gọi ICHINOMIYA Ko

Không chỉ vậy, những dòng chú thích nhỏ xíu, giúp độc giả hiểu rõ hơn về tình tiết cùng bối cảnh câu chuyện diễn ra cũng là sự tinh tế cùng cái tâm của người dịch giả trước một tác phẩm mang “mác” seinen, vốn không phải thể loại “quen thuộc” khi độc giả nhắc đến tên: NXB Kim Đồng.

Phần ngoại truyện full màu

Đặc biệt, phần ngoại truyện, được in màu hoàn toàn, tạo nên những bức tranh đầy nghệ thuật. Và nội dung, là một bài thơ ý nghĩa được dịch với giọng điệu rất “thơ”, dịu dàng.


KẾT

Là tác phẩm có lẽ khá kén độc giả cả về thể loại, cốt truyện hay nét vẽ; nhưng thực tình, [Bên Dưới Cây Cầu Arakawa] đáng để độc giả một lần đọc và suy ngẫm.

Lần đầu đôi trẻ gặp nhau cũng “lãng mạn” lắm chớ bộ

Bởi phía sau mỗi câu chuyện tưởng chừng vụn vặt, hài hước, chẳng có cao trào ấy, là cả những vấn đề nhân sinh thiết thực đã “khơi dậy nhiều cuộc tranh luận ở Nhật Bản”. Một nước Nhật “hiện đại” nhưng “dưới cây cầu Arakawa”, vẫn tồn tại đó, một thế giới với những con người… “lạ lắm”, bị lãng quên.

RSS
Pinterest
fb-share-icon
FbMessenger